Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
20:51 (GMT +7)

Chuyện chiếc cặp của nhà thơ Ma Trường Nguyên

VNTN - Đầu năm 1987 tỉnh ra quyết định thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên lâm thời, do nhà thơ Ma Trường Nguyên lúc bấy giờ đang là phó giám đốc sở Văn hóa kiêm chủ tịch lâm thời, nhà văn Vi Hồng và nhà thơ Hà Đức Toàn là phó chủ tịch lâm thời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất lúc đó là vận động các văn nghệ sĩ vào hội, trở thành những hội viên sáng lập. Những năm tháng ấy, người sáng tác, nghiên cứu, kể cả văn học lẫn các ngành nghệ thuật đúng là hiếm như lá mùa thu. Vì thế, hàng ngày, thậm chí cả vào các buổi tối, từ chủ tịch, các phó chủ tịch, đến các ủy viên thường vụ hội đều phải “tung” đi khắp nơi để tìm hiểu, động viên, tuyên truyền tôn chỉ, mục đích việc thành lập hội, hướng dẫn các qui định, qui chế để các cây bút có thể trở thành các hội viên sáng lập trong tương lai. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nguồn hội viên phần lớn là những giảng viên trong các trường cao đẳng và Đại học sư phạm Việt Bắc. Trong Khoa văn Trường Đại học Sư phạm lúc ấy, ngoài các tác giả lớn tuổi và đã quen tên như Vi Hồng, Lâm Tiến, Hoàng An… còn có các giảng viên trẻ có làm thơ, viết văn như Vũ Nho, Vũ Anh Tuấn, Hoàng Long, Trần Thị Việt Trung, Võ Sa Hà… Hồi đó, họ là những “mục tiêu” quan trọng trong việc phát triển hội nên anh Ma Trường Nguyên và anh Hà Đức Toàn lĩnh trách nhiệm trực tiếp đi vận động.

Anh Hà Đức Toàn kể lại, một buổi tối, anh cùng anh Ma Trường Nguyên đến nhà Trần Thị Việt Trung để trao đổi và mời Trần Thị Việt Trung vào hội. Khi hai anh đã đạp xe được non nửa đoạn đường, bỗng Ma Trường Nguyên như nhớ ra điều gì, vội quay sang phó chủ tịch Hà Đức Toàn:

- Ông chờ tôi một lát, để tôi về lấy chiếc cặp.

Hà Đức Toàn tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Đi mời Trần Thị Việt Trung vào hội chứ có gì phải ghi chép mà ông cần mang theo cặp.

-Không được! Ma Trường Nguyên nói với vẻ vừa nghiêm khắc vừa quan trọng -  Trần Thị Việt Trung xinh gái thế, mới lập gia đình được ít năm, mình lại đến vào buổi tối thế này, chồng nó có thể chẳng ghen tuông nhưng biết đâu mọi người lại hiểu lầm. Vì vậy, mang theo cặp nghĩa là chúng ta đi công tác đàng hoàng chứ không phải là đi chơi tào lao. Cứ mang theo cho nó yên tâm ông ạ.

Mặc dù Hà Đức Toàn can ngăn không nên quan trọng hóa mọi việc đến thế nhưng Ma Trường Nguyên không chịu, vẫn quyết quay lại cơ quan lấy chiếc cặp ôm theo.

Mấy hôm sau, hai nhà thơ hoan hỉ báo cáo với ban thường vụ là Trần Thị Việt Trung đã đồng ý trở thành hội viên sáng lập. Chuyến đi của các anh rất… an toàn, không có một điều tiếng nhỏ.

Thế mới biết, thời kì “hoạt động bí mật tiền thành lập hội” đầy gian truân và… huyền bí và cũng không ít “sáng kiến” để bảo vệ sự trong sáng cho các lãnh đạo hội lâm thời. Chỉ là chiếc cặp nhưng có lúc nó đã trở thành một vật dụng hữu hiệu trong cuộc “trường chinh” vận động các hội viên sáng lập là phụ nữ, nhất là các nữ hội viên tương lai xinh đẹp.

Bây giờ đã ba mươi năm trôi qua, đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng bạn bè vẫn thấy nhà thơ Ma Trường Nguyên mỗi khi đến nhà các bạn văn chơi, luôn mang theo chiếc cặp bên người. Không biết chiếc cặp này có còn mang ý nghĩa như chiếc cặp từ ba mươi năm trước nữa không, nhưng chắc chắn nó vẫn vô cùng… an toàn cho một nhà thơ suốt đời mơ mộng, lãng mạn nhưng lại sống hết sức đúng mực.

Phù Sa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 6 ngày trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 7 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước