Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
16:52 (GMT +7)

Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: “Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”

VNTN - Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự tổ chức. Ph. Ăng ghen cho rằng, đoàn kết của giai cấp vô sản có nghĩa là lực lượng phải: “được huy động thành một đạo quân duy nhất, dưới cùng một ngọn cờ và nhằm cùng một mục đích”. (1). V.I.Lênin chỉ rõ: “Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối; đoàn kết là nguồn gốc, sức mạnh chủ yếu, vô tận và vô địch của Đảng” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giữ gìn sự đoàn kết, 

nhất trí trong Đảng

Tại Đại hội VII, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lê nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”. Tại Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Trong các tác phẩm của Người để lại, có tới hàng trăm bài viết, bài nói về đoàn kết, tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tại Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh kêu gọi những người cộng sản “Bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản” thành Đảng Cộng sản tập trung thống nhất”(3). Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo cũng thể hiện rõ sự quan tâm hàng đầu của Người đối với vấn đề đoàn kết nhất trí và xây dựng sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng. “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta” (4)..

Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng? Trước hết phải xuất phát từ lý tưởng, mục tiêu, đường lối chủ trương đúng đắn và đạt được sự nhất trí cao. Thứ hai là phải biết xử lý những vấn đề dễ nảy sinh thường ngày trong quan hệ với nhau và trong công tác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Giáo dục, thuyết phục; tự phê bình và phê bình có lý, có tình là phương pháp xây dựng khối đoàn kết tốt nhất. Làm sao để người tự phê bình có thể hoàn toàn yên tâm và tin tưởng ở tập thể, tổ chức của mình; nơi bản thân có thể bộc bạch từ chính lương tâm và trách nhiệm của mình để tự hoàn thiện mình. Ngược lại, người được phê bình thì nhận thấy ở đồng chí mình những lời góp ý chân tình vì sự tiến bộ của bản thân người đó.

Muốn vậy, phải mở rộng dân chủ trong Đảng. Xây dựng một không khí cởi mở tin cậy; khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo để xây dựng Đảng, xây dựng quê hương đất nước. Về mặt này, tổ chức Đảng phải biết lắng nghe, cầu thị với những ý kiến dám nói thẳng, nói thật, nhất là những người có tài năng và trí tuệ. Trong thực tiễn những người này thường có bản lĩnh và không tròn trĩnh lắm. Vì họ tự đứng vững nên chẳng cần một sự nâng đỡ của ai.  Ví như: "gỗ lim thì chìm, quýt ngọt thì lấy lá". Trái lại những kẻ bất tài thường tìm mọi cách san lấp sự thiếu hụt bằng cách "luồn cúi, thích nghi", "gió chiều nào theo chiều ấy". Thực tế chỉ tạo nên sự cơ hội, người trên thì bị bưng bít, kẻ dưới thì bị bỏ rơi, gây nên bè cánh, mất đoàn kết; làm cho Đảng dù đông song không mạnh. Phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử loại này, cùng những đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, cá nhân chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cũng không nên đồng nhất việc trong Đảng có những ý kiến khác nhau khi thảo luận, tranh luận với tình trạng mất đoàn kết. Trước sự phát triển của cách mạng còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần làm sáng tỏ. Trong Đảng cần có thảo luận, tranh luận để tìm chân lý, nhất trí. Nếu có những vấn đề chưa nhất trí cũng không nên vội vàng quy chụp. Hãy theo tấm gương Hồ Chí Minh: lắng nghe, chờ đợi và tôn trọng ý kiến của nhau; cần có thái độ khách quan và thiện chí. Bên cạnh đó Đảng cần có một kế hoạch đào tạo và đào tạo lại thật sâu, thật chắc, thật thiết thực những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là phương pháp duy vật biện chứng để vận dụng sáng tạo trong thực tiễn.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, lời Người căn dặn đầu tiên là về Đảng, về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Bác viết: “Trước hết nói về Đảng (…) Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (5). Như vậy, đoàn kết thống nhất trong Đảng là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo cách mạng của Đảng, là nhân tố để phát huy cao độ trí tuệ và khả năng sáng tạo của những chiến sĩ tiền phong. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề để đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh to lớn, là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của cách mạng nước ta, tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thực tiễn 86 năm qua cho thấy, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử và thời đại: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của hai cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài suốt ba mươi năm; thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc; thắng lợi 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Những thắng lợi đó, chính là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là minh chứng khẳng định sự trưởng thành và vững mạnh của Đảng.

Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, đó là tư tưởng nhất quán và xuyên thấm từ thời dựng Đảng đến phút cuối cùng trọn vẹn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ thực hiện đoàn kết, nhất trí trong Đảng, Đảng ta đã có sức mạnh để lãnh đạo dân tộc Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, bằng nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt, kích động chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng. Vì vậy, tăng cường đoàn kết và thống nhất trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở là điều tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Mùa xuân này, Đảng ta, dân tộc ta vui mừng, tin tưởng và tự hào Đại hội lần thứ XII của Đảng. Một lần nữa lịch sử dân tộc ghi thêm một mốc son quan trọng trong “pho lịch sử vàng” của Đảng, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của Đảng và của dân tộc Việt Nam trong một thời kỳ chiến lược mới. Hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên càng phải phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất để lựa chọn những người xứng đáng, vừa có tài, vừa có đức để đảm nhận những trọng trách lãnh đạo đất nước.

Tài liệu tham khảo:

(1)-C. Mác-Ph. Ăng-ghen, toàn tập, NXBCTQG, HN, 1995, t22, trang 99.

(2)-V.I.Lênin toàn tập, tập 16, Nxb Tiến Bộ, M. 1993, tr705.

(3)-Hồ Chí Minh toàn tập, t. 3, Nxb CTQG, HN,2002,  tr.561.

 (4)-Hồ Chí Minh toàn tập, t. 12, Nxb CTQG, HN,2002,  tr.510. 

(5)-Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 58

Nguyễn Thanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy