Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:08 (GMT +7)
Trại Sáng tác văn học Trẻ tỉnh Thái Nguyên năm 2024

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế

VNTN- Tiếp nối những cảm xúc tươi mới, đầy háo hức trong ngày đầu tiên được đi thực tế tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, các trại viên của Trại Sáng tác văn học Trẻ Thái Nguyên năm 2024 (do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức) đã có buổi đi thực tế ngày thứ 2 (vào 9/8). Trong chuyến đi này, về với mảnh đất Đại Từ, các em đã có thêm vô vàn cảm hứng sáng tạo.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Trải nghiệm trên đồi chè La Bằng

“Chơi mà học”

HTX chè La Bằng trở nên sôi động hơn khi có sự xuất hiện của các trại viên Trại sáng tác văn học trẻ Thái Nguyên năm 2024. Khi ánh nắng sớm mai nhè nhẹ phủ lên vạn vật, cũng là lúc các trại viên khẩn trương di chuyển đội hình để tham gia cuộc thi hái và chế biến chè với tên gọi “Tay khéo tay nhanh/Một tôm, hai lá”.

Quần áo gọn gàng, các trại viên được chia thành 5 đội thi, mỗi đội gồm 7 thành viên và một đội trưởng do đội tự chọn. Trong thể lệ cuộc thi, mỗi đội sẽ chọn cho mình một cái tên, lưu ý là tên đó phải liên quan đến chè hoặc trà.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Các trại viên tham gia thi hái chè với tên gọi “Tay khéo tay nhanh/Một tôm, hai lá”

Dù là yêu cầu bắt buộc từ Ban Tổ chức nhưng khi nghe các em xướng tên của đội mình đã khiến tôi không khỏi thán phục vì sự sáng tạo, thông minh của các em. Từng cái tên đều cho thấy kiến thức, sự hiểu biết và sự sâu sắc của các em - những người yêu văn chương trẻ tuổi của tỉnh nhà.

Đội 1 đặt tên đội mình là “Mộc Trà văn chương”; đội 2 có tên gọi “Tống Trà”; tên gọi của đội 3 là “Hồn biếc tái sinh”; đội 4 đặt tên mình là “Hương chè Trung du” và cuối cùng, “Hồn thiêng đất Thái” là tên các thành viên đội 5 đã đặt cho mình.

Tại sao các em lại đặt tên đội mình như vậy? Câu trả lời sẽ có trong phần thuyết trình của các em sau phần thi hái chè.

Để có thể bước vào phần thi hái chè, các đội đã được nghe Nghệ nhân chế biến chè Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT HTX chè La Bằng hướng dẫn cách nhận diện thế nào là búp chè “một tôm hai lá” cũng như cách hái.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải hiện là đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Chè Đại Từ. Bà còn được biết đến là nữ thủ lĩnh tiên phong đưa thương hiệu chè La Bằng tới khách hàng mọi miền đất nước nhờ lòng say mê và sự nhiệt huyết với cây chè quê hương.

Sau khi được hướng dẫn thế nào là búp chè “một tôm hai lá”, mỗi đội được nhận một luống chè riêng. Phần thi diễn ra trong 15 phút. Từng đội tập trung cao độ, qua vài phút ban đầu bỡ ngỡ, những đôi bàn tay đã trở nên khéo léo hơn khi lựa và hái những búp chè đạt chuẩn.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Niềm vui khi thu hoạch thành phẩm

Mỗi đội dự thi được nhận được sự giúp đỡ, giám sát chặt chẽ của một xã viên trong HTX. Phần thi càng trở nên sôi động hơn khi bất ngờ HTX chè La Bằng được đón một đoàn khách đến từ Trung Quốc đi thăm quan và tìm hiểu thị trường chè ở Thái Nguyên.

Sau vài câu chào hỏi gần gũi, các vị khách phương xa dường như cũng bị cuốn vào không khí sôi nổi, hào hứng của các trại viên, từ reo hò, cổ vũ đến cùng nhau nảy ra ý tưởng mới. Đó là, mỗi đội thi sẽ bổ sung thêm một thành viên là các vị khách đến từ Trung Quốc.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và du khách đến từ Trung Quốc tham gia hái chè cổ vũ tinh thần cho các đội chơi

Những tiếng tách tách của búp chè rời khỏi cây hoà trong tiếng nói cười, động viên cho đôi tay thêm nhanh, thêm khéo; tiếng nhắc nhở hái đến đâu thật kỹ, thật sạch đến đó và tiếng thúc giục thời gian đang đếm lùi… Tất cả tạo ra những thanh âm vui tươi, rộn rã như làm bừng lên cả khoảng không gian ngắt xanh dưới chân Tam Đảo.

Thời gian kết thúc, các đội tập hợp sản phẩm thu hoạch để Ban Giám khảo cân đo, đánh giá dựa trên tiêu chí khối lượng và độ đúng tiêu chuẩn của búp chè. 1,2kg - 1,4 kg - 1,8 kg … Mỗi khi kết quả của từng đội được đọc lên đều kèm theo tiếng hô đầy hân hoan của đội có số điểm cao hơn và cả những âm thanh đầy tiếc nuối của thành viên đội có số điểm thấp hơn.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Ban Giám khảo cân kiểm tra số lượng chè hái được của từng đội thi

Sau phần thi hái chè, các đội bước vào phần trải nghiệm sao chè. Nguyên liệu chính là những búp chè vừa được thu hái của đội mình. Lần đầu tiên được tiếp xúc với chảo gang, với bàn sao, với các khái niệm về nhiệt độ chảo, làm héo, diệt men hay lấy hương chè khiến các trại viên không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng cũng nhờ thế mà phần trải nghiệm càng trở nên thú vị.

Trại viên Lê Gia My (lớp Văn K36, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên) hồ hởi: Em vẫn biết quê hương mình có chè, nhưng chưa bao giờ em hình dung ra đồi chè lại đẹp đến thế. Lúc vừa đặt chân đến đây, ập vào mắt em là cả một vùng chè xanh ngắt, trời cũng xanh và những gợn mây trắng. Nó đẹp đến nỗi em không nghĩ ra từ gì để diễn tả cho xứng cả. Ở nhà, bà ngoại em rất thích uống trà. Em từng theo bà đi chợ mua chè, em cũng từng thắc mắc với bà sao lá chè xanh mà chè bà pha uống lại có màu đen. Tất cả những điều đó, hôm nay em đều được học, được tìm hiểu. Tối nay về em sẽ kể với bà, chắc chắn bà sẽ rất vui.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Các trại viên được trải nghiệm sao chè bằng phương pháp truyền thống

Nói là vậy, nhưng Gia My dường như không muốn kiềm chế niềm vui với những gì em vừa được khám phá. Em gọi video cho bà ngoại và reo lên “bà ơi, con biết tại sao chè lại có màu đen rồi. Con cũng biết tại sao bà quý trà rồi. Hoá ra để làm ra trà lại có nhiều người vất vả đến thế bà ạ. Đồi chè ở đây đẹp lắm, con muốn được trở lại đây nhiều lần nữa cùng bà và cả nhà mình”. Chia sẻ niềm vui đó với tôi, Gia My hướng màn hình về phía tôi giới thiệu “bà ngoại em đây ạ”. Trước niềm vui của cô cháu gái, bà em cười rạng rỡ và khen “Cháu bà giỏi lắm! Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Tối về bà sẽ thưởng cho món thật ngon nhé”.

Tôi chắc rằng, bà ngoại Gia My sẽ còn vui hơn nữa khi em mang ấm chè chính tay em và các bạn trong đội hái và sao về tặng bà. Đó có lẽ cũng sẽ là một trong những ấm trà ngon nhất mà bà em từng uống. Vị đậm trong chén trà đó có lẽ là do những ý nghĩ trưởng thành của cô cháu gái.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Các xã viên của HTX chè La Bằng tận tình hướng dẫn các trại viên từng công đoạn trong quá trình sao chè

Sự hứng khởi này không chỉ có ở Gia My mà dường như lan toả, thẩm thấu vào tất cả các trại viên. Không chờ tôi đặt xong câu hỏi, trại viên Ngô Thị Thanh Tân đứng cạnh Gia My bày tỏ:

Lần đầu tiên em được nhìn thấy một dòng suối trong, mát đến thế, cũng là lần đầu tiên em hiểu để có được ấm trà, người làm chè đã phải vất vả thế nào. Đến đây cũng khiến chúng em thay đổi suy nghĩ. Em đã từng được đến rất nhiều điểm thăm quan ở ngoài tỉnh, có những nơi rất xa, thế nhưng chưa bao giờ em được chiêm ngưỡng một vùng chè có núi đồi, có suối có những luống chè đẹp đến thế. Khi nãy, trong đội chúng em đã bảo nhau rằng chúng mình thật có lỗi vì đã không biết rằng quê hương mình có những vùng đất đẹp và đáng để đến thế này.

Sáng nay, lúc thi hái chè em cũng chưa nghĩ nhiều, nhưng sau khi tham gia phần trải nghiệm sao chè, trong đội chúng em người thử nhiệt độ của chảo, người cho chè tươi vào, rồi thay nhau đảo cho búp chè được chín đều. Chúng em chợt nhận ra ý nghĩa sâu xa của các phần thi ngày hôm nay, ngoài cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, hiểu được sự vất vả của người nông dân, biết trân quý giá trị lao động, các thành viên trong đội chúng em đã biết hỗ trợ nhau, giúp nhau hoàn thiện hơn… Đó là những giá trị lớn lao em cảm nhận được từ những hoạt động trong chuyến đi thực tế này. Nó cũng giúp cúng em có thêm cảm hứng để sáng tác các tác phẩm văn học.

Tình yêu, niềm tự hào là điểm tựa văn chương

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Niềm vui của các trại viên khi giành điểm cao ở từng phần thi

Tôi nghĩ rằng sẽ không là nói quá khi gọi các trại viên năm nay là các tài năng văn chương. Phần thi thuyết trình về tên gọi của mỗi đội thi chính là thêm một bằng chứng để minh chứng cho điều đó, bên cạnh các tác phẩm các em gửi về cho Ban Tổ chức.

“Mộc Trà văn chương” là tên gọi của đội tham gia phần thi thuyết trình đầu tiên. Theo lý giải của các em, nhóm các em gồm có 5 người, đến từ 4 khu vực khác nhau, song đều là người con đất Thái (Thái Nguyên). Những người con được sinh ra với một niềm tự hào tuyệt đối về văn hoá trà của quê hương.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Phần thưởng giành cho các đội thi là những món quà tinh thần đầy vui vẻ

Ngoài đặc điểm chung về quê hương và niềm tự tôn của con người Thái Nguyên, chúng em mặc cho những khác biệt về độ tuổi, giới tính, cá tính vẫn liên kết lại với nhau với tư cách là những người yêu văn chương, những cây bút đầy đam mê và nhiệt huyết.

“Mộc Trà văn chương” hàm chứa niềm tự hào của các em, những người yêu văn chương của vùng đất chè ngon nổi tiếng.

Sâu sắc và hiểu biết về văn hoá trà của những bạn trẻ yêu văn chương đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Sự lý giải tại sao lại đặt tên đội là “Tống Trà” của trại viên Hoàng Trí Kiên không chỉ khiến tôi ngạc nhiên mà còn là nể phục các em. Kiên giải thích:

Tống trà là một loại dụng cụ quan trọng trong bàn trà, dùng để chắt nước trà ra sau khi đã chế trong ấm. Khi trà trong ấm ngấm vừa đủ độ sẽ được rót ra tống. Chiếc tống vừa giúp nước trà không bị nồng mà mất đi vị ngon của trà lại cũng có thể quân bình được độ đậm, nhạt của trà không như khi để trong ấm. Khi rót trà ra tống, một lần nữa những cặn trà còn sót lại sẽ được lắng xuống đáy tống. Vì vậy, khi rót trà  từ tống ra các chén quân, nước trà sẽ sạch hơn, tinh khiết hơn và tròn vị hơn.

Liên hệ với người sáng tác văn chương, cũng như chiếc tống, người sáng tác là người tiếp thu mọi tinh hoa, thông qua “chiếc tống” của mình sẽ hoà quện, lắng đọng trước khi cho ra đời những tác phẩm văn chương hoàn hảo nhất đến với công chúng, tựa như khi chia trà từ tống ra chén quân…

Chỉ với 3 phút, các bài thuyết trình đã thể hiện sự hiểu biết với cây chè, những công đoạn chế biến sản phẩm chè theo phong cách riêng của mỗi đội.

Chè được sao xong, các trại viên được các cô, bác là xã viên HTX chè La Bằng hướng dẫn đóng gói và tặng mang về làm quà biếu người thân trong gia đình.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Các em được tự tay đóng từng gói chè mang về làm quà cho người thân

Chăm chú theo dõi các hoạt động trải nghiệm và phần thi thuyết trình của các trại viên của Trại sáng tác văn học trẻ Thái Nguyên năm 2024, ông Liao Feng Long, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Liệu Thị Cám Việt Bằng Tường bày tỏ:

Tôi là người Trung Quốc, có thể ngôn ngữ của tôi khác các bạn, tôi cũng chưa hiểu được nhiều về văn hoá của các bạn, nhưng tôi thích cách mà các bạn đang giáo dục thế hệ trẻ như thế này. Các bạn không chỉ cung cấp cho các em kiến thức mà còn cho các em sự trải nghiệm để các em tự cảm nhận. Cách làm này sẽ giúp các em thẩm thấu các giá trị tốt đẹp một cách tự nhiên và bền vững nhất.

Những nhận định của ông Liao Feng Long cũng là điều mà nhiều trại viên thổ lộ khi kết thúc buổi thi. Kết thúc buổi thi, ai nấy đều mang về những trải nghiệm khó quên, cùng những gói chè mang đậm hương vị của vùng đất chè Thái Nguyên.

Rời HTX chè La Bằng, các trại viên còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mãn nhãn của đồi chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, một trong những đồi chè có cảnh quan đẹp nhất ở Thái Nguyên.

Buổi chiều, hành trình của Trại sáng tác văn học trẻ Thái Nguyên năm 2024 tiếp tục với chuyến thăm và dâng hương tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt 27/7 và Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Ban Tổ chức và các trại viên dâng hương tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt 27/7

Tại Di tích 27/7, các trại viên được lắng nghe những câu chuyện xúc động về lịch sử và cảm nhận sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong công cuộc giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt 27/7 thuộc tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ. Hiện, Khu di tích đã rước chân nhang liệt sỹ tại các nghĩa trang lớn trên cả nước về thờ phụng. Nếu như đền Hùng, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ Vua Hùng đã có công dựng nước thì có thể coi Khu di tích  lịch sử Quốc gia 27/7 là nơi thờ những người anh hùng đã có công giữ nước.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ

Tại đây, chiều 27/7/1947, đã diễn ra cuộc mít tinh có khoảng 300 người tham gia để nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh liệt sỹ ở nước ta.

Đây là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa to lớn, là “địa chỉ đỏ” đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được khánh thành vào sáng 9/8

Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình là Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nơi từng là cái nôi đào tạo nhiều nhà báo cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Tại đây, những bài học về lòng yêu nghề, về tinh thần cống hiến không ngừng của những người làm báo đã được truyền tải một cách sâu sắc, khơi dậy niềm tự hào và động lực trong lòng mỗi trại viên.

Bồi đắp tình yêu quê hương từ trải nghiệm thực tế
Các trại viên tìm hiểu về các ấn phẩm năm xưa tại Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946 - 1954

Kết thúc một ngày trải nghiệm, các trại viên không chỉ trở về với những bài học quý giá về lịch sử và văn hóa của vùng đất quê hương mà còn mang theo những cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc về giá trị lao động và tình yêu xứ sở. Những trải nghiệm chân thực này sẽ là những hành trang quý báu, giúp các trại viên tiến xa hơn trên con đường văn chương, với tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc làm điểm tựa vững chắc.

Kim Ngân

2 đã tặng

1

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục