Cố hương
Chỉ một cánh diều bay bổng cao xa đủ khiến tôi thèm được vi vút về bầu trời quê nhà. Chỉ vài tiếng chim vịt khắc khoải giữa màn chiều mà ngỡ gió lòng bời bợi lung loang. Phơ phất ngọn tre vừa quen vừa lạ khẽ uốn cong một nỗi nhớ làng. Lại có dòng sông nhoẻn cười hoa sao sóng nước. Vồn vã mà cố hương, chằm chặp mà cố hương, bền bỉ mà cố hương và cứ thế, đôi chân tôi rộn rã chạy vục về miền nhớ miền thương...
Tôi xa quê hẳn đã đủ lâu để nỗi nhớ thương ướp ủ thành sắc màu và phết đậm thêm những hình hài vốn gụi gần có từ ký ức. Là một ngày tôi trở về thăm quê, có cụ bà xưa vẫn chống gậy chậm rãi trên đường làng vừa nhìn tôi hồi lâu, nghe tôi kể lại cụ mới nhận ra con bé đen nhẻm ngày xưa chạy chơi mòn ngõ cổng nhà mình bây giờ trưởng thành mà xinh xắn quá. Cụ vẫn bỏm bẻm nhai trầu dù đã quên quên nhớ nhớ từ lâu nhưng vẫn chăm chút hàng cau và khóm trầu, bước chân vẫn quấn quýt với xóm làng bên ngôi nhà cháu con hòa thuận. Ở bất cứ nơi nào hay chỉ riêng quê tôi, người già như cây đa đứng tuổi giữa làng bao năm một lẽ sống, tỏa phước lành tỏa bóng mát, làm lưng tựa cho người người hôm sớm lại qua.
Bên quê, bụi mây xưa nằm lặng lẽ rậm rịt gai góc tận cuối làng. Mây biết để dành những chùm quả chát lè cho ai khi lũ trẻ con nhà nghèo đận xưa mót từng chùm mây chia nhau ăn khúc khích thì giờ ai nấy đã yên bề gia thất mấy nẻo phương trời. Cũng chẳng còn chiếc roi mây nào giắt trên mái nhà, chẳng còn tiếng khóc nào lâu la vì bị phạt tội mải chơi nghịch ngợm. Chiếc roi mây từng là đòn đau điếng của tuổi thơ, của tuổi lên chín lên mười khạo khờ lại mang dư vị ngọt ngào theo tháng năm, theo nhớ thương dữ dội đầy tiếc nuối.
Tôi tìm chùm ổi ương giòn, tôi tìm quả duối vàng mọng no nắng nơi bờ rào ngày xưa. Duối nghe tiếng tôi, duối kiễng mình nhấp nhô sau bức tường rào xây kiên cố. Kỷ niệm như mưa trong veo, như nắng ấm áp nô nức kéo nhau về, có tiếng chân trần thình thịch và tiếng cười rộn rã say mê khắp đầu làng cuối xóm chẳng vướng bận gì những suy tính lo âu… Chùm ổi ương đã đi đâu, quả duối vàng mọng sẽ về đâu, có như lũ trẻ chúng tôi ngoảnh đầu mà tìm về cội nguồn trong niềm da diết…
Tôi hỏi dòng sông đang trôi, sông xanh biếc thay câu trả lời, sông xanh từ thuở người làng tôi gánh nước về khi giếng khơi nhà nào cũng cạn trơ đáy, sông xanh cả những tháng ngày lặn ngụp bì bõm thoăn thoắt tuổi thơ… Bây giờ cầu cứng bắc qua sông, con đò đã gác mái chèo vào hun hút mênh mông, con đường mòn xưa kia tíu tít tiếng người ra sông lội giặt giờ có cũng như không. Chỉ còn sông, chỉ còn sông dẫu đầy vơi thăng trầm vẫn một đời xuôi chảy.
Nhớ đôi mắt chị tôi đỏ hoe mấy mùa hoa gạo, bên kia sông có người chờ trông nhưng chẳng nắm được tay nhau vì cách thuyền cách bến. Dòng sông vẫn trôi và tháng ngày người ấy hay chị tôi đều có hạnh phúc viên mãn trong cuộc đời, một ngày nụ cười gặp nhau dìu dịu. Mới hay, dù cuộc đời có nhiều hoán đổi thế thay thì mọi sự vẫn gắng sức bình sinh là điều kiên cường trọn vẹn. Mỗi lúc nhìn lại phía sau, nhìn lại điều đã qua như một niềm nhắc nhớ ghi lòng, là vết dấu chẳng thể nào thiếu trong suốt một hành trình.
Chiếc áo mới vừa vặn lên ngôi làng nhỏ xinh. Áo “nông thôn mới” đẹp tươi thay chiếc áo nâu trầm xa xưa đầy nhọc nhằn lam lũ. Cánh đồng lúa hẹp lại vì khu chợ tấp nập đã mọc lên, bãi tha ma của người quá cố cũng hẹp lại nhưng mỗi lần đưa tiễn vẫn đông đủ bóng người làng. Con đường được trải nhựa, hoặc đổ bê tông, hoa lá xanh tươi được trồng hai bên rực rỡ. Không còn sỏi đá ghồ ghề hay ổ gà ổ voi, không còn lầy lội đất bùn hay bụi giăng mù mịt, người làng gọi nhau lên nhà văn hóa tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao lành mạnh. Tiếng loa phát thanh thân thuộc như một nếp quê vốn đã có từ lâu như một phần đời sống của người làng tôi chẳng thể nào thiếu được.
Người ta bảo làng quê đã mất dần hình hài và hồn cốt, tôi bảo làng quê tôi vẫn vẹn nguyên trong tim tôi ngần ấy năm. Thời gian chóng mặt xoay vần, làng quê thêm phần thay da đổi thịt. Khi ta đủ trưởng thành thì ý niệm về sự mai một hay mất còn chỉ là sớm muộn theo quy luật của tự nhiên. Khi ta đủ yêu thương thì mọi thứ từng tồn tại và gắn bó trong đời sẽ mãi là điều bất di bất dịch. Ta tạc vào dạ, ta khắc vào tâm. Đừng ai gặng hỏi cố hương còn không!
Còn đó căn nhà quê kiểng bình dị một đời che chắn bão giông suốt mấy mươi năm cho cha mẹ và anh em tôi bên nhau hạnh phúc. Còn đó gian bếp lấm lem bập bùng lửa thơm mùi củi, giọng khói êm dịu vấn vang len lỏi trong tôi dù chỉ là nồi canh suông tập tàng nghi ngút cùng bát cơm hôi hổi trắng ngần. Tôi vẫn òa vào vai mẹ như ngày bé, mẹ nhúp cho tôi một miếng, hai miếng ngọt ngon như thuở nào, khói bếp cười nghiêng ngả đẹp làm sao. Tôi ướp một ấm trà thơm ngạt ngào mời cha, là trà hoa cúc khô mẹ hái trong vườn được phơi từ vụ trước.
Chọn ăn đời ở kiếp với làng, cha mẹ tôi vẫn đi về bên luỹ tre xạc xào man mát hương quê, đậm tình chòm xóm. Chiếc sân gạch quấn lấy chân người vào ra, con chó con mèo chạy lăng xăng quanh vườn nhà thân thuộc. Đàn gà con chiêm chiếp lúc trèo lên lưng khi lại rúc vào cánh gà mẹ rồi đuổi nhau tinh nghịch. Gà mẹ kiếm được chút mồi liền gọi đàn con xúm lại chia phần. Giàn bầu phấn khởi nhìn lũ quả xanh mượt buông xuống đánh đu, luống rau mơn mởn rủ nhau xoè tàu vươn ngọn, vài quả chanh non bé bỏng lăn lóc đầu cành, khóm chuối trĩu buồng như người mẹ địu con vẹo sườn trong niềm hạnh phúc.
Quê người có giống quê tôi, chỉ là những huống cảnh mộc mạc nhất trên đời nhưng lại là điều thiêng liêng khôn xiết. Tôi chợt nhớ đến vài người bạn định cư bên nước ngoài, đã nhiều năm tha hương nhưng vẫn giữ trọn thuần phong mỹ tục của người Việt. Họ nấu những bữa cơm với cà pháo cua đồng cùng ngọn lang ngọn muống, cả những bắp ngô những củ khoai thơm bùi. Họ dạy con tiếng Việt, dạy con hát khúc đồng dao, viết những vần thơ ngọt ngào về quê hương tươi đẹp. Họ thèm được trở về cố hương, đau đáu nhớ thương những điều dung dị bình thường giữa phồn hoa xứ người nhộn nhịp. Hai tiếng cố hương trở thành niềm trắc ẩn trong sâu thẳm tâm can mỗi người.
Cố hương là máu thịt trong ta, là mái nhà vẫn một niềm chở che ngóng đợi. Đôi chân ai người phiêu bạt muôn phương, có ai da diết một con đường, đường về làng xưa quê cũ. Câu ca dao gửi gắm nỗi lòng bao nhiêu cho đủ:
“Ăn cơm mẻ bát xứ người
Vẫn còn canh cánh góc trời chân quê”.
Và giữa những bộn bề, tôi vẫn chọn cố hương là nơi trở về trong yêu thương hạnh phúc…
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...