Bước tới kỷ nguyên vươn mình cất cánh
Trước thềm đại lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 79, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong vai trò và trọng trách mới, đã chủ trì Hội nghị triển khai xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, liền sau đó là Hội nghị gặp mặt các vị nguyên lão. Tại hai sự kiện quan trọng này, cụm từ “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” đã được đưa ra. Đất nước sắp bước sang năm thứ 80 trong lịch sử hiện đại của mình. Hướng tới thời điểm 100 năm ra đời nước Việt Nam mới thì khoảng thời gian 20 năm kể từ nay đến dấu mốc ấy sẽ là một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hành trình vươn mình và cất cánh bay lên.
Những xung lực mới mẻ từ tư duy và nhận thức thực tiễn mới
Trong định hướng xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo: Cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung.
Văn kiện Đại hội Đảng mang tính chất đường lối chiến lược lớn nhất với yêu cầu mới trong thời kỳ tới là: Phải kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc, nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra phương pháp cho cách mạng Việt Nam; Phải kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn trong thời đại mới; Đường lối phát triển trong thời kỳ mới phải lấy thực tiễn là thước đo kiểm nghiệm chân lý, nắm bắt xu thế vận động của thời đại để tạo động lực phát triển mới; Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập; Phải kiên định lập trường, quan điểm và thực hành dân là gốc, nhân dân là chủ thể trung tâm của công cuộc đổi mới, mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển; Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, lợi ích quốc gia, dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết.
Như vậy, cùng với việc khẳng định đất nước đang chuẩn bị bước tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của vươn mình phát triển, chúng ta cũng nhận ra nhiều xung lực mới mẻ từ tư duy và nhận thức mới. Đó là tôn trọng quan hệ phổ quát kinh tế chung toàn cầu, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thêm vào những yêu cầu mới về hiện đại và hội nhập. Đó là phải xuất phát từ những bài học quý giá từ thực tiễn bảo vệ và xây dựng đất nước, từ chính thực tiễn Việt Nam để định ra con đường phát triển của nước ta trong bối cảnh thế giới vẫn nhiều biến động. Đó là đề cao quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo kiểm nghiệm chân lý, nắm bắt xu thế vận động của thời đại để tạo động lực phát triển mới…
Kỷ nguyên phát triển mới sẽ được tiếp thêm nhiều động lực mới với dấu ấn tư tưởng và tầm nhìn mới. Nếu chúng ta đồng lòng nhất trí, tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc trong tâm thế đoàn kết nhất trí và sôi động tinh thần kiến quốc thì sẽ hội tụ được thời cơ và vị thế hiện nay, từ đó tạo lập nên những thành quả kỳ vĩ mới trong công cuộc dựng xây cơ đồ trên giang sơn ngàn đời nay.
Kỷ nguyên mới của tinh thần kiến quốc
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã đi qua rất nhiều cuộc chiến tranh với kẻ thù xâm lược. Chiến thắng của Việt Nam trước các đội quân xâm lược là chiến thắng của tinh thần yêu nước, là biểu tượng của ý chí không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù để bảo vệ toàn vẹn giang sơn, bờ cõi. Tinh thần yêu nước chính là cốt lõi của nền văn hóa cứu quốc, là chính nghĩa làm nên sức mạnh, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, là cội nguồn của sức mạnh bền bỉ vô song để giành chiến thắng...
Trong lịch sử, đất nước Việt Nam đã có nhiều thời kỳ thịnh trị phát triển. Người Việt luôn nung nấu giấc mơ hùng cường, thịnh vượng. Trong tinh thần và văn hiến cốt lõi Việt Nam luôn có những dòng chảy mạnh mẽ của tinh thần và ý chí kiến quốc.
Thời hiện đại, ngay sau khi thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, thì đến ngày 25/11/1945, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị “Kháng chiến và Kiến quốc”. Cùng với phát động phong trào xây dựng nền văn hóa mới với chủ trương “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, thì tinh thần “Kháng chiến và Kiến quốc” song hành đã làm nên sức mạnh kỳ diệu của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.
Sau khi hoàn thành mục tiêu đánh đuổi quân đội thực dân Pháp xâm lược, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, tinh thần “Kháng chiến và Kiến quốc” đã được phát triển lên cao trào, thành công cuộc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để làm hậu phương lớn phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, giành lấy độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Công cuộc vĩ đại này đã đại thành công bằng Chiến thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975.
Sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước ta đã đi lên từ những hoang tàn và đổ nát. Tinh thần “Kháng chiến và Kiến quốc” đã trở thành một nguồn lực sáng tạo và tập trung tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ ban đầu, đặt nhiệm vụ kháng chiến lên trên hết và trước hết, rồi đến đặt đồng thời vừa kiến thiết vừa kháng chiến, thì đến hiện nay, nhiệm vụ xây dựng đất nước đã được chuyển thành mục tiêu đầu tiên. Xây dựng đất nước phát triển để đáp ứng nhiều nhiệm vụ và mục tiêu của quốc gia, trong đó có xây dựng quốc phòng vững mạnh để bảo vệ độc lập và chủ quyền toàn vẹn giang sơn bờ cõi…
Công cuộc Đổi mới vượt thoát khỏi những ấu trĩ và lạc hậu đã gỡ bỏ những rào cản để mở cửa hội nhập với thế giới. Với những thành tựu từ đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận năng động, ổn định, được chào đón trên toàn cầu. Đây cũng là đã đến một thời kỳ hội tụ cơ hội để dấy lên công cuộc kiến quốc lớn lao mà xây dựng đất nước, vươn mình sánh vai với thịnh vượng toàn cầu.
Công cuộc chấn hưng và phát triển văn hóa, lấy văn hóa làm định hướng và động lực cho phát triển hướng đến mục tiêu thịnh vượng, rất cần chú trọng những tiếp biến để tiếp nối, phát huy văn hóa cứu quốc lên một tầm cao mới, bổ sung những giá trị của thời đại, hình thành nên nền văn hóa kiến quốc thời đại mới.
Văn hóa kiến quốc sẽ là nền tảng vững chắc cho tri thức, tinh thần sáng tạo và tập hợp đoàn kết toàn dân, tạo lập những phát kiến mới mẻ để phát triển và cũng là mục tiêu của sự nghiệp kiến quốc. Văn hóa Việt Nam vừa bắt nguồn từ lịch sử văn hiến mấy nghìn năm của dân tộc, đồng thời gắn chặt với thực tiễn phát triển đất nước hiện nay. Con người Việt Nam thời đại mới cần phải tiếp thu nguồn sức mạnh mềm trong truyền thống văn hóa cứu quốc chuyển sang tạo dựng và hình thành những phẩm chất mới của nền văn hóa kiến quốc.
Lấy văn hóa doanh nhân làm nòng cốt cho bồi đắp văn hóa kiến quốc
Văn hóa kiến quốc trong thời đại hiện nay có thể được định hình theo một cách hình dung mới. Văn hóa kiến quốc chính là nền văn hóa mới với văn hóa doanh nhân là một trong những yếu tố cốt lõi được nâng cao lên hòa hợp với tinh thần kiến quốc, làm nên những cảm hứng và sức mạnh bền bỉ hun đúc khởi nghiệp trong cộng đồng xã hội hướng đến thành công trong phát triển chung của quốc gia.
Văn hóa doanh nhân, ngoài yêu cầu là nền tảng cho việc hình thành nên con đường phát triển đúng đắn của doanh nghiệp, định hướng cho doanh nghiệp lựa chọn chính xác hướng đi, lĩnh vực và đối tác, giúp cho doanh nghiệp trụ vững trước những thách thức, khó khăn và tăng tốc khi gặp điều kiện thuận lợi, thì văn hóa doanh nhân tiên tiến còn phải đề cao sự đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của quốc gia qua sự tỏa sáng của tinh thần kiến quốc.
Văn hóa doanh nhân sáng tạo, hòa quyện và thúc đẩy tinh thần, ý chí kiến quốc phải là rường cột của nền văn hóa kiến quốc, là yếu tố cốt lõi của công cuộc kiến tạo quốc gia hiện đại. Tầng lớp doanh nhân là chủ thể tiên phong trong chấn hưng, xây dựng và lan tỏa văn hóa kiến quốc. Trong thời đại hội nhập toàn cầu và kinh tế số hiện nay, văn hóa doanh nhân Việt Nam đang thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ và liên thông thị trường. Các doanh nghiệp càng cần vươn tới một nền văn hóa linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận để thích ứng hơn nữa.
Cổ vũ, tạo điều kiện kiến tạo tinh thần và văn hóa kiến quốc là cổ vũ, tạo điều kiện phát triển cho những doanh nhân như những tấm gương khởi nghiệp, bền bỉ và sáng tạo một cách công chính, vượt qua những rào cản, khó khăn để mang lại thành tựu cho doanh nghiệp của mình và đồng thời đóng góp cho công cuộc phát triển chung. Đó là những doanh nhân, doanh nghiệp đã tạo nên được những sản phẩm, thương hiệu quốc gia, mang lại niềm tự hào cho người Việt khi chiếm lĩnh thị trường hoặc chuỗi giá trị toàn cầu, có đóng góp lớn trong bảo vệ môi trường, giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan, thiên nhiên đất nước, biết khai thác và bảo toàn nguồn tài nguyên quý giá chung, đi đầu trong tiếp nhận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào quy trình sản xuất kinh doanh, đi tiên phong trong ứng dụng các hình thái kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
***
Đường lớn đã mở! Trước mắt vẫn còn rất nhiều ngổn ngang các vấn đề phải xử lý, nhưng đã rõ ràng, kiên định hướng đến cho những chân bước đi tới! Hành trình 80 năm đi qua chông gai và máu lửa của người Việt trong lịch sử hiện đại, hành trình tạo lập nên thời cơ và vị thế của đất nước Việt Nam hôm nay, tiếng gọi của khát vọng thịnh vượng trong những giấc mơ thịnh trị của tiền nhân, đã mang đến cho chúng ta những trải nghiệm và nhiều bài học quý báu. Một kỷ nguyên mới đang dần hiện ra trong tâm thế dân tộc cùng đồng lòng trong mạnh mẽ tinh thần kiến tạo và sinh động văn hóa kiến quốc. Đó sẽ thật sự là một khởi điểm lịch sử mới, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình bước tới văn minh và thịnh vượng của đất nước ta.
Nguyễn Thành Phong
2 đã tặng
1
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...