Cần đưa thêm “công bằng” và “tôn trọng con người” vào chuẩn mực đạo đức nhà báo Góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam
1. Về tiêu chí công bằng
Công bằng là đưa tin một cách vô tư nhất có thể, không được phép thiên vị hay né tránh; tôn trọng quyền được thông tin của các đối tượng có liên quan, quyền được tiếp cận thông tin của độc giả.
Đề xuất này trước hết là xuất phát từ các giá trị chung của các quy ước đạo đức báo chí.Theo một thống kê trên tapchicongsan.org.vn, 86/100 bản quy tắc đạo đức nghề báo cho rằng nhà báo phải đối xử công bằng với mọi công dân.
Còn theo Tuyên ngôn về những nguyên tắc đạo đức báo chí do Liên đoàn báo chí quốc tế IFJ thông qua năm 1954 (bổ sung năm 1986), nguyên tắc công bằng áp dụng trong mọi hoạt động báo chí, bao gồm việc thu thập, công bố tin tức và quyền bình luận, phân tích thông tin.
Công bằng là nguyên tắc rất quan trọng, được giới báo chí quốc tế đề cao, không hiểu vì sao lại chưa được đưa vào quy định của ta.
2. Về tiêu chí tôn trọng con người
Thực chất, đây là nguyên tắc nhân văn, nhân đạo trong hoạt động báo chí, mà Điều 2 “Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân” chưa mang tải hết. Trong bài giảng về các nguyên tắc báo chí ở các giáo trình cơ sở lý luận báo chí hiện hành, nguyên tắc nhân văn, nhân đạo xếp thứ tự sau rất nhiều nguyên tắc khác, như tính khuynh hướng, tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, tính chân thực khách quan... Nhưng ở một góc nhìn khác, nó chính là cốt lõi của một nền báo chí chân chính.
Một nền báo chí chân chính là nền báo chí vì con người và tôn trọng con người. Một nhà báo có đạo đức là nhà báo biết bảo vệ những giá trị cao cả của cuộc sống, bảo vệ công lý, bảo vệ những lợi ích tối cao, sống còn của đất nước, dân tộc, đồng thời cũng biết tôn trọng các giá trị sống của từng người dân, từng cộng đồng; chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực, chống bất công xã hội, bảo vệ những người bị áp bức, bị chà đạp trong xã hội…
Trong thời kỳ bùng nổ các loại hình thông tin đại chúng, cùng với đó là sự sa sút của đạo đức xã hội, vấn đề “tôn trọng con người” trên báo chí bị hạ thấp một cách đáng báo động. Sức ép mưu sinh đẩy nhiều cơ quan báo chí vào cuộc đua thông tin bất chấp mọi lẽ. Từ việc rút tít giật gân câu view, bới móc đời tư, hùa theo mạng xã hội đăng tải thông tin sai lệch, “đánh hội đồng” doanh nghiệp, dàn dựng, cắt ghép thông tin sai sự thật, khai thác thông tin về những tội ác rùng rợn, những sự việc phi nhân tính một cách quá chi tiết... đều là những việc làm đi ngược lại nguyên tắc báo chí nói chung, tính nhân văn nói riêng dẫn đến những hệ lụy đáng đau lòng, làm mất niềm tin của xã hội đối với báo chí.
Một ví dụ về việc thiếu tôn trọng con người khá phổ biến ở báo chí nước ta là nếu như tường thuật, thông tin về tội phạm trong các vụ án hình sự, thì ngoài thông tin về vụ án, toàn bộ đời tư của kẻ tình nghi, bị cáo cũng đều được phơi tất tật lên mặt báo dù rằng những thông tin đó không liên quan đến tội mà anh ta bị tình nghi, buộc tội hoặc kết án. Và không chỉ thủ phạm mà cả những người có liên quan thuộc nhóm dễ bị tổn thương, như người già, phụ nữ và trẻ em trong gia đình anh ta cũng bị bươi móc đời tư một cách không thương tiếc.
Quy tắc đạo đức nghề báo quốc gia của Đan Mạch quy định: “Không đề cập đến tiền án, tiền sự của những kẻ tình nghi, bị cáo, hoặc những người bị kết án nếu những thông tin đó không liên quan đến tội mà anh ta bị tình nghi, buộc tội hoặc kết án. Trong các tin có liên quan khác cũng không được phép đề cập đến tiền án, tiền sự của người khác” (nguồn: tapchicongsan.org.vn). Những điều này báo chí Việt Nam, nhà báo Việt Nam thường bỏ qua.
Ở một cấp độ cao hơn, có thể cho rằng, tính nhân văn là gốc của xu hướng báo chí giải pháp, còn gọi là báo chí tích cực, báo chí kiến tạo - một xu hướng quan trọng của đời sống báo chí hiện nay.
Báo chí giải pháp không chỉ phản ánh sự việc, hiện tượng tiêu cực mà còn tham góp giải pháp hữu hiệu để khắc phục, cải tạo hiện thực đó. Báo chí giải pháp tiếp cận thông tin và các vấn đề xã hội với tâm thế tích cực, đưa ra những giải pháp tích cực để khắc phục khó khăn thách thức, vun đắp niềm tin của công chúng, góp phần xây dựng xã hội. Một xu hướng báo chí đầy ắp tính nhân văn.
Trong một nền báo chí giải pháp, nhà báo có sứ mệnh rất quan trọng. Để có thể đưa ra những giải pháp tích cực cho các sự việc, hiện tượng tiêu cực trong xã hội chứ không chỉ phản ánh các sự việc, hiện tượng đó, nhà báo ngoài tài năng và trách nhiệm còn phải có tấm lòng nhân ái, hướng thiện, trân trọng cuộc sống, trân trọng con người.
Bổ sung tiêu chí tôn trọng con người trong quy định đạo đức của nhà báo sẽ luôn nhắc chúng ta về tính nhân văn trong mỗi hoạt động nghề nghiệp mà chúng ta làm, để xây dựng cuộc sống này ngày một tốt đẹp hơn.
Quỳnh Nguyễn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...