Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
18:11 (GMT +7)

Bụi tre ngà

Ké Thảo cố lết tấm thân gầy như cành củi khô ra khỏi cửa, giương đôi mắt đục mờ nhìn từng cây tre cao vút vàng óng bị đốn hạ. Chỉ một lúc nữa thôi cả gốc tre cũng sẽ bị cái máy xúc bứng hết cả gốc rễ lên, gạt xuống cái hũm sâu góc vườn. Mảnh vườn này sẽ biến thành rẫy trồng ngô, khoai, làm nhà cửa hay làm gì ké cũng không biết nữa. Vậy là bụi tre cuối cùng của bản Mang cũng bị chặt hạ rồi. Từ nay bản sẽ chẳng còn bụi tre nào nữa, sau này muốn tìm cây tre già vàng óng để làm cái đòn gánh cũng khó hơn cả việc tìm cây gừng núi mọc trên đỉnh núi cấm quanh năm mây mù bao phủ.

Bụi tre ngà
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Ké Thảo là một một nghệ nhân dân gian, bàn tay ké đã đan hàng ngàn cái sọt, cái nong, nia, gọt đẽo hàng ngàn cây đòn gánh từ những gốc tre già bán cho người trong bản xa bản gần. Cả đời ké gắn liền với con dao, cái cuốc, một ngày ké không được cầm vào con dao là đôi tay gầy guộc cảm thấy thừa thãi. Những cây vầu, cây nứa dù xấu nhưng qua tay ké đều thành những cây lạt tốt đan thành những cái sọt, tấm cót phơi thóc đẹp, bền chắc. Những cái nong, nia, sàng, thúng, giỏ, ... của ké làm ra bày bán ở góc chợ theo người đi khắp muôn nơi. Có cái còn theo khách du lịch đi ra nước ngoài.

Ké muốn giữ lại một lũy tre làng, nhưng tiếng nói của người già đâu vào tai của lớp người trẻ tuổi. “Tre vầu giữ để làm gì? Đâu còn nhà sàn, nhà mái ngói máng nữa đâu mà cần đến dui? Đồ dùng thì ra ngoài phố chợ mua đồ nhựa, đồ inox vừa rẻ vừa tiện lợi. Bố muốn giữ lại vườn vầu, bụi tre để làm nơi trú ngụ của loài muỗi rừng à? Bố không nghe ti vi nói suốt ngày muỗi là vật truyền bệnh sốt xuất huyết, nhiều người phải nhập viện, có ca tử vong đó à? Phá đi để làm vườn trồng khoai, trồng ngô không tốt hơn à”. Ké không nói lại hai người con trai và mấy đứa cháu. Chúng nó nói không sai. Không ai có thể cưỡng lại được xu thế của thời đại. Xây dựng nông thôn mới, người ta thi nhau phá bỏ nhà sàn để xây nhà tầng. Đường bản được bê tông hóa, kênh mương được bê tông kiên cố, giờ muốn kiếm một bữa cá, bữa tép cũng khó. Xây dựng nông thôn mới có nhiều cái hay cái đẹp, ké biết thế, nhưng vẫn cảm thấy tiếc nuối.

***

Nhiều người đi qua bản Mang vẫn nói rằng bản này ít nhà cửa. Họ nói cái bản của ké không có quá hai mươi nóc nhà. Nhưng sự thật thì bản có gần năm mươi ngôi nhà sàn. Có ngôi nửa nhà đất, nửa nhà sàn, tùy vào địa hình đất nền nhà. Người đi qua đường chỉ nhìn thấy những mái nhà sàn lợp ngói âm dương thấp thoáng sau những lũy tre xanh, ngọn vầu, ngọn nứa. Họ không nhìn thấy những ngôi nhà bị lớp lớp tre, vầu, mai che khuất, những ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng cây. Cây vầu, cây tre, cây mai vừa giúp gia đình có cái làm dui để lợp ngói sau vài năm nắng mưa làm cho mục nát, cần phải thay thế, đảo ngói. Mùa măng cho người bản có được nguồn măng sạch để ăn. Ké đã nhờ măng vầu, tre, mai, ngải cứu, rau rừng, củ mài lớn lên. Tre vầu đã cưu mang cuộc sống của người bản Mang ta. Cái bản nằm nơi rốn gió, mùa gió càn rỡ ngày đêm không nghỉ. Những ngọn gió như những bàn tay ma quái xé, giật tung mái ngói. Không có những lũy tre, vườn vầu những ngôi nhà sàn sẽ không thể chống đỡ, mái ngói nhà sàn sẽ bị tốc từng mảng. Lũy tre đã làm giảm đi sức gió, ngăn gió thổi trực tiếp vào những ngôi nhà sàn.

Hồi ké còn trẻ, mở mắt ra là nhìn thấy lũy tre, vườn vầu ngút ngàn, ké cảm giác người bản Mang được che chở. Ké mang ơn những bụi tre xanh. Tre đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của ké và những người luống tuổi. Đi đâu ké Thảo cũng tự hào mình là người của sau lũy tre làng. Tận mắt nhìn những lũy tre bị đốn hạ, ké xót và buồn lắm. Ké muốn giữ lại những bụi tre trên đất của gia đình, chỉ một bụi thôi cũng được. Nhưng các con, cháu đã lấy đi chút kỷ niệm còn xót lại của ké. “Ông ơi ông lạc hậu quá rồi. Bản mình giờ có con đường quốc lộ đi qua, nhà xây cao tầng hiện đại, động đất đến cũng không lo lắng nhà bị sập. Ông việc gì phải hoài niệm về những ngôi nhà sàn cũ kỹ vậy. Ông nên lưu lại trong mình những ngôi nhà tầng xây hiện đại, sơn màu đẹp mắt thôi”. Thằng cháu nội đang học lớp 9 nói với ké.

Ké muốn giữ lại ngôi nhà sàn, muốn giữ lại bụi tre làng là lạc hậu ư? Người Tày vùng cao mình từ lâu đã không còn mặc quần áo chàm rồi, giờ bỏ hết nhà sàn, phá hết lũy tre xanh thì còn gì là nông thôn, bản quán? Hóa ra trong mắt của lũ trẻ ranh bây giờ chỉ có những ngôi nhà tầng, nhà càng xây cao tầng, xây càng đẹp mới là suy nghĩ tức thời. Chúng nó quên ông cha nó đã từng sống trong những ngôi nhà sàn, ăn măng tre, măng vầu, măng mai, uống nước mỏ mà lớn lên, dựng vợ gả chồng sinh con đẻ cái mới có chúng nó ngày hôm nay. Giờ chúng nó không muốn ở nhà sàn, phá bỏ lũy tre xanh, không muốn nói tiếng Tày nữa. Thế này thì chúng nó mất gốc rồi. Bao nhiêu công sức của ông cha chúng phủi sạch, chúng nó muốn phá bỏ hết những cái cũ kỹ còn sót lại của bản. Vậy mà hằng ngày chúng nó luôn mồm cần phải giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc. Đến tiếng nói còn không muốn lớp trẻ học thì giữ gìn cái gì? Bản sắc văn hóa nó ở ngay trong bản, trong mỗi người chứ có xa xôi gì đâu. Bụi tre cuối cùng nó cũng phá, nhưng còn cái nhà này chúng còn lâu mới động vào được.

Ké không ngăn được thằng Thuận phá bỏ nhà sàn để xây nhà tầng. Thấy anh phá bỏ nhà sàn thằng Duy cũng muốn làm theo. Nhưng ké khuyên can không cho dỡ. Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất thôi. “Bố già rồi sống được bao nhiêu lâu nữa đâu. Khi nào ông qua đời chúng ta muốn dỡ thì còn ai ngăn cản nữa”. Thằng Duy động viên vợ, rồi tự tay san đất dựng một ngôi nhà cấp bốn ở tạm, đợi ngày bố quy tiên... Chúng muốn ở nhà tầng thì cứ xây lên. Ké sinh ra ở nhà sàn, lớn lên ở nhà sàn, chết cũng sẽ chết trong ngôi nhà sàn do bàn tay của bố và ké gây dựng nên. Từng cây cột gỗ nghiến khai phá ở trong núi xa cách bản hàng cây số, phải nhờ hàng chục người trong bản giúp khiêng về, tốn không biết bao nhiêu gạo, bao nhiêu chum rượu ngon với anh em trong bản mới có đủ bộ cột khung hai mươi tư cột rặt toàn gỗ nghiến. Tám cây kèo và mấy chục cây hoành do đôi bàn tay của bố con ké dùng cưa tay một mái xẻ ra, đôi vai của ké vác từ núi về. Để làm một ngôi nhà sàn làm bằng gỗ nghiến gỗ lim phải chuẩn bị cả chục năm trời, đâu phải ngày một ngày hai mà chúng nó muốn phá bỏ là phá bỏ, không chút mảy may nuối tiếc? Chúng nó có được vác cột, vác kèo, vác từng cây hoành ở núi cao về đâu mà thấy tiếc. Chúng nó chỉ biết giờ ở nhà sàn, trát vách đất là bẩn, lỗi thời, chứ làm sao biết được công sức ông cha không thể đong đếm bỏ vào ngôi nhà sàn. Chúng nó đã quên đã từng đẻ trên nhà sàn, lớn lên trong nhà sàn rồi. Ké buồn vì ké Khoan không giữ được ngôi nhà sàn sáu gian đẹp nhất bản. Ngồi bên bếp lửa nhâm nhi chén chè nóng, ké Khoan ngậm ngùi.

- Ké Thảo à, tôi cũng muốn giữ lại ngôi nhà sàn do chính mình làm ra lắm. Nhưng mình già rồi chỉ giữ đằng lạng, không cầm đằng cân được nữa. Chúng nó dỡ đi để làm nhà tầng tiện lợi hơn, mình không phải lên xuống cầu thang sàn nhà mỗi ngày mà.

- Ké không thấy tiếc, không nhớ đến ngôi nhà sàn mà chúng ta đã bỏ bao nhiêu tâm sức vào đó ư?

- Tiếc thì người già chúng ta làm được gì hả ké? Già cậy con, chúng muốn làm gì thì cứ làm. Chăm sóc, lo cho bố mẹ già là trách nhiệm của con cái mà, chúng đâu thể chối bỏ?

Ké tỏ ra đăm chiêu về những lời của ké Khoan, nó không hoàn toàn vô lý. Ké Khoan có thể xuôi theo những lời lẽ đẹp đẽ của con cái. Còn ké thì không. Đất ở bản đâu có hẹp như đất thành phố, chúng muốn làm nhà ở chỗ nào mà chẳng được. Đất vườn rộng thế kia, lẽ nào không làm được nhà tầng mà cứ phải nhất quyết phá dỡ ngôi nhà sàn đi để lấy đất làm nền nhà mới. Ké Khoan là người ít xem ti vi, đọc báo, quan tâm đến sự đời, con cái nói gì cũng ờ cũng gật. Nhà của bố mẹ mặc nhiên là nhà của con cái, nhưng nhà của con cái không phải là nhà của cha mẹ. Có lẽ ké Khoan không biết đến những lời này.

Mỗi khi có ngôi nhà sàn trong bản được dỡ xuống, ké cũng chống gậy đến xem. Ké tiếc những bộ cột nghiến trở thành củi đốt. Ké vui khi bộ khung ngôi nhà được người Nùng An mua lại, rồi ngôi nhà sàn sẽ được hồi sinh trên nền đất mới. Bây giờ chúng nó có tiền có thể làm nhà tầng, một cuộc gọi điện là người ta chở xi măng, sắt thép, gạch đến tận nơi, miễn là chủ nhà có tiền chi trả. Nhưng có tiền giờ cũng khó kiếm bột cột gỗ nghiến để làm nhà sàn, đất rừng, núi đã được phân quyền quản lý khai thác, sử dụng. Rừng, núi giờ cũng chẳng còn gỗ nghiến để khai thác nữa. Những ngôi nhà sàn một thời ké và những người bạn già cảm thấy hãnh diện sẽ chỉ còn lại trong kí ức lớp người già nua. Những bụi tre cũng chỉ còn trong quá khứ của những người già.

***

Thằng cháu ké Thảo đẹp trai, khỏe mạnh hơn những người bạn cùng trang lứa. Nhưng đáng tiếc là ông trời lại lấy đi tiếng nói của con người. Hồi vợ thằng Duy mang thai đã đi siêu âm nhiều lần, các bác sỹ không phát hiện có dấu hiệu bất thường nào. Ngày nó sinh ra khóc rõ to, vậy mà sau một trận ốm lúc tròn một tuổi nó đã không còn biết nói. Vợ chồng thằng Duy đem con ra bệnh viện tỉnh, bệnh viện nhi Hà Nội để thăm khám, nhưng các bác sỹ đều không tìm ra nguyên nhân. Nghe người mách bảo vợ Duy đi xem bói với bụt thiêng. “Đứa con này đẹp trai, khỏe mạnh, thông minh lắm. Thời loạn lạc các cụ nhà mình đã chôn một hũ vàng, bạc trong một góc vườn hướng mặt trời lên, bên gốc một cây đào bản. Đứa con này được sinh trùng với ngày các cụ chôn hũ vàng xuống đất. Đứa con này sinh ra để nhận lại hũ vàng của các cụ gia tiên. Về nhà bố mẹ hãy tìm đến gốc cây đào cạnh bụi tre hướng mặt trời lên đào hũ vàng lên, đặt nó lên trên bàn thờ thắp hương cúng bái tổ tiên rồi mới được mở nắp hũ vàng. Ngày nắp hũ vàng được mở cũng là ngày đứa con này biết nói bình thường như bao đứa trẻ khác”.

Vợ Duy mừng thầm, cảm tạ ơn bụt rồi ra về. Nếu quả đúng như lời bà bụt thì thằng Minh sẽ biết nói, nó không phải là một người câm. Nó sẽ đi học đúng độ tuổi, sẽ trở thành người học giỏi nhất trường… Vợ chồng cô sẽ tìm bằng được nơi chôn cất hũ vàng, đào nó lên đặt trên bàn thờ và mở nắp hũ. Vợ chồng cô sẽ có tiền xây nhà tầng. Ngôi nhà của cô sẽ đẹp nhất, to nhất, rộng nhất ở cái bản Mang này. Nụ cười theo cô suốt quãng đường từ nhà bụt về đến nhà. Ké Thảo nghe con dâu thuật lại toàn bộ câu chuyện thì ra chiều suy nghĩ. Hướng mặt trời lên, gốc cây đào bản cạnh bụi tre là chỗ nào nhỉ? Tre bờ vườn thì có năm sáu bụi, nhưng không có bụi nào có cây đào mọc bên cạnh cả. Cô con dâu nghe bố chồng nói thì lấy làm buồn lắm. Vườn rộng như thế biết chỗ nào mà tìm? Vợ chồng cô sẽ đào xới, lật tung cả cái vườn này lên. Nhưng cô không biết lời của bà bụt có thật sự thiêng không? Muốn cho con biết nói năng như bao người, vợ chồng cô không ngại tốn thời gian công sức để đào đất. Cho dù mất cả năm trời cô cũng sẵn lòng, tất cả vì tương lai của con.

- Con có hỏi bà bụt cái hũ vàng được chôn cất sâu bao nhiêu tấc đất không? Ké Thảo hỏi con dâu.

Nghe ông nội thằng Minh hỏi, cô con dâu đang suy nghĩ khẽ giật mình. Cô quên không hỏi cặn kẽ bà bụt về cái hũ vàng được chôn sâu bao nhiêu tấc đất, cách cầu thang sàn nhà mấy bước chân? Đoảng quá, không hiểu sao lúc đó cô lại quên hỏi bụt tỉ mỉ về nơi chôn cất hũ vàng. Giờ cô có nên quay lại nhà bà bụt một lần nữa không? Bụt đã nói trong vườn chôn giấu hũ vàng thì vợ chồng Duy cố mà đào thôi. Vợ chồng Duy bàn bạc với nhau, xem ngày đẹp, chọn giờ hoàng đạo để đào vàng. Một hố, hai hố, năm hố, mười hố vợ chồng Duy vẫn chưa tìm được hũ của quý. Những cái hố được đào chi chít khắp khu vườn rộng, từng bụi tre cũng được phá bỏ, chỉ để lại bụi tre ngà vàng óng đẹp nhất ở bờ vườn. Nếu bố không ngăn cản Duy đã phá bỏ đi bụi tre ngà. Lẽ nào lời của bà bụt không đáng tin cậy? Vợ chồng Duy đã lật tung đất trong vườn lên rồi sao không thấy được hũ vàng đâu cả. Không tìm được hũ vàng thằng Minh sẽ không biết đến ngày nào mới có thể nói được tiếng nói của con người? Vợ chồng Duy mơ ước có được hũ vàng để được đổi đời. Có hũ vàng vợ chồng cô sẽ trở thành người giàu nhất bản nhất xã. Ngay cả trong giấc mơ cô cũng nghĩ về nơi có thể cất giữ hũ vàng. Trong mơ cô tìm được hũ vàng nặng hàng chục cân. Cô xây được một ngôi nhà ba tầng đẹp nhất bản, cô sắm được chiếc xe hơi để mỗi lần đến phiên chơ Co Xàu chồng lái xe đưa vợ con đi chợ mua sắm. Ngôi nhà xây cấp bốn vợ chồng cô đang ở sẽ là nơi nuôi nhốt đàn trâu. Cuộc sống giàu sang làm vợ chồng cô cảm thấy sung sướng, hãnh diện với những người trong bản. Cuộc sống đẹp chỉ có ở trong giấc mộng. Khi tỉnh giấc vẫn thấy mình đang sống trong căn nhà cấp bốn đã xây được hơn chục năm mà chưa trát áo, phủ sơn tường nhà.

Ké Thảo nhìn thằng cháu nội hiếu động, cái gì cũng biết, chỉ là cái mồm của nó không biết nói cái lời của con người thì lòng quặn đau muối xát. Ông trời ơi sao người lại bắt phạt gia đình này như thế. Từ thuở ông bà, cha mẹ trong cái nhà này có ai ăn ở thất đức, làm điều ác hại người đâu mà trời nỡ đối xử với chúng con thế này. Nhưng những lời thầm kín của ké trời đâu có thấu được. Thằng Minh không thể nói ké sẽ khuyên vợ chồng nó sinh thêm một đứa, trời thương cho thêm một đứa con trai càng tốt. Nhưng ké biết mở lời với chúng nó thế nào đây? Hằng ngày vợ chồng nó vẫn không ngừng tìm phương thuốc chạy chữa mong thằng Minh sớm nói được. Làm gì để thằng cháu nội có thể nói được tiếng của con người? Câu hỏi luôn đeo đẳng theo ké Thảo từ lâu lắm. Mỗi lần đi qua khu vườn thằng Duy và cả khu vườn đã chia cho vợ chồng thằng Thuận, ké luôn suy nghĩ về chỗ có thể chôn cất hũ vàng như lời bà bụt nói. Ké Thảo lục lọi trong trí nhớ của mình về nơi có thể đã từng có một cây đào. Vườn nhà Duy đã tìm kĩ rồi, chỉ còn vườn nhà Thuận là chưa tìm đến. Nhưng vợ chồng thằng Thuận có cho đào xới khu vườn nhà nó lên không, khi những cây cam quýt đã cho thu hoạch mấy năm nay. Nhất định vợ chồng nó sẽ không để vợ chồng thằng em đào xới đất trong vườn. Ké tin chắc như thế. Nhưng ké nghĩ kĩ thì khu vườn thằng Thuận không nằm ở hướng mặt trời lên. Mà bụt nói cái hũ vàng được chôn trong vườn hướng mặt trời lên, xem đi nhìn lại chỉ có mảnh vườn Phja Đeng này thôi. Các cụ chôn vàng ở đâu mà kỹ thế, con cháu tìm mấy tháng trời mà chẳng thấy được chút manh mối nào. Ngồi trên mỏm đá nhìn ngắm những cây tre già vàng óng ké thấy lòng mình trống trải vô cùng. Đây là bụi tre cuối cùng của làng. Thỉnh thoảng vẫn có người đến xin chặt gốc tre già để làm đòn gánh. Ké định không cho, ở trong cái bản này nhà nào chẳng có vài bụi tre, thi nhau chặt đi để rồi khi cần đòn gánh lại phải đi xin người khác. Trước măng tre cho không ai lấy, giờ cả bản lại vác mặt xin bữa măng tre. Lạ kỳ lắm. Ké không muốn cho, nhưng vợ chồng thằng Duy đã cho phép người ta chặt thì ké sao cản được. Ké nói chỉ làm cho người ta thêm ghét thôi. Không biết bụi tre này còn tồn tại được bao lâu? Có lẽ khi ké chết vợ chồng thằng Duy sẽ chặt hạ làm củi đốt. Ngày nào ké còn sống thì không ai được phá bỏ ngôi nhà sàn và bụi tre ngà đẹp nhất bản này.

***

Ngày mùa đông ngắn, đêm dài, người muốn thức dậy mà đêm vẫn chưa đi. Về già ké ngủ ít, mỗi ngày chỉ cần năm sáu tiếng là đủ. Ké cũng ít ngủ trưa. Ăn vội bát cơm ké rong đàn trâu vào lũng. Ở nhà cũng buồn, đi vào lũng để ngắm đồi, ngắm núi, dù những nơi đó nơi nào cũng từng in dấu chân. Về già người ta thích ngắm những nơi mình từng đến. Lạ thế đấy. Cứ như sợ ngày mai không còn được nhìn thấy vậy. Ai bảo chăn trâu là khổ? Từ nhỏ ké đã chăn trâu, lấy vợ con nhỏ chưa chăn được thêm một lần theo sau con vật kéo cày đi vào lũng, về già lại chăn một lần nữa. Có gì khó đâu, cứ đi sau trâu không để nó ăn của người bản là được. Ké theo trâu mang theo bó lạt để đan cái lồng gà, lồng vịt, sọt gánh bán ở chợ phiên. Ké thấy mình vẫn còn có ích, đôi bàn tay vẫn làm ra tiền, dù cái sức của ké đã đi với con cháu cả rồi. Ngày vận động ăn cơm mới thấy ngon miệng, ngồi một chỗ sao có thể nuốt trôi cơm. Tối lùa trâu về, trên vai chiếc đòn gánh lủng lẳng những lồng, sọt. Ăn xong cơm tối ké đi nằm. Trời chưa sáng ké đã thức dậy, ngủ nhiều đau lưng. Ké nói thế.

Bụi tre ngà
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Đêm nay ké đi ngủ sớm. Trời rét thế này chỉ có ngồi bên bếp lửa hồng mới ấm cúng. Nhưng ngồi nhiều lại tốn củi đun. Đành đi vào giường chui dưới chăn, không say cũng phải nằm cái lưng xuống giường. Mọi hôm trằn trọc mãi ké mới say giấc. Nhưng đêm nay giấc ngủ đến với ké một cách nhẹ nhàng. Có thể ngày nay ké phải leo lên quả đồi cao để đuổi đàn trâu thấm mệt rồi.

Từng cây tre vàng óng đổ xuống. Chiếc máy xúc múc nó vào thành một đống gọn. Từng gốc tre được bứng lên khỏi mặt đất thả vào cái hũm nơi chân núi. Khi gốc tre cuối cùng được dọn đi, một gốc cây đen sì hiện ra. Ké không biết đó là cây gì. Có thể đó là gốc cây mạy rồm, chỉ có loài cây đó mới không bị mục nát khi ít bị mưa nắng ngấm vào. Cái gàu máy xúc toan bổ xuống đất múc nốt gốc cây cổ thụ nhưng ké đã ngăn lại. Ké nhớ ra rồi, trước đây, ở góc vườn này đã từng có một cây đào, nhưng bụi tre phát triển quá nhanh nó đã lấn đất, cây đào đã bị tre ép chết. Gốc đào đã bị gốc tre đè lên. Cây đào đây rồi, nhất định hũ vàng cũng sẽ ở gần đây. Nhà chúng ta có tiền rồi, thằng Minh có cơ hội nói được rồi các con ơi. Ké gọi toáng cả lên. Giật mình tỉnh giấc, hóa chỉ là mơ. Ké ngồi dậy, ngoài kia đêm vẫn đan dày lắm. Vợ chồng thằng Duy ở ngôi nhà cấp bốn bên cạnh không nghe được tiếng la toáng của bố mình.

Vợ chồng thằng Duy tròn mắt khi ké Thảo bảo chúng nó chặt hạ khóm tre ngà mà bố coi như vật báu không cho ai động vào. Duy không tin vào đôi tai của mình hỏi lại bố.

- Bố bảo chặt hạ khóm tre ngà ở bờ vườn ư? Con không nghe nhầm chứ?

- Ừ, chặt đi.

- Sao vậy bố?

- Bảo vợ chồng mày chặt cứ chặt, hỏi làm gì nhiều thế.

- Vâng, thế còn cái nhà sàn…

- Cái nhà sàn thì chúng mày đừng mong động vào khi bố còn sống. Khi nào bố chết rồi vợ chồng mày muốn làm gì thì làm.

Những cây tre được vợ chồng Duy hạ xuống gom vào thành đống. Những cây tre rồi sẽ thành củi đốt. Nhiều tre thế này có lẽ phải nửa năm mới đun hết củi tre, khỏi phải lên núi kiếm củi. Những ngày vợ chồng Duy chặt cây, ké Thảo cũng đến xem. Ké còn giúp con chặt mấu cây với sức mạnh hiếm thấy. Khi những cây tre dần đốn hạ hết, trên mặt ké lộ rõ những nụ cười. Đôi khi vợ chồng Duy bắt gặp bố cười, tỏ ra nghi hoặc. “Người già hay lú lẫn, không lẽ bố mắc bệnh lú lẫn, điên điên dại dại rồi sao?”. Ké Thảo thừa biết con mình đang nghĩ gì. Chúng nó đâu biết được rằng, có thể, dưới gốc bụi tre xù xì kia, có gốc cây đào bản nhiều năm tuổi. Đào bên cạnh gốc đào sẽ thấy được chum vàng. Mở nút hũ vàng thằng cháu nội ké sẽ biết mở miệng nói chuyện như bao đứa trẻ bình thường khác. Đêm qua tổ tiên hiện về báo mộng cho ké biết rồi…

Và trên miệng hủm sâu đã được lấp đầy đất, một búp măng tre được mọc lên từ những gốc tre già bị xúc bỏ...

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy