Thứ tư, ngày 29 tháng 01 năm 2025
06:41 (GMT +7)

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Tôi là cô gái miền núi cao xa xôi, bén duyên cùng anh cảnh sát cơ động đẹp trai, hiền hậu, dễ thương. Chúng tôi nên vợ nên chồng và anh đón tôi về quê làm dâu.

Nhà chồng tôi nằm sát bờ sông Cầu, nơi có con đê Chã đi qua. Bờ đê Chã như con rắn khổng lồ trườn dài từ trung tâm Phổ Yên đến đầu cầu Đa Phúc. Thân con đê, đồng thời cũng là đường giao thông gập ghềnh toàn ổ gà, ổ trâu. Hai bên thân đê cây cối mọc um tùm, rậm rạp.

Đoạn đê qua bến đò Chã ngày nay. Mép đường phía bên trong đê là chợ Chã. Ảnh: Phan Bảo
Đoạn đê qua bến đò Chã ngày nay. Mép đường phía bên trong đê là chợ Chã. Ảnh: Phan Bảo

Ngày đó làm gì có xe máy như bây giờ. Vợ chồng tôi đèo nhau trên chiếc xe đua cũ kỹ, mỗi vòng đạp xe tiếng kẽo kẹt lại vang lên. Chồng tôi thì bò ra để đạp xe. Tôi ngồi sau trơ khấc, chả biết bám vào đâu. Đường thì như xóc ốc. Vậy mà tiếng cười cứ liên tục vang lên giòn giã mỗi khi xe vượt qua những ổ gà.

Những ngày đầu về nhà chồng tôi thấy ấm áp, tràn đầy yêu thương, nhưng cũng lạ lẫm vô cùng. Nhớ lời mẹ dặn trước khi đi lấy chồng: "Về nhà chồng là phải vâng lời mẹ chồng và học tập cách sống cách làm việc của nhà chồng con nhé".

Mẹ chồng tôi nhỏ nhắn, nhưng khỏe mạnh và trí tuệ dồi dào. Mẹ dí dỏm, vui tính. Mặc dù không biết chữ nào nhưng khoản buôn bán, tính toán, xào xáo để kiếm tiền mưu sinh thì mẹ siêu giỏi.

Vâng lời mẹ đẻ dặn, tôi thân thiện và kính trọng mẹ chồng ngay từ những ngày tiếp xúc đầu tiên. Mẹ cũng quý mến tôi. Lúc đó tôi mới 18 tuổi, vô nghề nghiệp nên mẹ đi buôn bán gì, đi chợ nào, xa đến đâu, mẹ cũng kéo tôi đi cùng.

Ngày đó nhà chồng tôi nghèo lắm. Có mỗi cái xe đạp cũ kỹ ưu tiên cho chồng tôi đi công tác. Mẹ và tôi đi chợ buôn thúng, bán bưng toàn gánh bộ. Mỗi buổi chợ phiên ở tận Phúc Thuận, Minh Đức hay Vạn Phái… cách nhà trên dưới mười lăm km, hai mẹ con lại vào làng gom các loại rau, hành, tỏi, cà chua, trứng gà, trứng vịt, mốc để làm tương, men để nấu rượu… rồi mang về nhà, sắp xếp thành hai gánh. Ba giờ sáng hôm sau hai mẹ con gồng gánh đến các chợ vùng sâu vùng xa. Bán hết hàng, hai mẹ con lại mua chè móc câu, chè tươi gánh về chợ Chã bán.

Chợ Chã quê tôi nằm sát bờ đê Chã, là chợ truyền thống có từ lâu đời, họp đều đặn ba ngày một phiên. Vào những buổi chợ phiên rất đông đúc với nhiều mặt hàng phục vụ bà con trong vùng. Người Phổ Yên, nói đến chợ Chã không ai là không biết.

Từ ngày về làm dâu, tôi cùng mẹ đã gắn bó với cái chợ quê ấy như mối duyên tiền định. Chẳng buổi chợ nào vắng bóng mẹ và tôi.

Những lúc ế hàng hai mẹ con mua cái bánh giò ngồi cùng ăn với nhau ở góc chợ, mẹ thường tỉ tê kể cho tôi nghe chuyện ngày xửa, ngày xưa. Giọng mẹ thật hiền:

- Ngày mẹ còn trẻ, chợ Chã cũng vẫn nằm ở sát bờ sông Cầu này, là nơi trên bến dưới thuyền, buôn bán sầm uất lắm. Người miền xuôi lên, người mạn ngược xuống, cùng những sản vật địa phương trên cả nước và Thái Nguyên như gốm sứ, vải vóc, gạch ngói… Thóc gạo từ Phả Lại theo sông chở về, chè Tân Cương, quít cam Phương Độ, bưởi Nga My, trầu không Đông Hạ theo sông chở đi…

Chợ Chã ngày nay vẫn duy trì họp theo phiên như trước. Ảnh: Phan Bảo
Chợ Chã ngày nay vẫn duy trì họp theo phiên như trước. Ảnh: Phan Bảo

Nghe lời mẹ kể, tôi như nhìn thấy trước mắt những hình ảnh tươi đẹp sáng ngời của một thời mở mang và phát triển kinh tế.

Mẹ còn kể cho tôi nghe về những dấu tích lịch sử trên mảnh đất mà chúng tôi đang sinh sống:

- Ngày còn thuộc Pháp, tại nơi đây có cái đồn của giặc gọi là đồn Chã. Ngược lên phía bắc có đồn Sơn Cốt thuộc xóm Đấp - xã Đắc Sơn và đồn Thác Nhái thuộc xã Thành Công. Ba cái đồn ấy bọn giặc lập nên, liên kết với nhau để cùng quản lý dân ta quanh vùng. Chúng áp bức bóc lột dân làng rất dã man và tàn ác.

Vừa kể, nước mắt mẹ vừa ứa ra như mọi chuyện khổ hạnh chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Cầm miếng bánh trên tay, giọng mẹ nghẹn lại trong nỗi uất hận:

 - Ngày ấy người làng Chã khổ lắm con ạ. Thóc lúa dân làm ra chúng trắng trợn cướp sạch. Ai chống đối chúng bắn chết ngay. Ông ngoại của chồng con là cha của mẹ cũng bị bắn chết ngay cạnh đồn Chã này. Những ngày đầu năm 1945 dân làng chết đói nhiều lắm.

Rồi mẹ kể vào ngày 03/06/1945 mẹ còn nhớ rất rõ, một đơn vị vũ trang từ chiến khu Việt Bắc về để kết hợp với tự vệ địa phương đánh đồn Chã. Khẩu hiệu “phá kho thóc” được tuyên truyền khắp nơi. Kế hoạch đánh đồn Chã chủ yếu do lực lượng tự vệ và nhân dân của huyện Phổ Yên, huyện Phú Bình, huyện Hiệp Hoà, dưới sự lãnh đạo tài tình từ Chiến khu Việt Bắc. Bị đánh bất ngờ quân giặc không kịp trở tay nên đã bỏ vũ khí đầu hàng. Quân lính tại đồn Chã bị đánh tả tơi. Tên đội trưởng (đội Be) bị bắt sống và xử bắn ngay tại cửa đồn. Quân ta cướp lại kho thóc của giặc phần thì chia cho dân, số thóc còn lại và số vũ khí thu được của giặc mang lên chiến khu Việt Bắc phục vụ kháng chiến.

***

Nhà chồng tôi có bảy anh chị em. Bố chồng tôi là ông đồ nho giỏi chữ nghĩa, thật thà, hiền lành, rất cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói và trong mọi công việc. Các anh chị đã có gia đình và đi ở riêng hết. Mọi người trong gia đình đều yêu thương lẫn nhau và rất yêu quý tôi. Tôi rất hạnh phúc khi được làm con dâu trong gia đình của mẹ

 Anh cả trong gia đình, nghe mẹ kể lại, là người đẹp người, đẹp nết, thông minh, hiếu thảo và học rất giỏi. Vừa đủ 18 tuổi chưa học hết cấp ba, vì đất nước đang bị giặc Mỹ xâm lược, anh đã xung phong đi bộ đội và hy sinh tại mặt trận phía Nam khi mới bước sang tuổi 19.

Nghe hàng xóm kể lại, ngày nghe tin anh cả hy sinh mẹ đã khóc rất nhiều. Mấy tháng trời mẹ không ăn, không ngủ. Tóc mẹ rụng gần hết, sức khỏe kiệt quệ, gầy tong teo.

 Vì công tác trong lực lượng vũ trang nên chồng tôi thường vắng nhà cả tuần mới về. Hàng đêm nhớ chồng, nhớ quê, nên tôi thường chui sang ngủ với mẹ chồng. Dần dần tôi nghiện cái mùi ngai ngái của trầu vỏ quyện trên áo, trên khăn của mẹ.

 Những đêm ấy mẹ thưởng kể chuyện cuộc đời của mẹ cho tôi nghe. Mẹ hay kể về anh cả đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi cảm nhận được mẹ yêu quý và nhớ thương anh cả đến nhường nào.

Ngày giỗ anh cả, trước bàn thờ, mẹ ôm khư khư bộ quần áo cũ đã sờn rách của anh mà lâu nay mẹ giữ gìn như báu vật suốt bao năm qua. Mẹ áp thật sát bộ quần áo của anh vào ngực, rồi mẹ nấc lên như đứa trẻ cùng tiếng gọi đầy u uẩn:

 - Về với mẹ con ơi ... Quế ơi… Con ơi ...

Tôi ôm chặt lấy mẹ, lau những dòng nước mắt xót thương mà nước mắt tôi cũng trào ra mặn chát.

Giờ đây mẹ và cả chồng tôi đã đi xa ... xa lắm. Nhưng trong tâm thức, mẹ vẫn luôn bên tôi, trong từng bữa ăn, giấc ngủ, trong mọi công việc hàng ngày. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm con dâu của mẹ. Cảm ơn mẹ đã sinh ra chồng tôi để cuộc đời này tôi được làm vợ của anh, người chồng hiền hậu, một cán bộ công an mẫu mực trung thành với Tổ quốc, hết lòng yêu thương vợ con. Giờ này ở thế giới bên kia, chắc mẹ đã được yên vui ở bên hai người con trai mà mẹ hết mực thương yêu trong suốt cả cuộc đời.

Cánh đồng làng Chã nhìn từ trên đê xuống. Ảnh: Q.T
Cánh đồng làng Chã nhìn từ trên đê xuống. Ảnh: Q.T

Quá nửa đời người, hơn bốn mươi năm về làm con dâu của mẹ, được mẹ hết mực yêu thương, che chở, dìu dắt, tôi đã trưởng thành về mọi mặt. Giờ đây tôi đã có một gia đình yên ấm, hạnh phúc, các con cháu thảo hiền và thành đạt. Mẹ và mảnh đất có cái tên chợ Chã hiền lành như đất ấy đã nuôi tôi nên người.

Dù mẹ đã đi xa nhưng hình bóng mẹ luôn bên tôi trong từng khoảnh khắc. Dù mẹ không sinh ra tôi, dù tôi không sinh ra trên mảnh đất này. Nhưng những kỷ niệm đẹp về mẹ, về cái chợ Chã thân thương ấy sẽ còn mãi trong trái tim tôi.

Giờ đây, dù không còn sinh sống cùng mảnh đất xưa, nhưng tâm hồn tôi mãi khôn nguôi một hoài niệm: Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi.

Trần Thị Hoa

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy