Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
23:35 (GMT +7)

Chuyện vui về ô tô của Hội

Năm 1987, sau khi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái, tỉnh ưu ái cấp ngay cho Hội một ô tô để đi họp hành và hoạt động. Tất nhiên, vì Hội là cơ quan sinh sau đẻ muộn, lại đang vào thời kỳ tỉnh còn nghèo nên không thể cho xe mới. Ngày ấy anh Hoàng Quang Sinh là cán bộ hành chính của Hội được phân công việc tiếp quản xe. Lần đầu, anh Sinh về báo cáo đó là chiếc xe mang hiệu Mốt - cô - vích do Liên Xô sản xuất, đã lăn bánh khoảng gần hai chục năm nhưng vẫn còn… tốt. Hiện xe đang nằm ở xưởng sửa chữa để trung tu, đại tu gì đó. Anh em phấn khởi lắm. Thế là từ nay đi họp hành ở xa hoặc đi thực tế sáng tác sẽ đỡ vất vả hơn. Phải chờ đến hơn một tuần sau, anh Sinh mới được điện thoại gọi đến xưởng để trao đổi về chuyện ô tô. Lúc trở về, mặt anh Sinh ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, nói với tôi:

- Tôi xem xe rồi. Phần vỏ xem ra còn được, còn máy móc, phụ tùng thì như một đống sắt vụn ở gốc mít ngoài xưởng sửa chữa. Họ bảo, nếu không muốn nhận thì phải chờ thêm một thời gian nữa, nếu có điều kiện, tỉnh sẽ điều cho một cái xe khác. Họ còn nói thêm, mà chờ thì không biết đến bao giờ đâu.

Chiếc Toyota Corona - 1993 đã gắn bó hàng chục năm với Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên

Nghe anh Sinh báo cáo, tôi hết sức đắn đo, vội gọi điện cho anh Hà Đức Toàn lúc ấy là Chủ tịch Hội, nhưng còn đang “dan díu” công việc tại cơ quan cũ là Huyện ủy huyện Đại Từ nên vẫn chưa về điều hành cơ quan Hội. Anh Toàn nói oang oang trong ống nghe điện thoại bàn:

- Tốt… tốt rồi, tốt quá rồi! Có ô tô là mừng rồi. Chờ xe khác thì đến bao giờ. Ông cứ cho nhận đi rồi hỏng đâu ta sửa đấy, lo gì.

Vậy là theo ý kiến của Chủ tịch, tôi bảo anh Sinh lo việc bàn giao xe.

Một tuần sau thì anh Ma Phúc Khút, công nhân lái xe mới toanh vừa từ Định Hóa chuyển về Hội theo anh Sinh đi nhận xe, nói chính xác hơn là thuê người đẩy xe về. Xe về, gần chục cán bộ Hội dàn hàng ngang, hàng dọc đứng đón xe như rước cụ nghè vinh quy bái tổ.

Tôi không nhớ rõ chiếc Mốt - cô - vích “làm bạn” với Hội được bao nhiêu năm nhưng dù ít, dù nhiều, nó cũng mang lại hữu ích. Những chuyến đi giao lưu, học tập ở các hội bạn tận Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ… hoặc công tác ở các huyện xa như Bạch Thông, Định Hóa, Phổ Yên… nếu như không có chiếc xe cà tàng kia thì cũng khó mà thực hiện nổi. Duy có 2 lần “đột quỵ” của con bò già ấy làm chúng tôi hồn vía lên mây.

Lần thứ nhất tôi và anh Toàn đi làm công tác hội viên, cộng tác viên. Lúc đi vào nhóm Hội viên của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, đến con đường đất rẽ vào khu tập thể giáo viên của nhà trường, bỗng chiếc xe lồng lên rồi gục xuống. Tôi, anh Toàn và lái xe Ma Phúc Khút ngồi ngẩn tò te, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Xuống nhìn, thì chao ôi, một chiếc bánh xe đã lăn tõm xuống ruộng lúa bên cạnh. Đầu xe gục xuống bất động. Phân công anh Khút coi xe, anh Toàn và tôi bàn nhau đi đến nhà anh Lương Bèn gần đấy với một hi vọng chị vợ anh Bèn là công nhân chắc hiểu về cơ khí hơn cánh văn nghệ sĩ ngu ngơ. Vợ anh Bèn rất nhiệt tình, ra xem xe và phát hiện chiếc bánh xe bị gẫy “bàn tay ếch”. Chị nhanh nhẹn cho tháo ra mang đi hàn rồi gọi thợ lắp lại. Phải mấy tiếng đồng hồ sau, chiếc xe mới hồi tỉnh, nổ máy, lúc lắc đi về Hội.

Lần thứ hai còn mang tính đối ngoại. Đó là một lần tôi và anh Toàn đi công tác một huyện miền núi ở tỉnh bạn. Trụ sở Ủy ban huyện lúc ấy ở trên một con dốc cao. Anh Khút phải cài số 1 hay số 2 gì đó. Xe gò lưng leo dốc, đúng hơn là lê lên dốc. Tiếng động cơ hồng hộc như con ngựa già thồ quá sức. Đến lưng chừng dốc, tôi bỗng nghe tiếng “xoảng” rồi tiếng máy nổ bỗng gầm lên như sư tử đực. Ngước nhìn lên trụ sở huyện, thấy mấy chục cán bộ đổ ra chật sân, vẻ mặt thất thần. Tôi và anh Toàn vội xuống xe, không hiểu chuyện gì. Anh Khút quan sát một hồi. Hóa ra chiếc ống xả cũ kỹ, han rỉ, xe lại chạy quá sức, rung mạnh nên đã rụng ra, rơi xuống đường. Xe mất giảm thanh rú lên như xe tăng. Đó chính là nguyên nhân làm cho mấy chục cán bộ huyện lao ra ngoài sân. Những năm ấy còn trong không khí lo ngại xe tăng Trung Quốc bất ngờ tấn công biên giới nên cán bộ miền núi đề phòng là phải.

Sau khi chiếc Mốt - cô - vích “về trời”, Hội lại được phân một chiếc La - đa. Cũng của Liên Xô cũ. Không hiểu tại sao mà Hội lại có duyên với xe ô tô Liên Xô đến vậy. Chiếc La - đa còn bóng bảy, mầu trắng sứ. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn nó lại mắc phải căn bệnh đúng như ông anh ruột Mốt - cô - vích của nó, thỉnh thoảng lại rơi bánh trước xuống đường. Thì ra, xe Liên Xô có bệnh di truyền. Tôi nhớ nhất là lần đi đón nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi về nói chuyện với hội viên của tỉnh. Đi đến Phổ Yên, xe vặn mình một cái, chiếc bánh trước văng mạnh ra, xe kéo một vệt dài sang hẳn phía bên trái đường. May mà ngày ấy xe cộ rất vắng nên không có tai nạn xảy ra. Tôi đã quen với cảnh này nên không quá sợ. Còn anh Nguyễn Bùi Vợi thì mặt mày nhợt nhạt, lặng đi một lúc mới định thần. Nếu như ngày ấy không may có cái xe công - te - nơ vọt đến có lẽ sẽ là ngày giỗ của tôi, anh Nguyễn Bùi Vợi và anh lái xe Ma Phúc Khút. Xem ra làm văn nghệ cũng có thể đầu rơi máu chảy, vào sinh ra tử.

Về sau, có lẽ tỉnh thấy Hội có nguy cơ về chuyện xe pháo nên lại quyết định đổi cho Hội một chiếc xe Gát hay còn gọi là Com - măng - ca, còn có cái tên dân giã nữa là “Gát đít tròn”, để phân biệt với loại “Gát đít vuông”. Dáng xe thô mộc, cửa không kính, mui bạt, nhưng được cái nồi đồng cối đá. Hóa ra ngày ấy lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng cho các nhà văn. Với cái xe “đít tròn” ấy, anh Khút đã có thể băng băng trên những đoạn đường dài, tung tảy khắp bốn phương trời mà không sợ những cái bánh xe phản chủ.

Hồi ấy, các hội viên của Bắc Thái rồi Thái Nguyên viết được nhiều tác phẩm và đoạt nhiều giải thưởng, nhiều sự kiện văn chương được tổ chức thành công cũng có sự góp một phần của những chiếc xe cà tàng, thô ráp ấy.

Những tháng ngày cuối cùng của chiếc Toyota Corona - 1993 trước khi chia tay Hội VHNT để về với chủ mới

Có một lần anh Hà Đức Toàn kể một câu chuyện vui (không biết sự thật bao nhiêu phần trăm) mà kể khá nhiều lần, đến nỗi nó đã trở thành một giai thoại: Lần ấy, anh Toàn cưỡi chiếc “Gát đít tròn” đi họp ở Hà Nội. Anh Khút đưa xe qua cổng nhà khách Chính phủ thì bảo vệ nhất định không cho vào, với lý do là xe xấu quá. Hình như câu chuyện đến tai lãnh đạo tỉnh. Khoảng gần một tháng sau, tôi nhận được điện thoại của Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Văn Pao nói là Hội sang ngay để lĩnh chiếc xe KIA còn rất mới. Anh Pao còn “nói kín” với tôi: “Này, chú bảo ông Toàn đừng kêu ca nhiều về xe pháo nữa nhá. Lần này là thỏa mãn chứ?”.

Tất nhiên rồi. Chiếc KIA ấy, tôi đã nhìn thấy một lần. Mới lăn bánh khoảng một, hai năm. Thế là từ đấy, xe của Hội rất oách. Thế mới đúng là xe chứ. Mấy năm họp hành, công tác chưa phải nằm đường bao giờ. Anh Toàn họp tận Thành phố Hồ chí Minh vẫn vô tư một mình một ngựa trên đường trường gần hai nghìn cây số. Tôi nhớ năm ấy các hội ở miền núi phía Bắc chỉ có Hội VHNT tỉnh ta với Cao Bằng là xe đẹp ngang nhau. Cao Bằng cái KIA màu trắng, Thái Nguyên màu xám. Còn các hội khác thì hãy đợi đấy!

Chuyện những chiếc xe của Hội là như vậy. Như một cổ tích. Bây giờ nghĩ lại tôi cảm thấy hình như những chiếc xe không còn là những vật vô tri vô giác nữa mà cũng có tâm hồn, tình cảm, có những nỗi đau cùng niềm hạnh phúc. Chúng đã từng cùng chúng tôi, lớp cán bộ đầu tiên của Hội, đôi khi phải gồng mình lên để phục vụ quê hương, đất nước.

Hồ Thủy Giang

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 2 tuần trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 6 tháng trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 11 tháng trước

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức đi khám mắt

Giai thoại văn nghệ 3 năm trước