Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
10:38 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Cách đây 70 năm, địa ngục lòng chảo Điện Biên Phủ * - góc nhìn từ những cựu binh Pháp (Kỳ I)

VNTN- Là người Việt định cư ở Pháp, tác giả Quyên GAVOYE, chuyên viên bảo tồn di sản và văn hóa thư viện, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Besançon, Cộng hòa Pháp, cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (Tạp chí) vừa tiếp cận với những tài liệu lịch sử rất quý giá, chân thực, khách quan về cuộc chiến Điện Biên Phủ.

Những tài liệu này có tính chất nhật ký, gồm những ghi chép do những người lính Pháp có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ cung cấp, sẽ cho chúng ta biết thêm rất nhiều chi tiết về trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Theo thoả thuận với Tạp chí, tác giả Quyên GAVOYE sẽ thực hiện bài viết độc quyền, nhiều kỳ “Cách đây 70 năm, "địa ngục" lòng chảo Điện Biên Phủ”.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Kỳ I: Nhật ký hành quân ngày 20 tháng 11 năm 1953

Điện Biên Phủ, một địa danh nhỏ nhoi trên quả địa cầu nhưng có lẽ không một người Pháp trưởng thành nào chưa từng nghe tên và biết về lịch sử của “lòng chảo Điện Biên Phủ”.

Đợt tiến quân thứ nhất ngày 20 tháng 11 năm 1953
Đợt tiến quân thứ nhất ngày 20 tháng 11 năm 1953

Ngày 13 tháng 3 năm 2024, trên tuần báo Figaro, nhà báo Alex Chouvel với bài báo mang tựa đề “Cách đây 70 năm, "địa ngục" tại lòng chảo Điện Biên Phủ” có viết:

“Ngày 13 tháng 3 năm 1954, trận Điện Biên Phủ ở Đông Dương thuộc Pháp bắt đầu. Một thất bại gióng lên hồi chuông báo tử cho sự hiện diện của thực dân Pháp ở châu Á bất chấp lòng dũng cảm của hàng nghìn binh sĩ Pháp được triển khai.

Câu chuyện bắt đầu vào lúc 7h20 sáng ngày 20 tháng 11 năm 1953, dưới sự chỉ huy của các tiểu đoàn trưởng Marcel Bigeard và Jean Bréchignac, hai tiểu đoàn cất cánh từ căn cứ Hà Nội, tại Bắc Kỳ. Chiến dịch “Castor” vừa mới bắt đầu. Mục tiêu: Cho lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, miền Bắc Việt Nam, một vùng đồng bằng rộng lớn dài 15 km, rộng 7 km. Bốn tháng sau, đây sẽ là nơi diễn ra trận chiến đẫm máu nhất kể từ Thế chiến thứ hai”.

Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đủ để cho thấy Điện Biên Phủ vẫn là kỷ niệm khó quên đối với rất nhiều người Pháp. Nội trong tuần này, trên tất cả các tờ báo lớn cũng như trên hệ thống báo nói cũng như báo hình, chiến dịch Điện Biên Phủ tại Việt Nam lại thêm một lần nữa được nhắc lại. Nhưng có lẽ những người say mê lịch sử Pháp ấn tượng nhất với chùm gần trăm bài viết mang tính “nhật ký” về những gì xảy ra tại Điện Biên Phủ của tác giả Pascal Peccavet trên trang điện tử https://theatrum-belli.com/.

Theatrum Belli là trang thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội văn hóa dựa trên tinh thần của Bộ Quốc phòng. Đây có thể coi là một trong những chùm bài ấn tượng nhất không chỉ về mức độ nội dung, chi tiết đến từng thời điểm mà còn cả về độ đồ sộ cũng như mức độ đa dạng của các yếu tố đủ để người đọc sống lại một cách đầy đủ nhất những giây phút lịch sử.

Khu vực sân bay Điện Biên Phủ
Khu vực sân bay Điện Biên Phủ

Đối với người lớn tuổi, chúng gợi lại những kỷ niệm của một thời đại. Đối với người trẻ tuổi, chúng cho họ biết thêm về những chi tiết lịch sử mà không chương trình giảng dạy nào có thể viết ra một cách đầy đủ. Trong bài giới thiệu về chùm bài này, tác giả Pascal Peccavet, cựu phi công trực thăng Gazelle thuộc Lực lượng Hàng không hạng nhẹ Quân đội (ALAT) hiện đang giữ vai trò Tùy viên Chính phủ thuộc bộ phận Quản lý Nhà nước và Giáo dục Quốc dân, Ủy viên Quân dự bị, thành viên của Liên minh Chiến binh quốc gia Saint-Paul-lès-Dax (Landes), nhà sử học nghiên cứu của ECPAD (Cơ quan thông tin và sản xuất phim của bộ Quốc phòng), chuyên gia về Chiến tranh Đông Dương, đã viết:

“Ở đây tôi chỉ kể câu chuyện theo cách trung thực nhất về mặt chiến thuật, kỹ thuật, quân sự với những mảng tối và huy hoàng, từng phút một của những chiến binh của trận “Verdun Đông Dương” trải dài suốt 57 ngày cuồng nộ.

Tôi sẽ kể lại cho các bạn dưới hình thức một cuốn nhật ký hành quân theo đúng nghĩa quân sự, từng phút, từng ngày, nhưng không giống như nhiều tài liệu được xuất bản chỉ đề cập đến một đơn vị, mà sẽ bao gồm tất cả các đơn vị tham gia trận chiến: từ bộ binh đến không quân và thậm chí cả hải quân, các dịch vụ y tế và hậu cần trong một khoảng thời gian rộng lớn, từ đợt lính nhảy dù đầu tiên ngày 20 tháng 11 năm 1953 đến ngày 8 tháng 5 năm 1954”.

Có thể nói sau 70 năm, những tài liệu có tính chất nhật ký, gồm những ghi chép do những người lính có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ cung cấp, P. Peccavet đã cho chúng ta biết thêm rất nhiều chi tiết về trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những chi tiết do chính những người lính phía bên kia chiến tuyến ghi chép lại.

Do tính chất của những bài báo, trong khuôn khổ giới thiệu các tài liệu, tôi sẽ chỉ có thể dịch và trích dẫn một số đoạn của tài liệu đồ sộ này. Tất nhiên 70 năm đã trôi qua, biết bao vết thương đã hàn gắn và đã có biết bao sự hồi sinh, những người lính năm xưa giờ nếu có thể gặp lại, rất có thể họ sẽ bắt tay và ôn lại những kỷ niệm chiến trận của một thời họ từng đứng ở hai chiến tuyến đối lập. Vì thế mục đích của các tài liệu này, như chính thừa nhận của tác giả trong bài giới thiệu:

Tôi không buộc tội bất cứ ai, cả về mặt chính trị cũng như quân sự. Đã có rất nhiều các phiên tòa và cuốn sách kể từ năm 1954 ít nhiều mô tả chi tiết trách nhiệm của mỗi người, tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm chính trị của các tác giả và lịch sử của họ”.

Khu vực nhảy dù của chiến dịch Castor (Điện Biên Phủ)
Khu vực nhảy dù của chiến dịch Castor (Điện Biên Phủ)

***

05:00

Máy bay bộ chỉ huy Dakota C-47B-DK số hiệu 76356, biển hiệu “Chúa Ấn Độ” thuộc binh đoàn 2/64 Anjou, cất cánh từ Hà Nội về Điện Biên Phủ tại Mũi 280 mang theo các vị tướng Gilles, Dechaux, Bodet và Phó chỉ huy Navarre cùng Đại tá Nicot, những người này sẽ có nhiệm vụ đưa ra quyết định triển khai chiến dịch trên không.

06:52

Tướng Bodet nhìn đồng hồ và đưa ra quyết định: “Truyền tín hiệu như đã quyết định, chiến dịch Castoer bắt đầu”.

7:20

Tất cả sẵn sàng cất cánh.

Đội bay gồm 70 chiếc Dakota và 10 chiếc C-119 Fairchild được lắp ráp tại sân bay Hà Nội.

Huy động tất cả B-26 của căn cứ không quân 195 GB1/25 và GB1/19 tăng cường, cùng với máy bay Privateer của căn cứ BA 195 và 6 chiếc SB2C từ tàu sân bay Aromanches đóng tại Bạch Mai.

Một chiếc Dakota (Dak PC), ký hiệu “Texas” trên tần số 108,72 có nhiệm vụ dẫn đường và sẽ thả lính vào giờ H  tại Bắc Gatac.

Một chiếc B-26 có khả năng đóng vai trò DIA (Defense Intelligence Agency - Cơ quan tình báo quốc phòng) trên không theo lệnh của Dak PC đồng thời sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh các biện pháp can thiệp chữa cháy.

Một chiếc Locust Lai Châu có thể cất cánh ở khu vực hành động (DZ) thực hiện từ giờ H+1 với nhiệm vụ quan sát, đánh dấu theo lệnh của B-26 DIA hoặc Dak PC hoặc tự chủ động. Locust do trưởng phân đội Lai Châu cung cấp có nhiệm vụ tiếp sức.

Tiềm năng vượt mức (2.450 giờ thay vì 2.200) giúp có thể thực hiện các nhiệm vụ không nằm trong kế hoạch chuẩn bị (sơ tán y tế – đom đóm)

Tất cả các đại đội dân sự đều được huy động, xe tăng 1.800 lít.

10:30

Sau 1 giờ 30 phút bay, tín hiệu xanh xuất hiện. 3.000 lính dù đổ xuống.

Bộ chỉ hủy Castor. Ngày đầu chiến dịch: Trung bình > 6 Dakota với tổng cộng 150 lính, tối đa 18 đoàn.

Trung tá Fourcade

Chỉ huy Mayer

Chỉ huy Botella + 3 hạ sĩ quan phòng 3

Chỉ huy Lecomte + 2 hạ sĩ quan văn phòng 4

Trung úy Nayraval + 2 hạ sĩ quan

Trung úy Arnaud và 1 hạ sĩ quan

Trung úy Gambini và 3 hạ sĩ quan

Chỉ huy Charlet

Chỉ huy Lorillon

1 hạ sĩ quan trưởng bộ chỉ huy (Trung sĩ Boisnel) + 4 lính

Phần bảo vệ: 23 lính BAPN

120 súng cối: 5 người

Y tế: 10 người

Thông tin: 72 người

Pháo binh: 10 người + 1 đoàn.

Báo chí và các nhiệm vụ khác 4 người.

Bigeard, trung đoàn nhảy dù thuộc địa số 6
Bigeard, trung đoàn nhảy dù thuộc địa số 6

Diễn biến ngày 20 tháng 11 từ lúc 10:30 sáng

Đợt tiến quân lần thứ nhất:

743 lính xuống khu vực Natacha (phía Bắc Điện Biên Phủ)

634 lính xuống khu vực Simone (phía Nam Điện Biên Phủ)

Trung đoàn nhảy dù thuộc địa số 6 (6e BPC) đầu tiên nhảy xuống DZ số 759 – Natacha chỉ trong một đường bay và hạ cánh ngay giữa những người lính bộ đội đang thực hiện buổi hướng dẫn bắn súng cối và súng máy. DZ nằm cách làng 200 m về phía Tây Bắc theo hướng Bắc Nam và có chiều dài 1.300 m và rộng 450 m.

Ngoại trừ Đại đội 565/148 đóng quân cách thị trấn 30 km, tất cả các đơn vị chính quy hoặc đơn vị quân đội tỉnh hiện đều cách Điện Biên Phủ ít nhất 80 km.

Người Việt đang tập trận rất đông tại khu vực này.

Nhiều lính dù, đặc biệt là của Đại đội 4, đã rơi thẳng về phía bắc Natacha trong một khu vực rậm rạp và gặp khó khăn trong việc tập hợp lại.

Đại đội 2 và 4 nằm rải rác giữa phía bắc và tây bắc thung lũng, gần đường băng trải nhựa, cách sân bay 500 m về phía Bắc: Đại đội 1 sẽ cố gắng hết sức để tiếp cận làng, Đại đội 3 hiện đang kẹt cứng gần đường ray, đơn vị chỉ huy nằm cách các vị trí khoảng 800 m về phía tây, thậm chí còn xa hơn về phía tây so với khu vực hoạt động Octavie. Một số lính rơi xuống một nhánh nhỏ của sông Nậm Rốm.

Các kỹ sư dù và lính của trung đoàn pháo binh dù số 35 đã đổ bộ xuống DZ nhưng ngay dưới hỏa lực của quân Việt Nam.

Sự phân tán này có lợi cho chúng ta. Để xoay chuyển một đội quân hoặc tấn công một đội quân thì cần phải tìm thấy đội quân đó và tạo ra một trục lực đẩy. Mỗi đại đội hạ cánh có một điểm tập kết khác nhau. Khi thả dù, các vật dụng sẽ tiếp tục được phân tán. Quân lính sẽ đi theo mọi hướng hoặc một số chiến binh bị cô lập sẽ gây bối rối cho đối thủ đang tìm kiếm trục lực đẩy.

Người Việt dường như mất phương hướng trước sự đổ bộ đông đảo này từ mọi hướng.

Khi chạm đất, những người lính sẽ lẩn trong đám cỏ voi cao lớn che khuất tầm nhìn.

Sau một thời gian khó khăn để tập hợp, tiểu đoàn Bigeard bắt đầu chinh phục các mục tiêu của mình. Bị pháo kích của Việt Minh tấn công dữ dội, họ nhanh chóng phục hồi, nhưng vẫn phân tán và gặp khó khăn trong việc tập hợp lại. Tình hình trên mặt đất hiện rất rối ren không cho phép sự can thiệp của không quân.

Việc thông tin với đơn vị chỉ huy bay gặp rất nhiều khó khăn.

Cái chết đầu tiên: Bác sĩ đại úy Raymond, bác sĩ trưởng không quân, bị trúng đạn khi đang hạ cánh thực hiện nhiệm vụ tác chiến đầu tiên.

10:40

Đại đội 1 bị một số nhóm Việt tấn công ở phía nam khu vực hành động tiếp cận rìa phía tây bắc Điện Biên Phủ trong lúc họ đang tập hợp, hai phân đội tấn công lính Việt cắm bản.

Hai đơn vị đã đến được vùng giáp ranh nhưng không thể vượt qua vì trúng phục kích của các tay súng có vũ khí tự động.

Đại đội 2, lùi quá xa về phía bắc, hiện đang không thể tập hợp.

Khu vực nhảy dù trục bắc Natacha - cách phía đông đường băng 200 m
Khu vực nhảy dù trục bắc Natacha - cách phía đông đường băng 200 m

Một vài ghi chép của người lính:

Khi chiếc dù mở ra, tôi xác định vị trí vành đai và cố gắng kéo dù đến gần nhất có thể. Tôi nhìn thấy chiếc dù và ngay lập tức bắt đầu hạ cánh, tôi chỉ có một mình, tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều bởi đám cỏ voi cao ít nhất hai mét. Tôi rất sốt ruột chờ đợi sự xuất hiện của những người còn lại trong nhóm. Nhiều phút trôi qua, xung quanh giao tranh ác liệt, tiếng súng vang lên từ tứ phía. Tôi lắp khẩu 30 cùng một dải đạn. Tôi sẵn sàng bắn nhưng không biết bắt đầu từ hướng nào! Hạ sĩ Massé cuối cùng cũng đến, ngạc nhiên vì tôi chỉ có một mình, chúng tôi không có cách nào xác định được vị trí của nhau. Đột nhiên xuất hiện trước mặt chúng tôi khoảng mười mét, một nhóm người Việt đang tìm kiếm sự trợ giúp trong lúc chạy về phía những ngọn đồi gần chúng tôi. Trước khi họ phát hiện ra chúng tôi, Massé đã thay thế bộ sạc đã ra lệnh cho tôi “Nổ đạn”, quả đạn đã nổ và gây sát thương, ở khoảng cách này rất khó để bắn trượt mục tiêu.

Vào cuối buổi chiều

Cuộc chiến lắng xuống. Mọi người kiểm tra vết thương của mình. Người Việt mất 115 lính và 40 vũ khí. Các loại vũ khí được thu hồi trước khi rút lui. Hơn 20.000 viên đạn, lựu đạn, thuốc nổ, 2 bộ điện đàm và dây cáp, tài liệu hướng dẫn, tài liệu của Tiểu đoàn 910 và Đại đội 226 đã rơi vào tay lính dù. Đọc các tài liệu thu giữ, chúng ta sẽ nhận thấy ngoài các đơn vị mà Văn phòng số 2 đề cập, còn có hai đại đội thiết bị nặng ở làng Điện Biên Phủ của Tiểu đoàn 675 thuộc Sư đoàn 351 đã có mặt tại chỗ, hỗ trợ hỏa lực bằng súng cối. Pháo SKZ bộ binh giao chiến với lính dù.

15 lính dù đã tử trận (11 lính của Trung đoàn nhảy dù thuộc địa số 6, 2 đặc công, 1 của Trung đoàn pháo binh dù số 35, 1 ở Trung đoàn pháo binh dù số 1), 47 người bị thương, trong đó có 13 người khi hạ cánh xuống đất, 1.827 lính chiếm đóng tại Điện Biên Phủ.

6:30 chiều

Tướng Cogny tập hợp các nhà báo tại văn phòng ở Hoàng thành Hà Nội:

Bộ chỉ huy có ý định sử dụng quân số cần thiết để giữ Điện Biên Phủ cho đến khi hoàn thành việc đẩy Việt Minh ra khỏi lãnh thổ Thái Lan.

Hoàn thiện điểm chiếm đóng Lai Châu gần biên giới Trung Quốc.

Tôi sẽ ở lại đây miễn là tôi thấy nó hữu ích cho mục đích của mình.

Màn đêm buông xuống, trời lạnh; dưới 5° C. Không có chuyện đốt lửa để tránh bị phát hiện, những người lính chỉ còn cách nằm túm tụm để giữ ấm.

(Còn nữa)

Quyên GAVOYE

-------

* Tiêu đề bài báo của nhà báo Alex Chouvel

Kỳ II – Nhật ký hành quân tháng 11 năm 1953

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy