Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
12:37 (GMT +7)

Các phong trào văn hóa và phản văn hóa của nhân dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam

CHÀO MỪNG 44 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2019)

Phong trào phản chiến - phản đối chiến tranh Việt Nam

Phong trào văn hóa lớn nhất của văn hóa Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai là phong trào phản chiến. Đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa dã man và tàn bạo nhất mà Mỹ đã gây ra trên đất nước Việt Nam. Cuộc chiến tranh tốn kém và lâu dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã làm cho nước Mỹ suy sụp cả vật chất và tinh thần, văn hóa và đạo đức. Nước Mỹ đã mất 600 tỷ dolar, chết 58.299 người, mất tích 2.000 người, bị thương 305.000 người…

 

Cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã bị nhân dân Mỹ phản đối ngay từ năm 1960. Khi John Kennedy lên làm tổng thống, đã có kế hoạch can thiệp vào miền Nam Việt Nam và ngay lúc đó đã bị dư luận lên án. Kennedy trước lúc bị ám sát cũng đã giật mình, có lúc ông đã nghĩ đến việc phải chấm dứt sự can thiệp, ủng hộ chính quyền Sài Gòn. Chưa kịp làm gì thì John Kennedy đã bị ám sát. Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đã âm ỉ, rải rác khắp nước Mỹ nhưng ít được chú ý. Đến năm 1965, bên bờ sông Potomac, một thanh niên Mỹ tên là Morixon đã bế con gái Emily ra bãi cỏ rồi tự châm lửa đốt cháy mình thành ngọn đuốc chống chiến tranh. Cả nước Mỹ đã bùng lên theo ngọn lửa tự thiêu của Morixon. Lực lượng to lớn, với quy mô toàn quốc của phong trào phản chiến đã đưa người dân Mỹ rầm rộ xuống đường biểu tình và thực hiện nhiều hình thức phong phú khác để tỏ thái độ phản đối quyết liệt đối với chính quyền Mỹ. Phong trào đã bước sang bước ngoặt mới khi cuộc biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của sinh viên đại học Kent State (bang Ohio) bị đàn áp đẫm máu, ngày 4 tháng 5 năm 1970 vệ binh quốc gia Mỹ đã đàn áp, bắn chết 4 sinh viên và làm 9 người khác bị thương.

Khắp nước Mỹ có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh với 16 triệu thanh niên Mỹ tham gia chống quân dịch (lúc đó nước Mỹ có 27 triệu người trong tuổi quân dịch). Có 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại” cho chính quyền Mỹ, 75.000 người Mỹ trốn lính, chạy ra nước ngoài, trong đó có người sau này là tổng thống Mỹ, Bill Clinton.

Trong những người tích cực tham gia phong trào phản chiến có nhiều người tên tuổi. Ví dụ như Eronkite, Tổng biên tập đài CBS Evening News - hãng tin có uy tín nhất thế giới. Ông đã phát huy tối đa phương tiện thông tin này để tuyên truyền cho phong trào phản chiến. Nhiều thính giả trên thế giới tín nhiệm ông bởi tin tức do ông phát rất phong phú và khách quan. Hằng đêm có đến 20 triệu người nghe tin tức của ông phát trên đài truyền hình. Ông được dư luận bình chọn là được tin tưởng hơn cả tổng thống Mỹ.

Các bài viết của ông từ 1964 - 1967 về chiến tranh Việt Nam thường nói lên sự thật khách quan và chỉ trích vai trò, chính sách quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam được nhiều người theo dõi. Ông hướng dư luận Mỹ vào nhận thức là Mỹ không thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh “bẩn thỉu” này. Người Mỹ càng thấy rằng không thể thắng cuộc chiến tranh tốn kém và dai dẳng này được bởi sức mạnh chính nghĩa và ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam. Nhà cầm quyền Mỹ cũng bắt đầu thấm mệt khi vừa phải chống đỡ với nhân dân Mỹ vừa phải đối đầu với một dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất. Tháng 3 năm 1968, Jonhson không dám tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai để tìm cách rút khỏi “bãi lầy” chiến tranh Việt Nam, trút gánh nặng lên tổng thống kế tiếp, còn xảo quyệt hơn, tàn ác hơn là Nixon, trước khi phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Paris vào ngày 10/5/1968.

 Ngay từ năm 1965 khi  Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam, lúc đó đã có 5000 nhà khoa học phản đối việc rải chất độc hóa học. Ngày 15/5/1966 có hơn 12.000 người biểu tình chống lại chính sách của chính quyền Mỹ. Ngày 23/10/1967 có đến 30.000 người xuống đường gọi tổng thống Mỹ là “tên giết người”, chính phủ Mỹ là “bọn người gây chiến”. Ngày 12/4/1969, 32 thành phố lớn và cả NewYork biểu tình với hàng triệu người tham gia. Chính quyền Mỹ đã run sợ trước làn sóng chống xâm lược của nhân dân Mỹ. Những luận điểm của một số kẻ hiếu chiến trước đó, gọi những cuộc biểu tình chống chiến tranh là của “bọn quấy rối” “bị bọn cộng sản kích động, xúi dục” thì nay buộc phải thừa nhận “đất nước, dân tộc đã bị phân hóa” (a people divided). Nước Mỹ ghi nhận một bức tranh văn hóa bị phân rã, nước Mỹ bị cấu xé vì chiến tranh và phe ủng hộ chiến tranh trong chính phủ Mỹ thường ẩu đả nhau ngay trong các phiên họp chính phủ và Quốc hội.

 Suốt cuộc chiến tranh có đến 11 triệu người bị huy động phục vụ quốc phòng, hơn 2 triệu người (luân phiên) trực tiếp sang Việt Nam và đã có đến 200 ngàn người bị buộc tội. Có hơn 300 ngàn người tìm đủ mọi lý do để hoãn nhập ngũ bị từ chối, chỉ có 170 ngàn người hoãn được…

 Quân ngũ Mỹ ở Việt Nam cũng chống chiến tranh, chống lệnh của chỉ huy khi ra trận. Năm 1967, Hội cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh (Vietnam Veterans Against the war - VVAW) do 6 quân nhân Mỹ thành lập đã ra đời với 600 hội viên, và chỉ năm sau đã lên đến 1.300 người, vài năm sau đã tăng lên con số chục nghìn người. Ở thành phố Detroi, hơn 100 cựu chiến binh đã chiến đấu ở Việt Nam lên diễn đàn tố cáo tội ác của lính Mỹ (Đại hội vào tháng Giêng 1971) và ngày 19/4/1971 họ kéo về Washington DC biểu tình, cắm trại nhiều ngày trong công viên Potomac Park rồi tiến hành cùng với gia đình có con em chết trận ở Việt Nam đến nghĩa trang Arlington National Cemetery làm chính phủ Mỹ náo loạn; đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ cùng đoàn biểu tình ném trả huân chương cho Quốc hội Mỹ. Trong số người diễu hành và ném huân chương trả chính phủ có cả người về sau là ứng cử viên tổng thống.

Nhân dân Mỹ với lương tâm và trí tuệ đã thức tỉnh, theo thời gian họ đã nhận ra bị lừa dối, bị phản bội và họ đã phản đối. Ít có phong trào nào rầm rộ, rộng khắp và có quy mô to lớn như Phong trào Phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cùng với  nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, phong trào phản chiến Mỹ gây cho nhà cầm quyền Mỹ rất nhiều khó khăn trong khi tiến hành chiến tranh. Và phong trào phản chiến đã tạo nên một bức tranh văn hóa sinh động, rực rỡ của văn hóa Mỹ và thế giới ở cuối thế kỷ XX.

Thực ra Phong trào Phản chiến ở Mỹ là sự kết hợp và là đỉnh cao của các phong trào Phản văn hóa Mỹ thế kỷ XX, bắt đầu là sự phản ứng của tầng lớp trẻ đối với xã hội Mỹ.

Phong trào của Thế hệ bị đánh gục (Beat Generation) hay Những con tàu say (Drumken Boats)

Rầm rộ nhất, kéo dài suốt nửa cuối thế kỷ XX, có ảnh hưởng và tác động nhất trên thế giới là phong trào của Thế hệ bị đánh gục (Beat Generation). Phong trào này tạo cho văn hóa Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai một bức tranh đậm gam màu sặc sỡ của xã hội Mỹ. Bắt đầu từ những năm 60, nhiều nhà thơ, nhà văn bộc lộ thái độ lên án cuộc sống xã hội kỹ trị và tiêu dùng ở Mỹ. Người được coi là mở đầu cho phong trào này là nhà văn Jack Kerouac. Người kế tục là nhà thơ Alan Ginsberg và William Burroughs đã là tạo nên hạt nhân của Thế hệ bị đánh gục.

Các thành viên đầu tiên của phong trào này do Kerouac lãnh đạo đã tập hợp ở Quảng trường Thời đại (Times Square) New York hò hét, hút thuốc phiện, trai và gái không có áo quần, uống rượu say túy lúy và gào thét điên cuồng. Kerouac là tác giả của Tuyên ngôn (hay là Thánh Kinh - Bible) của phong trào Thế hệ bị đánh gục với bài thơ Lên đường (On the Road. 1957).

Bên cạnh các nhà văn, nhà thơ là các đạo diễn điện ảnh nổi tiếng như James Dean, Marlon Brando, các nhạc công, nhạc sĩ của nhạc Jazz thu hút hàng chục vạn thính giả yêu âm nhạc như Charlie Parker và Dizzie Gillespie tham gia biểu diễn trên đường phố và quảng trường cùng hàng nghìn người tụ họp mà không cần sân khấu và hóa trang. Lenny Bruce và Jackson Pollock đọc những tham luận chống lại những quy ước và phép tắc đạo đức trong tình dục, kêu gọi phá bỏ tất cả để con người được sống tự nhiên như nguyên thủy do trời đất và tạo hóa sinh ra. Bài thơ Tiếng gào rú (the bowl) của Ginsberg được Đài phát thanh Mỹ phát ra rả suốt ngày đêm cùng với nhiều bài thơ khác của ông làm cho nước Mỹ náo động. Những khúc ca mà ca sĩ danh tiếng Dylan hát vang khắp mọi thành phố Mỹ Thời gian là sự đổi thay (the Times they are a changing) làm đồng ca cho hàng vạn người cùng hát.

Phong trào của Thế hệ bị đánh bại lên đến đỉnh cao giữa những năm 50 - 60, sau đó hạ nhiệt để cho các phong trào phản văn hóa khác thay thế khi những thủ lĩnh như Jack Kerouac chết (1969), khi đã được dư luận Mỹ và thế giới thừa nhận phong trào này có nhiều yếu tố tiến bộ và hợp với văn hóa của thời đại. Chống chiến tranh lạnh, bảo vệ môi trường, chống phá hoại thiên nhiên bằng kỹ thuật và máy móc, đưa con người sống cân bằng với tự nhiên, kể cả tâm linh được đề cao trong nhận thức. Phần đông thành viên của phong trào này gia nhập vào đội quân chống chiến tranh Việt Nam ở nước Mỹ.

Phong trào Hippy

Ngay sau khi Thế hệ bị đánh gục đang đi đến hồi lắng xuống thì nước Mỹ đã lao vào cuộc chiến tranh Việt Nam, bằng việc đưa đội quân Mỹ sang một xứ sở xa xôi tận châu Á trực tiếp cầm súng bắt giết những người dân vô tội. Cùng với nó là hàng vạn thanh niên Mỹ bỏ xác, bị tật nguyền. Và họ đã phản ứng. Trong lòng nước Mỹ bên cạnh vấn đề xâm lược Việt Nam là những vấn đề mà Thế hệ bị đánh gục chịu đựng vẫn tồn tại tiếp tục… Một bộ phận thanh niên Mỹ đã tỏ thái độ phản đối quyết liệt… nhưng theo cách của họ và dấy lên Phong trào Hippy rộng khắp, quyết liệt và dữ dội nhất vào những năm 60 của thế kỷ XX.

Ngày 6/9/1965, lần đầu tiên Michael Fellon đã sử dụng danh từ Hippy trên báo ở San Francisco.

Phong trào Hippy lên đến đỉnh cao là cuối những năm 60. Ngày 7/7/1967, Tạp chí Thời đại (Time Magazine) đã đăng một bài xã luận tổng kết và đề cao phong trào này “Những người Hippy. Triết học của văn hóa thói quen”.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai cho rằng, phong trào Hippy ra đời do 2 nguyên nhân chính. Một là hậu quả của thời kỳ sau đại chiến thế giới thứ hai: Chiến tranh lạnh, bom nguyên tử và khủng hoảng niềm tin ở xã hội tư bản của cả phương Tây và nhất là ở Mỹ. Thế hệ trẻ những năm 60 không muốn chịu đựng những cái mà cha mẹ họ đã phải chịu. Và thứ hai là hậu quả trực tiếp của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Từ cái chết bí ẩn của Jonh Kennedy ở Dalas là sự nghi ngờ không lời giải đáp cho sự trung thực và dối trá của xã hội và pháp luật Mỹ. Thế hệ trẻ, nhất là sinh viên của các trường và viện đại học Mỹ thất vọng, không tin vào những rao giảng về đạo lý của những người lớn tuổi. Họ phản ứng bằng thuốc phiện, tình dục và nhạc Rock and Roll và nổi loạn chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sự tuyên truyền dối trá của chính quyền Mỹ hàng ngày qua truyền thanh, truyền hình bị họ tẩy chay. Chiếc T.V ở Mỹ được họ gọi là “Cái hộp ngu xuẩn” (Idiot box). Khẩu hiệu của những người Hippy là “Never Trust anyone over 30” (Không tin ai quá tuổi 30). Họ không chấp nhận những khái niệm đúng, sai, tốt, xấu của cha anh ngày ngày phán xét.

Phong trào Hippy ra đời ở quận Greenwch Village của New York City và quận Hight Ashbury của San Francisco sau đó lan khắp nước Mỹ. Các thành viên của nó đông đến hàng chục vạn người đã tham gia tích cực nhất trong Phong trào Phản đối chiến tranh Việt Nam.

 Những người theo lối sống hippy tập trung thành từng nhóm, sống thành bầy đàn, trước hết thể hiện ở lối sống (lifestyle) để chống lại lệnh quân dịch đưa họ sang Việt Nam tham gia chiến tranh. Họ hướng về Phật giáo và các giá trị văn hóa tôn giáo của Mỹ. Họ ăn mặc dị hợm, áo quần sặc sỡ màu sáng chói, thắt lưng đính khuy, áo sơ mi buộc túm. Họ nghe những bản nhạc chối tai, kì cục. Họ biểu diễn và nhảy múa ngoài đường phố, không có sân khấu hoặc bất kỳ nơi nào. Những điệu nhảy Human Be - In và Woodstock Festival ở New York là những đêm dạ hội động trời như kiểu Dạ hội Con người bùng cháy. Họ sống chung chạ giữa nam và nữ, thể nghiệm tình dục tự do, họ hút thuốc phiện, chích ma túy, tuyên bố trở lại với nguyên sơ, nguyên thủy của loài người. Họ để tóc dài (nam) hoặc đầu trọc (nữ) và gào thét nhạc Rock and Roll và mê nhạc của Bob Dylan, nhạc sĩ và thần tượng của họ suốt mấy chục năm. Tymothy Laery - Giáo sư Viện Đại học Haward là lãnh tụ tinh thần của họ. Trong các mùa hội tháng Giêng 1967 ở Công viên Cổng vàng (San Francisco) và “Mùa hè yêu đương” ở dọc suốt bờ biển Đại Tây Dương nước Mỹ có tới nửa triệu thanh thiếu niên Mỹ tham gia suốt mấy chục ngày đêm. Sau các dạ hội họ gia nhập vào các đoàn biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam làm cho chính quyền Mỹ đau đầu, không dám đàn áp vì họ quá đông lại chỉ biểu tình ôn hòa, tay không.

***

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt gần nửa thế kỷ. Mỹ đã thất bại khi đại sứ Martin cuốn lá cờ của nước Mỹ trên nóc tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, leo lên máy bay trực thăng chạy trốn. Chiến thắng thuộc về nhân dân Viêt Nam, nhưng nhân dân Mỹ cũng đã góp phần quan trọng qua các Phong trào văn hóa và Phản văn hóa. Về văn hóa Mỹ, từ Hội chứng Việt Nam (Vietnam sydrom) đã và đang ám ảnh nước Mỹ chưa bao giờ lắng dịu trong đời sống xã hội. Trước các cuộc chiến tranh Cosovo, chiến tranh Apganistan, chiến tranh Irac, chiến tranh chống bọn khủng bố ở Syria, bao giờ người ta cũng nhắc nhở chính quyền Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, khi Venezuyela xẩy ra lộn xộn, nước Mỹ có dự định đem quân đội vào thì ông Tổng thống không được lòng dân là Maduro lại cảnh cáo: Mỹ không muốn có một Việt Nam nữa chứ?

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy