Chủ nhật, ngày 05 tháng 01 năm 2025
14:03 (GMT +7)

Câu chuyện dang dở

- Cái chi tiết gì mà người phụ nữ đang bầu mà còn bị giặc hãm hiếp, rồi rạch cho lòi bụng ra là nói đúng không? Bịa chuyện cũng hơi quá rồi? – Người phụ nữ phe phẩy chiếc khăn mùi soa thơm lựng mùi nước hoa, lùi bước chân ra phía sau đoàn du khách đang cố rướn người lại gần hơn cô hướng dẫn viên để nghe cho rõ những lời thuyết minh về cuộc thảm sát cách đây hơn nửa thế kỉ.

Câu chuyện dang dở
Minh họa: Nguyễn Lộc

- Trời ơi! Sự thật còn nhiều chuyện dã man hơn thế này nữa á chị, má em lần nào kể lại cũng khóc, cái chuyện này được đưa ra ánh sáng, được kể lại là vì có người còn sống sau vụ thảm sát. May có người lính phía bên kia chịu ra tòa làm chứng, chứ không thì nó cũng chìm xuồng vì cái câu: đó là chiến tranh á chị. - Cô gái nhỏ mắt to tròn, trán lóng lánh mồ hôi, vẫn còn chút âm giọng xứ Quảng, cô cố chuyển giọng mình về tiếng phổ thông để giải thích cho người phụ nữ có chút ngắc ngứ không quen miệng. Thật may, cô gái nhỏ nói vẫn dễ nghe, người phụ nữ lớn tuổi sửng sốt nhìn cô gái một chút rồi quay người sang nhìn những bức ảnh khác để che giấu sự bối rối của mình.

Bình đứng lặng một góc phía sau đoàn tham quan, kể từ khi nhìn thấy những bức ảnh và nghe giọng nói đầy truyền cảm của cô hướng dẫn viên vọng đến, cô vẫn luôn giữ một bàn tay cầm tờ khăn giấy cố gắng ngăn dòng nước mắt đang chảy tràn xuống. Cuộc nói chuyện kia dường như rất quen, những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình như Bình, như người phụ nữ lớn tuổi kia đều đã nghe qua chiến tranh. Chiến tranh như một cái bóng, luôn được nhắc đến ra rả trong các bài học, trong các bản tin thời sự hay các kì nghỉ lễ nhưng Bình luôn bỏ thoáng qua tai. Học xong, nghe xong là đã xong chuyện, thế nên mỗi khi nói chuyện với bố, Bình đều cãi lại. Chẳng có câu chuyện nào của hai bố con có thể nói quá dăm câu mà không nghe tiếng nạt ngang của bố.

Nhà có cả thảy năm anh em: Nam, Bắc, Hòa, Bình, Vui mặc dầu không phải là con út nhưng Bình là con gái rượu của bố. Con gái rượu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cái nghĩa đen mà bất cứ đứa con gái rượu nào cũng biết đó là khi nhà có khách, bố chỉ cần nháy mắt về phía cửa Bình là đã biết ngó nghiêng nhìn xem mẹ đang làm gì. Nếu mẹ ở nhà sau là chạy ra góc cửa để lấy chai rượu đi mua cho bố, còn nếu mẹ đang ngồi cạnh bố ở bàn nước thì chạy vòng sau bếp, ra chỗ mấy cái lu, cái thạp mắm thò sâu vào kẽ để lấy ra cái chai dự bị. Đi mua rượu không cần tiền, vì bà hàng rượu đầu ngõ thấy mặt đã biết thương hiệu con nhà ai và phải đong bao nhiêu cho nhà ấy, nên cứ việc cắp chai không chạy đi, và lễ mễ xách lưng chai chạy về. Hôm nào muốn đầy chai, đầy can thì tự bố phải đi mua, không phải do bà hàng rượu không tin tưởng mà bố sợ nặng, con gái thì hậu đậu, lỡ làm đổ mất rượu thì hoài của.

Còn theo nghĩa bóng thì Bình chính là một cái đuôi của bố, bố đi đâu là nhũng nhẵng đi theo đấy, đến nỗi, mỗi lúc đi làm bố cứ phải giấu quần áo và xe bên cây mít cuối vườn để vòng dậy mà đi, chứ Bình mà tỉnh ngủ thấy bố mặc quần áo chỉnh tề để đi làm thể nào lại có một trận nhì nhèo khóc lóc. Mẹ nói bố chiều Bình nhất là do lúc tập nói cả bốn anh chị em còn lại đều cứ “bố ơi” mà gọi, mỗi mình Bình là cứ “ơi bố”, gọi nghe thương lắm nên thành con gái rượu của bố. Đi họp xa, họp gần mà có quả ổi, quả bòng nào là vừa về tới sân là bố đã gọi các con ơi để chia quà, nhưng riêng Bình, bố luôn dấm dúi một quả để dành trên túi áo, quả đấy bao giờ cũng nhỉnh hơn so với các anh chị em còn lại nên Bình vênh váo lắm.

Những đêm trăng sáng là bố sẽ cất cao giọng gọi các con ơi, y như kiểu trong chèo, tuồng, cải lương người ta hay hô quân bay đâu là binh lính dạ ran lên đáp lời. Mấy anh em Bình đã thành nếp, chỉ cần nghe hiệu lệnh cũng dạ để đáp lời rồi thì đứa hì hục bê ghế, đứa lấy ấm chè xanh, đứa lấy ly uống nước. Vèo một cái đã có bộ bàn uống nước ngoài sân, không cần đợi mẹ rửa chén ở sân sau cho xong, chỉ cần chạy vào buồng dắt bà ngoại ra ngồi uống nước chè và nghe bố kể chuyện là được, nào là Tống Trân – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Kiều, cho đến Tây du kí, Thủy Hử,… cái nào bố cũng có thể kể được. Mà Bình thích nghe bố kể bằng cái giọng vừa kể, vừa hát, lại vừa như ngâm thơ, cơ mà giọng của bố thì ồm lại còn khê nồng mẹ nghe lần nào cũng chê, được cái cả năm đứa con và thêm mấy đứa hàng xóm đều gật đầu thống nhất là bố kể hay hơn cả câu chuyện cảnh giác trên cái Radio của mẹ.

Đặc biệt, nếu là bố kể thì những chỗ chuyện hay đều có thể yêu cầu kể lại, nào là đoạn Tống Trân cứ chặt đầu tướng giặc thì nó lại mọc lên đầu mới, nào là đoạn hai chị em bị dì ghẻ lấy cát cho ăn rồi phủ cơm trắng lên, rồi đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga,… cứ đoạn nào muốn nghe thêm là bắt bố tua lại vài lượt. Hôm trời mưa thì cả mấy bố con tập trung trên giường để nghe kể chuyện ma, cái chăn được trùm kín lên cả năm chị em, bố vừa kể vừa đi quanh để sờ chân sờ đầu làm ma cho câu chuyện thêm phần rùng rợn.

Cả tuổi thơ của Bình là bố, đi chơi cũng chỉ dám len lén xin bố, làm gì sai cũng khều bố ra nói trước để bố đỡ tội cho. Rồi năm anh em Bình lớn lên, những đứa trẻ quấn bố ngày nào đổi khác, ai cũng viện cớ là nói chuyện không hợp, viện cớ học hành, bạn bè bận rộn mà trốn biệt thời gian với bố. Chỉ có Bình vì đi làm gần nhà nên phải ở nhà với bố mẹ, nhưng đi làm về Bình cũng lười nói chuyện với bố mẹ, ăn bữa cơm vẫn cứ cắm mặt vào điện thoại, nói với bố toàn câu được câu chăng rồi lo lủi cho nhanh vì ánh mắt khó chịu của bố dành cho mái tóc nhuộm, cái quần tuột trễ xuống gần nửa mông. Đến cả khi các anh chị em về nghỉ hè hay nghỉ Tết, kiểu gì cũng nghe bố mắng vì những bài nhạc hợp thời của đám con vào tai bố luôn là ồn ào, vô nghĩa và lố lăng. Đám con thì thầm nhỏ to kêu bố là ông già Khốt Ta Bít, chê bố cổ lỗ sĩ không thể hiểu được thời đại mới, thế nên Bình học cách giảm thiểu những cuộc cãi vã xuống thấp nhất có thể bằng cách trốn những buổi nói chuyện với bố, để bào chữa cho sự trốn tránh của mình Bình, nói đó là do khoảng cách của hai thế hệ.

- Bình, ghi lại giúp bố số điện thoại kia. Mau lên.

Bố đang chăm chú xem ti vi bỗng la lên khiến Bình giật mình. Tối nay Bình bị bạn cho leo cây, đã rủ nhau đi quán trà sữa mới mở để check-in mà người yêu Vân về bất ngờ, nên mặc dầu mắng Vân là vì bồ bỏ bạn, Bình vẫn chịu khó chấp nhận ngồi nhà một tối. Bình nhìn lên màn hình, đó là chương trình “Kí ức chiến tranh”, cô MC nổi tiếng và cả trường quay đang lắng nghe anh hùng Bùi Trung Thành kể chuyện những ngày chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Bình tròn mắt.

  • Người ta là anh hùng đó, bố có nhận nhầm không?
  • Làm sao mà nhầm cho được. Ghi lại mau, đó là thủ trưởng cũ bố.

Gương mặt bố run lên căng thẳng khi bấm lại dãy số Bình ghi lại cho bố, đây không phải chương trình truyền hình trực tiếp nên người được phỏng vấn có lẽ giờ này đang ngồi xem như bố. Nhìn bàn tay cầm điện thoại run run của bố bằng ánh mắt hoài nghi, Bình bỗng thấy thấp thỏm. Bình đã nhớ ra cái cảnh ngày bé mỗi lần có chương trình “Nhắn tìm đồng đội” trước khi vào phim, mấy anh chị em Bình phải im phăng phắc để bố lăm lăm tay giấy, tay bút mà lắng nghe. Bình quên mất bố là bộ đội, mặc dầu giải ngũ và chuyển ngành từ lâu, nhưng bố vẫn giữ nhiều thói quen người lính và quên mất những tấm huy chương của bố đã bị mình đánh mất.

Ngày còn bé đám bạn cùng xóm hay hỏi chị em Bình, sao bố mày bị cụt hai ngón tay vậy, Bình thường vênh mặt đáp, bố tao là thương binh, bố tao phải đi chiến đấu với quân giặc nên bị thương đấy. Rồi để chứng minh cho câu nói của mình, Bình sẽ dắt đám bạn rồng rắn về nhà để khoe các bằng khen, giấy khen của bố. Bình đánh vần một cách rõ ràng và tự hào nhất cho đám bạn nghe nào là huân chương kháng chiến hạng ba, huân chương chiến công hạng nhì, để chúng bạn xuýt xoa tán thưởng. Rồi để thêm phần long trọng và khí thế, Bình sẽ lén lút suỵt chúng bạn im lặng mặc dầu nhà chẳng có ai ngoài mấy đứa, đi nhẹ vào phòng bố mẹ lục tìm một hồi khá lâu cho lũ bạn thấy sự quan trọng của món đồ danh giá. Bình trưng ra bộ huy chương luôn được bố cất kĩ trong cái hộp gỗ để hả hê nhận về con mắt ồ à của đám bạn, Bình đành hanh không cho đứa nào được phép đụng vào mà chỉ được nhìn theo tay mình đang cầm diễu qua. Một đứa hếch mặt hỏi, có phải bằng vàng không mà sáng chói thế, Bình ghếch mặt bảo là bằng vàng, quý lắm đấy để lũ bạn càng thêm nể.

Một hôm đang chơi với nhau thì cái Nguyên có quả bong bóng đem ra khoe chúng bạn, nó bỗng trở thành tâm điểm của cuộc chơi. Bình có nằn nì cách mấy nó cũng không chịu cho Bình được cầm hay sờ vào quả bóng, trong khi đứa nào cũng được chơi chung với nó. Ức gần khóc, nhưng liền đó Bình nảy ra sáng kiến vội chạy thẳng về nhà, lao vào phòng bố mẹ lục tìm ngay trong cái rương hòm, lấy ra đám huân huy chương được cất kĩ của bố. Chạy vội ra sân chơi để khoe, đúng như Bình dự đoán ngay lập tức quả bóng của cái Nguyên bị bỏ lơ, cả đám bạn lại xoay sang Bình để nằn nì được sờ cái huy chương mạ vàng sáng chói. Ôi cái niềm tự hào thơ dại, chỉ chốc lát sau đã bị Bình bỏ quên đâu đó để lao vào chơi trò trốn tìm cùng chúng bạn. Phải rất lâu sau bố mới biết bị mất gần hết huy chương, mấy anh chị em đồng thanh chỉ tay về phía Bình mách tội đã làm mất, vậy mà bố chỉ thở dài chứ chẳng hề trách phạt lấy một câu.

- Bố, lỡ người ta ngại số lạ, người ta không nghe máy nha bố. Mà có khi người ta quên mất rồi ấy, có vậy bố cũng đừng có buồn nha bố - Bình sốt ruột khi thấy cuộc gọi mãi chẳng có ai nghe máy. Bố trợn mắt, quay lại mắng.

- Quên, quên làm sao được mà quên. Đến tao bị mảnh đạn pháo ngang đầu mà con không quên được là.

Nói cứng là vậy, nhưng giọng bố a lô run lắm khi đầu dây bên kia có người bắt máy. Bình bỏ điện thoại đang chơi cái game cổ điển Pikachu xuống để theo dõi bố, có một nỗi khắc khoải dấy lên trong lòng Bình, hình như Bình sợ bố thất vọng. Cuộc nói chuyện diễn ra gần nửa tiếng đến khi bố hết tiền điện thoại, bố quay vào nhìn Bình đang trố mắt nhìn ra như bảo “thì ra là bố có quen thật đấy”. Với Bình, danh xưng anh hùng to và oai lắm lắm, thì phải chiến đấu oách như thế nào mới được phong anh hùng, mới được mời phỏng vấn trên truyền hình chứ, vậy mà bố mình có quen chứng tỏ bố mình cũng oách không kém.

Bố bảo, thủ trưởng vẫn nhớ bố, ông ấy rủ bố về thăm lại chiến trường xưa rồi bố lặng im chìm trong suy tưởng. Phải vài hôm sau, Bình mới nhớ chuyện cũ khi thấy bố lấy chiếc bằng khen cũ kĩ treo trên vách tường xuống để mà lau chùi, nhìn bàn tay bố run run lau phủi những bụi mờ bám trên khung kính Bình mới ớ ra, đúng rồi, bố mình cũng bị thương mà mình cứ quên mất. Dường như cả tuổi thơ ấm áp của mấy chị em Bình đều được bàn tay của bố bế bồng và ru ngủ, mặc cho lời ru của bố khê nồng như cơm rượu cháy mà đám con vẫn vào giấc an yên. Đôi bàn tay không nguyên vẹn ấy, đã cõng Bình mỗi đêm đi xem phim về muộn, đã bế Bình mà vỗ về mỗi lần Bình lên cơn sốt cao không chịu nằm ngủ mà cứ khóc ré lên đòi bế. Trong kí ức của Bình dường như bàn tay bố vẫn nguyên lành như mọi bàn tay của các ông bố khác, vì bố vẫn xoay xở làm đủ việc để chăm lo cho cả nhà đấy thôi.

- Sao người ta kể chuyện chiến trường cảm động lắm mà bố kể toàn kể chuyện nghe tào lao thế nào ấy?

Bình nhăn mặt càu nhàu khi thử nói chuyện với bố. Đúng là hai bố con chẳng thể nào hợp nhau được mà. Người ta kể nghe đau thương mất mát, bố toàn kể chuyện gì mà sợ bom giả bệnh trốn không chiến đấu nên phải trói lại quăng lên nóc hầm, cái gì mà đang hành quân lại đi ghẹo các cô. Với lại người ta nhớ tên bạn chiến đấu cùng, tả người cùng mình sát cánh chiến đấu thật anh dũng, đây bố lại chẳng nhớ ai, chẳng kể gì đến người chiến đấu cùng mình thì có cái gì hay để viết đâu.

- Đúng là chả có gì hay để viết cả.

Bố bỗng chảy nước mắt nhìn vào khoảng không. Làm sao nhớ được tên những người đã mất. Mới vừa gặp đây, mới vừa chào đây lát sau quay lại chẳng còn người, có những lúc chỉ biết nắm cây pháo để bắn mà chẳng biết khi nào mới có thể dừng…

- Thôi, bố viết ra giấy đi. Viết ra giấy con dễ xem hơn ấy, có gì không hiểu con lại hỏi bố vậy – Nhìn bố rấn rấn nước mắt, Bình hốt hoảng xuống nước.

Cái ý tưởng ngu ngốc là viết bài cho bố muốn tắt hẳn trong Bình. Chỉ tại lần trước thấy bố rân rấn nước mắt khi nhắc chuyện ngày xưa, Bình mới nghĩ đến chuyện cần làm gì đó cho bố, coi như là đền bù mấy tấm huy chương đã làm mất của bố. Nhưng bắt tay vào mới thấy chẳng dễ dàng gì, tư liệu thì lục tung trên mạng bày ra, câu chuyện bố kể ráp vào vẫn chẳng đúng không khí, mỗi lần đưa bố đọc bố đều lắc đầu chán nản bảo chẳng có chút gì của bố trong đó. Bình đổ tại bản viết tay của bố khô khan như cơm nguội thế kia thì làm sao Bình có thể tưởng tượng ra câu chuyện của một người chiến sĩ pháo binh từng bắn rơi máy bay, được kết nạp Đảng ngay tại hầm cơ chứ. Bình chẳng thể phân biệt được quân hàm để có thể biết bố đã buồn biết bao nhiêu khi mới chỉ là trung úy mà đã trở thành đại đội trưởng của một đại đội pháo binh, do cấp trên của mình cứ bị hy sinh sau mỗi trận đánh…

- Bình, dậy ủi đồ cho bố đi kìa.

Mẹ đi ngang qua phòng nói vọng vào một tiếng. Bình nhổm người dậy nhìn ra, mẹ đang bưng đĩa trái cây ra ngoài trang thờ ở sân.

Tháng Bảy, Tây Nguyên mưa nhòe, hơi sương lạnh len vào mỗi buổi sớm khi bầu trời vẫn ướt sũng ngoài kia, dẫu có cố nằm lười trong chăn Bình vẫn nghe thoang thoảng mùi khói nhang trầm vọng ấm áp mà thơm nồng. Bình như thấy được bố vẫn trầm ngâm cúi đầu mặc niệm trước cái trang thờ lên rêu xanh ở mặt dưới, cái ban thờ hôm qua đã được mẹ thay bố lau lia sạch sẽ. Ngày này của năm trước, mẹ luôn chuẩn bị hoa trái tươi ngon cho bố đặt lên trang, bố mặc bộ quân phục được là ủi phẳng phiu, tay cầm bình rượu trắng từ trong nhà đi ra, châm mấy nén nhang rồi lầm rầm khấn vái gì đó, sau đó bố rót một ly rượu trắng rải xuống thềm trước. Bình đứng yên nhìn bộ quân phục treo trên mắc, năm nay bố không mặc nữa, mẹ sẽ thay bố làm các thủ tục đều đặn kia chăng?

Bình biết đây là thói quen của bố, cứ này hàng năm là bố sẽ lại quần áo, mũ, giày chỉnh tề không chỉ vì bố sẽ ra huyện tập trung để đi viếng nghĩa trang với Hội Cựu chiến binh và lãnh đạo của huyện, mà đấy còn là một lễ nghi của riêng bố vào ban mai cho những người nằm xuống. Bố sẽ tự nghiêm chào, rồi tự nghỉ trong một mệnh lệnh âm thầm của riêng bố, khi Bình còn nhỏ bố vẫn giữ trong nhà một khẩu súng ngắn để tự bắn lên trời mặc niệm, từ khi bố giao nộp lại súng cho nhà nước thì những nén nhang trầm, bình rượu và đĩa hoa quả được thay thế. Bố vẫn giữ những thói quen tự mình lấy chiếc bằng khen cũ kĩ treo trên vách tường xuống để mà lau chùi, với bộ đồ quân nhân treo sâu trong góc tủ ra để nhờ mẹ là cho thẳng thớm rồi lại tẩn mẩn treo lên túi áo những chiếc huy chương lấp lánh mà ngẫm ngợi một mình.

Chuyến đi chơi đảo Lý Sơn của Bình và các bạn chuyển hướng đột ngột khi anh bạn Quảng Ngãi cứ nhất quyết chở mọi người đi thăm thú khắp nơi, Bình nhăn mặt không thích lắm nhưng vì Vân năn nỉ quá nên đành phải theo bạn. Nắng nóng vậy mà anh bạn chủ nhà vẫn nhiệt tình chở đi thăm mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, rồi tới chùa Thiên Ấn, cuối cùng là khu chứng tích Sơn Mỹ. Thật lòng khi nhìn những địa điểm mà anh bạn kia vẽ ra, Bình đã muốn từ chối khéo để nằm lại phòng khách sạn nghỉ ngơi, chứ cái lịch di chuyển kia có khác gì đi các tour du lịch tham quan viện bảo tàng đâu. Sự bực bội của Bình dần tan biến khi đứng tại nhà bảo tàng Sơn Mỹ, lắng nghe tất cả, Bình như thấy chính mình trong sự hoài nghi của chị gái lớn tuổi kia mà xót xa. Nếu không có sự nhiệt tình của anh bạn kia, thì đến bao giờ Bình mới có thể dứt mình khỏi những hoài nghi khờ khạo ấy? Lịch sử khác qua cách nhìn nhận, cách lắng nghe và sự thấu hiểu của mỗi người, cô gái bé nhỏ kia đã được người thân kể lại những gì mà có thể không ngần ngại lên tiếng để xóa bỏ sự hoài nghi của người phụ nữ ấy?

Giọng cô hướng dẫn viên vẫn đều đều vang lên, Bình như thấy được những hoảng loạn của người già và trẻ nhỏ khi bị giặc Mỹ dồn lại một chỗ để thảm sát, thấy được nỗi kinh hoàng của người còn sống khi phải vẹt xác người thân ra và thấy mình trơ trọi. Sự sống đôi khi còn khắc nghiệt hơn cả cái chết, lời của bố âm ỉ bên tai Bình, chỉ những ai sinh ra trong chiến tranh mới hiểu hai tiếng hòa bình thiêng liêng như thế nào con ạ. Ngày đấy, Bình nghe như gió thoảng qua tai, nghĩ thầm bố thật giáo điều và sách vở, nên câu chuyện bố viết ra cho Bình bị xếp trên giá mà chẳng thể hoàn thành. Nhưng hôm nay, khi nhìn những nền nhà nham nhở cháy bên hàng rào râm bụt ra hoa đỏ thắm giữa cái nắng nung người tháng Bảy, Bình bỗng thấy được sự vui mừng và cả sự đau đớn của bố mỗi khi rót chén rượu xuống nền đất lạnh.

Bố nói tám mốt ngày đêm nơi chiến trường đạn bom, bố tập quên đi ngày tháng, quên đi tên người. Cái chi tiết Bình nhăn mặt bảo vô lý, tại sao lại phải tập quên đi, phải ghi nhớ những đồng đội đã từng chiến đấu với mình, phải tính ngày để thấy ngày đến thắng lợi, đến hòa bình nó có ý nghĩ làm sao chứ? Bố cười buồn tênh, làm sao nhớ hết được, người ngã xuống lớp lớp, mới vừa chào nhau đây mà chốc sau đã thấy máu nhuốm đỏ áo rồi, người nguyên vẹn, người chỉ còn một phần thân thể. Có khi, cả chiến hào chỉ còn lại một mình, ôm khẩu pháo mà ngơ ngẩn chẳng biết được mình làm gì ở nơi khói lửa đạn bom này. Lằn ranh sinh tử chỉ là một sợi chỉ nhỏ là như vậy.

Cái bàn trà bố luôn ngồi phía trước đọc báo chơi cờ trở nên vắng lặng. Phía góc tường nhà có treo một cái giấy khen của Bình, cái giấy khen đạt giải nhì ở một cuộc thi viết lách nhỏ. Bố không cất vào trong nhà mà để ngay chỗ bố hay ngồi tiếp khách để tiện khoe khoang. Không phải do bố sính đâu. Mà chỉ là năm Bình thi đại học, lúc làm hồ sơ thi, bố bước vào nhìn thấy cái hồ sơ định thi báo chí của Bình mà trầm ngâm. Đến bữa cơm tối bố mới nói, thi vào trường sư phạm được không con, trường ấy mới không mất học phí. Chỉ một lần duy nhất đó Bình mới biết là bố mẹ vất vả để nuôi năm anh chị em như thế nào, và nhờ đó cũng mới biết vì sao các anh chị em mình đều thi vào sư phạm dẫu mộng ước khi trước rất khác. Bố càng lặng lẽ hơn khi chị Nam, anh Bắc, chị Hòa, em Vui lần lượt bỏ nghề sau vài năm đi dạy. Bố chẳng can ngăn một ai, mặc dầu mọi người nói bố cần phải ngăn lại bởi cái chân giáo viên nhà nước người ta chạy mãi không xong. Bình biết, bố vẫn cất từng tờ báo có bài của Bình như một phần an ủi khi Bình vẫn có thể vừa nghe theo bố mà vẫn có thể đi tiếp ước mơ của mình. Nhưng cái lời hẹn sẽ cùng bố về thăm chiến trường xưa năm nào Bình đã quên khuấy, đến cả câu chuyện viết cho bố cũng còn dang dở mà bố đã vội đi xa.

Cầm nén nhang đứng cạnh mẹ, Bình nghe tiếng mẹ rầm rì khe khẽ. Tôi đã về thăm thành cổ Quảng Trị thay ông, đã lắng nghe được cuộc chiến mà ông vẫn thường kể, vẫn còn nhiều người nhớ đến, vẫn còn nhiều người nhắc lại những ngày lịch sử ấy. Ông đừng sợ người trẻ sẽ lãng quên, lịch sử luôn nhắc đến những tháng ngày hào hùng ấy, tôi sẽ thay ông rót chén rượu của ngày này…

Bình cố nén hàng nước mắt đang rơi…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tiết học cuối cùng

Văn xuôi 8 giờ trước

Những mùa đông…

Văn xuôi 1 ngày trước

Những luống rau xanh

Văn xuôi 2 tuần trước

Chuyện ngày xưa…

Văn xuôi 2 tuần trước

Mùa nắng pha lê

Văn xuôi 2 tuần trước

Đủ đủ đực

Văn xuôi 2 tuần trước

Trải nghiệm… giàu sang

Văn xuôi 3 tuần trước