Chùm truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh
Đại gia và người đẹp
Ma ri Siu là người đẹp từng đạt giải siêu mẫu liên lục địa Á-Âu-Phi.
Kể như thế là xứng. Nếu cụ Nam Cao còn sống, cụ sẽ bình là đôi lứa xứng đôi. Ở nước Việt mình bây giờ, đại gia và người đẹp chân dài luôn là một cặp phạm trù gắn bó hữu cơ. Không phân biệt đâu là chủ thể, đâu là khách thể. Thậm chí, có tay nhà thơ còn viết như thế này: Đừng trách tạo hóa ngu đần/ chê chân vịt ngắn khen chân hạc dài/ chân dài là của đại gia/ bụng to chân ngắn mới là vợ anh(*). Ý nói chân dài là phải đi với đại gia mới xứng. Thế mới biết thơ ca tiếng Việt rất phức tạp. Và các nhà thơ thì luôn thâm nho bóng bảy. Cứ nói luôn cho nhanh là không có tiền thì đừng mơ đến người đẹp chân dài. Lại còn bày đặt ra nói vịt nói hạc. Lắm chuyện.
Bởi vì tuy gia sản khổng lồ, nhưng Đồng đại gia rất xót tiền. Có lẽ do xuất thân nghèo khó. Hoặc giả là do cái cách kiếm tiền của Đồng đại gia cũng lặn lội vất vả sớm hôm chầu chực, chứ không được nhàn hạ, ngồi phòng lạnh, rê rê ngòi bút ký tá trên các dự án rồi đợi tiền về như các đại nhân.
Trong giới làm ăn với nhau, Đồng vẫn nổi tiếng là chặt chẽ. Có thể gọi là ki bo. Mấy thằng bạn học phổ thông cũ còn gọi Đồng là gơ- răng- đê. Đồng cũng không quan tâm. Đồng vốn cũng không ưa văn học Pháp. Nhưng mấy thằng nay đi xe Lexus, mai đi Mẹc đến ăn sáng ở cà phê Paradis gần nhà hát lớn cùng với một em chân dài hơn hạc, vẫn coi Đồng đại gia là đồ nhà quê, chân đất mắt toét. Có tiền mà không biết hưởng thụ cái sự sướng là gì. Chuyện ấy đến tai Đồng đại gia, thấy cũng bực. Có dịp cũng phải đập vào mặt bọn ấy cho chúng biết thế nào là chất chơi.
Thật ra thì Đồng đại gia xuất thân là dân quê chính gốc.
Đồng vốn sinh ra và lớn lên ở một làng ven đô. Cái làng này chỉ cách Bờ Hồ có ba mươi cây số. Nhưng thời chưa xa vẫn là một cái nơi hết sức cố đỉn. Tức là rất lạc hậu. Dân làng ấy bị gọi là âm lịch. Thậm chí, cả làng vẫn còn dùng nước ao. Ăn nước ao. Uống nước ao. Tắm nước ao. Giặt nước ao. Có khi rửa đít cũng nước ao nốt. Thế nhưng bản chất là một đứa trẻ thông minh nên Đồng đại gia sớm biết mình phải vượt qua lũy tre làng. Đồng ra thành phố kiếm ăn.
Thủa đầu lập nghiệp, Đồng đại gia làm đủ nghề. Chè chai đồng nát. Buôn gian bán lận. Thậm chí là móc cống. Thế nhưng giời sinh ra Đồng có trí hơn người, nên kể cả móc cống, Đồng cũng móc giỏi hơn hẳn bọn xung quanh. Rồi Đồng chắt bóp được một số. Đồng đi đánh hàng lậu ở biên giới về. Lãi to. Đồng bỏ tiền mua những mảnh đất giấy tờ không được hợp pháp lắm ở thành phố, làm nhà, đem bán. Gặp cơn sốt, đất đai nhà cửa tăng giá như tên lửa, thế là thắng lớn. Rồi Đồng đem số vốn kiếm được tiếp tục đầu tư kiểu gấp thếp. Giời cho Đồng thắng đậm. Trên bước đường làm ăn, Đồng gặp được một đại nhân. May làm sao đại nhân này lại là đồng hương mà lại khoái Đồng. Thế là hai bên kết tình huynh đệ môi răng. Rất hay. Đại nhân huynh lên chức lớn, chỉ cho đệ mấy vụ có “tầm nhìn chiến lược”. Chỗ nào là sắp quy hoạch đường sá, đô thị mới. Chỗ nào là sắp giải tỏa đền bù. Đồng vung tiền mua rẻ bán đắt. Mua đất đai từ lúc nó là bờ bụi xó xỉnh, mảnh sành mảnh chĩnh. Bán lúc nó là vàng trắng, kim cương. Bảo sao không thắng đậm. Rất đậm. Tiền nhiều. Rất nhiều. Đồng thành đại gia.
Tất nhiên là huynh đại nhân của Đồng vẫn là đại nhân. Thậm chí đại đại nhân. Vì nhân rất trong, trong veo. Bản kê khai thu nhập, tài sản của nhân hàng năm nộp cho tổ chức, sạch tinh. Làm gì chả sạch, mọi việc đã có Đồng đại gia lo. Nhà cửa mua chỗ nào cho kín đáo. Tiền nong tiêu không hết thì đầu tư vào đâu cho chắc ăn. Con cái của đại nhân cũng một tay Đồng đại gia lo gửi sang mấy trường Mỹ quốc học hành mới xứng tầm du học. Mấy cái vụ tiền nong nhà cửa nước trong nước ngoài, để em lo chứ huynh dính dáng làm gì cho mệt óc, mỏi tay - Đồng đại gia bảo huynh vậy. Thì tất nhiên là vậy, đại nhân giờ chức cao vọng trọng, thiên hạ trông cả vào. Vả lại đại nhân lo việc lớn, tầm cao vĩ mô, rất ít thời giờ. Dạo này cũng ít gặp Đồng đại gia để bù khú như xưa. Thỉnh thoảng có gặp, chỉ cho đàn em vài lời khuyên quý báu. Ví như hôm gặp ở buổi phát động chạy vì cụ rùa, huynh đại nhân bảo, chú bây giờ thuộc hàng tai mắt (hay là tai mặt nhỉ? Cái này Đồng đại gia hơi thắc mắc, vẫn định bụng có dịp sẽ hỏi lại cho rõ) nên làm vài cái gọi là công tác xã hội, từ thiện để tạo hình ảnh doanh nghiệp vì cộng đồng. Đồng đại gia bèn sai kế toán xuất tiền, làm một cái quỹ từ thiện hỗ trợ trẻ em thiệt thòi và một quỹ gọi là khuyến học khuyến tài. Lại sai bọn phòng tổng hợp liên hệ với một công ty tổ chức sự kiện, PR cho hoành tráng, xứng tầm đại gia.
Nguồn cơn cho cái việc gặp em Ma ri Siu là đây.
Vì em Ma ri Siu là người mẫu sáng giá nhất thuộc quyền quản lý của công ty tổ chức sự kiện ADX.
Hôm gặp mặt để bàn bạc chiến lược làm việc giữa hai bên, tay giám đốc công ty ADX dắt em Ma ri Siu đi cùng.
Em Siu nhà trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên. Ở nhà bố mẹ gọi là Xíu, vì bé xíu như cái kẹo. Thế mà không biết sao lớn lên em vừa xinh vừa dài chân ra. Em đi làm người mẫu nên lấy nghệ danh Ma ri Siu cho gợi.
Đồng đại gia chưa bao giờ được gặp một em long lanh thế. Tưởng tiên giáng thế. Đời doanh nhân của Đồng đại gia, kể đã hưởng nhiều của ngon gái đẹp, mà trường hợp này chưa từng gặp. Đẹp choáng váng. Làm vài ly rượu, hồn vía Đồng đại gia bay hết cả vào mấy chỗ em Ma ri Siu đang trình bày làm mẫu.
Tay giám đốc ADX biết ý. Hôm sau gọi cho Đồng đại gia, gợi, nếu muốn thì gọi điện cho em Ma ri Siu nói thế này, thế này… Và làm như thế, như thế… Hắn bảo Đồng, phàm cái gì đã đem ra trình bày với thiên hạ thì là để đem bán. Vấn đề là bán cho ai. Ai là người có khả năng mua được. Đồng đại gia sẵn tiền. Tiên còn mua được, há gì em Ma ri Siu?
Thế nên sáng nay Đồng đại gia đón Ma ri Siu bằng xe Mẹc S650 đi ăn sáng ở Paradis, rồi thong thả đưa sang Gucci, bên kia quảng trường nhà hát lớn mua quà. Sau đó sẽ là màn giao lưu trong Metropol. Trình tự là vậy.
Em Ma ri Siu tươi như hoa, cặp tay Đồng đại gia vào cửa hàng. Bọn nhân viên chạy ra như tên bắn, cúi rạp mình đón đôi khách VIP.
Em ngắm nghía, rồi ỏn ẻn chỉ một số thứ. Cái túi nữ hoàng 45000 USD, cái ví mươi ngàn, cái dây lưng hai ngàn…
Đồng đại gia toát mồ hôi khi nhẩm nhanh trong đầu bằng bộ óc điện tử.
Đồng đại gia bảo Ma ri Siu cứ đi xem thêm vài thứ, còn mình vào toa lét. Đại gia luồn ra lối cửa sau chỗ phố Cổ Tân, gọi lái xe đón đi thẳng. Đại gia ngồi trên xe Mẹc S650 rồi lẩm bẩm, mẹ kiếp nó có bằng vàng thì cũng hai trên một dưới. Một đống tiền đổ vào cái chỗ đấy, họa có bị điên.
Đồng đại gia gọi điện cho em Ma ri Siu: “Này em, đừng chơi cái trò con ngỗng với anh nhé. Em có giá hai tờ xanh một nháy. Cả đêm là hai ngàn. Đồng ý thì anh cho lái xe đến đón sang Gia Lâm. Chấm hết”. Tiện máy, đại gia gọi ngay cho em kế toán trưởng công ty, hỏi đã rút tiền từ cái quỹ từ thiện về chưa, biểu diễn thế đủ rồi. “Dạ, thưa anh em đã rút hết về rồi. Em cũng rút luôn tiền ở cái quỹ khuyến học về rồi ạ”. “OK. Trưa nay em ở lại văn phòng, làm ngoài giờ với anh nhé. Mấy tuần nay không tranh thủ được với em cái nào, thèm quá.”
*Thơ Nguyễn Bảo Sinh.
Phiên tòa
Vân ra tòa ly dị vợ. Thì chuyện đôi lứa nay hợp mai tan, không ở được với nhau nữa thì giải tán, chuyện thường mà. Ở thành phố bây giờ, ít ai quan tâm đến những cái phiên toà như vậy. Mà thực ra ly dị giờ êm lắm, mấy khi ồn ào tòa tiếc lôi thôi đâu. Thuận tình ly hôn, đến tòa hai anh chị đương kim vợ chồng, ký rẹt rẹt trước mặt thẩm phán là xong. Thành ra luôn cựu vợ cựu chồng.
Cực chẳng đã mới phải lôi nhau ra tòa.
Phải đưa nhau ra tòa để phân xử ly dị chỉ có hai lý do, một là con cái, hai là tài sản.
Tài sản thì hơn chục năm ở với nhau, vợ chồng tích cóp mua được căn cấp bốn hai mươi nhăm mét vuông trong hẻm mạn Bình Tân. Thêm cái ki ốt nhỏ cho thuê trên chợ Kim Biên, quận Năm, mỗi tháng vẫn có vài triệu chi tiêu, cũng đỡ. Nay bỏ, thống nhất rồi, bán hết chia đôi, đồ đạc cũ không thèm tính toán làm gì. Của anh anh mang, của nàng nàng xách. Gọn. Chỉ còn vấn đề là hai thằng con trai. Một thằng mười lăm, một thằng mười hai.
Mấy thằng bạn Vân bảo, mỗi đứa nuôi một thằng, khỏi ra tòa chia chác hỏi han lôi thôi, tổn thương tâm hồn non nớt ngây thơ của chúng. Khoẻ.
Nhung, vợ Vân (quên, cựu vợ) nói, tui nuôi thằng lớn, ông nuôi thằng nhỏ. Xong à.
Nhưng mà suốt thời gian qua, Vân cứ bần thần không yên. Vân cứ suy tư mãi, cố tìm ra một giải pháp khả dĩ nào đó. Bởi vì hai anh em nó quấn nhau lắm, giờ chia mỗi thằng mỗi ngả biết nói sao cho chúng hiểu và thông cảm với người lớn đây.
Vân khó nghĩ quá.
Hai thằng con, một tay Vân chăm sóc, nâng giấc. Hàng xóm người ta bảo, giá Vân mà có cái bụng đàn bà để đẻ và cái tí cho con, Vân cũng chả cần đến vợ làm chi cho nhọc lòng.
Buổi sáng Vân dậy từ bốn giờ, nấu cơm. Cố hết sức gượng nhẹ để cho má con ôm nhau ngủ yên trên gác xép. Xong, lấy xe máy đi giao mấy mối hàng. Sáu giờ vòng lại nhà, đánh thức vợ con dậy, dọn cho thằng lớn ăn còn đến lớp. Dỗ thằng nhỏ ăn để má nó yên bữa. Bảy giờ, Vân lại có mặt ở công ty làm việc. Trưa qua nhà nấu cơm. Chiều cũng vậy. Tối tranh thủ đi bỏ thêm mấy mối hàng. Khuya lắc mới về tắm giặt, rũ đồ cho vợ con luôn thể. Vợ Vân chỉ ở nhà bế con. Ngày nào, tháng nào cũng thế. Hàng năm, hàng chục năm nay cũng vẫn thế. Hàng xóm, bạn bè trong công ty vẫn bảo, người Vân bằng sắt chứ không phải thịt da.
Thế mà Nhung bỏ Vân.
Nhung nói không thể chịu đựng được hơn nữa. Không thể ở nổi với ông chồng cả ngày chỉ cắm mặt xuống, buôn bán những thứ đồ vớ vẩn ở đất Sài Gòn đô hội này thì bao giờ mới khá chứ. Vợ con người ta lên xe xuống ngựa, quần áo xênh xang, vàng đeo đỏ tay, tối đi nhà hàng. Đằng này… không nói nữa.
Vân làm công nhân ở một cái xưởng nhỏ gần nhà. Tranh thủ buôn bán thêm những thứ gia vị Bắc bán cho các quán thịt cầy quanh vùng. Vân khá đắt hàng vì làm ăn tín nhiệm. Có khi quán thiếu vài kí giềng, Vân cũng sẵn lòng phóng xe mươi cây mang đến. Gặp lúc quán đông khách quá, Vân cũng sẵn sàng ghé hộ luôn một tay, chả nề hà gì từ bưng bê hay chạy lấy thêm cho khách chai rượu, nắm rau thơm.
Lương công nhân, tiền cho thuê ki ốt, thu nhập từ bỏ mối gia vị thịt cầy của Vân cũng đủ để chi tiêu trong nhà, dư chút đỉnh. Vân tính chắt bóp để đổi lấy căn nhà rộng hơn. Hai thằng con cũng lớn rồi. Mà Nhung, mỗi lần làm tình, rất ồn ào. Nhung bảo là những lúc như thế, cần xả láng, không cần biết đến xung quanh làm gì, chỉ cần quan tâm đến cảm xúc cá nhân. Vân nghe thấy là lạ. Một cô công nhân chưa học hết phổ thông, nghỉ việc ở nhà trông con, suốt ngày loanh quanh tám chuyện với hàng xóm, sao lại biết nói những lời ấy.
Nhưng mà Vân thấy ngường ngượng với hai thằng con trai. Nhất là thằng lớn. Năm nay nó đã mười lăm tuổi, gần thành người lớn rồi. Vân rất yêu nó. Vì nó cũng mê bóng đá. Dù bận, nhưng một tuần Vân vẫn dành ra hai buổi chiều đi đá bóng để ba con có thời gian tâm sự với nhau. Thằng nhỏ em vẫn tỵ với anh là ba chiều anh hơn nó, ba toàn mua quần áo mới cho anh, bắt em mặc đồ cũ của anh. Nghe thằng bé con nói vậy, Vân cười, bảo anh là con cả trong nhà, nay mai sẽ gánh vác mọi việc, nên giờ phải ưu tiên anh ấy.
Hôm biết là ba má không hàn gắn được. Nó rủ Vân đi đá bóng, nhưng hai ba con lại vào ngồi quán nước mía nói chuyện. Nó bảo là hai anh em nó đã bàn nhau và quyết định chỉ ở với Vân, quyết không nhận má nữa.
Vân rớt nước mắt nói, con nên thương và thông cảm với má. Má con ở với ba cũng khổ vì chả được bằng người ta, chỉ vì ba kém cỏi. Má con cũng chỉ nhi nữ thường tình mà thôi.
Thằng bé nói, má bỏ đi theo trai, ăn chơi xả láng một mình, có gì mà thương.
Vân không biết nói sao. Tự thấy mình cũng có lỗi, chả giữ được má cho hai con. Nhung ở nhà, bế con đi chơi rong hàng xóm chán, lê la ngồi quán xá. Gặp một tay phong độ. Tay đó nói là đời phải cháy hết mình. Luôn và ngay. Mai xuống đất đen, như nhau cả. Sống le lói, dưa cà kho quẹt cũng là đời. Uổng. Uổng cả cái nhan sắc gái hai con rờ rỡ đi. Tưởng nói chơi vậy mà thành thật. Nhung mang hết tiền nhà, bỏ đi với chả, ngao du sơn thủy. Lên tận Sa Pa ngắm mây, xuống Hạ Long ngắm biển. Tiêu hết sạch tiền. Rồi về đòi ly dị chia nhà, chia con.
Hôm xử, tòa kêu cả hai đứa con ra hỏi ý kiến.
Thằng nhỏ: Con ở với ba không đi đâu hết.
Thằng lớn: Con ở với ba với em. Ai đi đâu thì đi tuốt luôn đi.
Nhung gào lên: Trời ơi, mày có biết ông ấy không phải là ba đẻ của mày không?
Con: Biết.
Nhung: Biết sao còn đòi ở với ổng?
Con: Vì đấy là ba con.
Thì Nhung lấy Vân khi đã có chửa thằng lớn. Người yêu là bạn Vân, bị tai nạn chết. Vân thương, đứng ra chăm mẹ con Nhung, rồi cưới.
Tan tòa, ba cha con nhà Vân chở nhau trên cái xe tám mốt chiến, đằng sau, đằng trước đèo thêm mấy giỏ giềng, sả, hành ngò. Họ cùng nhau đi về mạn Bình Tân.
Trần Thanh Cảnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...