Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…
Được biết đến là đất nước của những quy tắc kỳ lạ, với hàng loạt phong tục tập quán và những điều cấm kỵ độc nhất, người Đức gây ngạc nhiên, thậm chí là “sốc” với cộng đồng các nước. Một trong những quy tắc kỳ lạ nhưng rất đáng suy ngẫm đối với người Việt, đó là ngày “Chủ nhật yên tĩnh”.
Ở Đức, Chủ nhật được gọi là Ruhetag - ngày yên tĩnh. Đây là ngày nghỉ ngơi xả hơi và chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Bởi sau một tuần làm việc vất vả, Chủ nhật sẽ là ngày dành cho gia đình, người ta sẽ ở nhà dọn dẹp, làm bánh hoặc nghỉ ngơi, không gây ra tiếng ồn lớn. Do đó mà đa phần các hàng quán, khu vui chơi thường đóng cửa vào ngày này. Vi phạm quy định về Ruhetag, ngoài việc bị hàng xóm phàn nàn, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, người dân có thể bị phạt, tuỳ theo mức độ mà khoản tiền phạt có thể lên tới vài nghìn euro.
Điều luật bất thành văn này cũng được áp dụng cho các ngày lễ lớn tại Đức. Nước Đức hiện nay là điểm đến du lịch khá nổi tiếng, nên vẫn có nhiều nhà hàng, quán xá được phép mở cửa vào ngày Chủ nhật nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho du khách. Tuy nhiên ở những nơi như vậy, người ta luôn cố gắng giữ trật tự tối đa để không gây sự khó chịu cho những người xung quanh.
Nghe điều luật có phần kỳ lạ này, hẳn nhiều người Việt sẽ bất ngờ. Chủ nhật yên tĩnh ở đâu, chứ ở Việt Nam thì là việc khó hơn lên trời! Xét về các mặt như kinh tế, văn hoá, giáo dục… giữa hai quốc gia, so sánh qua loa cũng đủ thấy vô cùng khập khiễng. Bởi thế, sự khác biệt về ngày nghỉ cũng là điều đương nhiên. Cái đáng bàn là, người dân (cụ thể là người lao động) chúng ta có (hay không) mong muốn ở Việt Nam cũng được ngày nghỉ như vậy?
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam thì “luật bất thành văn” lại là mong chờ những ngày nghỉ, các dịp lễ, tết để làm những việc mà ngày thường không làm được. Chúng ta có tâm lý dồn các việc ngoài chuyên môn nghề nghiệp vào ngày nghỉ cuối tuần. Bởi thế mà trong các ngày nghỉ, không khó để thấy cảnh đường sá vẫn ùn tắc, các cửa hàng mua sắm, trung tâm thương mại đông đúc, khu vui chơi giải trí ồn ào… Nước ta cũng có nhiều công việc mà vào các ngày nghỉ, nhân viên phải làm việc tất bật hơn, có thể kể đến như: người làm công tác tuyển dụng công nhân trong các công ty lớn; nhân viên truyền thông nội bộ, nhân viên sale, các công việc liên quan đến làm đẹp, thẩm mỹ…
Có những công việc khi ký hợp đồng, công ty ghi rõ điều khoản bắt buộc là phải làm việc ngày Chủ nhật và nghỉ bù vào ngày thứ Hai. Trong bối cảnh việc làm khó khăn như hiện nay, nhiều người trẻ vì nhu cầu cơm áo phải chấp nhận dù biết như vậy là bất cập. “Thời khoá biểu” có phần trái ngược với mọi người, nên việc hẹn hò, gặp gỡ bạn bè trở nên xa xỉ; hoặc những lúc có việc riêng, khi cha mẹ ốm bất chợt ngày cuối tuần cũng rất khó khăn để xin nghỉ.
Thói quen sử dụng thời gian nghỉ ngơi cho các mục đích khác, lâu dần trở thành điều đương nhiên với người Việt. Ngày nghỉ, ai cũng hiểu/ muốn là khoảng thời gian để tiếp thêm năng lượng, giữ cho tinh thần sáng tạo luôn ở mức cao. Nhưng thay vì có thể nấu ăn cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục, nghỉ ngơi, làm những thứ liên quan đến sở thích cá nhân (trồng cây, làm vườn, tô tượng, đọc sách,...), thì người Việt lại rủ nhau đi du lịch, xếp hàng chờ thanh toán ở siêu thị, tay xách nách mang về nội về ngoại, tụ tập bạn bè chén chú chén anh, hay sửa sang nhà cửa…
Nhiều gia đình còn có truyền thống cứ cuối tuần là tổ chức gặp mặt. Niềm vui của ông bà, cha mẹ là được thấy con cháu, anh em quây quần bên nhau. Nhưng các con/ cháu thì chưa hẳn thế. Có người cả tuần đi làm quần quật, áp lực căng thẳng, cuối tuần được ngày nghỉ lại phải chợ búa cơm nước phục vụ “phái đoàn đặc biệt” gồm cả người lớn và trẻ con ngày hai bữa cơm, chưa kể đàn ông gặp nhau là bia rượu cà kê. Rồi thì, nhà cửa còn trở nên bừa bộn bởi đám trẻ hiếu động, nghịch ngợm, ồn ào. Những buổi tụ họp như thế lấy đi thời gian và cả sức lực, ngày nghỉ mà còn mệt thân mệt trí hơn đi làm, thì quả là sợ hơn vui.
Một điều dễ thấy nữa ở Việt Nam, đó là việc tổ chức các sự kiện ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề trong ngày nghỉ, lễ. Từ những hội thảo khoa học chuyên ngành, đến các lớp học tập/quán triệt nghị quyết chính trị, đặc biệt là các hoạt động ở mảng văn hoá - nghệ thuật, cả đơn vị tổ chức và đối tượng tham gia/ thụ hưởng đều chờ ngày nghỉ mới có thể thực hiện. Nhiều sự kiện, do tính chất đặc thù phải huy động người tham gia/khán giả, làm ngày thường sẽ rất khó khăn, nên đơn vị tổ chức không có lựa chọn nào khác. Nhưng với tâm lý chung, ai cũng đã có một tuần “chạy deadline” mệt nhoài, ngày nghỉ vẫn phải đi làm, đi góp mặt ở sự kiện với tính chất “điểm danh”, thì hẳn chẳng lấy gì làm vui vẻ, thoải mái.
Nhìn từ thực tế thì thấy, biết cách sống chậm, dành thời gian cho bản thân và gia đình riêng, đối với đa phần người Việt chúng ta vẫn là việc tương đối khó. Song xét đến cùng thì thực hiện ngày nghỉ yên tĩnh lại không phải là chuyện bất khả thi. Thiển nghĩ, một ngày làm việc 8 tiếng, tính thêm thời gian tham gia các hoạt động ngoài chuyên môn nghề nghiệp, vui chơi, giải trí, mua sắm, dọn dẹp, thăm hỏi gia đình, gặp gỡ bạn bè…, thì có thể kéo dài trong khoảng 10 - 12 tiếng. Xét trên phương diện sức khoẻ và cường độ lao động, các cá nhân trưởng thành hoàn toàn đáp ứng được. Các cơ quan, ban, ngành có thể căn cứ vào việc đánh giá hiệu suất công việc để điều chỉnh giờ làm linh động hơn. Người ta có thể đi xem phim sau khi ăn tối, thì cũng hoàn toàn có thể tới tham dự sự kiện văn hoá, đi siêu thị, gặp gỡ bạn bè, hay dọn dẹp nhà cửa… Nếu sắp xếp khoa học, chúng ta hoàn toàn có đủ thời gian ngủ nghỉ trong ngày để tái tạo năng lượng, từ đó có thể hiện thực hoá ngày Chủ nhật yên tĩnh.
Có lẽ, không ít người trong chúng ta cũng mong muốn thực hiện “ngày nghỉ yên tĩnh” như người Đức, song cơ chế vận hành của xã hội hiện nay chưa cho phép họ làm vậy. Cá nhân người viết dù muốn, nhưng đâu đó vẫn có sự mâu thuẫn. Không biết khi được ở nhà yên tĩnh thật sự giống ở Đức, thì liệu người ta có quen, có thích không? Hay là thói quen nghỉ là ra đường vui chơi, sắm sửa, tụ họp ăn uống… mới là nghỉ? Đến đây, hẳn nhiều người cũng đang phân vân và tự vấn bản thân. “Trông người mà nghĩ” thế thôi, chỉ mong mỗi người Việt sẽ có cho mình khái niệm chuẩn chỉnh về ngày nghỉ, để sống thật chất lượng, an vui.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...