Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
11:53 (GMT +7)

Chúng ta phải trả lời bạn đọc thế nào?

VNTN - Trong sáng tạo thơ ca, một trong những điều tối kị là lấy ý tưởng, cách viết của người khác, cho dù lí do của nó là gì đi chăng nữa. Vô tình thì là chuyện đáng tiếc, bởi có thể do người viết quá yêu thích, quá ấn tượng, quá ám ảnh mà bị ảnh hưởng, dùng chữ dùng ý của người khác một cách vô thức mà chính mình không biết. Hữu ý thì lại là chuyện đáng trách, bởi đó là sự chủ định lấy từ tác phẩm của người khác về ghép vào tác phẩm của mình.

Tác giả Văn Lý gửi đến báo Văn nghệ Thái Nguyên một bản thảo thơ, đề tên tác giả là mình. Đọc bản thảo, có thể dễ dàng nhận ra sự quen thuộc khi nó gợi nhớ ngay đến bài thơ nổi tiếng Mưa xuân của nhà thơ Nguyễn Bính. Chúng tôi xin tạm so sánh nhanh để thấy sự “trùng hợp” đến khó tin này:

Về nhan đề: thi phẩm của Nguyễn Bính tên là “Mưa xuân” thì bản thảo của tác giả Văn Lý tên là “Mùa chè xuân”.

Về thể thơ và cách gieo vần: bản thảo “Mùa chè xuân” cũng dùng hình thức thất ngôn trường thiên gieo vần chân, giống như thi phẩm của Nguyễn Bính.

Về chủ thể trữ tình: nhân vật chủ thể trong bản thảo “Mùa chè xuân” cũng là một cô gái trẻ đang cô đơn trông ngóng, giận hờn trách móc chàng trai, giống như thi phẩm của Nguyễn Bính.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Về kết cấu nội dung: bản thảo “Mùa chè xuân” là tâm sự của cô gái, từ chỗ háo hức - hò hẹn - không gặp - thất vọng - trở về - rồi âu lo trông ngóng, đúng như kết cấu câu chuyện trong bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính (Chúng ta đã biết, cấu trúc truyện là một đặc trưng trong thi pháp thơ Nguyễn Bính).

Về câu chữ, ý thơ: Hàng loạt các câu chữ, ý thơ được tác giả Văn Lý lấy từ bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính để đưa vào bản thảo của mình, có chỗ giống gần như toàn bộ, có chỗ nguyên văn. Ví dụ, bản thảo này có các chi tiết: Lòng luôn mang theo một mối tình; Nên em không tiếc ngón tay xinh; Đợi mãi anh lên không thấy lên; Thế mà xuân trước anh lại hẹn; Anh ơi! Mùa chè xuân qua rồi. Người đọc dễ dàng nhận thấy ngay những câu chữ, ý thơ ấy là mượn từ bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính, đó là: Lòng thấy giăng tơ một mối tình; Em ngừng thoi lại giữa tay xinh; Chờ mãi anh sang anh chả sang; Thế mà hôm nọ hát bên làng/ Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn; Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày.

Một vấn đề quan trọng nữa là ở chỗ, thi phẩm của Nguyễn Bính kể câu chuyện cô gái đi hát hội, cho nên mạch cảm xúc và nội dung thống nhất, hòa quện, tự nhiên, trong khi bản thảo của tác giả Văn Lý lại kể câu chuyện cô gái hái chè, cho nên nhiều chỗ vênh lệch giữa nội dung và hình thức. Sự gượng gạo ấy không gì khác, chính là hệ quả của việc vay mượn, lắp ghép.

Chúng tôi muốn có một sự đối chiếu cụ thể như vậy, để thấy rằng, một bài thơ, một nhà thơ, luôn có những đặc trưng riêng, dấu ấn riêng, không ai có thể vay mượn được của ai. Bởi một lẽ rất đơn giản, thơ là gan ruột, thơ là bản thể.

Đấy là chưa nói đến các hệ lụy về vấn đề danh dự, luật tác quyền. Và nếu những bài thơ “đạo” mà vì một lí do nào đó chẳng may lại được đăng lên báo, thử hỏi khi đó chúng ta phải trả lời bạn đọc thế nào?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước