Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
00:56 (GMT +7)

Ca khúc cách mạng: Sức sống mạnh mẽ và bền lâu

VNTN- Ca sĩ Trọng Tấn người được biết đến là một trong những ca sĩ của làng nhạc trẻ Việt Nam, thể hiện thành công nhất các ca khúc cách mạng, từng chia sẻ: Được thể hiện những ca khúc gắn liền với những trang sử vàng đất nước khiến tôi luôn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Và không chỉ có ca sĩ Trọng Tấn hạnh phúc khi hát những ca khúc cách mạng, mà ngay cả người nghe anh thể hiện những ca khúc “đi cùng năm tháng ấy” cũng có chung những xúc cảm tương tự, để rồi tự hỏi, điều gì đã làm nên sức sống bền lâu của những ca khúc cách mạng này?

Lan tỏa những giá trị sống cao đẹp

Ngược dòng lịch sử âm nhạc, ca khúc cách mạng xuất hiện ngay từ “buổi bình minh” của tân nhạc Việt Nam với sự ra đời của ca khúc Cùng nhau đi hồng binh do nhạc sĩ Đinh Nhu sáng tác. Sau Cùng nhau đi hồng binh đến Tiến quân ca của Văn Cao, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Lên đàng của hai tác giả Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng... Đây đều là những ca khúc tiếp thêm ngọn lửa cách mạng, ý chí đấu tranh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành độc lập - tự do cho dân tộc. Vào thời điểm ấy, nhiều ca khúc cách mạng được ví như tiếng kèn xung trận, là lời thề sắt son giữa tuyền tuyến, hậu phương. Đó là hình ảnh của những người lính “Ra đi đầu không ngoảnh lại”, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Nào có sá chi đâu ngày trở về/ Ra đi ra đi báo thù sông núi/ ra đi ra đi thà chết chớ lui” .

Chương trình hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc 2020 diễn ra tối 22/8/2020.

Những lời ca hào sảng ấy đã giúp nhân lên sức mạnh kết đoàn, làm vững hơn bước chân của những người lính. Và hơn cả, là đắp bồi thêm niềm tin chiến thắng ở những người đang ngóng đợi nơi hậu phương, cho một ngày Bắc - Nam sum họp một nhà. Ca khúc cách mạng giống như con dao pha, cùng toàn quân, toàn dân thẳng tiến, đạp bằng chông gai, dẫm lên cái chết, giành chiến thắng vang dội. Ca khúc cách mạng cũng vì thế mà ăn sâu, bén rễ trong biết bao thế hệ người con đất Việt trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Mỗi bài hát giống như một thông điệp khát khao hòa bình, tự do vang lên không khỏi khiến người nghe xúc động, dù cho đó là lời ca trên chiến hào, dọc đường hành quân, hay đôi bờ Hiền Lương vẫn còn đang chia cắt. “Ðất nước 4000 năm ôi tự hào biết mấy/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/ Còn gì đẹp hơn, còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/ Ðảng ta đó hân hoan một niềm tin”… (Lá cờ đỏ sao vàng của nhạc sĩ Văn An). Sau Lá cờ đỏ sao vàng, hàng loạt những ca khúc của các nhạc sĩ: Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Phan Huỳnh Ðiểu, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Vũ Trọng Hối, Xuân Hồng, Huy Thục, Doãn Nho, Trần Chung, Xuân Giao, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Hà... đã phần nào minh chứng cho sức mạnh to lớn và sức lan tỏa của ca khúc cách mạng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do như chúng ta đã thấy. Bằng những bài hát mang âm hưởng anh hùng ca, các nhạc sĩ đã hiệu triệu mọi trái tim con dân Việt Nam nhất tề đứng lên đập tan mọi áp bức bất công, bẻ gẫy xiềng xích để trở thành người tự do, viết tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Những lời ca thanh thoát, mềm mại, sâu lắng cả về ca từ lẫn giai điệu giống như lớp phù sa thấm đẫm tâm hồn người dân đất Việt. Giá trị nghệ thuật của những bài hát được xác định, khiến chúng có sức lan tỏa mạnh mẽ theo cả độ dài năm tháng và chiều sâu lòng người “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than/ Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang/ Loài phát-xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình/ Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình/ Đồng bào tuốt gươm vùng lên/ Đã đến ngày trả mối thù chung” ( Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi).

Đến những giá trị lâu bền

Nhiều năm gần đây, ca khúc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng, những bài hát mà công chúng thường gọi một cách trìu mến là "nhạc đỏ" đã trở lại mạnh mẽ, hòa nhập rộng rãi hơn bao giờ hết vào nhịp sống đời thường. Thêm vào đó là hàng loạt những ca khúc mới mang âm hưởng nhạc cách mạng cũng lần lượt xuất hiện, như một minh chứng cho sức sống lâu bền của dòng nhạc cách mạng trong đời sống âm nhạc hiện nay. Có thể điểm qua một số ca khúc như: Tổ quốc gọi tên mình của nhạc sĩ Trần Trung Cẩn, Miền xa thẳm của Đức Trịnh, Gió lộng bốn phương của Trần Mạnh Hùng. Những ca khúc không chỉ với lời ca đi vào lòng người mà âm hưởng của nó cũng khiến triệu triệu trái tim thổn thức. “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình /Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Bão tố dập dồn, giăng lưới bủa vây/ Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau”. Những ca từ thấm đẫm tình đất, tình người, hào sảng nói trên đã và đang cho thấy không chỉ sức sống bền bỉ của dòng nhạc cách mạng mà còn khẳng định vị thế thường trực không thể thay thế của dòng nhạc yêu nước trong tâm khảm nhân dân. Nói như NSND Tạ Minh Tâm, ngọn lửa cách mạng sục sôi từ những bài hát tràn trề nhiệt huyết ấy luôn được thắp lên trong mỗi con tim chan chứa yêu thương không chỉ của nhạc sĩ mà của chính ca sĩ, người nghe.

Bên cạnh những ca khúc cách mạng mang âm hưởng hoành tráng, thể hiện khí thế chiến đấu với tinh thần lạc quan chiến thắng, còn nhiều ca khúc mang tinh thần ngợi ca, giàu chất trữ tình, mang âm hưởng dân gian với nhiều đề tài khác nhau, đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho dòng nhạc cách mạng. Với Tổ quốc gọi tên mình, hay Miền xa thẳm và gần đây nhất Nơi đảo xa, Tổ quốc nhìn từ biển... đã chứng minh cho sức sống mãnh liệt của dòng ca khúc cách mạng trước sự lấn sân có phần không khoan nhượng của nhạc thị trường. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho rằng, bí quyết để ca khúc cách mạng đi vào lòng công chúng, đặc biệt là giới trẻ, đó là: “Ca khúc phải được viết bằng ngôn ngữ âm nhạc của giới trẻ hiện nay”.

Trên thực tế, dòng nhạc cách mạng đang sở hữu một lượng ca khúc đi cùng năm tháng hết sức đồ sộ. Để làm mới dòng nhạc cách mạng, sự thể hiện của các ca sĩ được cho là một hướng đi đúng và trúng, nhưng nếu chỉ loay hoay với phối khí, thể hiện cái mới qua phần đệm cho piano hay hát theo phong cách thính phòng pha với jazz... thì dòng ca khúc này cũng cần được bổ sung một lượng ca khúc mới có chất lượng, mang hơi thở thời đại, đủ để tạo sự rung động và sức lan tỏa.

Theo đạo diễn Trần Vi Mỹ (người dành nhiều tâm huyết cho các chương trình thể loại nhạc này), thì: Sự yêu mến hay trở lại của dòng nhạc nói trên rất dễ hiểu vì phản ánh đúng hiện tượng, câu chuyện, tâm lý khán giả trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó là ý nghĩa thiêng liêng của ca khúc ngấm vào lòng người. Còn NSND Tạ Minh Tâm trong tham luận tại Đại Hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại cho rằng, cần có một giải pháp mang tính đồng bộ trong công tác quản lý, khuyến khích sáng tác, tổ chức thêm những sân chơi riêng... để góp phần cân bằng đời sống âm nhạc. Cần nhận thức rằng, dòng ca khúc cách mạng với giá trị và sức mạnh của nó đã được lịch sử chứng minh, vẫn rất cần cho đời sống hôm nay.

Ghi nhận từ đời sống âm nhạc hiện nay cho thấy, dòng nhạc cách mạng không hề bị khuất lấp giữa bộn bề của cuộc sống đương thời, mà trái lại, luôn rạo rực, luôn được công chúng trẻ đón nhận. Bằng chứng là có rất nhiều những chương trình ca nhạc được thực hiện như “Những bài ca đi cùng năm tháng”; “Đường chúng ta đi”; “Giai điệu Tổ quốc”; “Rạng rỡ Việt Nam” và ở đó, các bài hát một thời đạn bom rực lửa vẫn mang vẹn nguyên sức hấp dẫn, lôi cuốn lòng người. Công chúng trẻ hôm nay, bằng trách nhiệm công dân và sự nhiệt thành hiếm có, bằng tình yêu với dòng nhạc cách mạng, tiếp tục quảng bá, lan truyền để những ca khúc bất hủ đi xa hơn. Tuy nhiên, trước sự hội nhập sâu rộng của cả hệ thống chính trị, xã hội, NSND Tạ Minh Tâm cũng không khỏi lo ngại: Ca khúc cách mạng là dòng ca khúc kén khán giả, thậm chí nó còn bị một số đối tượng tiêu cực quay lưng chống phá, nhưng thực tế ca khúc cách mạng là mảng âm nhạc được Đảng và Nhà nước ta sớm xác định là trọng tâm và đã có nhiều chủ trương hiệu quả trong việc khuyến khích sáng tác, biểu diễn trên cả nước. Ca khúc cách mạng hiện diện trong tất cả các chương trình nghệ thuật trọng tâm của các địa phương và được thổi vào hơi thở hiện đại của cuộc sống và hoàn cảnh mới, giúp cho các tác phẩm ấy có thêm sức sống và thu hút được khán giả thuộc thế hệ trẻ...

 

Một tiết mục biểu diễn ca khúc cách mạng trong Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên. Ảnh: QK.

Ngày nay, những ca khúc cách mạng được tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình. Đó là từng bước, từng bước thấm sâu vào tâm hồn người Việt, giáo dục tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, lan tỏa tới những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, những người quan tâm và yêu mến Việt Nam. Đã đến lúc, nhạc cách mạng cần có thêm những đổi mới. Sự đổi mới từ đội ngũ nhạc sĩ và những nhà sản xuất âm nhạc trong sáng tác và thể hiện ca khúc, kết hợp với các loại hình nghệ thuật như : Múa, Xiếc... nhằm đem đến cho khán giả những xúc cảm mới lạ, hấp dẫn. Đồng thời sự đổi mới từ phía người nghe cũng cần phải được thực hiện song song, để có thể chọn lựa và sẵn sàng tiếp nhận dòng nhạc chính thống, chỉn chu về ca từ, nhạc lý. Có như vậy sức sống bền bỉ và những giá trị nghệ thuật của dòng nhạc cách mạng mới tiếp tục được tỏa sáng.

Nguyễn Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy