Chúng tôi nói về chúng tôi
VNTN - Mùa xuân này, báo Văn nghệ Thái Nguyên (tiền thân là Văn nghệ Bắc Thái) bước sang tuổi 27. Nhìn lại chặng đường đã qua, từ chỗ là nguyệt báo đến nay trở thành tuần báo, thêm một trang thông tin điện tử và con số tròn trĩnh 895 số báo đã đến với bạn đọc, đội ngũ những người làm báo Văn nghệ Thái Nguyên muốn được chia sẻ, trải lòng mình và gửi lời tri ân tới những “điểm tựa” đã giúp chúng tôi nỗ lực làm nên tờ báo của “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển” như ngày hôm nay.
Những điểm tựa của chúng tôi
Thu Huyền (Thư kí Tòa soạn)
Ai cũng bảo chúng tôi giỏi, chỉ có 10 người mà mỗi tuần ra được một số báo như thế. Nhưng chúng tôi biết, mình chưa giỏi. Chẳng qua là có quá nhiều điểm tựa, tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để hoàn thành công việc của mình.
Điểm tựa thứ nhất là độc giả. Thỉnh thoảng, Tòa soạn lại nhận được ý kiến phản hồi của độc giả về bài viết này hay, bài kia giá như thêm được phần này nữa thì trọn vẹn; thậm chí bộc bạch sự chưa hài lòng về một vài chi tiết với thái độ chân thành, xây dựng… Rồi, độc giả - cũng chính là nhân vật, cảm ơn Tòa soạn đã thấu hiểu và nói giúp họ những điều mà họ trăn trở từ lâu. Rồi, độc giả gọi điện, cung cấp thông tin, mong các nhà báo đến tác nghiệp. Rồi, độc giả ngóng trông, thắc mắc khi báo chậm đến tay, báo bị thất lạc… Tất cả đều khiến chúng tôi thấy mình được quan tâm, phải làm thế nào để khỏi phụ lòng độc giả.
Điểm tựa thứ hai là cộng tác viên, là đồng nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi có được một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu như vậy. Văn nghệ Thái Nguyên vốn lực lượng mỏng nên phải trông chờ nhiều vào cộng tác viên. Bất kể khi nào, hễ Tòa soạn đặt bài là đều nhận được sự ủng hộ. Nếu không có các anh chị Minh Hằng, Phạm Ngọc Chuẩn, Phan Thái, Vũ Kim Khoa, Nguyễn Gia Bảy, Nguyễn Đình Tân, Minh Quân, Trúc Bạch, Hoài Hương, Vũ Khanh, Lê Đình Cúc, vv… thì chúng tôi khó có thể làm nên tờ báo này. Họ cứ cặm cụi đi cùng Văn nghệ Thái Nguyên nhiều năm nay. Và chúng tôi hiểu, với một tờ văn nghệ địa phương, để giữ chân họ được lâu thế, không gì ngoài sự trân quý. Vậy thì, tại sao chúng tôi lại có thể thiếu nhiệt huyết!
Thứ ba là những người xung quanh. Đó là đồng nghiệp và người thân trong gia đình. Mỗi lúc căng thẳng vì công việc, nhìn anh chị em trong cơ quan đều thấy sự nỗ lực, tận tâm; mỗi mùa báo tết, công việc cơ quan chiếm hết thời gian của gia đình, người thân không những không làm khó, ngược lại còn gánh vác thay việc nhà. Bỗng thấy chả có lí do gì để mình không cố gắng, và mọi khó khăn đều có cách để vượt qua.
Một điểm tựa nữa rất quan trọng, đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh. Bạn bè văn nghệ trên cả nước, khi thấy Văn nghệ Thái Nguyên được phát hành tới hơn bốn nghìn bản và đến tận các bí thư chi bộ cơ sở; ngoài việc xuất bản mỗi tuần một số lại còn có cả trang web hàng triệu lượt truy cập, thì đều ngưỡng mộ Thái Nguyên vô cùng. Có Hội bạn còn nói đùa trong ngậm ngùi: Thật là ghen tị với Văn nghệ Thái Nguyên, các bạn được Tỉnh quá ưu ái! Điều kiện tốt như vậy, làm sao chúng tôi có thể không yên tâm làm việc!
Và chúng tôi, không ai nói với ai, nhưng đều chung suy nghĩ: chuyên tâm với tờ báo hơn, bởi đó không chỉ là mưu sinh mà còn chứa đựng cả những điều lớn lao hơn thế. Một năm nữa lại đến, trong tâm thế cẩn trọng trên con đường đã qua, chúng tôi lại háo hức đón chờ một năm mới với những con chữ, những số báo mang nặng ân tình của biết bao người.
Đi và đến bằng sự chân thành
Nguyễn Bích Hồng (Biên tập viên)
Tôi học ngành văn nhưng cơ duyên lại cho tôi đến với Văn nghệ Thái Nguyên, và bước chân vào nghề làm báo. Những ngày đầu đến với nghề, biết bao là khó khăn, biết bao là bỡ ngỡ, nhưng dường như sau mỗi một bài viết, một chuyến đi, tôi lại thấy mình lớn dần hơn, tự rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Có một kỉ niệm nhỏ của những ngày đầu mới vào nghề mà mỗi khi nghĩ lại, tôi không khỏi bật cười bởi sự ngô nghê, non trẻ của mình, xong cũng nhờ nó mà bản thân tôi hiểu ra được nhiều điều.
Trong một lần tác nghiệp đến trang trại trồng rau sạch. Vì không có kinh nghiệm, lại lo lắng có một vài vấn đề nhạy cảm, sợ rằng người dân sẽ né tránh, ngại chia sẻ nếu tôi tiếp cận với vai trò phóng viên đến tìm hiểu viết bài. Vậy là tôi quyết định vào vai chủ nhà hàng, muốn tìm nguồn cung cấp rau lâu dài. Để “hóa trang” thành nhân vật, tôi chọn mặc một chiếc váy đẹp và thầm nghĩ “nó rất hợp vai”.
Lúc đầu xem địa chỉ, thấy có vẻ không xa lắm. Nhưng đi rồi mới biết trang trại thực tế ở rất xa và trời thì đột ngột trở gió lạnh, trong khi trang phục tôi mặc không hề có tác dụng giữ ấm. Mất một tiếng rưỡi đồng hồ đi xe máy, tôi mới tới nơi, cả người gần như lạnh cóng, khiến tôi quên khuấy mất vai diễn mà thật thà giới thiệu mình là phóng viên. Tưởng như đã chót lỡ lời, thế nhưng, trước sự thành thật về mục đích bài viết và mong muốn chân thành được tìm hiểu vấn đề của tôi, từ người quản lý đến những kĩ sư nông nghiệp, những người nông dân làm thuê đã tin tưởng mà bộc bạch, chia sẻ với tôi. Họ đưa tôi ra tận nơi xem thực tế để thấy những nỗ lực, thành quả của mình và cũng không ngần ngại bày tỏ những vướng mắc, băn khoăn, những trăn trở và cả những nguyện vọng. Tôi cảm nhận được niềm tin họ đặt nơi mình. Thầm nghĩ, nếu tôi không quên mà làm tốt vai diễn vạch ra ban đầu, liệu tôi có được những chia sẻ thật lòng kia không? Và sau bài báo, họ biết được rằng người viết bài này đã lừa gạt mình để tiếp cận lấy thông tin, liệu tôi có làm họ mất niềm tin vào phóng viên và báo chí?
Đó là những suy nghĩ cho đến giờ vẫn trở đi trở lại trong tôi, để mỗi lần tác nghiệp, tôi luôn nhủ lòng mình: phải đi và đến bằng sự chân thành.
Niềm vui với những con chữ
Lê Tú (Quản trị viên website)
Website trang thông tin điện tử báo Văn nghệ Thái Nguyên đi vào hoạt động hơn 5 năm, cũng chừng ấy thời gian tôi gắn bó cùng tòa soạn với nhiệm vụ chuyên môn quản trị mạng; công việc chính là đăng tải tin bài, bảo trì, nâng cấp và duy trì hoạt động của trang web.
Tôi vốn là dân công nghệ, hoàn toàn là kẻ ngoại đạo với báo chí. Cơ quan ít người, ai cũng kiêm thêm nhiều việc nên khá bận bịu, những ngày đầu mới nhận việc, nhiều khi tôi là “lính cơ động”. Nghĩa là ngoài nhiệm vụ quản trị tôi còn được phân công đi tác nghiệp cơ sở, viết tin bài khi cần thiết. Lúc ấy tôi thấy mình bỡ ngỡ như đứa trẻ lần đầu làm một việc hệ trọng vậy, áp lực, có cả sự hoang mang. Nhưng rồi tôi được lãnh đạo tận tình “cầm tay chỉ việc”, được đồng nghiệp giúp sức, động viên, những tin ngắn, những chùm ảnh thông tin về sự kiện ra đời, lạ lẫm nhưng thích thú. Những chuyến tác nghiệp đã cho tôi nhiều trải nghiệm vui - buồn, có may mắn và cả những bất trắc đáng nhớ.
Tôi nhớ mãi một sự kiện tổ chức vào buổi tối xa trung tâm thành phố, 1 giờ sáng chương trình mới kết thúc. Trên đường về xe máy hỏng, đường thì còn xa cả hơn mười cây số. Nhưng thật may được người dân giúp đỡ, sửa xe xong chạy về đến nhà cũng hơn 2 giờ sáng. Có những chuyến đi cơ sở về muộn, đến đoạn đường vắng thì xe hết xăng, phải lóc cóc dắt bộ; cũng được người dân đi đường san sẻ cho nguyên liệu, đủ để tôi chạy xe đến ki ốt xăng gần nhất. Cái bánh mì lót dạ lúc đêm khuya càng làm tôi thấm thía những vất vả, cực nhọc của người làm báo. Thấy quý trọng và yêu thương hơn những người đồng nghiệp của mình.
Trong công việc quản trị mạng, vì được đào tạo cơ bản chuyên ngành, bản thân lại là người yêu công nghệ nên mọi thứ với tôi thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những phút giây căng thẳng, lo lắng khi trang web gặp sự cố, hoặc bị phá hoại từ bên ngoài. Tòa soạn báo VNTN ít người, khối lượng công việc của các đồng nghiệp đều khá nhiều, họ cũng không chuyên về việc quản trị nên hầu như ít chia sẻ, khắc phục được các vấn đề của trang web. Nhưng vì sự tin tưởng, cảm thông và động viên của lãnh đạo, vì những nỗ lực lao động của đồng nghiệp, vì nhận thức rõ trách nhiệm công việc của mình, bản thân tôi phải mày mò tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức để tự tìm ra cách giải quyết. Chuyện phải thức trắng đêm để tìm và khắc phục lỗi với tôi là chuyện thường, nhưng cũng từ đó tôi có thêm được những kinh nghiệm trong công việc quản trị. Không chỉ đơn thuần đăng tải bài vở, khắc phục sự cố trang web, tôi còn luôn nghĩ cách làm thế nào để trang web ngày càng đẹp hơn, thu hút bạn đọc hơn…
Tôi đã tìm thấy niềm vui với những con chữ, công việc quản trị, chăm chút cho niềm vui ấy, mong muốn và luôn nỗ lực để trang web hoạt động trơn tru, đưa những thành quả lao động sáng tạo của đội ngũ tòa soạn đến được với đông đảo bạn đọc gần xa.
Trưởng thành hơn từ những đề tài “hóc búa”
Anh Thắng (Phóng viên)
Năm 2017 tôi đi sâu hơn vào những đề tài rộng với quy mô toàn tỉnh chứ không còn thu hẹp ở trong thành phố hay một hai huyện vì thế những chuyến đi xa thường xuyên diễn ra.
Tháng 8, tôi về xóm Đèo Bụt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ để gặp nhân vật là Người có uy tín của dân tộc thiểu số. Vừa đi vừa hỏi đường mà mãi không đến nơi, vượt qua nhiều con đèo cao, đá tảng trơn trượt, đi số 1 mà xe còn ì ạch, sơ sẩy một chút là văng xuống vực ở hai bên. Con đường rừng sâu hun hút càng lúc càng thu nhỏ lại… khiến tôi hơi run. Tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm sau khi lách qua một “khe rừng”, một bản làng người Dao xuất hiện trước mắt.
Rồi có dịp về xóm Khe Vàng 3, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, chủ yếu là người dân tộc Sán Chí sinh sống. Đường toàn bùn đất, thành từng luống với những vũng sình ngập đến đầu gối. Bác trưởng xóm Vy Tiến Thông nhiệt tình đưa tôi đi sâu vào trong xóm. Vẫn luôn tự hào là tay lái cứng, ấy vậy mà đi được hơn 1km mà tôi đã bị “vồ ếch” đến hai lần. Xe bị hỏng không thể nổ máy được đành để ở ven đường, nhờ bác trưởng xóm làm “xe ôm”. Qua đoạn khó đi nhất, xe trượt bánh hai bác cháu ngã chúi xuống vũng bùn, thôi thì chấp nhận người ngâm bùn nhưng mà máy ảnh của cơ quan vẫn phải dùng tay nhấc lên cao, chả may hỏng thì “toi”. Hai bác cháu quần áo lấm lem, chỉ biết nhìn nhau cười. Xe máy của tôi sửa mãi không được, định dắt về thì bác trưởng xóm “triệu” ngay anh công an xóm vác đầu máy cày hộ tống cả người và xe ra đến tận nơi sửa xe ngoài đường cái.
Leo đồi, lội ruộng vài lần, chưa đến một năm mà ba đôi giầy da của tôi bị “há mõm” hỏng luôn, tiếc lắm! Nhưng bù lại những chuyến đi đó lại cho tôi những điều vô giá đó là niềm vui, những vốn sống, hiểu biết và những bài viết chân thực, độc đáo và có tính bao quát về cả tỉnh và các vùng miền, bản sắc dân tộc, được nhiều bạn đọc mong đợi.
Cả những chủ đề nóng, nhạy cảm đang được dư luận rất quan tâm, tôi cũng được lãnh đạo tin tưởng giao cho thực hiện. Thú thực, ban đầu tôi còn e ngại, do dự. Bạn bè, đồng nghiệp thân thiết cũng cảnh báo khá nhiều bởi có thể liên quan đến lợi ích, quyền lợi của những công ty lớn hay những người có tầm ảnh hưởng... May mắn thay, tôi được lãnh đạo và mọi người trong Tòa soạn rất ủng hộ, chỉ cần vậy thôi là nhóm phóng viên chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện.
Làm những đề tài này phải hết sức cẩn thận bởi chỉ cần sai một ly thôi thì hậu quả sẽ thật khó lường. Để ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi phải rất cẩn thận trong tác nghiệp, thu thập thật kỹ thông tin, trò chuyện với nhiều nhân vật và đi về thực địa nhiều lần. Trước khi đăng tải, phải nghe đi nghe lại băng ghi âm, sửa thật kỹ từng câu chữ kể cả dấu châm, dấu phẩy. Những bài viết này đã được độc giả hưởng ứng đón nhận và tạo hiệu ứng dư luận tốt.
Nhưng đồng thời những bài viết trên cũng để lại đôi chút rắc rối, bởi đối tượng bị phản ánh phản ứng rất gay gắt về nội dung bài viết. Một đồng nghiệp và cũng là “người thầy” của tôi bảo “Nếu chỉ chăm chăm vào những chủ đề “tầm tầm” để lấy nhuận bút thì nghề báo chẳng có gì đáng tự hào, cần phải đi vào những vấn đề nóng mà dư luận quan tâm. Chỉ cần chúng ta phản ánh đúng sự thật, không vi phạm đạo đức người làm báo, luôn đặt lợi ích chính đáng của người dân cho dù chỉ là một người lên hàng đầu thì không việc gì phải ngại. Đó là trách nhiệm của người làm báo”. Câu nói đó khiến cho tôi hoàn toàn không còn chút lo lắng hay bận tâm nào về vấn đề đó nữa.
Qua những đề tài rộng, gai góc, tôi đã có những trưởng thành, bản lĩnh hơn trong nghề báo. Nhưng bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp trong tòa soạn ai cũng đều hiểu và tự nhủ rằng: không bao giờ được hài lòng quá lâu với những gì đã làm được, cần phải luôn nỗ lực, sáng tạo, năng nổ hơn nữa để không tụt hậu trong dòng chảy của báo chí hiện đại, để tờ báo VNTN ngày một phát triển được bạn đọc tin yêu.
Những khám phá giúp tôi hiểu nghề hơn
Thanh Tâm (Biên tập viên)
Năm 2017 vừa qua là khoảng thời gian mang lại cho tôi khá nhiều trải nghiệm, khám phá mới mẻ, khi được tiếp cận với nhiều đề tài báo chí thuộc nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau. Một kỷ niệm sâu sắc tôi may mắn có được, để giờ ngồi nhớ lại vẫn thấy nhiều cảm xúc, đó là lần thực hiện bài viết về cộng đồng LGBT. Tôi cảm ơn và trân trọng cơ hội tác nghiệp tình cờ ấy, bởi nó thực sự đã kéo tôi đến gần hơn với nghề báo.
Trước khi thực hiện bài phóng sự về cộng đồng LGBT, cũng như nhiều người, hiểu biết của tôi về họ khá mơ hồ, cảm tính. Từ kiến thức căn bản nhất là hiểu được đầy đủ, chuẩn xác sự khác nhau giữa đồng tính, song tính và chuyển giới tôi cũng chưa có, nhưng lại luôn nhìn họ với cái nhìn đầy định kiến của số đông, cho đó là một điều gì kém may mắn và bất thường. Nhưng, khi bắt tay tìm hiểu một cách nghiêm túc, khoa học về vấn đề này; lắng nghe những câu chuyện từ chính người trong cuộc, tôi đã dần thức ngộ nhiều điều. LGBT là điều hoàn toàn tự nhiên, là một phần trong thế giới đa dạng của chúng ta; họ cũng có quyền được sống một cuộc sống bình đẳng như tất cả mọi người. Khi nói “bạn ấy bị đồng tính”, tôi lập tức được nhắc phải nói “bạn ấy là người đồng tính”; Khi hỏi “bạn phát hiện ra mình là người đồng tính từ bao giờ?”, tôi được nhắc phải hỏi “bạn khẳng định mình là người đồng tính từ bao giờ?”.v.v.. Đúng là, khi ta lấy cái nhìn, định kiến chủ quan của mình để đánh giá, phán xét một điều gì đó thì thật dễ, nhưng đi sâu khám phá, tìm hiểu kỹ lưỡng, đa chiều, khách quan để có cái nhìn, hiểu biết thấu đáo về vấn đề thì quả không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kiến thức của người làm nghề, mà trước hết, cần bắt đầu từ sự nhận thức.
Lần tác nghiệp ấy làm tôi thấy câu nói mà mình đã từng được đọc, được nghe về nghề rằng “Luôn vươn tới để phản ánh hiện thực xã hội và thế giới như nó có chứ không phải như người ta mong muốn…” trở nên thấm thía, gần gũi, dễ hiểu biết bao. Và những cảm xúc tích cực đó như tiếp thêm động lực, niềm tin để tôi nhập cuộc hơn nữa với công việc đầy ý nghĩa của mình.
Nghề “phu chữ”
Quang Khải (Biên tập viên)
Thời gian qua quá nhanh, thoắt đã hơn 10 năm với nghề. Được Tổng biên tập cũng như anh chị em trong tòa soạn ghi nhận và tin tưởng, tôi hay được cử đi viết bài ở những điểm nóng của báo chí. Đi và viết, tôi đã gần như đặt chân đến khắp mọi miền của Tổ quốc. Cũng từ đây cho tôi những kinh nghiệm và bài học quý báu từ đồng nghiệp và cuộc sống.
Đi và viết với nghề báo là không thể tách rời. Làm ở tờ báo văn nghệ tỉnh, vì ít người nên chúng tôi phải kiêm nhiệm khá nhiều việc nên việc viết bài đôi lúc cũng bị xao nhãng. Ít viết ngòi bút bị cùn đi rõ rệt, lại càng khó viết và ngại viết, những lúc như thế một chuyến đi về cơ sở là tôi lại có thêm động lực.
Gần đây tôi hay viết về nông dân. Đến với họ và nghe họ bộc bạch thấy cuộc sống thoải mái, thanh thản. Hạnh phúc với họ quả thật đơn giản, dù là một người nông dân nghèo lam lũ, mòn mỏi từng ngày bán ruộng vườn, chờ chạy thận; một người mẹ bị nhiễm HIV ở vùng sâu vùng xa nhiều năm đi làm thuê kiếm tiền để nuôi con hay những người nông dân làm kinh tế giỏi… thì họ vẫn luôn có một niềm tin sâu sắc ở ngày mai. Mộc mạc, bình tâm, chăm chỉ, thật thà, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với thất bại và luôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo… đấy là những nông dân của thời đại 4.0. Và tôi nghĩ họ chính là những tấm gương chân thật nhất để xã hội phải học tập và tôn vinh.
Không phải nghề báo toàn là màu hồng. Ai đó đã tếu táo rằng nghề báo là “phu chữ”. Tôi thấy quả chí lí. Bận bịu và thường xuyên phải đánh vật với câu chữ để có được một tác phẩm tạm vừa ý. Không hiểu người khác thế nào chứ với tôi nghề báo như “cú đêm”. Có lẽ ban đêm yên tĩnh nhất, nhiều ý tưởng mới tìm về, thế nên khi mọi người yên giấc thì tôi mới bắt đầu bò dậy làm việc. Nhiều đêm vẫn vài lần giật mình thức vì nghĩ đến tiến độ bài vở, nghĩ đến đề tài… thế là lại trằn trọc đến sáng. Ăn ngủ không theo nề nếp, đấy cũng là nguyên nhân khiến tổ ấm của tôi nhiều phen sóng gió. Mong rằng sang năm mới điều này sẽ được cải thiện để tôi tiếp tục vững tâm hơn với nghề “phu chữ” - cái nghề nhiều vất vả nhưng cũng lắm đam mê.
Lắng nghe những rung cảm của trái tim
Lê Đình (Phóng viên)
Làm nghề báo, tôi luôn cảm thấy mình có thể tìm kiếm niềm hạnh phúc dễ dàng và phong phú hơn, bởi vì đặc thù nghề nghiệp, tôi được trao những cơ hội mà các công việc, ngành nghề khác không dễ có được. Cũng bởi đặc thù của một tờ báo văn nghệ, tôi có nhiều “đất sống” cho những xúc cảm của mình. Trước hiện thực cuộc sống đổi thay như vũ bão, sự bắt nhịp và chạy đua của báo chí cũng theo đó mà nhanh và mạnh mẽ hơn, tôi ý thức rằng nếu người làm báo không nỗ lực hoàn thiện từng ngày thì sẽ bị bỏ lại rất xa. Nhưng dù thay đổi ra sao, thì cách viết xuất phát từ những rung cảm của trái tim vẫn là cách tôi chọn lựa để sống trọn vẹn với nghề.
Anh bạn tôi là phóng viên năng nổ của một tờ báo mạng có uy tín trong nước, số lượng tin bài anh được giao khoán trong một tuần có thể bằng (thậm chí nhiều hơn) số lượng của tuần báo chúng tôi trong cả tháng. Viết theo quy định về dung lượng, mức thù lao nhận được cũng chỉ đủ những chi phí cho việc tìm kiếm, thực hiện đề tài. Anh bộc bạch rằng, vì áp lực chạy đua hơn - thua về thời gian đăng tải của tòa soạn, vô tình khiến anh - dù là người thực sự có năng lực cũng có lúc cẩu thả. Nhiều khi nản lòng vì cảm giác như mình đang làm báo “lá cải” với những tin, bài mang tính thị trường. Hầu như các bài viết không có đất cho những xúc cảm chảy tràn, chỉ thuần là thông tin khô cứng. Lâu dần thấy mình tỉnh táo đến vô tâm.
Làm báo, tôi hiểu sự cần thiết của những trải nghiệm, lăn lộn và sáng tạo; nó đòi hỏi không chỉ trí tuệ mà còn cần trái tim nóng sực, cần những rung cảm từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Tôi vẫn đọc lại nhiều lần tập phóng sự “Ăn tết trong rừng chó sói” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vì một lẽ - ông cứ nhẩn nha viết, lật lên từng lớp lang của vấn đề bằng câu chữ, bằng cảm xúc đậm chất văn học, mềm mại mà hấp dẫn. Có lẽ vì thích cách viết ấy, thế nên bao năm gõ phím, tôi vẫn không bỏ được thói quen viết theo mạch dẫn của cảm xúc, thậm chí có những lúc bị nó “dày vò”…
Bắt nhịp với đời sống báo chí nhanh và mạnh, nhìn ra bên ngoài thế giới, nhìn lên những cây bút sắc mà mình ngưỡng mộ, tôi thấy mình càng ngày càng bé nhỏ và không thiếu những lúc bất an. Nhưng tôi tin rằng, nếu ta viết bằng trái tim thì cũng sẽ dễ chạm đến trái tim người đọc. Những người trẻ như chúng tôi, nhiệt huyết yêu nghề, trọng nghề, nhưng chúng tôi đang vì những yếu tố khách quan mà phải “chạy” như guồng máy, thiếu hụt đi những rung cảm sâu thẳm trong lòng mình. Cũng nhiều lúc tôi thấy mình đuối sức trước những yêu cầu đổi mới, người ta “sản xuất” bài viết (như anh bạn đồng nghiệp kia) như một cái máy vậy. Nhưng tôi mừng vì qua tháng năm, tình yêu với nghiệp chữ nghĩa trong mình không vơi cạn. Viết bằng sự ghi nhận, phân tích, lý giải từ bộ não và cả sự thúc bách, mách bảo của nhịp đập trái tim, tôi tin mình có thể chạm đến trái tim độc giả. Làm được điều đó là tôi đã may mắn, đã đủ hạnh phúc với nghề rồi!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...