Có một chiều nghe hát bên sông
Hơn 20 năm rời làng, tôi đã mang dòng sông ấy ra đi. Tôi đã đến những miền đất mới, gặp gỡ rất nhiều những con sông, hoặc ghềnh thác réo sôi giữa non ngàn, hoặc la đà, giăng rải lụa là giữa mênh mang châu thổ. Và thực tế là, chưa khi nào những con sóng sông quê thôi vỗ nhịp trong lòng, càng gặp một con sông lạ, tôi càng da diết nhớ dòng sông thời ấu nhỏ.
Người quê tôi gọi sông là “sông Cái” hoặc “sông Mẹ”. Những đứa con của dòng sông Mẹ, hết thế hệ nọ đến thế hệ kia, thường là khi biết ăn làm sẽ rời làng. Dòng sông, đồng đất quê nhà đủ cưu mang, dưỡng bọc, nhưng những đứa con vẫn ra đi. Dường như, muôn triệu con sóng miết mải hướng về biển, cả những cơn gió thổi dọc sông đã làm nên cái chất thiên di phiêu bồng trong hồn những đứa trẻ làng. Đã biết bao lớp người ra đi, người nên công trạng, hiển đạt vinh hoa, cũng có người về làng tay trắng bẽ bàng. Thế nhưng, dòng sông Mẹ vẫn yên lặng đợi chờ, bao dung, ru rín những phận người.
Mỗi khi có dịp về làng, tôi thường dắt đàn con ra sông. Bọn trẻ vừa lo sợ, vừa thích thú trước một con sông thật rộng dài, ăm ắp nước. Với chúng, những con sông trong sách vở, trên ti vi hay kênh Youtube,... khác lạ, xa vời với dòng sông hiển hiện trước mặt. Chúng không thể tưởng tượng được tôi, cậu bé hơn 10 tuổi của 30 năm về trước, đã cùng đám bạn chăn trâu vượt qua con sông này. Năm cậu bé thi nhau bơi từ bờ Nam sang bờ Bắc, mà giải thưởng chỉ là bắp ngô nướng của đứa con gái xinh nhất trong đám bạn.
Cuộc thi bơi ấy từng trở thành sự kiện chấn động của làng, làm nên một giai thoại cho đám trẻ chăn trâu kể cho nhau nghe trong suốt nhiều năm. Là con của sông, chúng tôi đều giỏi bơi lội từ bé, nhưng vượt một quãng sông hơn 100 mét, thì chỉ đám thanh niên mười tám, đôi mươi mới dám làm. Tôi đã kể chuyện này cho ba đứa con của mình, chúng tròn mắt nhìn tôi với vẻ ngờ vực. Nhưng khi tôi nói, trước dòng sông quê, bố chưa khi nào không thành thật. Hai đứa con lớn xem chừng hiểu chuyện, chúng ngồi lặng yên ngắm sông và nghe tôi kể tiếp. Đứa út thi thoảng thấy một con chim chao liệng hoặc vài con sóng duềnh lên lại khanh khách cười. Tiếng cười như những viên bi ve trong suốt của tuổi thơ tôi rớt xuống sông năm nào.
Mấy tháng trước, trong một ngày hè nắng cháy, bạn tôi về làng sau 31 năm gia đình bạn tha phương. Trước ngày bạn về hai tuần, chúng tôi đã lập nhóm zalo, trao đổi tưng bừng như chuẩn bị họp lớp, và hình như chúng tôi cùng đếm ngược. Rồi ngày bạn về cũng đến, chúng tôi quây lấy bạn, những cái nắm tay, những vòng ôm thật chặt và hình như cả những giọt nước mắt. Bạn vừa trải qua một biến cố lớn nhất trong đời, hơn năm trước, chồng bạn ra đi sau vụ tai nạn, để lại người vợ còn xuân sắc, cha mẹ già và hai đứa con thơ. Nhưng bạn tôi đã vực dậy, để đi tiếp những ngày tháng chênh chao, hao khuyết của đời mình.
Cẩn thận, tinh tế và đầy kiêu hãnh nên bạn đã nhắn trước cho tôi và vài người bạn thân thiết rằng đừng nói gì với các bạn khác về biến cố mà bạn mới trải qua. Buổi chiều hôm ấy, sau tiệc liên hoan đón bạn, chúng tôi chở nhau ra bờ sông. Dòng sông quê mùa nước đầy trải ra trước mắt chúng tôi mênh mang những kỷ niệm. Tôi đã nhắc đến bắp ngô nướng, giải thưởng năm nào. Bạn đỏ mặt, ngượng nghịu: “Ngày ấy, bọn mình đều dại dột. Nói dại, các ông mà làm sao thì...”. “Thế mà khi chúng tôi sang được bên này thì giải thưởng đã bị... chén sạch. Ức muốn khóc...”. Bạn cười, rồi tất cả chúng tôi cùng cười, những tiếng cười giòn tan, không chút bụi lụy phiền, như 30 năm về trước, như chưa có những tháng này được mất, đắp đổi, hao khuyết đã qua.
Tiệc rượu lại được trải ra ngay bên mép nước, ai đó đã rót cả một bình rượu xuống sông. Chúng tôi muốn mời những người bạn đã ra đi mãi mãi, cả những người còn bận áo cơm phiêu dạt không về tụ họp được. Và chúng tôi hát, hát về một quãng đời tuổi trẻ, về dòng sông Mẹ, về tình yêu và những điều đẹp đẽ nhất trên thế gian. Chúng tôi đã có một ngày trọn vẹn cho nhau, cho người trở về. Cuộc gặp gỡ tan rồi, thi thoảng ai đó lại post một tấm ảnh lên nhóm. Có một hôm, bạn tôi nhắn: “Các ông, các bà cứ post ảnh thế này làm mắt tôi cay đấy”. Tôi hiểu, từ phương Nam xa xôi, bạn về quê đâu có dễ. Lòng tôi chùng lại, nôn nao về một cuộc hò hẹn bè bạn thật gần.
Chiều cuối năm, tôi về với sông Mẹ. Tôi lại đi tìm ngày cũ, tìm dấu chân, tiếng cười bạn bè tôi trên cát, trên sóng nước miên trôi. Và tôi đi tìm bác Năm, người lái đò năm cũ vẫn thường cho lũ trẻ trâu chúng tôi sang sông miễn phí. Hơn 60 năm gắn bó với con đò, ngoài 80 tuổi bác vẫn mang vẻ đẹp của một người đàn ông sông nước, hoạt bát, rắn rỏi, tráng kiện với khuôn mặt vuông chữ điền, nước da nâu khỏe khoắn. Tôi mỉm cười với bác, bác cũng nhìn tôi mỉm cười đôn hậu. Rồi chúng tôi cùng lặng im cho con đò sang ngang. Bao năm qua, cùng với dòng sông quê, chính bác, con đò này và tiếng hát về chàng Trương Chi, về anh lái đò của bác đã theo tôi qua những quãng thăng trầm.
Nhưng tôi không nói với bác điều ấy, chúng tôi cùng nghe sóng và gió đang cất lời. Tôi sang bên kia sông, con sông đang mùa nước vơi, xanh, nồng và lạnh. Tôi vục cả hai tay xuống lòng sông, đôi tay lạnh cóng mà trong lòng thấy ấm dần lên như được truyền một nguồn năng lượng từ dòng sông Mẹ. Lễ Noel, tiếng chuông giáo đường Ngọc Đồng ngân nga trong gió chiều. Tôi không phải đứa con của Chúa, nhưng từ khi còn là một câu bé, đã rất nhiều lần tôi đứng lặng trong chiều, thả hồn mình theo tiếng chuông đang trôi trên sóng, và mơ về những miền đất xa xôi, mơ hồ, nhưng thật đẹp và yên bình. Ánh ngày lụi rất nhanh, mấy con thuyền của những nhà chài tụ bến, tôi nghe văng vẳng tiếng hát từ một con thuyền gỗ phát ra: “Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu/ Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối/ Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn/ Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi” (Bài thánh ca buồn). Những ngư phủ này đều là giáo dân của giáo xứ Ngọc Đồng.
Con đò của bác Năm chầm chậm đưa tôi quay về bến. Tôi chào bác, rời đò, để ngày mai lại một quãng xa quê dằng dặc. Phía sau tôi bài thánh ca vẫn mênh mang, khắc khoải...
Nguyễn Phú
0 đã tặng
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Vân Anh leda****@gmail.com
Đọc bài văn nghệ lòng nhẹ tênh. Mơ về ngày thơ ấu k phiền muộn. Bao vất vả, bao lo toan như được gác lại. Cảm ơn nhà văn đã gợi cho người đọc nhớ về một thuở bình yên của cuộc đời