Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:14 (GMT +7)

Có một Đà Lạt thu nhỏ ở Sông Công

Quanh hồ nước trong xanh là rừng nối rừng chạy tít tắp. Đặc biệt là rừng thông 4 mùa vi vu cất lên tiếng gọi của đại ngàn cùng không khí mát lành mời mọc khiến du khách thảng thốt nhớ về một Đà Lạt mộng mơ. Đó là điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công). Từ năm 2023, hồ Ghềnh Chè được UBND tỉnh ban hành quyết định, công nhận Điểm du lịch cộng đồng và giao cho Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè tổ chức quản lý, khai thác phục vụ khách du lịch.

-Du khách trải nghiệm cùng nông dân xã Bình Sơn (TP. Sông Công).
Du khách trải nghiệm cùng nông dân xã Bình Sơn (TP. Sông Công).

Đang những ngày hè của năm con Rồng (2024), nắng gay gắt, song mưa cũng “nhiệt tình”. Cả vạt trời đằng Đông tối sầm lại vì mây đen. Rồi liên tục từng vệt sáng lóe, sấm sét thi nhau nổ rách giời. Và những vòi nước bắt đầu tuôn xối xả xuống vùng đất xã Bình Sơn và các vùng lân cận. Mưa làm cho những vạt rừng, nương chè và các khu đồng bừng tỉnh. Và mưa tiếp sức cho hồ Ghềnh Chè hồi sinh sức sống.

Đã có bao vãn khách về đây, ngắm hồ, nhìn rừng, bất chợt ưỡn ngực hít một hơi thật sâu rồi buột miệng: Vùng đất này thật đáng sống… Vâng! Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Bình Sơn một cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, con người sống hồn hậu, mến khách.

-Trải nghiệm chèo thuyền Sup, cơ hội cho các bạn trẻ gắn bó với nhau hơn.
Trải nghiệm chèo thuyền Sup, cơ hội cho các bạn trẻ gắn bó với nhau hơn.

Hồ Ghềnh Chè không chỉ là một công trình thuỷ lợi lớn của tỉnh, mà từ lâu hồ này còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Nhiều người về vãn cảnh nơi này đã trầm ngâm vẻ tiếc nuối: Sơn thuỷ hữu tình, cảnh đẹp đầy chất thơ, thực như một mỏ vàng lộ thiên phục vụ ngành du lịch phát triển mà chưa có nhà đầu tư nào biết đến.

Xin ngược dòng thời gian về những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, Ghềnh Chè chỉ là một dòng nước lành chạy dọc dưới khe rừng, chảy miên man mang theo những câu chuyện cổ tích buồn vì thiếu vắng bàn tay con người. Nhưng cũng từ những ngày hoang sơ, vắng vẻ ấy lại là năm tháng các nhà khảo sát, thiết kế của tỉnh “hoài thai” nên một công trình trữ nước lớn phục vụ lợi ích con người.

Cho đến bây giờ, những người cao niên ở xã Bình Sơn, nhất là các cụ già đang sinh sống tại các xóm bên hồ, gồm: Tân Sơn, Tiền Tiến, Khe Lim, Kim Long 2, Kim Long 1 và xóm Lát Đá đều nhớ như in ngày một vùng đất của Bình Sơn bừng tỉnh. Năm 1986, hàng trăm cán bộ, công nhân thuộc Công ty Gỗ Trụ Mỏ Đông Bắc (Bộ Công nghiệp cũ) đã về đây, với máy xúc, máy ủi, xe cơ giới làm nhiệm vụ ngăn đập, xây hồ. Sau gần nửa năm thi công, một bờ đập lớn, vạm vỡ lựa thế đồi đất vững chãi cắt ngang dòng nước. Mùa mưa xuống, nước từ các triền rừng phía thượng nguồn đổ về, ùn lại, dâng lên. Nước nhấn chìm tất cả những khu đất trũng phía dưới. Và giữa mặt nước trong như ngọc ấy có những ngọn đồi tròn trịa nhô cao, tạo thành các đảo lớn nhỏ. Hồ Ghềnh chè có tên trên bản đồ từ đó.

Du khách chấp hành an toàn khi tham gia đi du thuyền trên hồ.
Du khách chấp hành an toàn khi tham gia đi du thuyền trên hồ.

Trò chuyện với chúng tôi, một cán bộ Cụm Khai thác thủy lợi hồ Ghềnh Chè cho biết: Hồ có diện tích mặt nước rộng 80 ha, ở thời điểm lũ tối đa đạt 90 ha. Thời điểm cường lũ tối đa đạt dung tích toàn bộ khoảng 2,5 triệu mét khối, dung tích hữu ích đạt trên 2 triệu mét khối. Nước từ hồ này được sử dụng phục vụ tưới cho 350ha đất nông nghiệp 2 vụ của 14 xóm thuộc xã Bình Sơn… Thấy chúng tôi quan tâm, ông Nguyễn Văn Hoà, một cư dân địa phương bộc bạch: Hồ đẹp, ai đến một lần là mê mẩn. Cũng vì thế mà một số “đại gia” đã gác mộng thành phố, ôm tiền về đây mua đất xây dựng vi la, biệt thự, để mỗi năm có vài ba lần đưa người thân, bè bạn về nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Còn ông Trần Văn Trung, cũng là cư dân địa phương cho biết: Du khách biết đến hồ Ghềnh Chè từ năm 2000. Nhưng họ đi theo từng nhóm nhỏ. Họ đến và về trong ngày. Những năm gần đây, số khách đến vãn cảnh ở khu vực hồ ngày một nhiều, chủ yếu là thanh niên, đông nhất là học sinh, sinh viên rủ nhau về cắm trại, họp lớp.

Để tôi có cái nhìn bao quát hơn, ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Ghềnh Chè dẫn tôi đi theo trục đường mòn lên một đỉnh đồi cao. Tôi hăm hở bước dưới tán rừng thông mát dịu, nghe lá gieo cùng gió, nhìn sóng hồ vỗ về êm đềm thấy lòng nhẹ vơi gánh nặng áo cơm. Giữa cảnh “sơn - thủy hữu tình”, dốc cao, đường trơn nhưng không thấy mệt mỏi, một cảm giác thoải mái thường trực nên khi tới đỉnh đồi mà chân còn ham bước. Từ đây, phóng mắt nhìn vào miên man dài, rộng, thấy nước mềm như vòng tay một sơn nữ. Nước ôm lấy từng vạt đồi cao mà vỗ về, hò hẹn theo các mùa trong năm.

Một khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Cả một vùng đất rộng của xã Bình Sơn có rừng cây bao quanh hồ nước. Tất cả như một cỗ máy điều hòa khổng lồ, thời tiết ở đây luôn thấp hơn so với ngoài thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công khoảng 2 độ. Hơn thế, trong tiết trời mùa hè, dù nắng nồng oi đến mấy, thì khi bước dưới tán lá xanh, hoặc đi thuyền trên mặt hồ nước trong như bích ngọc, ai nấy đều cảm nhận có bàn tay mịn, mát xoa lên da thịt mà quên đi cái nắng, nóng trời hè.

Có nhiều trục đường dẫn vào điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, chẳng hạn: nếu đi từ trung tâm xã thì qua xóm Bá Vân vào; từ trung tâm thành phố Thái Nguyên có thể đi qua đường thuộc xóm Soi Vàng (Tân Cương) vào; còn từ thành phố Phổ Yên, thì qua xã Phúc Tân vào. Đường đi nào cũng thuận tiện vì các trục đường đã được bê tông hoá. Từ nhiều năm gần đây các tuyến đường vào hồ Ghệnh Chè đã được nhân dân địa phương hiến đất, mở rộng, Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông, việc đi lại của nhân dân, du khách càng trở nên thuận lợi.

Ông Hiệp cho biết thêm: Tháng 9 - 2019, HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè được thành lập, với 19 thành viên, trong đó có 10 thành viên chính thức tham gia làm du lịch cộng đồng. HTX tham gia kinh doanh các nhóm dịch vụ, gồm: Điều hành tour du lịch, dịch vụ hỗ trợ quảng bá, tổ chức tour du lịch, lưu trú, vận tải đường thủy nội địa. Bằng cách làm chân thành: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, các thành viên HTX đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Nhiều du khách không chỉ quay trở lại, mà còn rủ thêm người thân, bạn bè cùng đến tham quan, nghỉ ngơi, trải nghiệm. Nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách, HTX huy động vốn xây dựng ổn định các công trình thuộc hạ tầng cơ sở, đến nay các hạng mục như: Khu đón tiếp, bãi đỗ xe, nhà hàng ẩm thực, lưu trú cộng đồng, bến tàu đưa đón khách tham quan…. đã được thi công hoàn thiện. Ngoài phát triển du lịch, HTX chủ động đầu tư mở rộng quy mô, mô hình nuôi trồng thủy sản, với các loại cá thương phẩm: trắm, chép, diêu hồng và thực hiện nhân giống cá cảnh.

Rừng thông luôn diễn ra các hoạt động văn hoá do du khách tự tổ chức sinh hoạt.
Rừng thông luôn diễn ra các hoạt động văn hoá do du khách tự tổ chức sinh hoạt.

Một không gian thoáng đãng “cởi mở” bao tâm hồn thi sĩ. Bởi ở đây nhìn xuống mặt hồ thấy từng đàn cá thong dong bơi lượn; ngó ra bốn bề gặp thông reo cùng mùi nhựa hăng hắc thơm; nhìn ra hồ thấy hàng chục đảo nổi cùng các mỏm đất lớn nhô ra, tạo thành các bản đảo lớn (54 đảo và bán đảo). Đang mùa mưa, nước dâng lên, tràn qua bờ kè xả lũ. Một dòng thác nhân tạo đầy nước chảy trắng xoá, rồi hất ngược lên thành đường cong cầu vồng, xối xuống chân đập khiến nhiều du khách không cầm lòng, muốn ào xuống cho dòng nước mát lành gột rửa đi hơi nắng cùng bụi đường lấm lem trên da thịt. Có một sức hút kỳ lạ là trong lúc ngắm hồ vào buổi sớm hoặc lúc chiều buông hoàng hôn, có gì đó như thôi thúc, giục lòng, vội vào gặp nhân viên HTX làm du lịch ở đây để thuê thuyền. Đi đông thì thuê thuyền lớn chạy bằng sức máy. Áo phao cài đai chắc chắn, ngồi bên mạn thuyền nhẹ lướt trên mặt nước, thoả thuê ngắm màu nước xanh bích ngọc bao ôm lấy những bờ đảo xanh rì màu cây lá.

“Thủy trình” từ bờ bến HTX du lịch địa phương quản lý lên phía thượng nguồn hơn 7 km, du khách thỏa nhãn ngắm nhìn làng mạc, rừng cây và thấp thoáng các cần thủ lặng lẽ, kiên nhẫn săn tìm đàn cá dưới lòng hồ. Gặp trên “thủy trình” ấy bác nông dân chèo thuyền, đổ lờ bắt cá; cô gái hái củi trở về với nón lá che nghiêng, nụ cười giòn tươi với lữ khách phương xa. Nhiều bạn trẻ đang yêu chọn thuê thuyền Sup, loại thuyền thể thao nhưng ở đây không phải vì một cuộc đua tài, mà nam - nữ cùng chèo một con thuyền nhỏ với giấc mơ đi đến bến bờ hạnh phúc.

Trôi trên gợn sóng lăn tăn xô mạn thuyền, rồi cập bờ một hòn đảo nhỏ có cây phủ thành rừng, hoặc một đảo chè, đảo cây ăn quả để thả trại, câu cá, nấu ăn. Ai nấy phấn chấn, gặp nhau trên đảo mà như đã quen thân từ lâu. Chừng 3 năm nay, chủ yếu vào mùa hè, những đảo lớn nhỏ nổi nênh trên mặt hồ trở thành điểm hẹn họp lớp, họp khoá, hội đồng ngũ. Tóc trên đầu điểm bạc, gặp nhau tay bắt, mặt mừng cùng sống lại cái thời con trai con gái đỏ mặt vì những cảm xúc đầu đời. Nhưng có lẽ những khuôn mặt rạng tươi nhất tôi gặp ở hồ Ghềnh Chè vẫn là các bạn trẻ lên đảo để sống thử như “Rô bin sơn”. Một ngày thôi là đủ. Cả khách du lịch quốc tế đến đây cũng thích thú với thời gian trải nghiệm trên đảo. Nhất là đêm lửa trại, vừa đàn hát, khiêu vũ, uống rượu men lá với thịt lợn rừng quay chỉ thấy một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng.

Đông vui nhất là vào kỳ nghỉ cuối tuần, hoặc các kỳ nghỉ lễ trong năm. Khách ta, khách Tây tìm về tham quan, trải nghiệm. Tôi chắc chắn đây là một khu du lịch rất khác biệt so với các khu, điểm du lịch khác của tỉnh. Bởi ở đây du khách được sống gần gũi với thiên nhiên và được sống thoả mái hơn với chính mình. Lòng cũng mở rộng hơn và mê mải check-in cùng người thân. Rồi chợt nhận ra mình đã đói từ lúc nào, vội giục nhau chụm lại trước những món ẩm thực độc đáo chỉ Ghềnh Chè mới có.

Nhiều du khách nước ngoài thích thú với các hoạt động trải nghiệm ở hồ Ghềnh Chè.
Nhiều du khách nước ngoài thích thú với các hoạt động trải nghiệm ở hồ Ghềnh Chè.

Ẩm thực có nhiều món ngon độc lạ gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc bản địa, như cá quả kéo lên từ lòng hồ được tẩm bột chiên giòn; cá bống nấu canh chua; tôm sông chao giòn; thịt chân giò nộm; hoa ban nộm; thịt hấp lá tre ăn kèm với lá trà; thịt lợn rừng quay; thơm nhức mũi khiến người gặp bữa “tứa nước miếng” là món gà nướng Bình Sơn - món đã đạt chứng nhận tại Hội thi “Tinh hoa văn hóa ẩm thực” - do tỉnh Thái Nguyên tổ chức từ cuối năm 2022. Độc lạ, hấp dẫn vì các thức ẩm thực không chỉ mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương, mà hầu hết nguyên liệu chế biến được người dân bản địa nuôi trồng, không sử dụng hoá chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện bên hồ Ghềnh Chè có 2 cơ sở chuyên về ẩm thực, cùng lúc có thể đáp ứng nhu cầu của gần 200 thực khách. Một thú vị là trong thời gian tham quan, trải nghiệm tại hồ Ghềnh Chè, nhiều du khách chọn cách thưởng thức ẩm thực gần gũi với thiên nhiên, nên chọn đến với các mái nhà sàn bên hồ, hoặc lên các đảo nổi giữa lòng hồ, nổi lửa nướng cá, nướng thịt, hoặc luộc ngô, sắn… ăn những thức vừa quý tộc, lại rất đỗi bình dân mà giá cả hợp với túi tiền. Đương nhiên, các cuộc vui đều có sự hỗ trợ của nhân viên HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè về việc chuẩn bị các thức món theo yêu cầu thực khách.

Một ngày đến hồ Ghềnh Chè, cảnh ấy, nụ cười ấy theo về cả trong giấc ngủ. Để một sớm mai thức dậy, lòng luyến nhớ vị ngọt lành bát chè tươi của sơn nữ bên hồ. Nhớ hương vị của các món ẩm thực độc đáo của mẹ thiên nhiên ban tặng cho Bình Sơn - một Đà Lạt thu nhỏ của thành phố Sông Công, với hồ nước mộng mơ và một rừng thông từng có nhiều bạn trẻ làm nơi hẹn hò.

Phạm Ngọc Chuẩn

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy