Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
19:46 (GMT +7)

Chà đèn ăn Tết…

Truyện ngắn: Y Nguyên

1.

Nhà có đến hai bộ đèn thờ: bộ lớn đồng đỏ bộ nhỏ đồng trắng. Ấy là gọi theo kiểu “minh họa” cho cái chất liệu hợp kim đem đúc đèn: đồng đỏ khi chà sáng ra đèn sẽ có màu vàng đỏ. Đồng trắng thì nhạt hơn, ngả sang màu trắng. Mẹ bảo: sở dĩ có 2 là do phải sắm 2 lần: bộ nhỏ sắm lúc cha mẹ “hàn vi”, không có nhiều tiền. Sau này khấm khá hơn mới mua bộ lớn.

Mỗi lần tới Tết, nó ớn nhất cái “nạn” chà đèn. Ớn có nguyên do: thường nhà người ta ai cũng chỉ một bộ lư đèn; riêng nhà nó tới hai. Mẹ đính chính: một rưỡi thôi. Một lớn một nhỏ…. Rưỡi gì rưỡi, nó lầu bầu. Mẹ không biết đấy thôi, bộ đèn cũ tuy nhỏ nhưng “có võ”; muốn sáng được phải chà bở hơi tai. Cái giống đồng trắng khó ăn mòn cực kì, chà không mau sáng như đồng đỏ! Còn nữa, nhà người ta đông quân, kêu chà đèn mỗi người xúm một tay, chẳng mấy lát mà xong. Nhà nó ư, vỏn vẹn một mẹ hai con. Mà hai đâu hai, thằng Tũn chỉ giỏi lê la nghịch phá tính vô chi? Mẹ thì phải chạy tới chạy lui, ba tay bốn việc: chợ búa, cơm nước…. Quay lại quay đi, “lao động chính” loay hoay với đống đèn lư vẫn chỉ mình nó!

Mẹ an ủi: con mệt thì chà vừa thôi, không cần sáng lắm đâu…. Sao được? Tính nó vốn chỉn chu: không làm thì thôi; đã làm là phải tới nơi, đâu thể quấy quá cho xong. Vậy nên, năm nào đống đèn lư cũng lấy mất của nó nguyên một ngày. Sáng: chuẩn bị đồ chà. Hì hục bê đèn xuống tháo rời, ngâm nước. Chà xong còn phải rửa sạch, đem phơi nắng cho khô rồi mới ráp. Xong xuôi, bê đặt lại bàn thờ là vừa tối mịt.

Mới đó đã lại tới tháng Chạp. Tết rồi…

2.

Lựa cắt những lá dứa già. Cắt đầy ôm, rọc bỏ phần gai xong cho vào cối giã. Giã cho dập mềm, tươm nước là được. Chuyện này có mẹ phụ. Lá dứa có ưu điểm khi dập nát ra vẫn còn phần xơ níu lại như mớ bùi nhùi, cầm chà rất tiện. Xúc thêm mớ tro bếp. Thêm thau nước to cùng mấy cái giẻ lau. Xong. Mình nó xắn tay áo, khệ nệ bê lũ đèn lư banh ra hiên bắt đầu “tác nghiệp”. Lựa mấy món dễ chà trước; ấy là các trụ, mâm đèn: nhỏ gọn dễ cầm và không có nhiều ngóc ngách. Cầm túm lá dứa, nhúng cho quện cùng tro bếp mà chà. Cu Tũn lăng xăng giành chà cái nắp lư có gắn con lân. Chà gì chà, cu cậu chỉ tận dụng cơ hội để được… chơi với con lân đẹp đẽ, uy nghi lâu nay vẫn ngự chót vót đỉnh bàn thờ mà Tũn ta chỉ được phép đứng dưới dòm lên! Kệ, lá rách đỡ nóng tay, thằng cu mài sáng ra được chút nào đỡ công nó chút ấy. Chà được món nào cho vô thau nước rửa sạch lau khô ngay, xong đem phơi nắng. Mẹ ngồi ghé, phụ với nó được hơn nửa bộ rồi đi lo cơm nước. Mình nó hùng hục non buổi mới xong bộ lư đèn lớn. Nửa chuyện rồi. Nó thở xì một hơi nhẹ nợ…

Giờ tới bộ đèn cũ.

Mười lần như một, bộ đèn ấy bao giờ nó cũng chừa lại chà sau. Đã nhỏ, xấu thì chớ; còn khó chà…. Nó lầm bầm, nhìn bộ đèn cũ kĩ bằng con mắt ghét bỏ…

3.

Bộ đèn cũ bị ghét quả không oan ức: trầy xước móp méo; nhiều chỗ mặt đồng đúc bị rỗ không liền lạc, mâm thau bên trái bị vỡ mất miếng, các khớp nối chỗ vặn được chỗ hư phải quấn vải chèn chêm. Vậy nên lần tháo ráp rất khổ. Đã vậy, có ráp kiểu nào đèn vẫn không đứng vững, đụng vào cứ lúc lắc, đu đưa như… răng sắp rụng. “Đau khổ” nhất là thứ hợp kim đồng trắng đem đúc đèn cứng ơi là cứng; cho bao nhiêu lá dứa/tro bếp mài đi mài lại lớp rỉ đồng xỉn đen vẫn cứ lì ra. Mài thiếu điều bật máu tay chúng mới miễn cưỡng rời đi, để lộ nước đồng sáng trắng không đều, nhiều chỗ tối lam nham như chó vá. Đứng bên bộ đèn mới vững chãi sáng choang bề thế, bộ đèn cũ trông xấu xí, ốm o như tên ăn mày sánh vai cùng… ông bộ trưởng. Vậy nhưng, nó nhiều lần xui mẹ đem bán đồng nát mẹ cứ nhất định không. Hỏi nguyên do, mẹ bảo: là kỉ vật của cha, là đồ tốt không nỡ bán và vân vân. Mẹ thì cái gì cũng tốt, nó lầu bầu. Cha mất lâu rồi còn “kỉ” gì nữa. Đồ cũ cái chi cũng tiếc, giữ thì chỗ đâu cho đồ mới đứng. Đến bực mình!

Cầm cái mâm đèn xoay xoay để chà, nó vô ý để tuột tay. Đáng lí nhoài người chụp với theo vẫn kịp; nhưng cảm giác ghét bỏ khiến nó cứ ngồi yên mà nhìn. Kệ, cho mày rớt, vỡ luôn càng tốt. Mẹ sẽ không còn lí do để lần lữa chuyện “thanh lí” bộ đèn…

Cái mâm rơi thẳng xuống sân nhà, phát tiếng kêu choang xé ruột. Mẹ hốt hoảng chạy ra từ bếp. Mẹ nhặt cái mâm đèn còn đang lăn lóc dưới sân giờ đã sứt thêm một góc. Mẹ nhìn trân trân chỗ “thương tích” mới trên mâm đèn, rồi mẹ ứa nước mắt…

4.

Mẹ kể:

Bộ đèn thờ ấy cha mua đúng ngày giáp Tết. Bộ đèn xấu nhất của ông thợ đúc làng bên cuối năm quẩy đèn đi bán dạo. Đèn đúc bị lỗi, khách hàng chê, ông thợ chấp nhận bớt cho cha nửa tiền so với giá bộ đèn “chính phẩm”. Ấy vậy mà cha mừng húm. Niềm mơ ước có được bộ đèn thờ đặt lên gian thờ cúng ông bà cha nuôi lâu lắm nhưng chưa bao giờ thành. Tiếng rẻ một nửa; nhưng tiền tậu bộ đèn cũng đã khiến cha gần như cạn túi. Không sao. Tết năm ấy hẳn là cái Tết vui nhất trong đời cha. Cha cứ ra vô ngắm nghía bộ đèn mới chễm chệ ngự trên gian thờ, lấp loáng ánh đồng thau trong ánh nến lung linh. Cha vui thì mẹ cũng vui - dù nhà hầu như không còn gì ăn Tết. Bộ đèn thờ ấy cha quí lắm, không cho ai đụng. Tết năm nào cha cũng cẩn thận một mình bưng bê, chùi rửa sáng choang; xong kính cẩn đặt lại bàn thờ. Rồi cha đi…

Nó nghe, lặng người. Tự dưng thấy mắt cay cay…

*

Chùi rửa cẩn thận, lắp ráp chỉn chu hết mức có thể cho bộ đèn thờ cũ. Chưa năm nào nó trân trọng, nâng niu bộ đèn dường ấy. Tết này không kịp; nó dự định sang năm sẽ mang đèn tới ông thợ hàn đồng nhờ gia cố mấy chỗ khớp nối bị mòn gai…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 3 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước