Chuyện về “tinh túy hoa nhãn” ở thung lũng xanh
Đón ly nước được hòa tan những giọt mật ong sánh mịn, thơm hương hoa nhãn từ tay anh Nguyễn Đăng Thắng, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), tôi nhấp một ngụm, chợt thấy mình như đang được dạo chơi giữa rừng hoa bung nở. Tôi nhấp thêm ngụm nữa, bỗng nghe bên tai có những tiếng lao xao, rồi một giọng nói từ đâu cất lên.
Xin chào! Tôi là ong thợ, tôi đến từ vùng thung lũng xanh nằm sát chân núi Tam Đảo thuộc xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận. Cha ông chúng tôi đã chọn vùng đất với hơn 300 cây nhãn có tuổi đời nhiều chục năm này để ở. Hàng năm, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, hoa nhãn bung nở sum suê… đàn ong chúng tôi tha hồ tận hưởng những điều quý giá mà thiên nhiên ban tặng không phải nơi nào cũng có. Và, sản vật gia truyền quý báu nhất của chúng tôi chính là dòng mật “Tinh túy hoa nhãn”.
“Mật ong này có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trong thành phần của nó có chứa đường, vitamin, khoáng chất, axit amin… có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tim mạch, cao huyết áp và đặc biệt là giúp các chị em làm đẹp vô cùng hiệu quả đấy”. Lời của anh Thắng kéo tôi ra khỏi rừng hoa trắng có vô số chú ong thợ đang mải mê làm mật.
Nhìn vào chai mật ong vàng sánh trên tay anh Thắng, sản phẩm đã đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên và đồng thời được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020, tôi nghĩ, có lẽ đây chính là “báu vật gia truyền” của họ hàng nhà ong mật ở đây.
Nghề nuôi ong bên sườn Đông Tam Đảo
Quê anh Thắng ở Hưng Yên, năm 1971, bố mẹ anh cùng người làng lên Thái Nguyên làm kinh tế và chọn mảnh đất Khe Đù, xã Phúc Thuận làm nơi dừng chân, lập nghiệp. Từ trên cao nhìn xuống, nhà của anh Thắng lọt thỏm giữa bạt ngàn cây ăn trái. Cây nối tiếp cây, một màu xanh trù phú phết rịm tới tận chân dãy núi Tam Đảo. Anh Thắng giới thiệu, trong vườn của gia đình anh hiện có hơn 100 cây nhãn. Trong đó có đến non nửa số cây trạc tuổi anh (anh Thắng sinh năm 1977). Số còn lại, anh trồng cách đây hơn chục năm.
ý thức được về nguồn lợi mà thiên nhiên ban tặng nên từ lâu, một số người dân ở khu vực này đã biết nuôi ong lấy mật. Mật ong hoa rừng ở đây gần dãy núi Tam Đảo có hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, cho lượng hoa phong phú. Vì nếu như không ở gần rừng, khi mùa hoa của cây trồng hết thì ong chỉ có thể lấy mật lá là nhiều. Hai nguồn nguyên liệu này cho ra chất lượng mật khác nhau hoàn toàn. Người nuôi ong vẫn ví, hai loại mật này ta như chè ban với chè búp. Ai sành, nếm thử mật là biết ngay.
Đặc biệt, kể từ khi Phúc Thuận phát triển thành vùng cây ăn quả tập trung. Cùng với Khe Lánh, Khe Đù xóm của anh Thắng trở thành vị trí lõi của vùng cây ăn quả, nhất là nhãn, điều kiện lý tưởng cho nghề nuôi ong lấy mật. Càng lý tưởng hơn cho người nuôi ong Khe Đù vì ở đây có hàng trăm cây nhãn vài chục năm tuổi, trồng nhãn tập trung. Bởi nếu diện tích nhiều nhưng trồng phân tán thì khi lấy mật, ong sẽ bị lấy lẫn nhiều loại hoa khác. Với những giá trị riêng có của mình, mật ong hoa nhãn là sản phẩm bất kỳ người nuôi ong nào cũng muốn sở hữu. Gia đình anh Thắng là một trong những hộ nuôi ong sớm và có số lượng đàn ong nhiều nhất ở Phúc Thuận.
Tôi cứ ngỡ những cảm nhận của bản thân khi uống nước mật ong là ảo giác. Nhưng hóa ra, với những người nuôi ong như anh Thắng thì điều đó lại hết sức bình thường. Anh nói với tôi về chúng như đang nói về con người. Anh hiểu chúng cặn kẽ và lựa chúng như cái cách mà ta vẫn làm với người thân của mình vậy.
Tôi hỏi anh nghề nuôi ong lấy mật có vất vả lắm không? Anh từ tốn đáp: Nuôi ong đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, nắm vững kỹ thuật. Nuôi ong tuy không tốn nhiều sức lực nhưng lại mất nhiều thời gian, phải người chịu khó mới làm được.
Sự tỉ mỉ mà anh Thắng nói, đến độ phải hiểu được đặc tính của loài ong. Anh chia sẻ: Con ong bản chất là loại sinh vật hoang dã. Nó có đặc tính di cư tự nhiên theo mùa. Chúng có sự “tính toán” chính xác, có thể nhận định về thời tiết và nguồn hoa rất tốt. Trước khi mùa hoa nở khoảng một tháng, đàn ong đã có sự chuẩn bị cho việc làm mật và cũng như vậy, trước khi nguồn hoa hết khoảng một tháng chúng cũng nhận biết được và có sự thay đổi hành vi.
Thấy tôi “mắt tròn mắt dẹt”, anh Thắng giải thích cặn kẽ: Chẳng hạn, đầu mùa hoa là thời điểm loài ong biết thời gian hoa nở còn rất dài và nó không cần tích trữ thức ăn. Ngược lại, trước khi hết mùa hoa khoảng một tháng, đàn ong gần như bỏ hết các công việc khác để ưu tiên cho việc tích trữ thức ăn dự trữ khi hết mùa hoa.
Đó là lý do đầu mùa hoa nở đẹp, thời tiết tốt, đàn ong khỏe nhưng sản lượng mật chưa chắc được như ý. Ngược lại gần cuối mùa hoa thì sản lượng và chất lượng mật lại nhiều hơn đáng kể. Với đặc tính nhận biết thời vụ tốt như vậy, nên khi mùa hoa hết, theo quy luật ong sẽ di cư chuyển đi vùng khác có thời tiết, khí hậu và nguồn hoa phù hợp để nó duy trì, chuẩn bị cho việc tránh đông.
Anh Thắng tiếp lời: Thực ra con ong có phải nó lấy mật cho mình đâu, gần đến mùa đông nó tích trữ mật là để nó sử dụng. Nếu mình khai thác đi rồi thì buộc nó lại phải đi lấy thêm mật. Cứ như thế, mình khai thác càng nhiều đồng nghĩa với việc mùa đông tới nó không có gì ăn. Chính vì thế mình phải bổ sung thức ăn cho nó nếu không muốn nó bỏ đI.
Vậy là mình có thể thuần hóa được đàn ong theo ý mình? Cũng tùy cái thôi, anh Thắng cho biết: Mình phải lựa nó, có cái mình chỉnh được nó, nhưng có cái mình phải theo nó. Tuy nhiên, thứ mình chỉnh được nó chiếm phần nhiều. Ví dụ như: Bản chất ong ở tụ theo hình cầu nhưng sau khi thuần hóa, con người bắt nó ở thành hình vuông (cái tổ). Mình ép nó theo mình để việc khai thác mật được dễ dàng hơn, năng suất hơn. Hoặc, khi nó muốn chia đàn, mình dùng biện pháp kỹ thuật ép không cho nó chia nữa. Nó không muốn làm mật mình cũng phải có kỹ thuật ép nó phải làm.
Nghe đến đây, tôi hồ hởi: Thế ví dụ đầu mùa hoa, ong không tập trung cho việc làm mật, lượng mật khai thác được ít mình có thể can thiệp như thế nào để tăng năng suất?
- Khi đó chỉ cần nhốt con chúa lại. Anh Thắng trả lời. Nhốt ong chúa lại với mục đích không cho nó đẻ nữa. Bởi vì thời điểm đầu mùa hoa, ong không ưu tiên cho việc tích trữ mật mà mà tập trung cho việc phát triển đàn. Tuy nhiên ở thời điểm này, nếu để nó sinh sản tự nhiên thì những đàn ong đó không mang lại nhiều giá trị bằng việc buộc nó làm mật cho mình khai thác.
Vậy, có điều gì mình phải theo nó? Ví dụ như việc ong di cư theo mùa. Cái đó mình không ép nó thay đổi được. Mình chỉ có thể tìm cách di chuyển nó đến một nơi nào đó phù hợp hơn. Đó là biện pháp tốt nhất, anh Thắng nhấn mạnh. Ngoài ra, mình cũng có thể tích trữ tốt được nguồn thức ăn cho đàn, thì sẽ hạn chế được việc nó bỏ đI.
Rồi anh Thắng trải lòng, nuôi ong nói là dễ cũng đúng mà nói mà khó cũng không sai. Kể cả với người nuôi ong nhiều năm thì không phải ai cũng nắm vững được kỹ thuật đâu. Chưa kể con ong không năm nào giống năm nào, nó có rất nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi người nuôi cần có kinh nghiệm ngoài kỹ thuật. Một người nuôi ong giỏi ở vùng xuôi thì lên đây chưa chắc đã nuôi ong giỏi. Hoặc người giỏi về lý thuyết, thậm chí có học hàm, học vị cao, giảng dạy về kỹ thuật nuôi ong nhưng khi chúng tôi nói ra những biểu hiện thực tế của đàn ong các thầy vẫn ngạc nhiên vì chưa gặp phải bao giờ.
Ví dụ lúc hết mùa không có kỹ thuật giữ được nó, thì phần lớn đàn sẽ bay bỏ đi. Hoặc khi có bệnh ong nó cũng bay đi chứ không cần đợi hết mùa. Tất cả những điều đó mình đều cần phải phát hiện kịp thời, nắm chắc kỹ thuật để có biện pháp phòng ngừa, xử lý.
Cũng theo kinh nghiệm của anh Thắng, ong gặp 3 - 4 loại bệnh phổ biến, nhưng chủ yếu là 2 loại bệnh: thối ấu trùng Châu Âu (nguy hiểm nhất), tiếp đến là thối ấu trùng Châu Á. Anh lý giải, lý do phân biệt thành 2 loại bệnh: Châu Âu là bệnh từ những con ong ý du nhập vào Việt Nam rồi lây sang các đàn ong trong nước. Còn Châu Á là loại bệnh trên đàn ong bản địa có từ xưa. Còn một cách phân biệt là bệnh xuất hiện trên đàn ong ở tuổi nhỏ và tuổi lớn. Thường, bệnh thối ấu trùng Châu Á chỉ xuất hiện trên đàn ong từ 3 - 5 ngày tuổi và cũng dễ điều trị hơn. Vì ngày tuổi của đàn ong còn nhỏ nên việc dọn dẹp vệ sinh khi con ong bị bệnh chết cũng dễ dàng. Còn thối ấu trùng Châu Âu thường rơi vào đàn ong 7 - 9 ngày tuổi. Lúc này con ong đã nhỡ nhỡ tầm con nhộng rồi, khi bị bệnh con ong sẽ sinh ra nước. Trong khi đó, tổ ong lại rất kỵ điều đó nên nếu không vệ sinh cẩn thận thì sẽ làm bệnh càng lây lan.
Như một bác sĩ thú y chuyên ngành trị bệnh cho ong thành thục, anh Thắng chia sẻ: Bệnh này là virut không phải là vi khuẩn nên phải điều trị chủ yếu bằng các chế phẩm sinh học. Trước đây, nhiều người nuôi ong không biết, điều trị không đúng cách, kể cả dùng kháng sinh vẫn không có hiệu quả.
Cần mẫn dâng mật ngọt
Nhấc cầu ong lên khỏi tổ một cách khéo léo, không làm đàn ong hoảng sợ. Anh Thắng cảm thán: Đàn ong có tổ chức rất bàn bản, phân chia làm nhiều bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận đảm nhiệm một công việc. Mỗi tầm tuổi làm một công việc. Ví dụ tuổi “trai tráng” đi ra ngoài lấy phấn, lấy mật về. Bộ phận những con già ở nhà khi trời nắng sẽ đi lấy nước về để điều tiết tiểu khí hậu trong tổ của nó. Một bộ phận khác làm nhiệm vụ canh gác và một bộ phận khác làm nhiệm vụ luyện mật.
Con ong có 2 dạ dày, một dạ dày tiêu thụ thức ăn và một dạ dày để tích trữ. Con ong sẽ tiết ra enzym để luyện mật. Khi nó vừa ngậm mật, vừa ngậm phấn vào trong dạ dày của nó thì enzym trong dạ dày nó sinh ra thành mật ong chứ không phải cái hoa tự nhiên đã thành mật ong. Sau khi luyện mật đủ thời gian, ong sẽ rải ra bánh tổ và dùng cánh của nó để quạt khô. Đấy cũng là lý do, buổi đêm khi ra gần thùng ong chúng ta nghe tiếng rào rào như tới khu công nghiệp vậy. Nó làm suốt cả đêm, không ngưng nghỉ. Cánh ong quạt cho đến khi nào thuỷ phần xuống đến độ nhất định nó sẽ vén mật lên và dùng màng sáp của nó vít nắp lại. Như kiểu mình gặt về phơi khô rồi cho vào hòm tích trữ.
Phần dự trữ này ong để dùng dần và con người khai thác chính phần mật đó của nó.
Nói về việc tiêu thụ sản phẩm, anh Thắng nhớ lại thời điểm chừng gần 10 năm về trước. Khi ấy cũng có một vài hộ nuôi ong với quy mô to, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, việc sản xuất manh mún, đầu ra của sản phẩm khi ấy gặp vô vàn khó khăn. Dù chất lượng mật ong ở đây luôn được đánh giá cao, nhưng mỗi khi có đối tác yêu cầu số lượng hàng lớn (có thể là ong giống hoặc mật) thì không gia đình nào đáp ứng được nhu cầu. Gom hàng thì chất lượng lại không đồng đều, không đáp ứng được các tiêu chí của khách hàng.
Năm 2020, Tổ hợp tác Ong mật Đông Tam Đảo chính thức được thành lập do anh Thắng làm Tổ trưởng nhằm khắc phục những tồn tại đó. Tổ hợp tác thu hút 7 thành viên đều là những người tâm huyết với nghề nuôi ong mật.
Tham gia tổ hợp tác, các thành viên ngoài việc được tham gia các lớp tập huấn do các đơn vị có chuyên môn tổ chức, còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong việc áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn. Hiện tại, vào thời gian cao điểm, Tổ hợp tác có tới trên 1.000 đàn ong cho lấy mật, sản lượng mật đạt trên 4.000 lít. Chất lượng mật ong của các thành viên trong Tổ hợp tác vì thế mà đồng đều, chất lượng hơn. Hàng làm ra đến đâu tiêu tụ hết đến đó.
Hiện Tổ hợp tác đang làm ra 2 dòng sản phẩm mật ong chính là “Tinh tuý hoa nhãn” và “Mật ong hoa rừng”. Hai sản phẩm ở hai phân khúc giá khác nhau nhưng đều được thị trường ưa chuộng.
Đưa tôi ra thăm vườn rợp bóng cây, từng thùng từng ong thẳng hàng tăm tắp, anh Thắng cho biết: Đây là thời điểm số lượng đàn ong thấp nhất trong năm, các thành viên trong Tổ hợp tác đều đã sẵn sàng các điều kiện cần có để nhân đàn mới. Sau đó, vào thời điểm đầu năm mới, anh Thắng và các thành viên sẽ bán ong giống, và chăm sóc các đàn ong còn lại để chuẩn bị cho những mùa mật mới.
Trở vào nhà, anh Thắng chỉ vào chai mật ong vàng ruộm, khoe: Đây là chai mật ong tôi bớt lại để nhà dùng thì mới còn, chứ mật làm đến đâu đều được bán hết ngay đến đấy. Mật này dù có để suốt năm cũng không xuống màu, không bị giảm chất lượng của mật. Anh em trong Tổ hợp tác cũng đang bàn bạc và có kế hoạch tăng đàn ong trong thời gian tới.
Phải rồi, với hơn 500 ha cây ăn quả đang có của vùng, tận dụng nguồn lợi này thì kế hoạch của anh Thắng và các thành viên trong Tổ hợp tác sẽ là tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế tại đây.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...