Cần tu bổ, sửa chữa kịp thời hai điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia
VNTN - Phải đi lòng vòng qua nhiều nhà dân chúng tôi mới tìm đến được điểm di tích Nhà ông Cao Nhật (tên thật của ông là Nguyễn Văn Nội) thuộc xóm Ca, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình. Hiện nay, điểm di tích này chỉ còn lại nền nhà, đã được dựng bia ghi dấu là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của huyện Phú Bình và là nơi làm việc của cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi lui tới làm việc của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế… Năm 1997, cùng với 6 điểm di tích khác là Chùa Mai Sơn, Chùa Ca, Rừng Mấn, Rừng Giác, đình Kha Sơn Hạ, đình Kha Sơn Thượng, nền nhà ông Cao Nhật đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Khác với tưởng tượng của nhiều người, điểm di tích bây giờ chỉ còn là một bãi đất được người dân tận dụng trồng keo và để cỏ dại mọc, thậm chí là không có cả lối vào. Ông Nguyễn Văn Vinh, trưởng xóm Ca (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình) cho biết: Từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhà ông Cao Nhật chỉ được dựng tấm bia ở góc vườn. Đến nay, bãi đất thường bị bỏ hoang, cỏ cây um tùm. Nhân dân trong xóm chúng tôi mong muốn điểm di tích được tu bổ, tạo lối vào, xây dựng khu nhà tưởng niệm để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Điểm di tích lịch sử cấp quốc gia Chùa Ca bị xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu kịp thời.
Cách nền nhà ông Cao Nhật khoảng 300m là chùa Ca. Đây là nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã Kha Sơn ngày 14/3/1945, và là nơi cất giấu tài liệu của Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1939-1945. Với giá trị lịch sử đó, chùa Ca cũng đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1997. Tuy nhiên, đến nay, chùa Ca đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Bà Đỗ Thị Tuyết Mai, Trưởng ban hộ tự chùa Ca cho biết: Trải qua thời gian, chùa Ca bị nứt tường, dui mè (nằm trong kết cấu đỡ mái) bị mối mọt. Người dân muốn sửa mà không dám trèo lên sợ bị sập chùa. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm quan tâm tu sửa để người dân có chỗ sinh hoạt tâm linh an toàn.
Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo xã Kha Sơn được biết chính quyền cũng đã nắm bắt tình hình, tuy nhiên đây là di tích cấp Quốc gia nên xã cũng chỉ biết đề nghị lên cấp trên xem xét, giải quyết. Ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn chia sẻ: Năm 1997, cụm di tích Kha Sơn được công nhận cấp Quốc gia. Một số điểm đã được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên có 2 điểm là nền nhà ông Cao Nhật và chùa Ca hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi chỉ biết đề nghị lên cấp trên vì đây là di tích cấp Quốc gia…
Điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia nền nhà ông Cao Nhật chỉ còn lại tấm bia đá bị nứt và cỏ cây mọc um tùm, không có lối vào.
Cụm di tích xã Kha Sơn, nơi minh chứng cho sự nghiệp cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền ở Kha Sơn nói riêng và huyện Phú Bình nói chung. Tuy nhiên, để Di tích phát huy được đúng giá trị ý nghĩa lịch sử, chính quyền các cấp cần có sự tu bổ, sửa chữa kịp thời để nơi đây sẽ là những điểm giáo dục truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã gây dựng.
Văn Mưu (Huyện Phú Bình)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...