Chuông gió – Truyện ngắn. Phan Mai Hương
VNTN - 1. Lâu lắm mới có ngày cuối tuần được nghỉ. Nhi chả cần quan tâm đến chuông báo thức. Kéo cái chăn chùm lên kín đầu để tận hưởng sự nhàn hạ đến mức đếm từng sợi lông cừu trên cái đệm trắng muốt và ấm áp, kệ cái chuông gió lắc cắc ngoài ban công. Gió mùa đông bắc về từ đêm, mưa rỉ rắc, càng có lí do ngủ nướng.
Bỗng nghe có tiếng rơi loạch xoạch phía ngoài ban công. Như có chân mèo chạy qua, rồi tiếng nhai gặm sột soạt như kiểu mèo mài răng. Phải dậy xem cái gì nào. Vừa mở cửa, Nhi thoáng thấy cái đuôi mèo trắng muốt cong cớn ve vẩy khuất sau cái máng xối tiếp giáp nhà hàng xóm.
Cái chuông gió nằm sõng soài. Mảnh vỏ sò vỡ tan tành, lấp lánh như nở hoa trên nền gạch hoa màu nâu. Dây treo chuông màu đỏ bị dứt đứt, rối tung. Cái nơ lụa màu đỏ bị nhai gặm nham nhở, rách tan nát. Nhìn bộ dạng thảm thương của cái chuông gió như chứng tích của tội lỗi, Nhi chỉ muốn túm đuôi con mèo.
Nhi mê sưu tập các loại chuông gió. Cái bằng kim loại óng ánh được mang về từ thành phố hiện đại và ồn ào như sóng biển. Cái bằng gỗ thông thơm ấm mùi lửa bếp lò và gió núi được mang về từ thị trấn xinh xắn tít trên đỉnh núi, bị vùi lấp trong sương lạnh mịt mờ. Cái bằng gỗ giáng hương thơm ngào ngạt tình cờ tìm thấy ở chợ phiên vùng cao. Cái bằng vỏ quả dừa ngọt ngào được mang về từ miền nắng gió chan hòa. Cái bằng vỏ ốc núi xoắn tít đuôi dài mang về từ ngôi miếu cổ thờ Cô Chín Cửu Thiên Huyền Nữ. Cái làm từ thanh cật tre bóng loáng mang về từ ngôi chùa khuất nẻo nhưng nghe đồn rất thiêng.
Riêng cái làm từ vỏ sò này được mang về sau kỳ nghỉ ở biển, vào mùa đông năm ngoái. Khi gió thổi vào nghe tiếng vỏ ốc lắc cắc, cảm giác như tiếng biển lào xào, tiếng cát cựa quậy, ngửi thấy mùi mằn mặn của gió. Lại nếm thấy vị mặn mòi của nước mắt như khi người ta quyết định từ biệt một mối tình.
Nhi thích treo chuông gió. Vì không nhìn thấy dáng hình của gió thì phải nghe được âm thanh. Có lần Nhi theo cô bạn đi xem bói tuổi cưới chồng, thầy bảo nên treo đèn lồng màu đỏ để trấn vong, vì cổng nhà có cây to lâu năm. Chả tin bói toán nhưng Nhi thắc mắc sao thầy lại biết. Cây bàng tán cao và xòe rộng phủ kín ban công tầng hai. Nhớ bà nội nói cây cổ thụ có ma ngồi đu đưa trên cành. Hồi nhỏ, buổi tối rửa bát, tay cứng đơ, mắt căng ra nhìn con ma áo xống tả tơi đang sột soạt ở bụi chuối. Bị mẹ mắng tội đánh vỡ bát. Sáng ra thấy mấy tầu lá chuối khô cong lên, rách tươm vì bị gió quật.
2. Bác Quý, hàng xóm nói ngày nào cũng phải sang quét lá hộ, vì chỉ vài hôm thảm lá màu vàng màu đỏ sẽ phủ lấp cổng nhà, cô Nhi đến ở, bác không phải sang quét lá nữa.
Nhi không treo đèn lồng, vì tìm mãi không thấy cái đèn lồng mua từ Hội An. Chắc bỏ quên ở nhà cũ rồi. Cha mà biết thế nào Nhi cũng ăn mắng là đoảng vị. Nghĩ muốn rơi nước mắt, vì cha mất mà chưa được làm đám cưới con gái. Nhi thay dây chuông bằng cách bện các sợi chỉ thêu màu đỏ, lấy giải lụa kết thành nơ. Nhi hài lòng nhìn cái nơ đỏ mềm mại đu đưa theo tiếng gió lắc rắc thấy lòng ấm áp lạ.
Tiếng kẹt cửa từ nhà hàng xóm. Rồi cái đầu tóc xoăn bù xù vẻ ngái ngủ nhô sang từ ban công, áo sơ mi khoác vội nhưng vẫn phẳng phiu. Anh nói giọng ái ngại, xin lỗi vì Bông Tuyết được nuông chiều nên sinh hư. Anh nhìn đống mảnh vỏ sò vỡ lộn xộn với dáng vẻ lúng túng và bất lực.
Nhi còn lúng túng hơn vội nói, tôi cũng yêu mèo. Nhi đỏ bừng mặt, rõ là vu vơ, không biết nói dối thế để làm gì? Anh vui vẻ chủ động xóa tan khoảng cách, tôi nuôi Bông Tuyết làm bạn nhưng nó hay bỏ đi chơi, may là có thêm cô Nhi làm hàng xóm đỡ buồn rồi. Nghe bác Quý nói cô Nhi làm nhà báo bận lắm, đi công tác suốt. Nhi ngạc nhiên là Phái lấy thông tin về nàng từ “thông tấn xã” vỉa hè nhà bác Quý.
Cái quán nhỏ nhà bác Quý là nơi tụ tập của cả khu chung cư. Mà ngồi buôn chuyện toàn là đàn ông. Từ chó mèo nhà ai sắp đẻ, đến mẹ nào có thai mấy tháng. Từ trẻ con nhà ai sắp sinh nhật đến con gái nhà nào nay mai vỡ chum. Chuyện vợ chồng nhà kia đã kéo nhau ra tòa rồi mà giờ lại ríu rít như đôi chim câu. À, mà sắp có đám cưới ở ngay sân này chứ không phải lên khách sạn đâu, đi ăn cũng tiện. Mọi chuyện đều được mang ra thảo luận bàn tròn.
Nhi biết về Phái cũng là do bác Quý gái vui chuyện kể trong khi Nhi quét lá bàng. Rằng cậu Phái ly hôn rồi, con gái nhỏ thi thoảng tới thăm. Làm cán bộ cỡ hơi to ở trong huyện, cũng viết lách giống cô Nhi đấy, à gọi là “ban tuyên huấn”. Bác Quý nói nhầm ban tuyên giáo thành ban tuyên huấn, nhưng Nhi không cải chính. Bác Quý vẫn kể vẻ rất vô tư. Cậu Phái tốt bụng hòa nhã lắm. Rủi cái lấy phải cô vợ ghê gớm đanh đá, không xinh đâu, da đen bì bì mà răng cũng hơi bị chìa ra, mắt một mí híp lại. May được cô con gái xinh giống bố. À, bố vợ cậu Phái làm quan tỉnh, có uy quyền lắm. Nhờ thế mà cậu Phái được cất nhắc nhanh ra phết, nghe đâu được cơ cấu phó chủ tịch huyện, nhưng chả hiểu sao vợ chồng lại ly hôn. Ối giời, người có tóc xoăn là hay vất vả đường tình duyên lắm. Bác Quý gái chép miệng bình luận, kết thúc bài độc diễn.
Chiều nay, Nhi về sớm nghĩ sẽ lau nhà dọn dẹp, trồng lại khóm hoa hồng ở ban công tầng hai, vì con Bông Tuyết cứ lẻn sang nghịch phá. Nghe chuông cửa réo, Nhi vội chạy xuống. Là Phái, mái tóc xoăn có vẻ mượt mà hơn, tay cầm một gói nhỏ bọc giấy vỏ bao xi măng, sợi lạt giang buộc vuông vức như bánh chưng. Nụ cười hiền, dáng vẻ bối rối, tôi sang thăm cô Nhi. À, thôi không vào nhà đâu, tôi đền, à không, tặng cô cái này, tôi về luôn đây. Anh nói một lèo, và dúi cái gói vào tay Nhi. Không kịp để Nhi mời mọc hay từ chối, anh quay lưng đi thẳng về cổng nhà. Nhìn theo tấm lưng rộng và bước chân sải dài hơi chúi về phía trước, Nhi vội liếc sang nhà bác Quý. May quá, đám đàn ông bên quán đang mải tranh luận về trận bóng đá hồi khuya, nếu không sớm muộn gì Nhi cũng bị mang ra làm món nhậu như cầu thủ đội Livopun.
Ăn tối xong, chúi mũi vào máy tính, mãi khuya Nhi mới nhớ đến cái gói. Nhi gỡ dây lạt giang màu trắng ngà buộc kiểu xoắn đầu một cách dễ dàng. Cái lạt giang dẻo mềm khiến Nhi nhớ bà nội lúc nào cũng trữ sẵn một bó. Bây giờ mà còn dùng lạt giang, chắc người của ngày xưa.
Nhi sững sờ khi nhìn thấy bộ chuông gió làm từ cây nứa. Thân chuông là những ống nứa già vàng ươm, gọt nhẵn và mài bóng loáng, được hun khói với hình hoa văn cầu kỳ. Nhìn vào đấy thấy suối chảy, thác đổ, gió reo, mây bay, sương sà xuống thấp mịt mờ một cánh rừng. Những ống nứa thon thả như ngón tay búp măng được kết nối bằng sợi chỉ bông. Loại chỉ xe từ quả bông nõn, nhuộm màu đỏ sậm và xoắn kiểu vặn thừng rất chắc chắn. Đặc biệt là trên miệng mỗi ống nứa nhỏ được gài một ống sáo bé xíu cũng làm từ nứa, khoét những lỗ to nhỏ không đều nhau. Thân sáo và thân chuông đính sợi chỉ bông bện đuôi sam, thả tua rua, trông cầu kỳ và điệu đà như thiếu nữ xinh đẹp ngày lễ hội.
Nhi mang bộ chuông nứa làm từ rừng thay thế vào chỗ bộ chuông vỏ sò làm từ biển đã bị con Bông Tuyết làm hỏng. Nhẹ nhõm và thoải mái, Nhi nằm trong chăn lắng nghe. Trong tiếng nứa lách cách, như xen lẫn tiếng sáo ngân nga, lại có tiếng gió rít nhẹ bên tai, thoang thoảng hơi sương lành lạnh. Chợt cảm giác vai nặng trĩu xuống như bóng đè. Người nhẹ bẫng như đang bay lên lượn theo tiếng sáo u u trầm bổng. Nhi đang men theo con đường mòn nhỏ màu trắng uốn lượn theo quả đồi phủ đầy sim tím và chan hòa nắng. Con đường dẫn Nhi rẽ quặt vào một khúc suối lớn có mặt nước sâu thăm thẳm màu rêu xanh, hình như nước không chảy. Nhi đi như bay lướt trên mặt suối, chạm chân vào cầu thang của một ngôi nhà sàn nhỏ. Chim hót ríu rít, hoa cỏ thơm lừng, tiếng sáo miên man như đang thánh thót kể chuyện về tình yêu. Nhi nhìn thấy người đàn ông lạ đang sải bước phía trước, đôi vai cụp như úp gập xuống, dáng người như giống Phái, lại cũng giống cha nữa. Ông ta trèo lên cầu thang, sau đó đứng trên cửa sổ nhìn xuống chỗ Nhi bằng đôi mắt buồn rầu. Nhi đang lúng túng, không biết có nên vào nhà hay không, thì nghe tiếng gọi giật giọng hoảng hốt của cha, Nhi ơi con đâu rồi?
Nước mắt Nhi chảy tràn xuống gối, trôi cả chiếc đồng hồ mà kim giờ đang chỉ đến số ba. Đêm nay gió mùa về. Mỗi cơn gió thổi qua, tiếng lắc cắc từ chuông nứa vang những âm thanh khác nhau của rừng. Khi thì ập vào mạnh mẽ như vòng tay ôm của sức trai mười tám. Khi thì da diết vẫy gọi như tình yêu đầu nở bung trên cánh hoa ban trắng muốt. Khi lại ào ạt quấn quýt, riết róng như thác lũ. Khi lại ngào ngạt hương thơm của bông lúa ngậm đòng. Khi lại ngọt lịm như mật ong của hoa bông trăng đầu mùa. Khi thì ai oán, u uất, hờn tủi mong chia sẻ. Khi lại thống thiết một nỗi đau rấm rứt như muối xát vào lòng. Lạ làm sao, chính cái âm thanh ai oán kia lại khiến cho Nhi muốn đi tìm.
3. Chủ nhật, Nhi chủ động sang nhà Phái. Nhi kín đáo nhìn phòng khách đơn giản, trên bàn nước có sách đọc dở và laptop đang mở, ấm chén để lẫn với những hộp và chai lọ. Nhi vờ như không quan tâm đến điệu bộ luống cuống của Phái và nói, em sang cảm ơn anh về chiếc chuông gió, em rất thích nó, em muốn có chiếc nữa tặng cho bạn, em nhờ anh đưa đến chỗ để mua. Phái rót nước lọc ra hai cốc sứ trắng muốt nói, tôi không thể làm được việc cô Nhi nhờ đâu. Anh trở lại khuôn mặt khó đăm đăm.
Nhi vẫn day dứt về bộ chuông gió. Lần nữa, Nhi gặp Phái ở sân, nghe nói trên đỉnh đèo Ông Tượng có ông già làm chuông gió rất nổi tiếng, em sẽ lên hỏi, chắc ông ấy biết người làm ra bộ chuông gió này. Em sẽ mang bộ chuông này làm mẫu đặt hàng. Phái ngắt lời Nhi, chỉ phí công thôi, ông ấy không gặp ai đâu. Nhi nghĩ, không biết ai cắt rốn cho mà Phái kiệm lời thế không biết, hay ông già trên đỉnh đèo Ông Tượng đã làm ra bộ chuông nứa này?
Khởi hành từ sáu giờ sáng mà gần mười hai giờ trưa Nhi mới đến lối rẽ. Đã hỏi thăm qua người đàn bà mặc váy Mường, đang bó củi ở cửa rừng, Nhi tần ngần nhìn con đường đất đồi đỏ ối mất hút vào cánh rừng đã lẫn vài miếng bóng tối. Con đường lâm sinh này chỉ dành cho xe chở gỗ. Người đàn bà nói đi đường này rút ngắn được thời gian. Thế nghĩa là sẽ có đường khác. Bây giờ trót vào đến đây rồi, Nhi không muốn quay ra.
Mặt đường lổn nhổn đá rải to bằng trứng gà trứng vịt. Có nhiều đoạn bị đọng nước mưa thành vũng lở lói trồi sụt nát như tương băm. Nhi cuốc bộ, vì buổi chiều không có xe đi vào, chỉ có xe đi ra chở đầy gỗ cây keo cao ngất ngưởng, đi ậm ạch một cách nặng nhọc. Thỉnh thoảng gặp vũng nước mưa đọng, ô tô rú ga bắn bùn nước tung tóe.
Sau cùng Nhi cũng tới nơi. Ngôi nhà sàn bé nhỏ giống y như Nhi đã thấy trong giấc mơ, khiến cô phấn chấn hẳn lên, vì gặp cảm giác quen thuộc. Từ ngõ dẫn vào nhà là con đường mòn nhỏ tí bị um tùm cỏ dại che lấp, phải đi qua một cái chuồng dê. Có vài con dê bị nhốt buồn rầu ngóng ra bờ suối. Nghe tiếng chân bước thậm thịch, lũ muỗi dĩn đồng loạt bay lên bật âm thanh u ơ hu hú như thổi sáo. Cỏ mọc chen lấn vào tận gầm sàn.
Nhi đợi rất lâu bên chiếc cầu thang có năm bậc mòn vẹt sứt sẹo, lỏng lẻo, mặt gỗ cứ lật vào phía trong. Ngó bếp lửa giữa nhà, thấy củi lửa lạnh tanh, cái xoong nhỏ, vung méo mó, nằm chỏng chơ. Con mèo lông đen nhánh bóng mượt như giọt nước, mắt xanh biếc như ma trơi, nhìn Nhi gườm gườm, không có gì là thân thiện, rõ là không có ý định mời khách vào nhà. Nhi ra về với ý nghĩ nhất định không bỏ cuộc.
Những chủ nhật tiếp theo cô đều rủ Phái cùng đến nhà ông lão trên đỉnh đèo Ông Tượng. Đến lần thứ sáu thì Phái đồng ý và tiết lộ ông già tên là Ngần. Hai người bước lên sàn nhà lát bằng thân cây bương đập dập, lâu ngày lên nước bóng loáng. Nhi đã cố rón rén nhưng vẫn phát ra tiếng động cọt kẹt dưới mỗi bước chân. Chủ nhà ngồi bên bếp lửa như đợi sẵn, cái ấm nhôm bật nắp đang phun nước phì phì ra đằng vòi. Được Phái nói trước, nhưng Nhi vẫn thấy ông cụ trẻ hơn nhiều so với tuổi tám sáu. Mái tóc vẫn chưa bạc hết, cắt cao gọn gàng. Đôi mắt to và sáng, hơi sâu trên khuôn mặt thon hơi xương xương. Đôi mày rậm đã bạc đôi khi nhíu lại in hằn vệt nhăn sâu trên trán. Chợt Nhi quay lại nhìn Phái, ơ sao có nét giống?
Ông Ngần cất tiếng khô khan nói trống không, đã nói không bao giờ được đến mà. Phái nhìn ra mảnh vườn rậm rịt đủ các loại cây dại, xen vài cây bưởi, cây mít, cây ổi, vẻ lơ đãng nói, cô đây là Nhi, nhà báo, muốn đến hỏi về kỹ thuật làm chuông gió. Ông già nổi giận, mày nói muốn xem bộ chuông ấy thế mà lại lấy mang đi? Phái nhìn vào mắt ông già, nhẹ giọng hơn, eng à, con làm hỏng bộ chuông gió của Nhi, con lấy đền cho cô ấy. Ông già nhìn sang Nhi rồi quay sang Phái, thì mày cũng biết là bộ chuông ấy được làm tặng riêng cho mẹ mày chứ? Phái cầm chiếc cặp bếp đẩy củi cho cháy bùng lên, mặc kệ nước tràn xuống lửa xèo xèo.
Ông già bảo, thôi nói chuyện khác, mà cũng lạ, sau bao nhiêu năm mới bới ra làm gì? Phái nói, thì eng còn lạ gì công việc của tổ chức là phải xác minh lí lịch cho rõ ràng mà. Mắt ông già đỏ ngầu đăm đăm nhìn ngọn lửa bếp. Phái nhẹ giọng, thôi eng à, con đã sai khi không khai eng vào lí lịch, con sẽ xin làm việc khác, không làm cán bộ nữa.
Ông già lầm bầm, đâu phải tao giết thằng Xiển, mà họ cứ đổ riệt cho thế. Thằng Xiển muốn lấy mẹ mày. Nhưng mẹ mày lại muốn lấy tao. Tao đi lính cho Pháp, thằng Xiển làm du kích, nhưng tao vẫn là bạn nó mà. Nghe nói đêm ấy thằng Xiển buồn lắm, mang súng ra bụi cây ngồi một mình. Tao đi tuần đêm cùng lính, tự nhiên nghe súng nổ, tới nơi thì thằng Xiển đã chết, viên đạn xuyên từ dưới hàm lên đỉnh đầu. Kết tội tao là ác ôn theo Pháp, giết du kích là oan cho tao lắm. Mà ví như tao có giết thằng Xiển thì mình tao mang tội thôi chứ, thằng Phái sao có tội? Ông già hướng đôi mắt đùng đục như hạt nhãn nhìn vào khoảng rừng trống không ngoài cửa vóng, rồi quay sang nói với Nhi, cô biết hết chuyện nhà tôi rồi đấy.
Sếp nhắn Nhi đi công tác gấp, về huyện Phong Quang, điều tra về vụ khai man lí lịch cán bộ, có dấu hiệu phá hoại hàng ngũ cán bộ cốt cán. Sắp đại hội Đảng bộ, cần phải làm trong sạch đội ngũ. Nhi nghe điện thoại xong, cảm giác tai lùng bùng, muốn ngất xỉu, nhưng cố trấn tĩnh và nghĩ cách.
Sếp đập tay xuống bàn, thanh niên kiểu gì mà cứ công tác huyện xa là từ chối là sao? Chưa quen lĩnh vực này thì phải năng nổ làm mới biết được chứ, cô cứ đến gặp tổ chức huyện ủy là ra vấn đề. Nhi ngậm ngùi cầm tờ giấy công lệnh, nhưng nghĩ sẽ đến gặp bố Phái.
Ông cụ giọng lạnh tanh như nước suối ngày sương muối: lại cô à? Mà cô có là bạn thằng Phái không? Tôi không thích nhà báo. Nhi khẩn khoản, con không hiểu chuyện xưa, nếu bác tự nói ra với tổ chức, anh Phái sẽ được minh oan.
Ông già hướng đôi mắt đùng đục nhìn ra vào khoảng rừng trống không. Thoáng chốc, đôi mắt ầng ậng nước. Bao năm sống chui lủi một mình trong xó rừng này, khiến ông không có nhu cầu chia sẻ. Nhưng nỗi đau cứ đọng vón lại như cục máu khô, không cách gì tẩy rửa đi được. Ông tự cất vấn sao mình sống lâu thế. Ông Ngần chỉ mong nhìn thấy thằng Phái hạnh phúc.
Nhi trở lại ngôi nhà sàn nhỏ trên đỉnh đèo nhiều lần. Thuyết phục người như ông Ngần không dễ, nhưng bằng linh cảm, Nhi biết ông sống rất tình cảm. Khi không gặp ông ở nhà, Nhi đun nước và nấu cơm, rang thịt lợn băm lẫn củ xả, cho vài quả ớt chỉ thiên bé xíu, nhưng cay rụt lưỡi. Ông Ngần bảo Nhi, cho ít ớt quá, bác quen cay đắng cả đời rồi, thiếu nó không thấy ngon. Một lần, sau bữa cơm, bưng chén nước lá vang màu đỏ như máu, ông Ngần nói với Nhi. Bác cũng gần đất xa trời rồi. Nghĩ lại chuyện cũng khó thanh minh. Vì sau đấy tiểu đội lính Pháp bị du kích đuổi và hai bên bắn nhau. Kết quả là có ba người bị trúng đạn chết. Chỉ có bác và chú Sang còn sống. Hồi kia, thằng Phái còn nhỏ quá, chắc không nhớ chú Sang, nay ở Sài Gòn.”
4. Lần đầu tiên, kể từ khi làm việc ở tòa soạn, Nhi bị sếp phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ. Nhi đã không có một bài báo nào về vụ khai man lí lịch nóng bỏng, từng làm sôi sục cả huyện. Bây giờ, Nhi coi chiếc chuông gió là bạn thân. Mỗi tối, trước khi ngủ, cô lắng nghe âm thanh thấm đẫm tiếng rừng từ ống sáo ôi gắn trên thân chuông. Có lần Phái kể, cây Sáo Ôi của người Mường có sáu lỗ to và nhỏ, khi kề môi thổi thì khúc nhạc réo rắt của tình yêu sẽ bay lên tận bậc thang nhà Trời.
Nhi nghĩ đến lời của Phái nói sau khi từ Sài Gòn về, anh sẽ làm công việc viết lại lịch sử quê mình. Phái nói với cha, eng phải giúp con viết đấy. Hay là eng về lại bản quê mình sống cùng với Máng con nhé?
Chuông gió vẫn reo lắc cắc khi gió núi thổi về.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...