Thứ bảy, ngày 10 tháng 05 năm 2025
16:04 (GMT +7)
Hội thảo khoa học “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”

Chuyển động sáng tạo múa ở Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

Chiến tranh khép lại, văn học nghệ thuật mở ra một chương mới. Năm mươi năm qua, nền nghệ thuật múa Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa có chọn lọc nghệ thuật múa thế giới, tiếp nhận và biến đổi giá trị mỹ học múa cổ điển châu Âu, múa hiện đại, múa đương đại phương Tây để góp phần làm giàu và phát triển nền nghệ thuật múa nước nhà. Đội ngũ nghệ sĩ múa đã từng bước khẳng định mình và định vị tầm quan trọng không thể thiếu trong sự nghiệp gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của đất nước.

TS. NSND Phạm Anh Phương, Ủy viên ĐCT Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam
TS. NSND Phạm Anh Phương, Ủy viên ĐCT Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

Sau năm 1975, múa Cổ điển châu Âu thực sự nở rộ. Hàng loạt các vở diễn Ballet kinh điển thế giới như Spactacus, Giselle, Hồ thiên nga… đã được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng và biểu diễn phục vụ nhân dân. Thành công của những vở diễn đã góp phần nâng tầm thẩm mỹ của người dân, đồng thời khơi nguồn cho sự ra đời các sáng tác sau này. 

Sự tiếp nhận giá trị nghệ thuật múa cổ điển châu Âu kết hợp với giá trị văn hóa múa dân tộc giàu bản sắc đã hình thành nền móng cho sự phát triển nền nghệ thuật múa chuyên nghiệp nước nhà. Có thể nói, đó chính là dấu mốc đầu tiên của nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập để phát triển. Sự hòa nhập và đón nhận dòng ngôn ngữ múa cổ điển châu Âu khi đó đã tạo động lực cho quá trình phát triển, tiếp thu và biến đổi để hình thành nên cái riêng, nét độc đáo đặc sắc của nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay.

Vào những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, ở Việt Nam xuất hiện dòng múa hiện đại phương Tây, một dòng ngôn ngữ múa với sự biểu cảm và phong cách mới lạ. Một lần nữa cho thấy, nghệ thuật múa Việt Nam lại tiếp nhận, sàng lọc và biến đổi trong sáng tạo nghệ thuật để tạo cho mình thêm nguồn sinh khí mới trong quá trình phát triển và hội nhập toàn cầu. Trước hết, phải ghi nhận dòng ngôn ngữ múa mới đã mang đến hơi thở đương đại cho lĩnh vực nghệ thuật múa ở Việt Nam với nhiều góc độ nhìn nhận cụ thể như: luật động, tạo hình múa; tính phức điệu; tính ngẫu hứng, tương tác; tính đột biến ấn tượng và quy luật mở trong tư duy phát triển ngôn ngữ... Bên cạnh đó là những trào lưu, xu hướng sáng tạo múa mang tính tiên tiến.

1. Tiếp cận và khai phá

Từ năm 1990 - 2000, múa đương đại du nhập về nước ta mang theo nhiều yếu tố khách quan và chủ quan:

- Yếu tố khách quan vì chính cái “mới” bao giờ cũng cần thời gian để đánh giá và nhận định, không ít ý kiến còn nghi ngờ về dòng ngôn ngữ múa mới trong hệ thống chuyển động mang tính truyền thống của nghệ thuật múa Việt Nam lúc bấy giờ. Như vậy, sự thận trọng trong tiếp thu cái mới cũng là điều cần thiết.

- Yếu tố chủ quan nhìn từ lực lượng đội ngũ diễn viên được tiếp cận học tập ở nước ngoài một cách bài bản có chiều sâu về dòng ngôn ngữ múa mới còn rất mỏng. Bên cạnh đó, thông qua một số dự án hợp tác nghệ thuật do các chuyên gia nước ngoài giới thiệu, không ít các nghệ sĩ múa của ta chưa cảm nhận được những nét mới trong chuyển động của cơ thể để tiếp nhận chúng, từ đó dẫn đến sự uể oải và hoài nghi khi tiếp cận.

Mặc dù, thời điểm này các tác phẩm múa đương đại do biên đạo Việt Nam sáng tác còn vắng bóng bởi số lượng lớn các biên đạo và đội ngũ diễn viên còn chưa được tiếp cận múa đương đại.

Có thể điểm tên vài dự án hợp tác nghệ thuật với nước ngoài như: Qua miền đất lạ; Đồng hành, Qua mắt Phượng Hoàng, Em - người phụ nữ Việt Nam do Biên đạo người Úc - Cheryl Stock sáng tác và điều hành. Hay, Chương trình múa hiện đại với chủ đề Cuộc sống - Con người và Vũ trụ, tác phẩm múa Một lần và mãi mãi, Lời ru của rừng của biên đạo Anh Phương là những dấu ấn buổi ban đầu của thành quả tiếp nhận múa đương đại. Tiếp theo, phải kể đến chuyên gia người Pháp gốc Việt Benadet đã tạo nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ Việt Nam được học tập và tiếp nhận múa đương đại tại Pháp.

Như vậy, từ một số khó khăn lúc ban đầu để cởi trói quan niệm tư duy giữa cái “cũ” và cái “mới”, sự khó khăn trong cảm nhận chuyển đổi của cơ thể người diễn viên… cho đến sự ghi nhận về giá trị tích cực mà múa đương đại mang lại là cả một hành trình tiếp cận đầy gian khó nhưng cũng là hành trình vượt lên của thế hệ các nghệ sĩ múa của ta.

2. Vận dụng và phát triển

Từ năm 2000 - 2010, đánh dấu nhiều thay đổi về sự phát triển, nhờ các dự án hợp tác với Úc, Pháp, Anh, Bỉ, Mỹ, Thụy Điển. Lần lượt các nghệ sĩ múa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và một số nghệ sĩ trẻ tài năng được cử đi du học và biểu diễn trong các dự án nghệ thuật với nước ngoài. Qua đó, dần hình thành một đội ngũ diễn viên tài năng của Việt Nam được học tập chuyên sâu và biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Họ đã đúc kết nhiều kiến thức, kinh nghiệm biểu diễn múa đương đại để xây dựng các chương trình giảng dạy thể nghiệm và hoàn chỉnh chương trình múa đương đại đưa vào hệ thống đào tạo, giảng dạy chính thức tại Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Học viện Múa Việt Nam, Trường Múa TP. Hồ Chí Minh…

Trong sáng tác, các nhà biên đạo múa bước đầu đã vận dụng nhiều yếu tố về luật động ngôn ngữ, kỹ thuật múa, tính chất và phong cách cũng như xu hướng sáng tạo của múa đương đại để đưa vào sáng tạo tác phẩm tạo nên những giá trị và hơi thở mới cho tác phẩm múa. Không chỉ các nghệ sĩ biểu diễn mà công chúng khán giả Việt Nam bước đầu có cảm nhận và thấy được cái hay, cái đẹp của múa đương đại. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác phẩm chưa thành công bởi không tránh khỏi hiện tượng sao chép ngôn ngữ vụng về, áp đặt khiên cưỡng, chưa tạo được sự chuyển hóa ngôn ngữ múa đương đại với dòng ngôn ngữ múa bản địa.

3. Quay về yếu tố gốc với vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc

Như chúng ta đã biết, nội hàm của bản sắc văn hóa chính là sự hiện thân của sắc thái, tính chất, phong cách, bản chất được chắt lọc thông qua hoạt động và các dạng thức tinh thần của con người. Như vậy, chính con người tạo nên bản sắc văn hóa để thể hiện đặc điểm riêng biệt ẩn chứa ngay trong nó, để phân biệt với những cái cùng hiện diện với nó. Như vậy, khi ta nói về bản sắc văn hóa cũng chính là nói đến tính Riêng của văn hóa.

Từ góc nhìn của nghệ thuật múa, bản sắc văn hóa được hiểu là sự biểu hiện thông qua ngôn ngữ múa. Đất nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc sở hữu vốn múa dân gian phong phú và đa dạng. Các điệu múa dân tộc phản ánh cuộc sống tinh thần, phong tục tập quán văn hóa bản địa với đa dạng sắc màu khác biệt. Từ mạch nguồn ngôn ngữ múa dân tộc chứa đựng sự biểu cảm các giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc, chúng bồi đắp và ngày càng làm giàu thêm cái Riêng của bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, từ phương diện lý luận đã chỉ ra vấn đề “Hòa nhập mà không hòa tan”. Đó cũng chính là vấn đề liên quan tới tính Riêng của bản sắc văn hóa. Trên cơ sở lý luận và định hướng đó, chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của tính Riêng và giá trị của nó trong sáng tạo nghệ thuật thời kỳ hội nhập. Chúng ta nhận thấy, tính Riêng là mắt xích quan trọng để giải quyết vấn đề “Hòa nhập mà không hòa tan”. Trên cơ sở đó, tính Riêng sẽ tạo nên dấu ấn cho bản sắc riêng có và hình thành nên giá trị đặc sắc độc đáo từ nội lực của chính mình. Thông qua đó, hiện thực cuộc sống được chuyển tải qua lăng kính tư duy và năng lực sáng tạo của nghệ sĩ để tạo nên sự khác biệt và đa dạng được chiết xuất từ bản sắc văn hóa dân tộc nhằm nhận diện sắc thái, phong cách riêng biệt của một nền nghệ thuật cũng như dấu ấn sáng tạo của cá nhân người nghệ sĩ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nghệ thuật múa Việt Nam trong giai đoạn đầu của sự hội nhập và phát triển cũng không tránh khỏi sự nghi hoặc về những giá trị của các dòng ngôn ngữ múa ngoại nhập, chưa hiểu rõ và nắm bắt được phong cách và tính thẩm mỹ của nó, dẫn tới việc vận dụng chúng một cách máy móc bằng hình thức bắt chước mô phỏng và áp đặt trong sáng tạo nghệ thuật. Do đó, hiệu quả một số tác phẩm múa thời gian đầu còn nhiều hạn chế về sự kết hợp ngôn ngữ múa chưa thực sự nhuần nhuyễn, chưa sàng lọc tinh tế các yếu tố chưa phù hợp. Sáng tạo nghệ thuật chạy theo trào lưu, thậm chí làm mất đi bản sắc múa dân tộc mình và vô hình chung đánh mất cái Riêng - cái đặc sắc vốn có trong nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam.

Như vậy, việc vận dụng bản sắc văn hóa dân tộc và tính Riêng là sự ưu việt trong sáng tạo nghệ thuật nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc mình, làm rõ tính chất, sắc thái, phong cách và sắc màu thể hiện trong mỗi tác phẩm, làm nổi bật nét đặc sắc cái riêng có để hòa chung vào đời sống nghệ thuật nhân loại. Đây cũng chính là vấn đề cốt lõi và cần làm sâu sắc hơn trong xu hướng quay về “bản ngã gốc” của chính mình.

Nhìn từ lĩnh vực sáng tác, nhiều tác phẩm múa đã ghi được dấu ấn trong lòng công chúng bởi chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện sự tìm tòi khám phá những thủ pháp nghệ thuật mới và đa dạng để tạo nên tính Riêng cho tác phẩm. Một số tác phẩm, kịch mục lớn tạo được dấu ấn nghệ thuật trong lòng công chúng bởi giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ thời đại như: Kịch múa Nguồn sáng (NSND Anh Phương và NSND Hồng Phong); Kiều (Biên đạo Tuyết Minh và Phúc Hùng); Lời ru của rừng (NSND Anh Phương); Dệt lanh (NSND Kiều Lê); Em và Núi (NSƯT Thúy Hằng); Thổi hồn nhịp trống Ghinăng (Biên đạo Yến Phi)… đã thể hiện sự tìm tòi sáng tạo múa dân tộc giàu sắc thái kết hợp tinh tế với ngôn ngữ múa đương đại để hòa cùng dòng chảy nghệ thuật hiện nay.

Trong ba lần liên hoan múa Quốc tế tại Huế - 2014; Ninh Bình - 2017 và tại Huế - 2024, các thành viên Ban giám khảo đến từ Nga, Trung Quốc, Philippines, Thụy Điển, Singapore đã ghi nhận và đánh giá cao về sự trưởng thành của đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa nước ta. Một số tác phẩm múa đạt được hiệu quả nghệ thuật và dấu ấn trong lòng công chúng, đồng nghiệp và các chuyên gia nước ngoài tại ba cuộc liên hoan múa Quốc tế như: Trống thần (Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang); Ký ức dòng LamHọa tinh nhân gian (Trường Đại học VHNT Quân đội); Nàng Mây (Học viện Múa Việt Nam); Sinh sôi mùa Vàng (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam)…

Qua dẫn chứng một số tác phẩm nêu trên, từ phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm ta nhận thấy sự chuyển biến tích cực sau:

- Nhận hiểu sâu sắc giá trị trường tồn của văn hóa dân tộc với niềm tự hào tinh thần dân tộc nhằm tôn vinh và làm sắc nét cho bản sắc văn hóa của Riêng mình trong không gian hội nhập toàn cầu.

- Các nhà biên đạo tập trung khai thác đề tài gắn liền với cuộc sống, môi trường văn hóa, môi trường thiên nhiên, phong tục tập quán.

- Thể hiện xu hướng khai thác chiều sâu văn hóa cội nguồn, những nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc trong sáng tạo tác phẩm múa.

- Trên phương diện hình thức ngôn ngữ, các biên đạo cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc ngôn ngữ múa dân tộc, khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn và giá trị thẩm mỹ thông qua luật động, tạo hình và phong cách múa với đa dạng sắc thái, đặc trưng nhằm thăng hoa ngôn ngữ múa dân tộc.

- Thể hiện xu hướng quay về “yếu tố gốc” lấy đó làm nền tảng để phát triển và làm mới hơn ngôn ngữ múa dân tộc.

- Vận dụng đặc trưng tiêu biểu thủ pháp nghệ thuật của múa đương đại để tạo nên dấu ấn và tinh thần mới cho tác phẩm múa dân tộc.

- Dần hình thành phong cách sáng tạo mang tính Riêng ở một số nhà biên đạo.

- Chuyển động hình thành xu hướng sáng tác múa đương đại Việt Nam, hay nói rộng hơn là xu hướng sáng tác múa Dân tộc - Hiện đại.

Một dấu ấn mới về sự đổi thay trong tư duy sáng tạo nhằm hướng tới giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Một số biên đạo đã nhận thức được vấn đề “bản ngã gốc” là những gì liên quan đến môi trường văn hóa, thiên nhiên, là nơi con người sinh ra và tồn tại ở đó.

Đồng thời, việc khai thác sâu một số đặc tính tiêu biểu của múa đương đại như: tính ngẫu hứng tương tác, tính phức điệu, tính trừu tượng và ấn tượng, tính đột biến… để tạo hiệu quả và ấn tượng cho tác phẩm múa dân tộc, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào khai thác luật động múa đương đại một cách thuần túy và khiên cưỡng. Đây chính là tín hiệu quay về “yếu tố gốc” trong chuyển động múa đương đại đang diễn ra ở nước ta hiện nay. Chúng tôi cho rằng, việc chuyển đổi nhận thức tư duy sáng tác múa đương đại nhằm hướng tới việc định hình xu hướng sáng tác múa Việt Nam mang tính dân tộc - hiện đại.

4. Tác phẩm múa Việt Nam - dân tộc hiện đại

Vấn đề tiếp thu giá trị tinh hoa của từng thể loại múa khác nhau để vận dụng và khai thác chúng trong một chu trình mới mang sự phát triển tiếp biến của yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại trong sáng tạo múa là điều quan trọng cốt lõi. Ngay cả khi chúng ta tìm được mô thức sáng tạo nào đó để vận dụng khai thác những yếu tố ngôn ngữ múa mới lạ thì đó cũng không thể là mô thức tuyệt đối. Từ một mô thức sáng tạo cơ bản, chúng ta cần chuyển hóa nó để kết hợp với ngôn ngữ múa đa sắc thái của 54 dân tộc Việt Nam, nhằm xây dựng thành công tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật cao, tích hợp giá trị tinh hoa múa Đông - Tây, phù hợp tư duy, cảm xúc của công chúng và mang đậm dấu ấn Việt. Có nhà phê bình đã nhận định: “Sự kết hợp đa dạng các dòng ngôn ngữ múa đã làm phong phú và hấp dẫn cho đời sống nghệ thuật múa nước nhà. Các tác phẩm múa dân tộc - hiện đại đã đáp ứng xu thế thời đại ngày nay”.

Trên sân khấu, ra mắt nhiều tác phẩm múa thể hiện tư duy sáng tạo tác phẩm múa dân tộc mang hơi thở thời đại đã được các nhà biên đạo quan tâm đầu tư cho tác phẩm. Tác phẩm múa có sự kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả từ nhiều dòng ngôn ngữ múa nhằm làm giàu hơn ngôn ngữ múa dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời truyền tải hơi thở mới mang tính thời đại cho tác phẩm múa dân tộc Việt Nam. Đây có thể coi là hiện tượng “Tiếp biến văn hóa” trong sáng tạo múa ở Việt Nam.

Như vậy, qua nhận định đánh giá về hành trình sáng tạo múa diễn ra ở Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta có thể thấy nghệ sĩ múa nước nhà luôn bám sát vào những biến động của nhiều dòng ngôn ngữ múa trên thế giới như: múa cổ điển châu Âu, múa đương đại phương Tây để kết hợp với ngôn ngữ múa dân tộc nhằm tạo nên tính dân tộc và hiện đại trong sáng tạo múa của mình. Với ba giai đoạn diễn ra cùng những đặc điểm: Tiếp cận khai phá, Vận dụng và phát triển, Quay về yếu tố gốc với vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc, Tác phẩm múa Việt Nam - dân tộc và hiện đại nhằm tạo nên những bước phát triển với những dấu ấn mới cho nghệ thuật múa Việt Nam. Một hành trình chuyển đổi mạnh mẽ từ việc tiếp thu để xây dựng và định hình phát triển sáng tạo múa ở Việt Nam hôm nay.

TS. NSND Phạm Anh Phương

Ủy viên ĐCT Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy