Cánh buồm của ước mơ xa
Tản văn. Phạm Thanh Thúy
Một người bạn trên facebook của tôi bảo: “Ngày bé đọc Cánh buồm đỏ thắm, Đảo giấu vàng, Hành trình Công Ti-ki .... nên luôn mơ ước được đi trên một chiếc thuyền buồm. Rồi cứ thấy mô hình thuyền buồm là mua, rồi chất đống trên nóc tủ. Vẫn luôn mơ về một hành trình trên biển cả bao la tới những vùng đất không dấu chân người. Nhưng mà xa xôi quá, ôm chiếc thuyền giấy cháu gái tặng vào hành trình của Ma-Gien-Lăng!”
Năm mười tuổi, tôi nhận được món quà của bố gửi từ nước Nga xa xôi. Đó là một con tàu nhựa, tựa như đang lênh đênh trên biển. Trong bức thư gửi các con, bố tôi viết: “Các con hãy lại đây, trên boong tàu này, nhìn kìa, từng đàn hải âu bay rợp trời, những chú hải âu này đi theo con tàu từ trên bến cảng…”. Khi đó, tôi chưa bao giờ nhìn thấy biển, chưa bao giờ hình dung biển như thế nào, nhưng tôi đã hình dung một con tàu, thứ mà nó có thể đưa người ta đi đến một nơi rất xa, rất xa…
Năm mười tám tuổi, vào ngày sinh nhật của mình, tôi được một người bạn trai không quen tặng một tấm thiệp. Tấm thiệp rất đẹp, khi mở ra, nó phát bản nhạc Happy Birthday nghe thánh thót như những giọt mưa mùa hạ. Tấm thiệp in hình một con thuyền với những cánh buồm ngũ sắc lung linh đang lướt sóng giữa trùng khơi, những con sóng bạc nơi đầu tàu, và những cánh buồm căng gió giúp con tàu kiêu hãnh lướt về phía trước.
Tôi đã quên rất nhiều món quà tặng hôm đó, nhưng tấm thiệp ấy tôi không quên được. Tôi vẫn giữ nó trong ngăn tủ kỉ niệm, dù bản nhạc Happy Birthday nhiều năm sau đã không còn vang lên được nữa. Đó là một cánh buồm của ước mơ tôi, của những chuyến đi tôi chẳng bao giờ có cơ hội.
Cậu em hàng xóm của tôi, nhiều năm trước là bộ đội làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Từ cậu ấy, tôi biết một người bạn khác mà tôi gọi tên theo cách của mình: Hải Âu. Hải Âu viết thư cho tôi, kể về biển và những con tàu. Cậu ấy bảo, những con tàu với những cánh buồm thì… lãng mạn và xa xôi quá. Ở biển mênh mông và với nỗi nhớ quê hương, nhớ đất liền đằng đẵng, tâm hồn người lính nào cũng dõi theo bóng những con tàu, không cần quan trọng là con tàu ấy có những cánh buồm hay không. Ở biển, những con tàu không chỉ mang khát vọng phiêu lưu, kiếm tìm, nó mang một khát vọng lớn hơn thế nhiều, đó là những bức thư nhà, những gợi nhớ quê hương. Hải Âu bảo có lần một con tàu mang đến cho đảo một bức thư của một cô gái. Không biết cô gái ấy xấu hay đẹp, nhưng có một tâm hồn kì lạ, đầy yêu thương và dung dị. Trong bức thư của mình, cô ấy nói rất nhiều về những con tàu mang những cánh buồm vượt trùng dương. Cô ấy không bao giờ quan tâm những cánh buồm ấy đi về đâu, chỉ quan tâm nó là những cánh buồm… Bức thư không đề tên người nhận, chỉ ghi địa chỉ nơi đến, nghĩa là hòn đảo nơi Hải Âu và các bạn mình đóng quân. Bức thư cũng không để lại địa chỉ người gửi. Và thế là nó trở thành bức thư chung, cuối cùng thuộc về quyền sở hữu của một người lính chưa một lần từng nhận được thư nhà. Người lính ấy, trong một nhiệm vụ, đã mãi ở lại với biển cả và những con tàu, những cánh buồm mang khát vọng yêu thương đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Tôi không biết câu chuyện ly kì đó có thật hay chỉ là một cách kể chuyện của Hải Âu, nhưng nó để lại trong tôi rất nhiều ám ảnh. Tôi đi qua những dòng sông, những bờ biển, trong lòng chỉ mong nhớ một cánh buồm trong tưởng tượng. Tôi cứ nghĩ về cô gái đã viết bức thư không đề tên người nhận kia, tôi cũng nghĩ về người lính chưa từng nhận được thư nhà nọ. Tại sao cậu ấy chưa từng nhận được thư nhà? Tại sao? Tôi cũng nhớ đến Hải Âu. Không biết vì sao tôi và cậu ấy đã lạc mất nhau, không sao có thể liên lạc được nữa.
Tôi nhớ khi mình còn nhỏ, cứ thấy một dòng chảy nào, dù là dòng nước của con mương vào những buổi chiều tan học mà người ta bơm cho đồng ruộng, là nghĩ ngay đến việc… xé vở để gấp thuyền giấy. Thuyền giấy có mui và cả cánh buồm. Những con thuyền giấy bé nhỏ mong manh lao vùn vụt trong dòng nước xiết, cuối cùng nằm nát mủn ở một mép cỏ xanh nào đó. Những đứa trẻ làng tôi ngày ấy chỉ có mấy niềm vui nho nhỏ, trong đó là việc gấp thuyền và gấp máy bay giấy. Tất cả chỉ mong sau này sẽ được đi xa, đến những chân trời xa lạ, cũng đầy khát vọng phiêu lưu… Và như một người bạn trên facebook của tôi kia, không phải tất cả những đứa trẻ ngày ấy đều có thể nuôi dưỡng ước mơ đến cùng, và biến nó thành hiện thực. Những đứa trẻ ấy đã và đang tiếp tục già nua và cằn cỗi trong bao chuyện mưu sinh đời thường. Những cánh buồm đỏ thắm là kỉ niệm đẹp của biết bao đứa trẻ từng mang khát vọng phiêu lưu, hoặc có thể đơn giản chỉ là khát vọng về những điều giản dị, tốt đẹp cho cuộc đời này…
Và bạn đã từng đọc “Cánh buồm đỏ thắm” hay chưa?
Hôm nay tôi nhớ một người bạn cũ, trước ngày cưới của mình, bên cửa sổ nhìn xa xôi và bỗng nhiên đọc những câu thơ: “Hôm nay dưới bến xuôi đò/ Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/ Anh đi đấy, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...