Cao Cả Xuề
VNTN - Đêm, gió nồm leo pheo đuổi nhau trên ngọn cây. Ông Cả Thìn bỗng thấy cô đơn bao trùm căn nhà và cả tấm thân teo tóp. Ông chợt nghĩ: "Sao đến tuổi ấy mà thằng Xuề con ông chưa có vợ?!". Cứ đà này vài năm nữa... ông mất đi... Ông lật đật trở dậy. Lấy giấy bút, hí hoáy viết viết, viết xong lại xé, mãi rồi cũng được. Rồi ngồi chờ. Lần đầu trong đời, ông Cả rõ thế. Gió quạt rụng lá cây cơm nguội đầu hồi nhà trộn tiếng ư ử dụ đực của con mèo nhà ai lẫn mưa tí tách rót lạnh vào máng nước. Ông chờ suốt đêm vẫn không thấy con. Ông biết nó về bến muộn và lại say, lại không về ngủ với ông.
Ông Cả xuống đường, thuê một cái xích lô đi đến bến xe khách. Ông ngó nghiêng khắp các hàng ghế, rồi mấy cái xe rỗng thuông trong bến. Quả nhiên, con ông đang co quắp trong xe của nó. Ông đập thùm thụp vào thành xe. Thằng Xuề điếc...! Lâu lắm nó mới lè nhè:
- ...Thằng nào... trêu bố đấy...?
Ông Thìn hét thè thè trong cổ:
- Xuề...Xuề!
Rượu ngà ngà, gà gật nhưng thằng Xuề còn nhận ra được tiếng người cha tội nghiệp. Nó càu nhàu:
- Đang ngủ ngon... lại suyễn!
Nó tưởng nó đang ở nhà.
- Không, về... tao có chuyện.
Thằng Xuề tỉnh rụi. Ông già có của để dành? Khi là vàng... Thằng Xuề xăng xái đi trước cha nó. Ông Cả tráng xuyến, pha một ấm trà. Thằng Xuề ngồi nghiêm túc. Nó nhìn cha chậm rãi làm các việc mà ruột gan cứ cồn lên. Ông Cả rót hai chén nước, một cho con, một cho ông.
- Không nói chắc anh cũng biết (gớm, hôm nay cha lại gọi mình là anh - Xuề nghĩ) dòng họ Cao Cả, giờ, chỉ có mình anh. Tôi quyết định trao văn tự gian nhà, từ hôm nay. Với điều kiện, anh phải cưới vợ, có con
- Còn gì nữa... cha cứ dền dứ thế?
- Thì tôi đã nói rồi, hai gian nhà này là của anh nhưng phải cưới vợ. Đây!
- Thế thôi à?
- Mấy thứ trong nhà... đáng gì. Tài sản ở hai bàn tay con ạ
Thằng Xuề dẩu mỏ, phắt dậy, đi ra cửa. Vừa đi nó vừa càu cạu câu gì trước sự hẫng hụt đến nguội lòng của người cha. Khuôn mặt ông Cả nhàu nhò "nó không hiểu mình như lòng biển, cạn đời nuôi nấng rong rêu". Cứ ngồi thế một lúc lâu, ông Cả buồn bã đứng dậy châm một nén hương trên bàn thờ vợ rồi nằm xuống giường, mệt mỏi, chập chờn vào giấc ngủ ngày.
"Thất nhật". Ông Cả bấm đốt. Xuề dẫn về một người nhỏ tý, đứng đến vai nó. Nó giới thiệu với cả khu tập thể đấy là người yêu, vợ sắp cưới. Có trời biết Xuề yêu thật, hay nó đường mật làm chị Nhỏ xiêu lòng bỏ phố núi về làm con dâu ông Cao Cả Thìn. Đồn rằng, từ bé, chị Nhỏ nhàn hạ không vất vả. Cả vùng chị như vậy, thì đất đai màu mỡ, phố nhỏ buôn bán nhỏ. Kiếm cái ăn cái mặc không khó, suốt năm làm cũng như chơi, chơi cũng như làm ấy. Thế sao chị Nhỏ này không béo tốt, không đỏ da. Cả khu ai cũng dò dò xét xét, cân nhắc xem chị có đúng thực là quê?
Từ hôm chị Nhỏ về làm dâu, nhà ông Cả Thìn như có luồng sinh khí. Mọi vật dụng sáng ra, mới lên. Có điều, thằng Xuề không bỏ được tật uống rượu. Rồi một ngày nó thấy bụng to to, cục cục, ăn gì cũng chẳng tiêu, mắt lại vàng. Bác sỹ bảo nó bị sưng gan. Ngày chị Nhỏ khai hoa, Xuề không đưa đi được. Thay vào, người cha già hen suyễn lật đật xách mấy thứ vật dụng chạy theo chiếc xích lô chở con dâu đang trở dạ quằn quại. Chị Nhỏ sinh ngay cho dòng họ Cao một đứa con trai đỏ au, chân tay nguềnh ngoàng, mắt nhắm tịt nhưng cứ khóc chèo chẹo đòi ăn. Ngó thấy mặt cháu đích tôn là ông Cả lại phải sấp ngửa về nhà, tức tốc tháp tùng thằng con ra bệnh viện, mổ, cắt một lát gan.
Sự nghiệp lái xe khách của Cao Cả Xuề đứt mạch. Âu cũng là điều mừng vì cứ cái đà vừa say vừa cầm lái, không chóng thì chầy thằng Xuề cũng cho hành khách tắm nước sông, nước mương dọc những tuyến đường nó chạy.
Sinh con mới một tháng, chị Nhỏ đã phải đâm đầu đi làm vì trợ cấp mất sức của chồng chẳng thấm tháp vào đâu so với tốn phí việc mổ, thuốc men... Chị đến khắp các phố mua lòng trắng trứng gà trong các hàng phở, bán lại cho lò làm bánh bích quy, mỗi ngày ăn chênh lệch cũng đủ kiếm gạo bốn miệng ăn. Mọi chuyện sẽ êm xuôi nếu thằng Xuề tử tế. Nhưng thằng Xuề vẫn uống rượu, chết không doạ được nó. Kệ ông bác sĩ già cảnh báo: “muốn đi sớm thì cứ tự nhiên uống". Thằng Xuề cóc quan tâm. Nó không uống công khai trước mặt ông Thìn, mà xà xẻo tiền bán nước trà để uống vụng. Sáu tháng sau bụng Xuề lại to to... và lại vào viện để người ta banh, cắt thêm... một lát.
Mùa đông năm con Mèo thũng thẵng đến. Một ngày, ông Cả Thìn nói với chị Nhỏ:
- Con từ từ hẵng đi lấy trứng. Bố có việc...bố thấy trong người độ rày khác quá, chắc không qua... Mọi việc trông cậy nơi con. Đây là văn tự hai gian nhà, uỷ quyền con. Bố có mệnh hệ, con cố nuôi dạy thằng Tựu để nó gây dựng, tiếp nối họ nhà Cao Cả.
Nói xong, ông đưa cho chị tờ văn tự chữ cồ cồ. Chị Nhỏ rưng rưng, nước mắt chị nhỏ xuống làm tờ văn tự nhoè mất hai chỗ. Những dòng chữ trong tờ giấy nhẩy múa, bao vây chị. Chị cố đọc mà chỉ được mấy hàng: "...Tôi uỷ thác cho con dâu là Bùi Bích Nhỏ toàn quyền sử dụng hai gian nhà... diện tích... địa chỉ tại... bản văn tự sẽ hoàn toàn có tác dụng sau khi tôi trở về với tiên tổ... Tất cả các loại giấy tờ giống như thế này, hay khác tờ giấy này mà ra đời trước nó thì đều vô giá trị, tôi không công nhận". Ký tên: Cao Cả Thìn.
Ông Cả Thìn từ giã cõi đời lúc thằng Xuề còn đang mê man vì phải mổ cắt gan lần thứ ba. Trước khi chết ông Cả túm túm vào tay con dâu, miệng ông bụm bụm... Chị Nhỏ chừng hiểu, chị gật gật đầu rồi nghẹn ngào cất hai tiếng: "Cha ơi...". Bộ ngực tóp như cái mui rùa của ông Cả Thìn rướn lên, nấc nấc. Hai giọt nước mắt ông Cả lăn nhanh, tượt đuôi mắt, thấm vội vào nhúm tóc mai lưa thưa.
Mọi người trong khu tập thể thương ông Cả một, cám cảnh chị Nhỏ hai. Dân phố núi chắc nghĩ, chị Nhỏ đang thảnh thơi vì lấy chồng sung sướng. Cả cái bọn con gái mới nhớn trên đó cũng sẽ ước mình như chị Nhỏ, được lấy chồng thành phố, ở nhà lầu, nhà gác... chứ đâu biết những tháng năm ra phố của chị tràn đắng cay tủi cực. Nói thì vậy, chứ lẽ đời nhiều khi cũng phải cân bằng. Nhà ông Cả Thìn mà không có cô con dâu hiền thảo như chị Nhỏ thì chẳng biết cơ sự sẽ... đến đâu!
Năm tháng gấp thếp rồi trải ra. Chị Nhỏ giờ không đi mua lòng trắng trứng gà mà lên chợ Bắc Qua cất hoa quả về phân loại. Thứ tươi ngon dành cho người ăn sang, đi biếu, bán cao tiền. Thứ vừa vừa mã không đẹp thì giá phải chăng, hơn bù kém, tốt bù xấu miễn có lãi. Chị gánh đi bán rong khắp các phố, tối chẫm mới về. Lão Xuề vẫn dọn hàng nước trà, nhưng xem chừng vắng khách vì mọi người nói lão mất vệ sinh. Lão Xuề cáu bẳn, chửi thề suốt ngày, hơi tí là gây sự cãi nhau. Nhiều khi say rượu lão còn đánh chửi vợ con. Trẻ nhỏ trong khu không dám lại gần. Mỗi lần lão vén áo hở cái bụng toàn sẹo là đứa nào đứa nấy khóc chết lặng. Ai cũng lấy lão để doạ con mình. Thằng Phô lười ăn, ngậm cơm bung búng, chỉ cần nói "Lão Xuề kìa" là nuốt vội. Thằng cu Sính (bố mẹ nó gọi là Mic) mười tuổi rồi mà tối nào ngủ cũng đái dầm tồ tồ. Mẹ nó doạ mách lão Xuề, thế là tịt luôn. Rồi chuyện va chạm giữa cô Thắm bún cua với lão Xuề. Chả là hàng bún Thắm mở gần hàng nước lão Xuề, cũng như quán phở bà Đằng, đông khách lắm. Cô Thắm mắng khách xơi xơi mà loáng tí buổi sáng bán hết dăm "quả " bún. Mọi người nói cô Thắm phải có bí quyết gì. Cô Thắm giang giang: "Sạch sẽ, ngon miệng, ai chả vào. Cứ như hàng nước bẩn lão Xuề, cho... người ta cũng kiếu". Lão Xuề cú lắm. Cộng với chuyện hôm nọ thằng Tựu nghịch ngợm đổ béng lọ ớt bột vào nồi nước chan, làm khách ăn ai cũng giàn nước mắt. Cô Thắm bún quý thằng Tựu, nhưng hôm nay thì không thể chịu đựng được nữa, với người khác chắc cô bắt đền tiền, nhưng thằng Tựu thì tha... tha, cô cũng phải "riếc" một câu: "Không tu thì lại như bố mày, sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy thôi con ạ". Lão Xuề tức điên. Vào ai, khen con giống cha thì vui nhưng lão cò bợ này kỵ nhất... Lão hận. Lão bảo như thế là xỏ xiên, mạt chược. Hôm sau lão quyết định không dọn hàng. Lão kiếm cái ghế đẩu, lão cởi trần ngồi án ngữ ngay gần hàng bún Thắm. Khách quen, nhất là mấy cô tiểu thư làm ở văn phòng bên kia đường hàng ngày nghiện bún cua. Nhìn thấy mặt lão Xuề gầm ghè, bụng thì sần sùi chằng chịt như "hoả diệm sơn" đành... các vàng. Cô Thắm phải vừa cầm con dao vừa vái lão mới tha cho. Lão còn giao hẹn từ nay không được bảo thằng Tựu giống cha!
Cả khu nhà chẳng ai lý giải được thân xác lão Xuề mổ đến ba bốn lần vậy mà vẫn không tịch, chuyện đến lạ... Lão vẫn uống rượu. Rồi bụng lão lại to to, ăn gì cũng không tiêu. Lão cười nhe hàm răng cải mả với cô Thắm bún: "mổ... chuyện nhỏ". Cô Thắm lắc đầu. Ái ngại là ái ngại cho chị Nhỏ chứ lão Xuề thì nhằm nhò cái chó gì.
Nhưng lần mổ thứ tư này không bao giờ xảy ra. Bệnh viện trả lời: "mổ sẽ... đi ngay". Cái dấu chấm than đời lão thế là đã xoay ngang rồi.
Khi thần chết nhìn thấy, sờ thấy, lão mới sợ, mới thực sự cuống lên. Lão khóc như một đứa trẻ con rồi nài nỉ chị Nhỏ tìm thầy, tìm thợ cố chữa cho lão khỏi, chứ lão chết thì ai lo cho thằng Tựu! Chị Nhỏ tựa đò đắm. Có người mách "Bệnh của lão Xuề chữa được, nhưng thuốc đắt lắm phải đặt ở tận nước ngoài" Ý định bán nốt gian nhà để chữa bệnh cho chồng được chị Nhỏ đem ra bàn với thằng con mười hai tuổi. Lần đầu tiên trong đời thằng Tựu thấy mình quan trọng. Nó đồng ý ngay rồi thủng thẳng buông một câu: "Mẹ bán đi, chữa cho bố khỏi, quây cót ép ngoài sân thượng, chỉ cần kê cái giường, ăn nhiều, ở mấy". Chị Nhỏ thở dài.
Lão Xuề thiêm thiếp nhưng cũng nghe được hai mẹ con bàn chuyện bán nhà để chữa bệnh cho mình. Lão buồn tái tê, thương vợ con đến thắt thẻo. Cuộc đời của lão chẳng có lẽ đến lúc chết vẫn còn báo hại, đẩy con ra... sân thượng.
Mọi người trong khu thật lạ, sáng ra lại thấy hàng nước lão Xuề dọn bán. Cũng như trước, người quen chẳng ai thèm vào, thi thoảng mới có khách vãng lai. Bà con phân vân: "Không có lẽ lão khoẻ lên, hay chị Nhỏ tìm được ông thầy giỏi?". Nghĩ vậy, nhưng nhìn kỹ thấy thần sắc lão Xuề kém lắm rồi.
- Chà, nhanh mọm quá hà?
Ông bạn tài xế tận Mèo Vạc - Đồng Văn ghé chơi. Chuyện đến lạ. Mười chín năm nay ông bạn mà một lần suốt đêm trên đèo Túng Héng lão Xuề chữa hộ xe. Sau khi tọa ở mép cái giường một, trên mắc tùm hụp chiếc màn tuyn màu bộ đội, ông khách thao thao, tồng tộc kể cuộc sống chục năm qua cho lão Xuề nghe. Lão Xuề đang đau đầu, lời ông bạn đồng nghiệp cứ bong bong nện vào tai. Nói chán, xong. Ông khách mới ngó nhà cửa rồi ngó lão Xuề. Giọng ông rưng rưng: "Cái bệnh này sợ nắm. Để tui kiếm cho cái mật gấu. Chỉ một cái là khỏi niền. Nhưng phải mất hơn chục triệu". Đang nhắm nghiền con mắt, lão Xuề vẫn giẫy nẩy: "Những hơn mươi triệu? Móc ở đâu ra. Có mà bán nhà…" . "Chứ sao. Uống là bệnh nui, là sống".
Mặt lão Xuề xịu đi, ẻo xèo. Sao còn... chữa bệnh được nữa... Ừ, khỏi, sống đấy, nhưng thằng Tựu phải ra sân thượng... !
Thũng thẵng gần một tháng sau, bà con trong khu nhà không thấy hàng nước lão Xuề. Đó là cái ngày lão cò bợ biết mình sắp chết. Chờ cho chị Nhỏ gánh hoa quả đi bán. Lão gọi chiếc xích lô tự ra bệnh viện. Lão nghĩ, "đi " ở bệnh viện cho rộng rãi, chứ ở nhà... khổ cho vợ cho con quá. Bác sĩ trong bệnh viện cũng bằng lòng để lão phục thuốc... kéo dài.
Một ngày, lão Xuề cố bò lên tầng thượng của nhà thương. Buổi tối mùa hè đầy sao. Lão nhìn lên bầu trời. Những ngôi sao to sáng lấp lánh và cả những ngôi sao mờ xa tít. Lão ngẫm nghĩ đời lão chẳng biết ứng với ngôi nào đây. Cứ ngồi thế lâu lắm, ngồi thế... rồi lão ngủ... và không bao giờ thức nữa.
Lão Xuề mất được hơn mười hôm, thì có một người đàn ông mang chiếc mật gấu đến biếu. Cầm chiếc mật đắng trong tay, chị Nhỏ nước mắt chan hoà. Chị lại thương chồng đến quặn đi.
Truyện ngắn. Phan Đình Minh
(Tạp chí Khoa học công nghệ môi trường công an)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...