Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
16:31 (GMT +7)

Chút nữa là vô!

Truyện ngắn. Lê Nguyên Ngữ

Khi thấy anh Chân ràng chiếc bình ắc-quy sau boóc-ba-ga xe đạp, chị Nhu biết đám cỏ đậu chiều nay, lại một lần nữa bị trôi lại. Đám cỏ hết áp thấp nhiệt đới gần tới bão xa, mưa đã tưới táp đến độ muốn trùm lên cả những cây đậu đang thời kỳ cần thông thoáng để ra hoa, kết trái. Anh ruột của Nhu, một thương binh hai trên bốn, tuy không phải là nông gia tài cán, giỏi giang gì, nhưng chắc chẳng đến nỗi để hai sào đậu phải thất bát vì ngộp cỏ như thế, nếu không có cái trận bóng của hai nước nào nào đấy của “Quơ-cúp” này. Anh thì mê bóng đá đến là chúa hạng, mà cái giải này nghe đâu mấy năm mới có một lần! Mê gì mê Nhu chả trách, cả đến việc bỏ thất hai sào đậu, chị chỉ lo lại xảy ra những vụ như kỳ cũng Chung kết chi đó của năm ngoái thôi.

Nhà chị chỉ có hai người. Trước kia, sau năm anh Chân ở chiến trường về, là khi ba mẹ thay nhau mất. Từ ấy, hai anh em cùng sống với nhau. Cả hai, mãi đến giờ chẳng đám nào ra đám nào, nên đều độc thân.

Anh Chân không vợ, đúng ra chẳng phải vì thương tật của mình. Giếng Triền này, khối người còn thương tật đến... bò lăn bò toài, thế mà họ đều nồi nào vung ấy, úp vào nghe cũng vừa vặn ráo cả. Còn anh, chỉ tội phải... cái tính gàn. Chẳng biết tính này do cha sinh mẹ đẻ, hay bởi vết thương ở đầu trước đây gây nên. Gàn hết chỗ nói! Và cũng nói cho đáng, anh chỉ dở dở, ương ương về những gì liên quan đến bóng đá thôi. Mà... bóng đá thì lúc nào cũng dày như cỏ đậu mùa mưa. Hết Ngoại hạng Anh rồi đến C1, hết “xi gêm” rồi đến “cúp Ơ-rô”… Nói nghe đến ngượng, anh của chị nào phải lành lặn gì. Sau chiến trường K về, chân trái anh đi chẳng được bình thường, nếu không muốn nói là quẹt qùa, khập khiễng. Đứng cuốc cỏ chừng hai luống đất nghe đã mỏi, đã khó, anh lại say mê cái môn chơi chỉ thuần bằng đôi chân, cũng lạ. Trước anh tính tình chẳng đến nỗi nào, rất thương em. Vào bộ đội, đùng cái xung phong đi K, đùng cái anh bị thương, đùng cái... dở dở, gàn gàn. Bây giờ chỉ hai anh em, quyền huynh thế phụ, mọi sự anh quyết hết, từ việc làm ăn để nuôi sống hai người, tới cả chuyện tình cảm riêng tư của chị. Mà quyết đúng chẳng nói làm gì, đằng này xin lỗi, anh chỉ toàn... quyết bậy! Anh Chân năm nay bốn sáu, chị cũng ngoại tứ tuần. Cả đống tuổi vậy nếu không hồi xuân cũng thuộc diện quá lứa, lỡ thì. Ở tuổi này, bói cho ra một tình yêu đã khó, để được anh đồng ý lại càng khó hơn. Mà nghe chừng như anh chẳng đồng ý ai. Đám hợp đầu này, anh lại chê đầu nọ. Còn hợp hết, có khi nhận định bóng đá lại chẳng thuận với anh! Cứ như là anh tìm bạn xem bóng chứ không phải tìm em rể vậy. Lắm lúc lẩn thẩn, Nhu nghĩ chắc anh muốn chị ở vậy để hầu hạ mình suốt đời. Muốn có người hầu hạ, nhất là thời điểm các mùa bóng đá, sao anh không lấy vợ đi chứ? Con gái quá lứa muộn thì như chị ở xóm này chẳng hiếm. Còn anh tính tình cũng rất dễ. Dễ đến độ sao cũng được, gì cũng xong, miễn rằng trên đời này từ xưa, đừng có ai bày ra... môn bóng đá! Vô phúc cho vợ hay dòng họ vợ nào thích hoặc vô tình ca ngợi cái đội bóng đá mà anh ghét. Phụ nữ ít người ưa “món” đó, nhưng nội chuyện phục vụ cho ông và bạn bè trong các mùa bóng, giải bóng cũng mệt đứt hơi rồi. Mà nào có ít! Ong thì chẳng cá độ tiền bạc gì. Song cứ theo đội này con gà, bênh tuyển nọ cặp vịt, tỷ số kia thêm lít rượu... qua mấy mùa giải, việc chăn nuôi sẽ thành ra tan tác cả. Rồi còn sơ sót, phật ý, gây gổ... chẳng đến là tan đàn xẻ nghé ra ư?!

Chị Nhu bỗng nhớ đến đận Ngoại hạng Anh năm ngoái. Anh em chị là một trong dăm nhà có ti-vi ở xóm. Thêm anh Chân thuộc tín đồ túc cầu giáo - như bạn anh hay gọi - nên mỗi khi có truyền hình trực tiếp bóng đá, người đến xem khá đông. Trong số đó có anh Dướt, ở xóm Giếng Triền trên. Anh Dướt trước đây, theo chị cảm thấy là người duy nhất có “tình ý” với mình, nay vợ anh mới chết, cũng thường đến xem nhờ. Dạo đó cũng may anh Dướt là người tâm đầu ý hợp về việc đánh giá các cầu thủ, đội bóng với anh Chân. Hai người như cặp bài trùng vào những buổi xem bóng. Cả đến cá độ rượu chè nữa. Anh Chân cũng thường khen Dướt hết lời trước mặt chị. Chẳng biết đấy có phải là anh “bật đèn xanh” cho không, nhưng chị cũng thấy vui vui. Hôm đó trước trận bóng, Nhu ý tứ quét dọn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp. Anh Chân thấy vậy bèn hấp háy mắt, đùa: “Đã mấy giải rồi, lần này tao mới thấy mày có tinh thần thể thao”. “Nhà đã rách, còn để bầy hầy nữa. Bộ người ta đến cười mình anh thôi sao?”, chị chống chế. “Biết sợ người ta cười là tốt! Đoạn anh lại gần, hạ giọng: Mày chịu khó chạy ra quán Tư Mập, xách cho anh ba lít rượu rồi... anh tính”. “Mua chịu... kỳ lắm! Tui không đi đâu”. “Kệ mà! Tụi nó đến xem, ngồi coi chay không... cũng dị” anh kèo nài. “Rồi... ai trả?”. “Thì... nếu em không có, anh trả. Trận xem như “chung kết” này hay lắm. Em ơi…!”. Cứ mỗi lần muốn rút hầu bao của Nhu là ổng vậy đó, anh em nghe ngọt xớt. Anh Dướt cũng là “tay” rượu. “Ong thì trận nào chẳng hay. Nói cho biết, tui chỉ đi lần này thôi đó !”. Nhu xách can đi mà hấp hởi trong lòng. Cặp mắt anh Dướt khi có rượu vào thường nhìn chị lạ lắm. Mấy ông vợ chết có phải ai cũng nhìn vậy hay không, Nhu chẳng rõ.

Cả chiều tối có trận bóng đó, thay vì đi gánh nước, chị Nhu quanh quẩn mãi ở chái bếp. Chị chẳng hiểu sao mình lại vậy. Cứ mỗi lần thêm thức nhắm hay mắm muối gì lên chỗ ti-vi là mỗi lần anh Dướt nhìn, chị lại luống cuống. Luống cuống mà cũng cứ thích lên. Các ông ấy vừa uống rượu, xem vừa hò hét vui hơn nhà có đám giỗ.

Sự ồn ào chỉ dịu bớt khi đội nào đó bị ghi bàn. Anh Chân cũng im lặng lúc lâu, rồi bắt đầu cáu bẳn lên. Do điện bình yếu, màn hình nhà chị màu áo cầu thủ hai bên hiện ra lẫn lộn trong pha bóng nào đó, dẫn đến việc cãi nhau om xòm lên. To tiếng nhất không hiểu sao lại là ông Chân với anh Dướt. Đến khi ti-vi tắt, hai người vẫn còn cãi nhau. Chị Nhu lật đật chạy lên, gặp vừa lúc ông Chân chỉ thẳng vào mặt anh Dướt: “Mày thì biết... cứt gì bóng đá. Về đi! Đừng bao giờ tới nhà tao xem ti-vi nữa.”

Thế là hết!

Ngay đêm đó, Nhu nhớ rằng mình đã khóc. Thật tình chị với anh Dướt cũng chưa ra môn ra khoai gì. Hơn thế vợ anh mới mất. Nhu khóc là buồn cho thân phận lỡ làng, trắc trở của mình. Và phần nào cũng giận anh Chân. Gì thì gì, đầu cũng gần hai thứ tóc rồi còn cứ bóng đá là trên hết, để đến nông nỗi này...! Chỉ cần vài câu nói không kềm chế được của anh, tất cả thành đổ sông đổ bể. Suy cho cùng, cũng tại bóng đá mà ra cả. Chị thù mãn kiếp môn chơi này.

Sau đó phải mất gần năm trời, “thằng mất gốc, nịnh ngoại” - lời Chân gọi Dướt - và anh mới thấy thư thư được với nhau. Nhu vừa mừng mừng, giờ lại đụng cái trận bóng của hai nước nào ở Quơ-cúp này. Liệu có giống như lần “chung kết” trước ?! Bóng đá với các ông thì sướng, nhưng với chị là thứ... quỷ ám!

Lúc trưa Nhu bỏ sang ăn cơm bên nhà dì Hai về, thấy anh Chân đã cắt cổ hai con vịt xiêm, đang lúi húi làm lông. Chị dậm chân:

- Trời ơi... ! Đã bảo để đẻ ấp, gầy lấy một lứa nuôi. Sao giờ cắt cổ đi rồi?!

Anh Chân xách bốn chân vịt dổng lên, phân trần:

- Em coi! Vịt bàn chân đầy lông vầy, mùa mưa ấp lứa nào thúi trứng lứa đó, mình không gầy được đâu.

- Không ấp được, cũng phải để... bán lấy tiền chớ. Ló con nào cắt cổ hết con đó sao?

- Đâu có, tụi nó hùn tiền lại mà em. Cũng giống như mình bán vậy thôi. Mình có ti-vi, tụi nó có vịt.

- Rồi... tiền đâu? Đưa đây!

- Thằng Dướt đang gom. Xế tụi nó lại xem, đưa luôn.

- Dướt nữa! Lại xem rồi... đuổi người ta chớ gì?

- Thì... trận hồi đó khác, trận này... Mới lại, cũng tại anh... say! Nó còn hổng chấp, em chấp làm gì.

- Trận nào thì cũng là bóng đá thôi! - Nhu giận dỗi ngoảnh đi, vô nhà trước: Vịt gì thì vịt, chớ... tui nói là hổng được uống rượu nữa đâu đó.

- Thì... cũng chút chút cho vui thôi. Xem... bóng là chính.

Nghe có Dướt đến, chị Nhu thấy cũng vui vui đồng thời lo lo. Nhà trước anh quét dọn sạch sẽ. Chẳng biết bao nhiêu ông đến xem mà thấy mượn thêm hai băng ghế. Chị Nhu sửa lại ngay ngắn cái ti-vi, vừa lau vừa lẩm bẩm: “Xem hết trận này đến trận nọ, cái ti-vi chưa hề thấy cầm tới miếng giẻ lau”.

- Nhà mình còn bột ngọt hông, Nhu?

- Chỗ góc củi cá đó! Chị Nhu xuống chái bếp, thấy hai tô tiết lớn: Lại còn tiết canh nữa! Làm gì thì làm, tha hồ. Tui qua rẫy đó.

Chị nói xong, vác cuốc đi luôn.

Cặm cụi với mấy vạt cỏ đậu ngoài rẫy, chị Nhu cứ miên man nghĩ về quan hệ giữa anh mình với Dướt. Tính mấy anh đàn ông đúng là sớm nắng chiều mưa, chẳng biết đâu mà lần. Thâm thù đó rồi thân thiết đó. Riêng Dướt, chị không ngờ anh cũng mê bóng đá đến vậy! Chị mà như anh, ông Chân nói thế, sẽ cạch mặt tới già. Đàn ông hóa ra cũng dễ làm lành với nhau, nhất là nếu cùng mê bóng đá. Mải nghĩ ngợi thế nào, một nhát cuốc bỗng trúng vào ngón chân cái chị, toạc cả bên móng. Chị Nhu ngồi thụp xuống trên đất, bàn chân cứ nhịp lên nhịp xuống như thằn lằn đứt đuôi theo cơn đau.

Từ trong xóm xa, theo chiều gió mơ hồ vọng đến những tiếng “dô... dô... à lê, à lế, à lề! Dô... dô... dô...”. Vậy là trận bóng vẫn còn. Chị Nhu gắng gượng đứng dậy, tiếp tục với luống cỏ đậu.

Khi trời én lặn, chị Nhu về, không ngờ nhà vẫn còn đông vầy. Tiếng bình luận viên trong ti-vi nghe cứ oang oang. Rửa ráy qua loa xong, chị Nhu lủi vào chái sau. Chưa đêm nhưng bên trong chái bếp tối hù. Nhu mò mẫm thắp lên ngọn đèn hột vịt. Định lên phòng mình thay đồ, không hiểu sao chị lại thôi. Lúc vào chái bếp, qua cửa thông nhà trước, chị đã bắt gặp ánh mắt anh Dướt kịp nhìn mình. Trong bóng tối chái sau, ồn ào của nhà trước rõ lên mồn một.

- Hiệp phụ này quy định bàn thắng vàng hông, hở mấy ông?

- Vàng chớ. Vàng mới ác!

- Dzậy... may rủi quá.

- Nói ngu! May rủi bằng đá luân lưu không? Có tiếng của anh Chân.

Tiếng anh Dướt:

- Thế nào đội đó rồi cũng thắng mà! Tin tôi đi.

Chị Nhu tựa lưng vào củi cá.

- Vào! Vàng!

- Không vàng! Phải khéo chút nữa là vô rồi.

Ồn quá thể. Vàng bạc gì đó không biết. Cái mà chị cần bây giờ là mau hết trận bóng, để chị còn tắm, thay đồ và ngủ một giấc. Đứng một lúc, không biết làm gì, chị Nhu xoay qua mở cái củi cá. Trong củi là một đĩa nhỏ thịt vịt và chén nước mắm gừng. Chị nhón miếng thịt nạc nhỏ, chấm nước mắm. “Cũng biết thương em dữ há!”. Ánh đèn hột vịt chợt lao chao và bóng tối trùm qua.

- Ủa, Nhu hả? Còn... ớt không, cho... - Bất thần là tiếng anh Dướt cùng lúc với ánh đèn hột vịt tắt, tối hù.

Chị vội nuốt lửng miếng thịt, hốt hoảng:

- C... ó, có. Để em lấy!

Khi Nhu loay hoay tìm ớt trong củi cá, người anh Dướt đã áp hẳn vào sau lưng chị, nóng ran.

- Nhu...!

- Trời... anh Dướt! Chị vùng vẫy ra khỏi vòng tay anh, nói khẽ: Làm gì kỳ vậy, anh lên đi!

- Anh... thương em. Nhu, em biết không, anh yêu em từ...

Nhu cố thoát khỏi mùi đàn ông lẫn mùi rượu từ người anh tỏa ra ngột ngạt:

- Thì anh lên đi. Người ta biết, kỳ... chết!

- Họ... lúc này chỉ biết có bóng đá thôi. Em... em có... yêu anh không, Nhu? Nói đi!

- C..ó... Mà anh lên đi, trời à!

- Ôi... em! Vậy là hạnh phúc cho anh rồi.

- Buông em ra đi! Anh... Chân xuống kìa, buông ra đi! Nhu lại cố vùng vẫy.

- Anh thì... - Dướt cười nhỏ bên môi chị và càng ôm chặt chị hơn:...thì... có xeo ra, cũng không xuống đâu em sợ.

Cùng theo câu nói trong tối hùm, bàn tay anh Dướt bên hông chị dịch lần ra phía trước. Nhu vùng vẫy, van nài:

- Để... khi khác, giờ lên đi anh. Họ thấy...

Bỗng: - Vào... vào...!

- Vô rồi… vô rồi! Hoan hô! Hoan hô...!

Dướt bỗng vụt lên nhà trên theo tiếng vỗ tay, la hét loạn xạ. Bỏ lại Nhu trong trống huơ đột ngột! Trống huơ đột ngột khi hơi hớm anh vẫn còn nóng ran trên người chị. “Vậy là ảnh cũng yêu mình!”, Nhu thảng thốt, bàng hoàng. Dù muộn, nhưng không biết có phải là hạnh phúc như anh vừa nói không? Một cảm giác vừa được lại vừa mất bỗng dưng dào lên ngập tràn trong chị.

Khi tựa cả lưng vào vách bếp, Nhu co tay áo lên chùi miệng, nghĩ thầm: “Giá mà... đội tuyển nước nào đó đừng thắng cách ngang xương như vậy, thì...”

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 15 phút trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước