Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
06:22 (GMT +7)

Cái nhìn lặng lẽ, lo toan

VNTN - Tình cờ, được xem số ảnh triển lãm “Việt Nam phòng chống dịch COVID-19”. Cảm giác đầu tiên tôi có được là thầm cảm phục những nhà nhiếp ảnh dám lăn xả vào các tâm điểm của bệnh dịch, bởi nơi ấy cái mầm chết chóc có thể bám vào bất kể ai, và đương nhiên những người cầm máy cũng không được loài “Cô vít” bảo lãnh, rằng anh sẽ được "ngoại phạm"… Cũng hẳn nhiều người bị bất ngờ về thành công ngoài mong đợi của cuộc triển lãm này, chỉ một thời gian rất ngắn, nhưng Ban Tổ chức đã huy động được một lực lượng người tham gia đông đảo với tính cống hiến cao. Xem nội dung thông báo, thì người ta có thể khẳng định: Các nghệ sĩ hưởng ứng với trách nhiệm công dân hơn là quan tâm tới giải thưởng và thành tích cá nhân. Qua cuộc triển lãm này, Hội NSNA Việt Nam chắc chắn sẽ tự tin hơn, mỗi khi dựa vào lực lượng của mình để đảm nhận những đề tài khó khăn mà nhân dân và cấp trên giao phó.

Ở góc độ cá nhân khi xem ảnh, kì thực tôi không thích xuất hiện quá nhiều ảnh bộ, nhất là những bộ có cách thức thể hiện na ná như nhau, và nhiều tác giả như đã lạm dụng cái vật đo thân nhiệt để làm đạo cụ cho nhiếp ảnh. Giả như nếu có bỏ bớt đi một phần ba số ảnh bộ ấy, thì triển lãm chắc không vì thế mà kém đi… Nhưng đại đa số những bức ảnh đơn trong cuộc triển lãm lại rất đạt, cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Có một bức ảnh xem một lần thì thấy hờ hững, xem lần hai thấy gợn chút tò mò, nhưng đến lượt thứ ba khi tôi dừng lại lâu hơn thì cảm giác “nóng - lạnh” bỗng tràn theo mạch nghĩ… Bức ảnh đơn có tên “Cách ly Bạch Mai” của Nguyễn Khánh (Hà Nội). Bức ảnh có thể dễ bị người xem bỏ qua, vì về hình thức nó không lôi cuốn ngay cái nhìn ban đầu. Và Nguyễn Khánh như đã đánh lừa người xem bằng một vẻ hời hợt, lỏng lẻo, rất “nghiệp dư”. Cảm giác rằng anh đi qua, thấy thì đưa máy lên chụp; chẳng dọn dẹp hiện trường cho sạch mắt. cũng không gò ép về điểm mạnh, đường cắt… Chụp một người phụ nữ mặc blu đang nhìn ra bên ngoài từ sảnh cửa sổ trên tầng cao của bệnh viện. Cô đang nhìn đường phố vắng lạnh lùng và những căn nhà cửa im ỉm đóng - những hình ảnh mà cả cuộc đời trước đó cô chưa từng tận mắt thấy… Nỗi hoảng loạn vô hình buông trùm khắp bệnh viện, từ khi cái tin một số đồng nghiệp là nữ điều dưỡng bị dương tính với COVID-19. Rồi ngày cái trung tâm bệnh viện lớn nhất nước của cô được xác định là một tâm điểm của ổ dịch và khi chính quyền ra lệnh phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khiến cho cả ngàn người từ bệnh nhân, y bác sĩ và những cán bộ, nhân viên phục vụ trong bệnh viện cô lập với bên ngoài… Thời gian bị phong tỏa trôi qua chậm chạp trong nỗi lo lắng của cả nước và nỗi sợ hãi giấu kín của mỗi cá nhân…

Tinh tường và đầy nhạy cảm, khi Nguyễn Khánh chụp cô điều dưỡng còn bám vịn hai tay lên lan can kính chắn ngoài, người xem ảnh thầm hỏi cô bám như vậy từ bao giờ? Nhưng chính nhờ cái hành động chán chường, mỏi mệt, trễ nải đầy bản năng ấy - nó đã lột tả nỗi nhớ chồng, nhớ con, nhớ cái bữa cơm chiều bình dị và cuộc sống sôi động quen thuộc của cô ngoài kia đã tới những giới hạn cuối cùng. Đôi tay vịn kính, nếu từ bên ngoài nhìn vào sẽ như thấy cô đang giơ tay vẫy và cái khoảnh khắc ấy hẳn sẽ cứ ám ảnh, đeo bám vào tâm khảm người thoáng nhìn vào bệnh viện rất lâu sau đó… Tác giả chụp tấm lưng cô điều dưỡng, anh như cố ý không cho người xem biết đó là ai, tên gì… nhưng cô lại là hiện thân của tất cả: Mọi y, bác sĩ, nhân viên phục vụ trong bệnh viện,… như thấy có một phần của mình qua hình ảnh đó.

 

Cách ly. Ảnh: Nguyễn Khánh

Chiến đấu với Covid được coi như chống giặc. Loại giặc không thể đem những phẩm chất của người chiến sĩ ngoài chiến trường để kháng cự. Nhưng khi bám vào lan can nhìn thật lâu ra bên ngoài, thấy dòng chảy giao thông - nó vẫn được coi là hiện thân mạch sống sôi động của một xã hội văn minh giờ cũng đã ngưng lại - thì ra cả xã hội cũng đã cùng cô chung sức chống lại “con Cô vít”. Nỗi kìm nén sâu mãi vào bên trong bỗng chốc nó thành sức mạnh của nội tâm. Cảm giác cô đơn được giải tỏa, khi những con người (bên trong - bên ngoài) giao cảm, san sẻ và chung hành động. Trong mối họa cô đã nhận được sự đồng thuận và niềm khích lệ âm thầm của toàn xã hội. Và ta chợt nhận thấy cái nhìn của cô như thoáng rộng ra để thu nhận sứ mệnh mà duyên nghiệp đã trao gửi… Chỉ một thoáng ngắn ngủi Nguyễn Khánh chớp được, cô đã trở thành hiện thân của Ngành Y, luôn lặng lẽ lo toan cho sức khỏe của cộng đồng.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy