Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:48 (GMT +7)

Chân tình, sâu nặng tình người

Ngọc Thị Lan Thái là hội viên Chi hội văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Chị đã cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn “Bóng chiều yên ả” - 2018, chị còn viết kịch bản, với hai tập kịch đã được xuất bản “Thượng đế vi hành”- 2014, “Mãi mãi yêu thương” - 2016 . Nhưng trái tim đa cảm của chị dành phần nhiều cho thơ. Chị đã xuất bản 5 tập thơ “Chiếc lá nửa màu”- 2007 , “Tìm về” - 2008, “Giọt xuân rơi” - 2015, “Giọt nước rơi” - 2018 và “Man mác thu rơi” - 2020.

42 bài thơ trong tập thơ “Chợt tôi” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành lần này là một tập hợp không nhiều, nhưng đa dạng, phong phú, đề cập đến nhiều nội dung, thời gian, không gian khác nhau.

Chân tình, sâu nặng tình người

Ngọc Thị Lan Thái quê ở Phú Bình, Thái Nguyên. Miền quê có truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú. Đó là những yếu tố thiên thời, địa lợi vun đắp cho hồn thơ của chị:

“Bên kia nỗi nhớ

Bên này ngóng chờ

Sông ơi ngưng chảy

Xanh trong đôi bờ”

(Tháng Ba ơi)

Miền quê ấy còn chồng chất gian nan, vất vả:

“Lúa von vất vưởng long đong

Cá cờ, cá quả đớp không xá bừa”

(Về quê)

nhưng nơi ấy vẫn đằm thắm tình người:

“Râm ran bội tiếng mời chào/

Miếng trầu môi đỏ mắt nào đong đưa”

(Về quê)

Cái nghèo, cái khó không ngăn được những giọt mưa rơi vào nơi linh thiêng, theo chị suốt chặng đường đời:

“Ngày nào tường vách mái che

Mỗi lần mưa sũng tái tê cả chiều”

và:

“Giọt mưa rơi vỡ tan tành

Bát hương thấm nước - hóa thành nỗi đau”

(Mưa)

Những câu thơ của chị về những người ruột thịt dù chỉ đọc một lần thôi nhưng khó ai quên được:

“Mẹ nằm ướt đọt sương sa

Đàn con co rúm lòa xòa ổ rơm”

(Nhớ đông xưa)

hay:

“Mẹ ngồi tê buốt bàn chân

Mũi kim không kín gian truân nhọc nhằn”

(Mưa)

Còn đây là cảm nhận của chị về người cha:

“Cha ngồi rít thuốc từng cơn

Phả ra hơi ấm để ôm con nằm”

(Nhớ đông xưa)

Ổ rơm không đủ ấm. Người cha phải dùng cả hơi ấm của hơi thuốc để mong ủ ấm cho đàn con. Vất vả, khổ đau là vậy, nhưng tác giả không hề bị bi lụy. Chị đã biến nó trở thành nguồn năng lượng mới để chị thêm tin yêu cuộc sống hôm nay. Chị vẫn nhớ:

“Giờ trong đệm trắng gối thêu

Vẫn vương giọt lạnh bao điều ngày xưa”

 (Nhớ đông xưa)

Đọc thơ của Ngọc Thị Lan Thái, ta có cảm nhận bên cạnh con người có bản lĩnh, là một người thơ dễ rung cảm. Đêm Mộc Châu, bên thác Dải Yếm, tác giả liên tưởng đến mối tình người con gái gửi chiếc yếm cho người con trai làm tin:

“Dù đất trời thay đổi

Yếm trắng không thay màu

Vẹn lòng người sau trước

Yêu có tội gì đâu đêm”

(Đêm Mộc Châu)

Đến bãi biển Vũng Tàu người thơ có bao nỗi khát khao:

“Đến với biển, em ước mình là gió

là mây và là ánh trăng ngà”

để rồi:

“Thuyền say sóng

sóng say thuyền vỗ nhịp

Như tình em dịu ngọt tuổi đôi mươi”

(Biển khát)

“Thuyền say sóng” ai cũng thấy, còn “Sóng say thuyền” thì chỉ có người thơ mới cảm nhận được mà thôi! Chị còn thấy thiên nhiên đã thanh lọc tâm hồn mình trong trẻo hơn “Bao bon chen cuộc sống bỗng tan rồi”.

Một chủ đề được tác giả khắc họa tương đối sâu đậm là tình yêu và sự mất mát trong chiến tranh. Bản thân Ngọc Thị Lan Thái đã từng trực tiếp tham gia quân đội, nên chị hiểu khá sâu sắc cuộc sống của người lính. Chồng chị cũng là một người lính, mấy chục năm xa cách, đủ để cho chị cảm nhận sâu sắc nỗi khát khao của những người vợ lính:

“Lại một mùa anh ơi

Hoa mai vàng thôi nở

Má hồng không rực rỡ…”

(Nơi ấy chúng mình)

Thời gian và sự đợi chờ làm tàn phai tuổi xuân của người con gái. Nhưng người vợ lính vẫn thấy “…bầu trời xanh hơn”. Đó là niềm tin vào tương lai ngày được thêm vun đắp bền vững.

Chiến tranh khốc liệt đã qua nhưng người lính đâu đã được nghỉ ngơi, vẫn chắc tay súng nơi biên cương, hải đảo. Những người vợ lính lại tiếp tục chuỗi ngày xa chồng, một mình xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái:

“Mùa qua mùa thêm nữa

Đông đi xuân lại về”

(…)

Giờ không còn trận mạc

 Càng nhớ những ngày qua

Thương về ngày xa ấy

Khát khao những ngày xa”

(Nơi ấy chúng mình)

Trước sự cách xa, tác giả vẫn khẳng định:

“Anh bên em suốt dọc đường đời

Em hát mãi tình anh dịu ngọt

Cuộc đời này dù còn nhiều đắng đót

Em vẫn cười, vẫn hát mãi bên anh”

(Dịu ngọt tình anh)

Ngọc Thị Lan Thái còn thành công khi viết về tình yêu đôi lứa của các cô gái người dân tộc. Đọc những câu thơ của chị, ta có cảm nhận chị như hóa thân thành người dân tộc, để có những câu thơ với hình ảnh, ngôn ngữ… mà chỉ người dân tộc mới có:

“Cái bộ đội đừng đùa đấy nhé

Thương mày rồi thực cái bụng thôi

Đêm trăng sáng ta nhớ mày không ngủ

Đôi mắt buồn nhớ lắm bộ đội ơi!”

(Đừng đùa đấy nhé)

hoặc:

“Lòng chài cớ sao tắt nắng

Câu thề hóa đá rồi sao

Chim còn nói lời lảnh lót

Người sao chẳng nói câu nào?”

(Đợi)

Toàn bộ tập thơ, dù đề cập ở thời gian nào, nội dung gì, dưới ngòi bút của người có trái tim giàu cảm xúc, một tấm lòng bao dung, đều thể hiện sự chân thành, sâu nặng tình người. Tập thơ “Chợt tôi” là một bước tiến mới của tác giả Ngọc Thị Lan Thái trên con đường sáng tạo văn chương.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phan Thức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy