VNTN - “Ngạn ngữ Mông Cổ có câu trong bão táp sa mạc trụ vững được cũng có nghĩa là bạn đã tiến lên. Trong cuộc chiến chống tham nhũng 10 năm qua thì chúng ta vẫn trụ vững, chúng ta có những giai đoạn cầm cự và phòng ngự được như thế là tốt lắm rồi”.
Đây là nội dung mà đại biểu Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội dự kiến sẽ trả lời cử tri sau kỳ họp thứ 10, được ông chia sẻ với Quốc hội khi thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng trong chiều 28/10 vừa qua.
Sở dĩ ông phải chuẩn bị câu trả lời riêng như vậy, là bởi, nếu dẫn theo báo cáo của Chính phủ là tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị xã hội, thì theo ông chỉ càng làm cho nhân dân lo lắng hơn.
Mà, tất cả đại biểu Quốc hội - trong đó có ông - đều phải có trách nhiệm hồi âm vấn đề đã được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc là người dân tâm tư, lo lắng về tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi.
Chuẩn bị được câu trả lời rồi, nhưng ông Nhã vẫn lo rằng cử tri sẽ hỏi tiếp, thế bao giờ chúng ta sẽ phản công mà cứ trong thế giằng co phòng ngự mãi thế này?
Ông Nhã dự tính: “Báo cáo của Chính phủ cho biết đang tổng kết toàn diện về khía cạnh pháp lý liên quan đến phòng chống tham nhũng, trong đó có sửa đổi luật. Nếu chờ sửa luật thì chắc phải đến năm 2018 chúng ta mới bắt đầu phản công”.
Sốt ruột. Đó không chỉ là tâm trạng của đại biểu Trần Đình Nhã, cũng không phải đến tận kỳ họp này của Quốc hội mới được bộc lộ rõ ràng, trước sự hoành hành của “giặc nội xâm” mang tên tham nhũng.
Ba năm trước, cũng chính đại biểu Trần Đình Nhã, trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội, cùng nội dung về phòng chống tham nhũng như chiều 27/10 năm nay, đã nói: Kết luận của Đảng nói rằng tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức Quốc hội, nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) khi đó quả quyết, “cử tri bức xúc cho rằng đây là quốc nạn, là nguy cơ lớn đối với đất nước, cần phải diệt chứ không phòng chống gì nữa”. Nữ đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị phải thu hồi được tất cả mọi tài sản từ tham ô, đừng để họ nghĩ là có thể "hy sinh đời bố củng cố đời con". Và đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội phải có cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng…
Thế nhưng….
Ba năm qua, sự sốt ruột trước “giặc nội xâm” không những chưa hề giảm mà có vẻ như còn tăng lên.
Nhất là, số liệu từ các báo cáo của các vụ án tham nhũng được phát hiện, truy tố, xét xử trong năm 2015 theo báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao đều giảm đáng kể so với năm ngoái.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì có những loại tội phạm giảm là thành tích cần phải biểu dương nhưng tội phạm tham nhũng giảm trong bối cảnh hiện nay khiến người dân bất bình, mất niềm tin và đó là khuyết điểm của các cơ quan phòng chống tham nhũng.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cũng hết sức lo lắng khi nêu ra thực tế là các cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã được đầu tư nhiều nguồn lực, nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm.
Nhận xét của nhiều đại biểu cũng gần với nhận định này. Theo đại biểu Trần Đình Nhã thì chống tham nhũng kém hiệu quả có nguyên nhân do tổ chức bộ máy, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi đã được đầu tư nhiều nguồn lực, có cơ quan chuyên trách và cơ quan chỉ đạo.
Vị đại biểu này cũng nói thẳng rằng: “Chống tham nhũng có nhiều giải pháp nhưng chúng ta không dám làm”.
Chẳng hạn, phải dùng những biện pháp đặc biệt như thấy giàu lên bất thường thì phải chứng minh tài sản do đâu mà có, không chứng minh được là tham nhũng. Một số nước đã áp dụng có hiệu quả biện pháp này.
Chống tham nhũng phải quan tâm đến việc thu hồi tài sản là quan điểm được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) Nhấn mạnh. Ông Nghĩa cũng đề cập vấn đề rất thời sự và đang còn nhiều ý kiến khác nhau là tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng âm vào tiền gửi của dân hàng chục ngàn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua 0 đồng, gánh toàn bộ những khoản nợ đó, nếu không trả được thì Nhà nước phải trả toàn bộ số tiền này. “Cử tri cho rằng việc gánh nợ, dù cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường. Biết là có Nhà nước gánh nên người gửi tiền yên tâm, không rút tiền. Nhưng những người dân không gửi tiền vào các ngân hàng thua lỗ ấy thì họ không chịu, vì ngân sách cũng là tiền thuế của họ”, đại biểu Nghĩa nói.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì để phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn cần thành lập Ủy ban điều tra chống tham nhũng. Và Ủy ban này chỉ để bắt những cán bộ “to” tham nhũng còn mấy quan nhỏ thì giao cho công an làm. Phải giao cho họ đầy đủ quyền lực để làm nhưng mình cứ sợ cái gì đó nên không dám làm, ông Thuyền sốt ruột.
Xem ra, nhận xét “tham nhũng đang thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân” của đại biểu Trần Đình Nhã từ ba năm trước vẫn còn nguyên giá trị.
Trúc Bạch
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...