Cảm quan sinh thái trong tiểu thuyết Hồ Thủy Giang nhìn từ tác phẩm “Mắt rừng” và “Phố núi”
1. Là tác giả gạo cội của văn học Thái Nguyên, Hồ Thủy Giang đã đoạt nhiều giải thưởng văn học ở nhiều thể loại từ truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết. Gần đây, tác giả liên tiếp xuất bản 02 tiểu thuyết khá ấn tượng, đó là Mắt rừng viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2012 - 2015” và tiểu thuyết Phố núi cùng đề tài năm 2017-2020. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu phê bình văn học đều đánh giá cao tác phẩm Mắt rừng trong việc tái hiện được một cách sinh động cuộc chiến chống lâm tặc cam go, quyết liệt, dai dẳng của nhân dân (Vũ Nho) qua đó thể hiện được tầm nhìn chiến lược (...), vừa phản ánh xu thế của thời đại, vừa mang tính nhân văn sâu sắc (Nguyễn Huy Quát). Bên cạnh thông điệp đó, theo tôi, 2 tiểu thuyết này còn bộc lộ rõ cảm quan sinh thái nhân văn thú vị.
Tác phẩm Mắt rừng của nhà văn Hồ Thủy Giang
2. Trước hết, hiển hiện trong 2 tiểu thuyết là những trang viết mang hình ảnh tích cực, hữu ích về hệ sinh thái tự nhiên của khu vực miền núi với các địa danh ấn tượng như: Sơn Thượng, Sơn Đông, Khuôn Lình, Nà Nặm, Nà Pheo, Nà Sáng, Nà Ngần, Sa Nu, Phìa Khao, Pắc Ngòi...(Mắt rừng) và thị trấn Đồng Hoa, núi Phia Khao, sông Phượng, huyện Nà Phia,...(Phố núi). Những cánh rừng bạt ngàn, những dãy núi thấp, cao nhấp nhô... ở tỉnh Bắc Nguyên (Mắt rừng), hay “vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, có núi rừng xanh tươi bao bọc, có những triền đồi lô xô như bát úp, có suối có sông quanh co uốn lượn”, “con sông Phượng (...) quanh năm nước trong văn vắt”, “dãy núi Phia Khao sừng sững”, “những nương bãi xanh mướt mát, mùa nào quả ấy” là sự ưu ái của tự nhiên dành cho thị trấn Đồng Hoa - một vùng đất sâu xa của Tổ quốc. Trong ý thức của con người nơi đây, thiên nhiên là môi trường sống, là không gian sinh tồn của con người. Không chỉ thế, thiên nhiên đã chở che, thấu hiểu lòng người; thiên nhiên nuôi dưỡng thể chất, bồi đắp tình cảm và thanh lọc tâm hồn con người.
Do sống tập trung ở những khu vực rừng núi nên đời sống của người dân ở tỉnh Bắc Nguyên gần gũi với tự nhiên, gắn bó với tự nhiên và nương tựa vào tự nhiên. Quản lí hơn mười héc ta rừng nguyên sinh, nhân vật Triệu Lường nắm chắc “có cả thảy năm mươi chín cây lim, một trăm linh một cây lí, mười sáu cây sến và bốn mươi cây trai”. Điều này khiến kiểm lâm Hòa vô cùng ngạc nhiên và thích thú về mối quan hệ gắn bó với rừng của con người nơi đây (Mắt rừng). Cũng chính vì gắn bó với môi trường sống đó, con người sẽ vô cùng xót xa trước cảnh chảy máu tài nguyên rừng, trước sự hoành hành của lâm tặc: Đinh, lim, sến, táu của rừng ta/Chảy máu đêm ngày thật xót xa... (Phố núi).
C.Mác từng khẳng định mối quan hệ gắn bó hữu cơ không thể tách rời giữa con người với tự nhiên: “Tự nhiên là…thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế có nghĩa giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó, con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên…vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(1).Bởi vậy, không thể để con người tàn phá tự nhiên bởi tàn phá tự nhiên chính là tự hủy diệt cuộc sống của chính mình. Đây cũng chính là lí do mà Hoàng Vinh - Trưởng Ban thơ của Hội Cựu chiến binh thị trấn Đồng Hoa cùng các đồng đội của mình như ông Sáng, ông Hùng, các thành viên Ban phòng chống tội phạm môi trường, nhà báo Nam Hoài, ông Thu trưởng bản... bằng mọi giá đấu tranh với tội phạm chủ ý hủy hoại mội trường sống mà đại diện là giám đốc Hoành, trợ lí Hạp,... ở công ti Thanh Thiên. Đây quả là một cuộc chiến gian khó bởi bọn tội phạm rất xảo trá, có trình độ, dám chi tiền đủ nhiều và đúng lúc, lại có lực lượng mạnh chống lưng cũng như mạng lưới chân tay mưu mô, liều lĩnh như Nguyệt, Thảo, lưu manh ở động Dạ Thảo,...
Cảm quan sinh thái trong Mắt rừng và Phố núi không chỉ dừng lại ở những dấu ấn về hệ sinh thái tự nhiên mà còn gợi lên cảm xúc về bầu khí quyển nhân văn sâu lắng. Suốt chiều dàilịch sử phát triển của loài người, từ Đông Tây kim cổ, văn chương luôn là tiếng nói giàu tinh thần nhân văntrong cuộc đấu tranh vì con người. Và nay, nhà văn đương đại cũng nhận thức rất rõ: “Sự suy thoái hệ sinh thái của một quốc gia không chỉ quy trách nhiệm cho những người quản lý đất nước mà cả cho sự thờ ơ của từng công dân, trong đó có những nhà văn”(2).Vấn đề sinh thái trong thời kì công nghiệp hóa, công nghệ 4.0 và trong giai đoạn “đốt lò” tham nhũng, tha hóa... không còn là lĩnh vực quan tâm của riêng một ngành khoa học nào mà đã trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội. Theo đó, văn chương cũng góp một tiếng nói vừa mang giá trị đạo đức nhân văn vừa mang giá trị thẩm mỹtrong cuộc đấu tranh vì một môi trường sinh thái trong lành hôm nay. Vai trò của người cầm bút vì thế cũng ngày càng được đề cao. Trong Phố núi, nhân vật chính chuyển tải thông điệp sinh thái nhân văn không ai khác chính là Trưởng ban thơ của Hội cựu chiến binh ở thị trấn Đồng Hoa. Mặc dù tác giả sử dụng bút pháp trào phúng hóm hỉnh về nhân vật nhưng vẫn đọng lại niềm yêu mến, tin tưởng về lòng trắc ẩn, sự sâu sắc, thái độ kiên quyết không dung tha cái xấu, cái ác, bảo toàn môi trường tốt lành cho con người. Những vần thơ dù còn vụng về, khẩu hiệu; những tâm tư dù ban đầu có vẻ ngờ nghệch, cảm tính của nhà thơ vườn nhà cuối cùng cũng đã cảm hóa và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong “Chương trình thơ ca Phố Núi về đề tài Bảo vệ môi trường”. Ai có thể ngờ, câu thơ nhiều ẩn ý “Trời xanh kia hỏi có biết không?” trong bài “Nhìn lên dãy núi Phia Khao” của ông Vinh đã châm ngòi cho cuộc chiến không khoan nhượng với thế lực phá hoại môi trường vô cùng tinh vi của công ti Thanh Thiên. Xưa cha ông đã nhiều lần khẳng định sức mạnh của văn chương thì nay, Hồ Thủy Giang tiếp tục khẳng định, cái xấu có thể che mắt thế gian nhưng không qua mặt được nhà thơ vườn tâm huyết: “Thơ không chỉ là niềm vui của tuổi già mà còn là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại”. Bằng nhiều chiêu trò, giám đốc Hoành đã xin được cấp phép, thậm chí được báo chí ca ngợivề hệ thống xử lí chất thải “đáng để nhiều công ti sản xuất giấy học tập” dù thực tế chất thải của công ti đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hủy hoại sức khỏe và cả mạng sống của người dân vô tội... Lâu lắm rồi, trong xã hội hiện đại với các hệ giá trị truyền thống đang có nguy cơ mai một thì hình ảnh nhà thơ từ Trưởng ban đến các thành viên lại trở nên đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng đến thế.Cùng với một số tác giả khác, Hồ Thủy Giang trong tiểu thuyết của mình đã giúp ta nhắc nhớ một điều: khi môi trường sinh thái của con người đang ngày càng trở nên bất ổn, chất lượng cuộc sống của con người có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng thì vấn đề sinh thái càng được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Từ thực tiễn đời sống, các sáng tácvăn chương cần góp tiếng nói đấu tranh cho lợi ích sinh thái, mà “lợi ích của sinh thái suy cho cùng chính là lợi ích căn bản và bền vững của nhân loại”(3).
3. Nếu “Việt Nam hiện nay phải đương đầu với những vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng, xói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên ven biển đe dọa tới các hệ sinh thái và sự cạn kiệt nguồn gien…”(4) thì “Đạo đức sinh thái phải được coi là một phẩm chất cần thiết, một tiêu chuẩn đạo đức của con người trong thời đại ngày nay”(5). Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có sự quan tâm về nhiều mặt nhằm gìn giữ môi trường sinh thái, đặc biệt đối với vùng miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều này vừa có ý nghĩa đối với sự phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng cao vừa góp phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế và văn hóa nước nhà.
Bên cạnh cảm quan sinh thái, Mắt rừng và Phố núi của Hồ Thủy Giang còn đặt ra vấn đề xác định chủ thể của hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên cũng như môi trường sinh thái nhân văn. Theo tác giả, người giữ rừng, giữ sự trong lành của môi trường sống không chỉ là lực lượng kiểm lâm hay các cơ quan bảo vệ môi trường mà chính là người dân. Xây dựng hình ảnh một trùm lâm tặc (của quá khứ) khi được giao giữ rừng đã trở thành tấm gương làm ăn kinh tế chân chính, phải chăng Hồ Thủy Giang gợi ý thực hiện chủ trương tận dụng tiềm năng to lớn của miền núi để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất của đồng bào, ràng buộc đồng bào cả về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm? Ngoài ra, cần tiếp tục truyền thông, giáo dục, giúp đồng bào có nhận thức và hiểu biết đúng đắn về các quy luật của tự nhiên, vềmối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên để có thái độ ứng xử phù hợp và có tinh thần tự giác, tích cực bảo vệ môi trường sinh thái;đồng thời khuyến khích việc khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của người dântrong quá trình bảo vệ môi trường tươi đẹp…Tiểu thuyết của Hồ Thủy Giang đã đề cập đến những vấn đề thời sự ấy một cách sinh động, góp một tiếng nói mang tínhgiáo dục nhẹ nhàng mà hiệu quả. Nếu tiếp tục dấn thân hơn nữa, những đổi mới văn chương như tác giả đã làm sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.
Chú thích:
(1) C. Mac, Ph.Ăng ghen Toàn tập, tập 42, NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr 135.
(2) Huỳnh Như Phương, Mùa xuân sinh thái & văn chương, nguồn: http:// nld.com.
(3) Nguyễn Thị Tịnh Thy, Sáng tác và phê bình sinh thái - tiềm năng cần khai thác của văn học Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ quân đội, thứ bảy, 25/10/2014.
(4) Thanh Tâm, Môi trường sinh thái - vấn đề của mọi người, nguồn:http://www.moitruong.com.vn/Home/Default.aspx?portalid=33&tabid=19&distid=3293(12/6/2011).
(5) Phạm Thị Ngọc Trầm, Về cách tiếp cận triết học - xã hội đối với hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn ở Việt Nam: các vấn đề, nguyên nhân và giải pháp. Tạp chí Triết học, số 6 năm 2004
PGS.TS Dương Thu Hằng
(Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...