Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:37 (GMT +7)

Chùa Khánh Long - khúc giao duyên giữa mạch nguồn lịch sử

Hoàng hôn chùa Khánh Long (xóm Ngò, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình)
Hoàng hôn chùa Khánh Long (xóm Ngò, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình)

Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, thể hiện tinh thần hộ quốc an dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, các làng quê đều có một ngôi chùa. Chùa làng là nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng của dân làng. Mái chùa nương náu mảnh hồn làng, gần gũi với mỗi cảnh đời thôn dã. Lời nguyện cầu mong được sự hộ trì của chư Phật, chư Bồ Tát đã giúp dân làng có cuộc sống an yên, là nguồn lực nội sinh làm nên sức mạnh lòng dân vì sự hưng thịnh, trường tồn của dân tộc. Mạch nguồn sâu lắng của văn hóa làng từ mái chùa ươm mầm từ bi, trí tuệ theo giáo lý nhà Phật đã chuyển hóa cõi ta bà thành miền tịnh độ.        

Trên mảnh đất Thái Nguyên, dù có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em, hình bóng làng quê với mái chùa vẫn hội tụ, lan tỏa những nét đẹp góp phần làm nên bản sắc của quê hương. Việc tu bổ, mở mang chùa để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử là việc làm rất có ý nghĩa. Trước dịp chùa Khánh Long hoàn thiện các hạng mục cuối và làm lễ khánh thành, chúng tôi đã tới thăm, vãng cảnh và tìm hiểu về ngôi chùa.

Chùa Khánh Long xưa kia cũng là một ngôi chùa làng, có tuổi đời cả ngàn năm. Khi lập làng, người dân đã dựng chùa để thờ Phật, gọi là chùa làng Ngò (nay thuộc xóm Ngò, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình). Ngôi chùa tọa lạc trên quả đồi cao, diện tích trên 2,5 ha, chung quanh chùa có những cánh đồng rộng, đồi núi trùng điệp, nhiều ao chuôm trên các chân dốc.

Cổng chùa Khánh Long
Cổng chùa Khánh Long

Những năm gần đây, với sự phát tâm công đức của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt và các phật tử, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã cùng bà con trong làng trùng tu, tôn tạo, xây dựng mở rộng để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, là địa điểm đón du khách tham quan, chiêm bái, tĩnh tâm và lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ của Đức Phật, hướng thiện cho cộng đồng.

Tiếp xúc với sư thầy và các phật tử sẽ ngộ ra nhiều điều thâm diệu trong suối nguồn giáo lý nhà Phật, chúng cũng hội tụ trong cảnh sắc và kiến trúc. Quá khứ cũng như hiện tại, nghệ thuật kiến trúc đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Phật giáo. Bởi vậy, chùa Khánh Long mang nét kiến trúc cổ theo lối “nội công, ngoại quốc”, dưới có các cột đá, trên có các vi gỗ, chạm khắc tinh xảo tứ quý “Long, Ly, Quy, Phượng”.

Tòa chính điện
Tòa chính điện

Cổng tam quan được xây dựng khá bề thế, chạm nổi hai câu đối: “Vào cửa Phật miệng cầu Tam Bảo niệm tâm linh” và “Tới cửa chùa lòng sạch trần duyên tiêu tục lụy”. Trước tam quan là 4 bức tượng Tứ Thiên Vương, (còn được gọi dưới tên khác là “Tứ đại Kim Cương”). Bốn vị mang bốn đại bào, phong thái đầy vẻ uy vũ, có vai trò giữ gìn Phật pháp, duy trì sự ổn định xã hội, trông nom bốn phương tám hướng để mưa thuận gió hòa, được coi như vị trí ban cảnh vệ giúp bảo vệ chùa.

Qua cổng tam quan là khoảng sân rộng, hai bên có 18 bức tượng La Hán được chạm khắc từ đá trắng nguyên khối, thể hiện sống động, chân thật về hình dáng và hạnh nguyện, có tính nghệ thuật cao. Bậc thềm lên chùa là bốn con rồng uốn lượn mềm mại đỡ bốn trụ đá theo lối lên. Các trụ đá đều được chạm khắc với nhiều nét hoa văn tinh xảo. Hai cột đá giữa khắc hai câu đối: “Chúc nước nhà giàu mạnh với núi sông bền vững nghìn thu” và “Nguyện Phật pháp sáng lâu cùng nhật nguyệt rạng soi muôn thuở”. Chính giữa là bức tượng Di Lặc hoan hỉ chào đón phật tử, cùng muôn chúng sinh đến lễ Phật và vãn cảnh chùa.

Các bức tượng La Hán
Các bức tượng La Hán

Bên trái ngôi Tam Bảo là lầu trống, cạnh đó là bức tranh đá khắc họa đức phật Thích ca Mâu Ni nhập niết bàn, hai đầu bức tranh là những tấm bia ghi lại lời dạy cuối cùng của đức Phật và đạo Phật trước khi nhập niết bàn.

Bên phải ngôi Tam bảo là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tay cầm bình nước cam lồ, tiếp đó là lầu chuông và tấm bia lưu danh công đức xây dựng chùa Khánh Long, kế bên là bức tranh nhân quả ba đời mang tính ước lệ được làm bằng đá màu hồng ngọc nhắc nhở chúng sinh bằng những câu chuyện, hướng con người đến lối sống tốt đẹp để thiên hạ có được sự yên vui, an lạc, thái bình. Mọi người cùng nhau chung sống hòa thuận, yêu thương nhau, học và biết những điều hay lẽ phải và tôn trọng lẫn nhau.

Các nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, thư viện, giảng đường với lối kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc Việt khiêm nhường, gần gũi, nép mình dưới bóng cây cổ thụ ẩn chứa sự diệu huyền tâm linh của một nơi thờ tự và ngưỡng vọng.

Các công trình đều xây dựng theo lối kiến trúc cổ
Các công trình đều xây dựng theo lối kiến trúc cổ

Trong khuôn viên của chùa có ao Di Đà được bao quanh là hàng rào làm bằng đá, bên cạnh là hồ nước nhỏ An Yên, cây cầu cũng bằng đá nối ra giữa hồ đặt viên đá lớn ghi những lời thiền định. Đặc biệt khu vườn Lộc Uyển đẹp như bức họa, một không gian khiến mỗi người đặt chân tới đều cảm thấy nhẹ lòng, cảm xúc thăng hoa.

Ao Di Đà
Ao Di Đà

Vườn Lộc Uyển trong phật giáo là khu vườn đẹp, ngày xưa đức Phật bắt đầu giác ngộ thành Phật, ngài thuyết pháp đầu tiên ở đó. Theo truyền thuyết khu vườn này được vua xứ Ba La Nại thiết lập. Nơi đây rất yên tịnh, thanh vắng và trở thành nơi cư trú lý tưởng của các vị ẩn sĩ tiến tu đạo nghiệp khi chưa chứng quả vị Vô thượng Bồ đề, đức Phật. Dần về sau, các thầy chọn nơi này tu tập, ngồi thiền định. Thái tử Tất Đạt Đa đi tìm con đường giác ngộ, khi thành Phật ngài đã thuyết pháp tại đó. Sau khi thành đạo dưới gốc cây Bồ đề, đức Phật bắt đầu truyền đạo. Buổi thuyết pháp đầu tiên diễn ra tại vườn Lộc Uyển với 5 anh em Trần Kiều Như là bạn đồng tu khổ hạnh với ngài trước kia. Bài pháp đầu tiên đức Phật truyền giảng là bài Tứ Diệu Đế, tức là bốn chân lý sống trong đời. Trong 49 năm truyết pháp, đức Phật đã hóa độ tất cả các hạng người từ vua quan, quý tộc đến ngoại đạo, nô lệ, kỹ nữ, tướng cướp, những người thuộc giai cấp hạ tiện… với tinh thần bình đẳng không phân biệt. Những gì đức Phật dạy trong thời kỳ hoằng dương chánh pháp giúp con gười nhận diện và chuyển hóa khổ đau, giúp họ sống đời sống an vui, hạnh phúc trên cõi nhân gian.

Cầu đá trong vườn An Yên
Cầu đá trong vườn An Yên

Các công trình chủ yếu của chùa Khánh Long đã hoàn thành. Công trình Bảo tháp cao 15 tầng đang được khẩn trương hoàn thiện. Bảo tháp là hình ảnh biểu trưng cho tinh thần văn hóa Phật giáo và văn hóa cửa thiền, một công trình mỹ thuật kiến trúc trưng bày những di vật kỷ niệm của các bậc giác ngộ và thánh trí, một biểu tượng cho lịch sử và sức sống của một ngôi chùa. Bảo tháp chùa Khánh Long đặt tên là tháp Quan Âm, mục đích cất giữ thờ 12 lời nguyện của đức bồ tát Quan Âm. Theo 12 lời nguyện chùa tạc 12 pho tượng mỗi tầng sẽ đặt một pho. Tầng trên cùng đặt quả chuông lớn nặng 6 tấn, các tầng còn lại thờ Tàng Kinh Các, lưu giữ các quyển kinh.

Bảo tháp Quan âm đang trong giai đoạn hoàn thiện
Bảo tháp Quan âm đang trong giai đoạn hoàn thiện

Đại đức Thích Thánh Hiển cho biết: Nhà chùa đang tích cực làm các phần việc còn lại để khánh thành trong năm 2024. Dù còn dang dở, dịp Tết Giáp Thìn, nhà chùa đã tổ chức bài trí, đón trên 10 ngàn lượt người về lễ Phật, cầu mong bình an, vãn cảnh chùa. Trong tương lai, nhà chùa từng bước đề nghị với các cấp chính quyền của tỉnh cho thiết lập khu sinh thái tâm linh, trong đó có khu rừng thiền để mọi người về tản bộ và có một nơi yên tĩnh để thư thái. Ngôi chùa đẹp cũng là hoằng pháp để mọi người biết đến, tiếp cận gần hơn giáo lý nhà Phật.

Chùa bài trí đón du khách
Chùa bài trí đón du khách

Bao đời nay, đi lễ chùa đầu năm trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân. Ngày xuân mọi người đến lễ Phật cầu mong bình an cho gia đình. Ngày rằm, mồng một hàng tháng các bà, các chị lên chùa tụng kinh, niệm Phật. 

Hình ảnh mái chùa, tiếng chuông chùa trong những câu ca dao, dân ca lắng đọng hồn quê Việt mãi trường tồn làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ngôi chùa làng bình dị trong cộng đồng làng xã xưa đã chuyển mình mang một dáng vóc hình hài mới. Không chỉ là của người dân trong làng, chùa Khánh Long hứa hẹn sẽ là điểm đến của những người trân trọng giáo lý từ bi, trí tuệ nhà Phật.

Như búp sen hòa điệu với cảnh sắc thiên nhiên, làng mạc, khúc giao duyên giữa mạch nguồn lịch sử của chùa Khánh Long với bản sắc văn hóa dân gian truyền thống sẽ làm đẹp thêm mảnh đất và con người Thái Nguyên trong chặng đường đi lên phía trước.

Phan Thái

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy