Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:49 (GMT +7)
Nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4

Chuyện tặng sách

Nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất bản được cuốn sách rồi mang tặng anh em, bạn bè và những người hâm mộ là một việc hết sức bình thường. Đó là sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau. Nhưng xem ra chuyện tặng sách cũng lắm sự đáng bàn.

Chuyện tặng sách không có gì đáng phê phán. Ngược lại, còn là việc làm đáng ca ngợi (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Chuyện tặng sách không có gì đáng phê phán. Ngược lại, còn là việc làm đáng ca ngợi (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Chuyện tặng sách (trở thành phong trào) hình như chỉ mới được bắt đầu từ khoảng mấy chục năm trở lại đây. Trước năm 1986, sách được xuất bản, tác giả chỉ có trong tay khoảng chục cuốn bản quyền thì dù muốn cũng lấy đâu ra sách để tặng. Ngày ấy, muốn đọc sách đều phải mua. Chỉ từ khi tình hình xuất bản được nới rộng, tác giả có thể tự đứng ra in sách, thì việc tặng sách dường như mới trở thành một động thái tràn lan.

Thực ra, chuyện tặng sách không có gì đáng phê phán. Ngược lại, còn là việc làm đáng ca ngợi.

Nếu tặng sách theo chính sách của Nhà nước (như hằng năm một số nhà xuất bản thường làm đối với học sinh vùng sâu vùng xa) hoặc theo các kênh từ thiện, nghĩa là tặng sách cho các em thanh, thiếu niên ham đọc nhưng hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua, là vấn đề hoàn toàn ưu việt.

Tuy nhiên, hiện nay việc tặng sách đã bộc lộ những điểm đáng phải trao đổi.

Một tác giả bỏ tiền in mấy trăm cuốn sách rồi gặp bất kì ai cũng kí tên đề tặng, bất biết người được tặng có thích đọc hay không, có yêu văn chương không. Từ việc tặng sách này, thường xuất hiện những cảnh tượng bi hài. Trong một cuộc họp nọ nhiều người được một tác giả tặng sách. Đến khi tan họp, người phục vụ hội trường đã phải thu gom từ gầm bàn, gầm ghế một số sách đáng kể để… ném vào thùng rác. Thật trớ trêu cho người được tặng và tất nhiên, thật buồn cho người tặng.

Trách người vô ý, vô tâm với sách chỉ một phần nhưng trách người tặng sách theo kiểu dại dột kia thì phải… phần nhiều hơn! Người ta sẽ bảo, tác giả khoe mẽ chứ đâu phải là tặng sách. Mà khoe như vậy thì quả là quá tai hại cho người có sách. Có giai thoại một đồng chí lãnh đạo tỉnh từng tuyên bố rằng: “Sách người ta tặng thì đầy, nhưng tôi cho vào cốp xe chứ có thì giờ đâu mà đọc”. Nghĩ cho cùng cũng chẳng nên trách vị lãnh đạo nọ. Người ta bận, không có thời gian đọc sách chỉ là lẽ thường tình, hoặc có đọc cũng tìm những cuốn hữu ích cho công việc và sở thích riêng của họ chứ đâu cứ gặp sách nào cũng đọc. Có trách là trách người tặng sách không đúng đối tượng.

Có một hình ảnh rất… thê thảm (không thể tìm một từ khác hơn). Đó là chuyện có một vài tác giả lúc nào cũng thủ sẵn trong cặp hoặc trong cái túi to đựng toàn sách mới in, gặp ai (kể cả người vừa mới quen) cũng rút sách kí tên, thân mến, quí mến, kính mến, rất kính mến đề tặng. Chao ôi! Từng đã gặp biết bao cuốn sách như thế bám đầy bụi nằm lăn lóc trong nhà ăn, nhà bếp, thậm chí ở các quầy bán bánh mì, xôi sáng bên hè phố…

Tặng sách là văn hóa - văn hóa tặng sách. Nếu là người thân thiết, bạn bè tri âm, những người ham đọc thì việc tặng sách là cần thiết, chí ít cũng là sự chia sẻ niềm vui, niềm tự hào nào đó, chứ tung sách ra như bươm bướm thế thì e rằng tốn tiền tốn của mà còn mua cái sự bị xem thường vào thân.

Hiện nay, nhiều hội nghị quảng bá sách, ra mắt sách từ trung ương đến địa phương được mở ra. Điều này rất cần. Trong các cuộc PR hoặc ra mắt sách ấy, cũng thấy nhiều kiểu tặng sách. Người cho không, nhận không; người ý tứ tặng lại cho tác giả một cái phong bì… Gần đây, thấy hội nghị quảng bá sách ở Hội Nhà văn Việt Nam và một vài nơi khác có nhiều điểm đáng học. Phía ngoài hội nghị có một bộ phận bán cuốn sách đang được PR. Sau đó, những người mua sách muốn có chữ kí của nhà văn thì đến gặp để xin chữ kí. Mua sách, lại được tác giả kí tên vào sách, sự tôn vinh, tri ân tác giả, sự trọng thị của người đọc đều rất hài hòa. Cuốn sách đến tay người ham đọc một cách không miễn cưỡng như kiểu được tặng nói ở trên.

Nói cho đúng thì sách làm ra là để bán. Người mua hẳn cũng không tiếc gì mấy chục, thậm chí mấy trăm nghìn để mua sách, nếu họ là người thực sự ham đọc. Còn với những người không cần sách thì rõ ràng là họ không có nhu cầu mua, cũng không cần nhận sách tặng. Việc xuất bản sách, biếu, tặng sách còn nhiều chuyện đáng bàn, nhưng điều cần nhất là ứng xử thế nào để việc tặng sách thể hiện được tính văn hóa của nó.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục