Chưa hết tình trạng chiếm chỗ, giữ đất
VNTN - Đất đăng ký sử dụng thì nhiều nhưng thực tế sử dụng lại rất thấp. Đó là tình trạng đáng buồn đang diễn ra ở tỉnh ta, dù kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh không ngừng cải thiện. Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp (DN) cố tình "ngâm tôm" không thực hiện dự án để chiếm chỗ, giữ đất mặc dù năng lực có hạn.
Nhiều năm đăng ký rồi bỏ... đất trống
Năm 2011, sự xuất hiện của Dự án khu dân cư tầm cỡ nằm giữa trung tâm T.P Thái Nguyên mang tên Bắc Sơn - Sông Hồng đã khiến không chỉ giới kinh doanh bất động sản mà cả người dân địa phương đổ xô tìm đến đặt lô giữ phần. Họ sợ nếu không nhanh chân đặt cọc sẽ tuột mất cơ hội sở hữu một lô đất đẹp hoặc phải mua đất với giá trên trời khi dự án hoàn thành. Ngay sau khi khởi công, Công ty CP đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng (Hà Nội) - chủ đầu tư Dự án đã lên kế hoạch rất hùng hồn rằng "sẽ hoàn thiện vào quý III năm 2013". Nhưng rồi, sự thực không như vậy. Không ít người những tưởng thông minh đi trước đón đầu lại phải thất vọng tràn trề khi hết năm này sang năm khác Dự án không tiến triển gì. Kết thúc năm 2015, số diện tích đất đăng ký sử dụng thuộc Dự án này vẫn chưa được triển khai và trở thành một trong 286 công trình, dự án phải chuyển tiếp sang thực hiện ở năm sau. Như vậy, từ năm 2011 đến nay, năm nào Dự án này cũng đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng không triển khai thi công xây dựng. Người dân đang hoài nghi, liệu năm 2016 và các năm tiếp theo dự án này có tiếp tục được thực hiện?
Đây chỉ là số ít trong hàng trăm dự án đăng ký sử dụng đất nhưng không thực hiện. Những năm gần đây, năm nào báo cáo kết quả sử dụng đất của UBND tỉnh trình kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh cũng kèm theo một danh sách dài dằng dặc những dự án đã đăng ký sử dụng đất nhưng chưa thực hiện phải chuyển tiếp sang năm sau. Năm 2015 cũng vậy, trong 1.245 công trình, dự án với diện tích trên 4.386ha đất đăng ký sử dụng thì mới có 450 công trình, dự án thực hiện, còn lại 286 công trình, dự án bỏ trống phải chuyển sang năm sau, 509 công trình không đăng ký thực hiện nữa. Như vậy, số công trình, dự án đăng ký sử dụng đất đã thực hiện được trong năm đạt khoảng 893ha, chưa bằng 21% kế hoạch đề ra. Đây là con số rất thấp phản ánh thực tế tình hình sử dụng đất kém hiệu quả trên địa bàn.
Dự án Cụm cảng Đa Phúc và Khu công nghiệp phụ cận (xã Thuận Thành - T.X Phổ Yên) lâu nay chỉ đăng ký sử dụng đất mà chưa thực hiện được. Đây là hình ảnh lộn xộn trong hoạt động bến bãi ở Cảng Đa Phúc ở thời điểm hiện tại.
Nghìn lẻ một lý do
Trong báo cáo của UBND tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải tại sao lại đạt tỷ lệ sử dụng đất thấp như vậy. Trong đó, các nguyên nhân khách quan và lỗi ở chính quyền địa phương được nhắc nhiều hơn cả. Cụ thể như, các địa phương chưa có kế hoạch vốn, chưa xác định được khả năng, năng lực tài chính của chủ đầu tư, nhưng vẫn đăng ký nhu cầu sử dụng đất cao; các dự án thuộc ngân sách Nhà nước mặc dù đã được phê duyệt đầu tư nhưng các địa phương chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện; các địa phương chưa kịp thời đôn đốc các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính đầu tư cho công trình, dự án được xác định trong kỳ kế hoạch sử dụng đất; vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013; tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm vì chưa bố trí được các khu tái định cư để di chuyển chỗ ở cho các hộ dân có đất bị thu hồi...
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề lại chưa được đề cập, nếu có cũng còn mơ hồ, chung chung. Đó là việc thẩm định, đánh giá chấp thuận đầu tư của các cơ quan quản lý còn chưa sát thực tế, chưa đánh giá đúng năng lực tài chính của nhà đầu tư nên dẫn đến tình trạng dự án đăng ký xong để đấy, kéo dài từ năm này qua năm khác. Thực tế thì có những nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án gặp khó khăn thực sự, nhưng không ngoại trừ nhiều trường hợp cứ đăng ký để giữ đất. Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm vừa qua, ông Nguyễn Văn Khoa, đại biểu HĐND đoàn Phổ Yên, gay gắt: Thực tế cho thấy, đã có những DN cố tình "ngâm tôm" không triển khai để chiếm chỗ giữ đất. Nếu không đủ khả năng thì trả lại để tỉnh giao cho nhà đầu tư khác mạnh hơn. Níu giữ vài năm liền mà không thực hiện thì chẳng phải là chiếm chỗ?
Cần có biện pháp mạnh hơn
Đề xuất đầu tiên được các nhà chuyên môn đưa ra chính là chú trọng chất lượng thẩm định, xét duyệt đầu tư đối với từng dự án có sử dụng đất. Cần thiết phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng nhà đầu tư, đánh giá trên cơ sở năng lực tài chính thực sự của họ. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho rằng, phải cương quyết đối với nhà đầu tư thiếu năng lực. Dự án nào để chậm quá lâu cần có biện pháp thu hồi và khuyến khích chuyển giao. Nếu để chậm mà do khách quan hoặc còn vớt vát được thì chính quyền làm việc với nhà đầu tư để có kế hoạch "giải cứu". Trước khi chấp thuận đầu tư cần phải thẩm định rõ ràng, không linh động hoặc châm trước cho trường hợp nào. Cần thiết phải để DN chứng minh năng lực tài chính và thực hiện việc ký quỹ theo quy định của Luật Đất đai.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh cho rằng, theo khoản 4, điều 9, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì việc phê duyệt danh mục dự án cần thu hồi đất phải được thực hiện đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, không ít dự án của chúng ta cứ tiến hành triển khai mà không bố trí được tái định cư, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Nếu thực hiện nghiêm quy định này thì cũng sẽ hạn chế phần nào dự án bỏ trống hoặc dang dở kéo dài.
Minh Quân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...