Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với những con đường bê tông liên thôn xã
VNTN - Con đường nối liền hai xã Sơn Phú - Điềm Mặc của huyện Định Hóa bắt đầu từ thôn Sơn Vinh của xã Sơn Phú chạy qua nhiều chân núi và cánh đồng thông ra thôn Trung Tâm, xã Điềm Mặc với chiều dài khoảng 6km. Con đường này ngày xưa vốn dĩ là đường đất đỏ dân sinh nhỏ hẹp, rất khó đi và lầy lội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân nơi đây. Con em hai xã mỗi ngày đến trường học rất vất vả; kinh tế của hai địa phương bị kìm hãm, kém phát triển. Nhưng khoảng thời gian 6 năm gần đây, con đường liên xã này đã được Nhà nước đầu tư hỗ trợ mở rộng mặt bằng để đổ bê tông theo phương thức đối ứng: Nhà nước cung ứng vật liệu xây dựng, người dân hiến mặt bằng và tự đóng góp công sức ra làm. Chỉ trong một thời gian ngắn, con đường bê tông sạch đẹp đã làm thay đổi cục diện bộ mặt của nơi đây, đem đến nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế cũng như thuận tiện nhu cầu đi lại của người dân hai xã. Đặc biệt là thuận lợi cho các cháu nhỏ đi học, không còn cảnh các cháu phải xách dép đi học qua con đường lầy lội.
Một số đoạn đường bê tông liên xã của huyện Định Hóa ngày càng xuống cấp, lầy lội, sạt lở và khó đi. Nguyên nhân chính là do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân sinh sống xung quanh.
Điều muốn nói ở bài viết này là con đường bê tông đó chỉ được sạch đẹp dễ đi khoảng thời gian đầu khi mới hoàn thành, những năm sau này con đường có rất nhiều đoạn bị bong tróc, sạt lở và lầy lội dẫn đến việc di chuyển của người tham gia giao thông vô cùng khó khăn nguy hiểm. Nguyên nhân chính gây nên là do đặc điểm địa lý, về mùa mưa nhiều cung đường bị sạt lở, đất đồi đổ xuống mỗi khi mưa lớn vùi lấp dày lên mặt đường và không được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó còn do ý thức của người dân nơi đây chưa cao. Ví như xây dựng công trình dân sinh vùi lấp mương thoát nước của đường, san ủi mặt bằng lấy đất làm đất vương vãi trên các đoạn đường mà không có trách nhiệm dọn trả lại vệ sinh sạch sẽ. Có nhiều hộ dân đắp lề đường cao lên để tránh cho nước trên mặt đường chảy xuống hoa màu nhà mình, làm cho con đường bị úng ngập, ảnh hưởng đến độ cứng của đường, tạo ra nhiều ổ gà nham nhở trên nền đường bê tông. Một nguyên nhân nữa dẫn đến con đường này mỗi ngày xuống cấp trầm trọng đó là chính quyền địa phương nơi đây chưa có giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức của người dân. Hàng năm trong các đợt chiến dịch ZT huy động sức người cũng chỉ làm hình thức có mặt ghi tên, làm qua quýt, không khơi thông nạo vét để đảm bảo dòng nước chảy hai bên đường; chưa xử lý triệt để những chỗ bị sạt lở; chưa có biện pháp dứt khoát đối với một số hộ dân không có ý thức làm tắc dòng chảy của mương, đắp đổ đất xuống lề đường...
Bài viết này mới chỉ nêu giới hạn ở đoạn đường mà tác giả thường xuyên phải đi qua. Trên thực tế cho thấy thì trên địa bàn huyện Định Hóa có rất nhiều con đường bê tông liên thôn, liên xã được đầu tư và thi công theo hình thức trên, nhằm đưa dần các thôn, xã đạt đích các tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Tác giả bài viết cũng đã đi thực tế khảo sát trên nhiều con đường bê tông ở các xã lân cận thuộc địa bàn huyện Định Hóa, thì nhận thấy rằng các con đường bê tông đều có cùng một “số phận” như vậy. Thiển nghĩ, một huyện miền núi có nhiều xã còn thuộc diện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như Định Hóa, đã được Nhà nước, các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư nhiều mặt, trong đó có những dự án hỗ trợ vật liệu để đổ đường bê tông liên thôn, liên xã thì trước hết mỗi người dân đang được thụ hưởng cần nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân hơn để bảo vệ của công; thôn xóm cần xây dựng thêm vào hương ước của mình về trách nhiệm sử dụng cũng như bảo quản cho con đường tốt hơn. Các cấp chính quyền địa phương cũng cần có các văn bản quy định rõ ràng cụ thể giao cho các thôn bản có đường bê tông đi qua, như vậy mới hy vọng kéo dài tuổi thọ của các con đường dân sinh, đảm bảo được an toàn giao thông cho người dân cũng như thuận tiện cho việc đến trường của các cháu học sinh.
Long Vũ (huyện Định Hóa)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...