Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
13:56 (GMT +7)

Chúng tôi làm Văn nghệ Thái Nguyên

VNTN - Tháng 6 này, báo Văn nghệ Thái Nguyên (tiền thân là Văn nghệ Bắc Thái) tròn hai mươi bốn năm ra đời. Gần một phần tư thế kỷ, từ chỗ phát hành mỗi tháng một số, tám trang, in hai màu, đến chỗ mỗi tuần một số mười hai trang, in bốn màu, với nhiều chuyên mục, lại còn “cõng” thêm một trang web, đã có thể được coi là “hết tầm” đối với một tờ văn nghệ địa phương rồi. Nhưng, để chạm được “mốc” này, cái tập thể bé nhỏ ấy đã phải làm những gì…

Trăn trở là… nhiệm vụ

Mỗi tuần làm việc của Tòa soạn đều bắt đầu bằng cuộc họp xuất bản vào sáng thứ hai và kết thúc bằng việc gửi file chế bản điện tử đến nhà in vào chiều muộn thứ sáu (cũng nhiều khi là trưa thứ bảy). Họp xuất bản thường có ba phần việc: bình báo; triển khai số tiếp theo và những công việc chuyên môn khác. Bình báo chính là một hình thức sinh hoạt chuyên môn, thông qua các tác phẩm trên mặt báo, từng thành viên trong Tòa soạn đều phải đưa ra các nhận xét của mình. Tất cả các ý kiến đều được lắng nghe và cùng phân tích một cách thấu đáo, từ đó rút được những kinh nghiệm cho bản thân và đồng nghiệp. Bình báo cũng là dịp để cả tập thể cùng đánh giá chất lượng của số báo đó, số nào có nhiều bài hay, cả Tòa soạn đều vui; số nào bình bình, nhàn nhạt, là cả Tòa soạn lại day dứt… Hay thì lo nghĩ cách để làm sao giữ được, chưa hay thì day dứt làm thế nào để hay lên. Chính từ những day dứt ấy, đã khiến mỗi cá nhân luôn phải tìm cách “tự lớn lên” theo yêu cầu của Ban biên tập, và bỗng dưng hình thành một thói quen: không bằng lòng với hiện tại, luôn luôn trăn trở, trăn trở là… nhiệm vụ!

Có một số ý kiến cho rằng, Tổng biên tập yêu cầu cao, bản thân phóng viên, biên tập viên nhiều khi cũng cảm thấy điều đó, nhưng rút cục là báo hay, báo đẹp, báo phát triển và được độc giả đón nhận nhiệt tình. Vậy là việc “yêu cầu cao” của Tổng biên tập mặc nhiên được chấp nhận. Từ việc viết đến việc biên tập, nhất nhất đều tuân theo tiêu chí “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển” - phương châm của Tòa soạn. Mỗi một tác phẩm trên mặt báo đều phải trả lời câu hỏi: đã đem lại cho độc giả được điều gì? Và cũng chính vì mục tiêu đó mà từ Tổng biên tập đến nhân viên trị sự cứ “luôn chân luôn tay”, xoay như chong chóng, chưa hết việc này đã đến việc khác, bất kể là ngày nghỉ, thậm chí ngày lễ, báo chưa xong là Tòa soạn còn sáng đèn. Ở khu nhà ba tầng liên cơ quan nơi Tòa soạn đứng chân, nhiều người tỏ ra khó chịu vì thấy cán bộ Báo Văn nghệ Thái Nguyên hay đi làm muộn, nhưng mấy giờ “các cán bộ” về thì chả ai biết, trừ hai bác bảo vệ. Dịp làm báo Tết, nhiều hôm mưa rét căm căm, 22 - 23 giờ “cả bọn” mới lục tục kéo nhau xuống nhà xe, bảo vệ cứ xuýt xoa: “Vất vả thế!”. Nhưng, cái nghiệp nó phải thế, chả ai kêu ca.

Nhớ lại chuyện cũ, hồi làm 3 số/tháng, so với các tỉnh phía Bắc cũng là ghê, nếu tự bằng lòng thì cũng mãn nguyện rồi! Thế nhưng, trước sức ép về sự bùng nổ thông tin, lãnh đạo Hội tính chuyện phải tiếp tục tăng kì để đảm bảo sự sống còn của tờ báo. Bắt đầu làm Đề án, đã có bao ý kiến, nhiều người không tin, cho rằng như vậy là tự làm khổ mình, làm sao phải ôm đồm, nhiều người thì lo lắng, chia sẻ, tất cả những điều ấy cũng khiến Tổng biên tập mất ăn mất ngủ, nhưng không đẩy lùi được quyết tâm tăng kì. Và cuối cùng, được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, của Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn nghệ Thái Nguyên đã “lập kỉ lục” là tờ văn nghệ tỉnh lẻ đầu tiên ra báo tuần.

Để hóa giải trăn trở: làm sao để báo hay hơn, hấp dẫn hơn, tất cả mọi người chỉ chú tâm vào làm nội dung mà “ngại” làm quảng cáo (mặc dù làm quảng cáo tăng thêm thu nhập). Có thể nhiều người cho rằng, do kém tài nên mới không làm được. Cũng đúng, làm quảng cáo rất khó, vừa phải có mối quan hệ, vừa phải lụy. Đi kiếm tiền mà phải lụy thì không phải ai cũng muốn làm! Nói điều này, không phải chuyện “mẹ hát con khen hay” đâu, nhưng đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Văn nghệ Thái Nguyên vô cùng tận tụy. Cán bộ cứ được giao việc là làm, làm hết trách nhiệm, không kêu ca phàn nàn, không quan tâm đến quyền lợi vật chất. Vì thế “dân” báo chí văn nghệ thường nghèo, có thể do không có tài làm kinh tế, nhưng phần nhiều là do thói quen, ở môi trường nào quen môi trường ấy. Bù lại, “dân” báo chí văn nghệ lại giàu tình cảm, sống chân thành, không tư lợi, không ì xèo bè phái, không ganh đua, bon chen. Cuộc sống cứ thế, êm đềm trôi…

Quà tặng cuộc sống

Mỗi sáng thứ hai đến cơ quan, thấy tờ báo còn thơm mùi mực, đã thấy vui. Nhận những phản hồi từ độc giả tỏ ra hài lòng về tờ báo, còn gì vui hơn! Nhiều cuộc điện thoại gọi đến Tòa soạn hỏi: tại sao báo đến chậm? (Bưu điện giải thích là: “Tại báo hay nên hay bị mất, mong được thông cảm!” - thế thì còn giận vào đâu được?). Thỉnh thoảng qua phòng bảo vệ, thấy tờ Văn nghệ Thái Nguyên không khi nào còn mới và nhận được lời giải thích của bác bảo vệ: “Tao đọc đi đọc lại mấy lần”, lòng lại thấy lâng lâng. Một số đồng nghiệp, hễ có dịp là lại qua Tòa soạn xin báo về đọc. Rồi chuyện của cán bộ phát hành kể: Đi đưa báo ở cơ quan đầu não của tỉnh, mấy anh vệ binh hỏi xin một tờ có được không, vậy là từ đó số nào cậu ấy cũng mang thêm vài tờ khiến họ rất vui… Chợt hiểu, những việc chúng mình làm hóa ra mang lại nhiều giá trị hơn mình tưởng. Báo khiến độc giả phải chờ đợi, người làm ra sao không vui! Báo là cầu nối thông tin, cung cấp cho độc giả nhiều cảnh đời bất hạnh, để cộng đồng cùng san sẻ với họ gánh nặng cuộc đời, những người đưa tin sao không cảm thấy hạnh phúc! Hạnh phúc hơn nữa khi chính những thành viên của Văn nghệ Thái Nguyên lại trực tiếp được làm công việc ấy. Từ nhiều năm nay, công tác từ thiện xã hội đã là một trong những nhiệm vụ thường niên của Tòa soạn, như là một thói quen, nên mới có chuyện năm 2014, nhóm phóng viên trẻ đi thực tế tại xóm Khuổi Mèo (Sảng Mộc - Võ Nhai), tình cờ gặp một gia đình bị hỏa hoạn mất hết nhà cửa, ngay lập tức họa sĩ Đào Tuấn đã điện về báo cáo Tổng biên tập và kịp thời chia sẻ với người gặp nạn. Rất nhiều chuyến công tác xa gần, mang đến cho người nghèo, người khuyết tật và trẻ nhỏ những niềm vui từ những món quà là tấm lòng của những người làm báo. Điểm đến bao giờ cũng khó đi, Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), Tùng Vài - Quản Bạ (Hà Giang), rồi những bản vùng đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, Võ Nhai…; thời tiết không phải khi nào cũng thuận lợi, khi mây mù mịt mờ, lúc mưa rào xối xả, hoặc dưới cái nắng chói chang khiến mọi thứ muốn tan chảy, nụ cười Văn nghệ Thái Nguyên vẫn tỏa sáng. Giữa cuộc đời đầy bon chen, tấm lòng Văn nghệ Thái Nguyên vẫn luôn ấm áp vì được hiểu và được sẻ chia. Sau những chuyến đi ý nghĩa ấy, mỗi người lại thêm thấy được giá trị cuộc sống mình đang được hưởng.

Mọi người (nhất là các tạp chí văn nghệ địa phương) đều tỏ ý khâm phục khi biết Văn nghệ Thái Nguyên chỉ có chín người mà làm được từng ấy việc, nhưng thực ra xung quanh chín chúng tôi là rất nhiều sự ủng hộ vô điều kiện của các tập thể và cá nhân. Trước hết là cơ quan văn phòng Hội, từ Chủ tịch đến Chánh văn phòng đến văn thư, kế toán, việc gì của Báo cũng đều xắn tay vào. Rồi Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội, đến các ban các ngành trong tỉnh đã luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Báo hoạt động. Tiếp đến là đội ngũ cộng tác viên hùng hậu của Báo, họ là hội viên, là đồng nghiệp cũng tất bật với vòng quay cuộc đời, nhưng hễ Báo cần là sẵn sàng hợp tác. Những cái tên Hồ Thủy Giang, Minh Hằng, Phạm Ngọc Chuẩn, Hoài Hương, Trường Lâm, Trúc Bạch, Minh Quân, Cao Minh, v.v… đã góp phần làm nên diện mạo Văn nghệ Thái Nguyên. Đó là sức mạnh của chúng tôi.

Làm được những gì như hôm nay, tất cả chúng ta đều đáng tự hào. Nhà thơ Hà Đức Toàn, nhà văn Ma Trường Nguyên, nhà báo Lê Thế Thành - những thủ lĩnh đầu tiên của Văn nghệ Thái Nguyên đã từng có ý rằng, họ tự hào vì thế hệ kế cận đã làm cho Văn nghệ Thái Nguyên được như bây giờ. Nhưng chúng tôi lại nghĩ, chính chúng tôi tự hào vì các ông - những người gây dựng nền móng để xây nên “cơ ngơi” hôm nay.

Chúng ta cùng tự hào về một tờ báo mang tinh thần: “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển”!

Thu Huyền (Thư kí tòa soạn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 21 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước