Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:06 (GMT +7)
Tác phẩm từ Trại Sáng tác văn học Trẻ tỉnh Thái Nguyên năm 2024

Bố và nắng

Tháng Sáu nóng như đổ lửa, thế mà hôm ấy mẹ bảo tôi đi xúc mùn cưa dưới hố đổ vào bao.

Tôi mặt nặng mày nhẹ chậm rì đi ra khỏi cửa nhà, chẳng lấy làm vui vẻ chút nào với công việc này. Tôi căng bao tải, cầm xẻng xúc từng đụn mùn dưới hố lên, chật vật đổ vào bao tải. Mới làm được mươi phút thì mồ hôi đã túa ra, mặt hẳn là bóng nhẫy đi rồi, song tôi vẫn hì hục làm tiếp. Hơn nửa tiếng sau, hố mùn mới vơi đi một nửa, nhưng đầu tóc tôi lại ngứa ngáy vì nóng, áo cũng nhăn nhúm lại bê bết, hôi rình. Tôi bực bội vì phải làm việc dưới cái tiết trời oi bức thế này. Mùi mồ hôi, da thịt nóng rát, tay chân, có khi cả mặt còn dính mùn cưa, và da đầu lại ngứa râm ran, tóc tai thì dính cả vào mặt mũi, muốn búi lại cho gọn gàng thì tay dính bẩn.

Tất cả những điều ấy thôi cũng đã đủ khiến tôi ghét bỏ mấy công việc này vô cùng.

Bố và nắng
Minh họa: Nguyễn Thành Đạt (15 tuổi)

Nhà tôi làm chế biến lâm sản, đồng thời cho thuê xe vận chuyển gỗ. Người ta nghĩ nghề ấy kiếm được nhiều tiền, chẳng mấy mà giàu sụ, nhưng còn tuỳ nhà nữa. Hộ gia đình tôi kinh doanh nhỏ, tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi tiêu và tiết kiệm được phần nào, chứ lời lãi cũng chẳng có nhiều. Bố tôi là trụ cột chính, hàng ngày tự bốc vác hàng hoá rồi chở đi giao hàng, cũng có khi ở nhà xẻ gỗ cùng với vài người làm thuê. Có hôm bố về ăn trưa, ăn tối, cũng có hôm gọi điện thì bố bảo không về kịp, dặn cả nhà cứ ăn cơm đi, có hôm tôi nấu mà để phần cơm trưa, bữa tối cho mình bố. Gia đình chúng tôi sống như vậy từ lúc nào mà tôi còn không nhớ rõ nữa.

Trưa ấy bố về nhà ăn cơm, nhưng trái ngược với ngày thường, bố ngồi cầm bát cơm mà chẳng nói chẳng rằng. Tôi nhận ra có gì lạ nhưng không hỏi. Đang dở bữa, bỗng có chú Tư đèo theo bà Gái xuống nhà tôi. Nhờ thế mà tôi mới biết được hôm nay bố va vào xe người ta.

- Hồi nãy em thấy người ta livestream. Nhìn qua cái xe thì bảo sao giống xe của anh thế nhỉ. Đến lúc thấy biển số xe thì đúng là xe của anh rồi!

Bà Gái, một người hàng xóm thân thiết, răng bà đen bóng đi bởi thói quen nhai trầu, giọng khàn khàn nói: “Tao với thằng Tư xem trên mạng, nghe nó bảo đấy là xe mày. Thế là tao giục nó đèo tao xuống đây hỏi thăm xem tình hình thế nào, có thương tích hay là thiệt hại gì không. Nhưng mà không thấy bị gì là may rồi. Thôi, xem như của đi thay người”.

Bố tôi nghe thế thì vừa rót trà vừa ậm ừ cười đáp nói mình không bị thương, chỉ phải đền bù thiệt hại cho người ta và nộp tiền phạt. Bà nội tôi lúc này mới nghe được đầu đuôi sự việc cũng cau mày:

- Đấy, không có thằng Tư bảo xem người ta trên mạng thì tao cũng không biết là có chuyện gì! Nãy đi chăn chó thì thấy đầu xe nó móp cả vào, đèn xe thì vỡ. Hỏi thì không nói, cứ cười cười thôi.

Nhìn những người lớn nói chuyện với nhau, tôi ngồi lặng lẽ gắp từng miếng cơm đút vào miệng, ngoài mặt cứ làm như bình thường. Phải chi tôi bỏ bớt đi cái thói bất cần này mà chịu khó để ý xung quanh hơn chút, chắc chắn tôi đã thấy cái xe tải hỏng của bố và biết vì sao bố tôi lại trầm ngâm như thế. Phải chi là vậy…

Chú Tư và bà Gái đi về rồi, bố tôi mới ngồi xuống ăn cơm. Bà tôi cứ trách bố có chuyện mà không nói với bà, hỏi cũng không nói. Còn bố tôi thì nói: “Con nói với bà làm gì, bà lại lo”.

Bữa ăn diễn ra có hơn mười phút. Bố tôi chẳng ăn nhiều như mọi hôm, vừa xong một bát đã đặt đũa xuống mâm. “Cả nhà ăn cơm đi”. Nói rồi bố đứng dậy, giữa trưa nắng chói chang cứ vậy mà đi làm.

Nắng tháng Sáu vừa oi vừa rát. Mới để giày dép đầu hè đã nóng như sắp làm bỏng chân đến nơi. Bố tôi đầu trần đội nắng hì hục khuân cơ man nào là gỗ chất lên xe tải. Cái áo lao động khoác ngoài đã ướt đẫm lưng. Cứ ngâm nắng vậy mà làm việc nên da bố tôi cháy nắng rõ hẳn ra, tôi còn có thể nhìn thấy mồn một sự khác biệt giữa phần da được áo quần che đi và phần da đang phơi mình giữa tiết trời ngoài kia. Tiếng thuỳnh thuỳnh của thùng xe khi gỗ đập vào mỗi lúc một trầm nặng dần. Cả một thùng xe tải bốn tấn đã được những chất đầy hàng. Xong xuôi đâu vào đấy, bố tôi lái xe rời khỏi nhà, đi xuống tận Hải Dương giao hàng.

Khi không còn nghe thấy tiếng xe tải của bố nữa, tôi trở vào nhà, nhắc em trai nhớ đi học thêm. Bước vào phòng, tôi ngẩn ngơ tự hỏi tối nay mình nên nấu những món gì, và liệu lúc đi làm về, bố có đem theo thứ quà bánh gì không đây...

Lúc này, tôi đang ngồi trong đám tang của bố.

Tôi không nhớ vì sao bố mình lại ra đi đột ngột như vậy. Hình như là do tai nạn giao thông. Hình ảnh đám tang mơ hồ, không rõ ràng trong mắt tôi. Thậm chí nếu có thể thì ngay sau khi dữ liệu về cảnh vật xung quanh được ghi vào mắt, não bộ sẽ ngay lập tức xóa bỏ nó đi vậy. Ngay cả tiếng kèn, tiếng nhạc tang, tiếng kêu tha thiết của người làm dịch vụ tang lễ, dường như tôi không hề nghe thấy, cảm tưởng như họ không hề hiện diện ở nơi này.

Tôi như một kẻ trống rỗng quan sát mọi thứ diễn ra, im bặt, không nói một lời.

Chắc phải đến lúc người ta chôn cất bố tôi đi rồi, nhìn mẹ mình đang cố kìm nước mắt, gắng sức trụ vững lòng sao cho mình không sụp đổ ngay trước mặt con cái, để chúng vẫn còn chỗ dựa và niềm hy vọng, lòng tôi mới cuộn lên thứ cảm giác nhức nhối, ngậm ngùi đến chua xót, đau đớn và tuyệt nhiên chẳng còn hi vọng nào. Trời không có nắng, nhưng vẫn là ban ngày, song tôi lại thấy nó tối đi hẳn. Tôi không còn có thể kìm lòng thêm được, bao nhiêu cảm xúc ồ ạt chảy theo hai hàng nước mắt, tôi dựa đầu lên vai mẹ mà khóc.

Tôi hiểu rõ dù tôi có khóc tới mức nào đi chăng nữa thì nỗi thống khổ ấy cũng chẳng thể vơi đi được. Đã lâu tôi không nói mình yêu bố đến nhường nào, cũng chưa một lần tôi ôm bố chỉ vì mình thấy ngại. Nhưng bố tôi thì thường xoa đầu tôi mỗi khi ông thấy sự nỗ lực của tôi trong vệc học hành. Và lúc nào thì tôi cũng nhớ cảm giác của một bàn tay đã chai sạn, đã trầy da tróc vảy nhưng xiết bao ấm áp nhẹ nhàng xoa đỉnh đầu mình. Chưa bao giờ tôi có nỗi mất mát lớn đến chừng này.

Tôi biết ngày mình đội khăn trắng trong đám tang của bố sẽ đến, nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ nó sẽ đến nhanh như thế.

Vậy là tôi đã mồ côi cha rồi sao?

Tôi choàng tỉnh dậy, cú sốc vẫn hiện rõ trên đôi mắt suýt thì bật khóc. Tôi đã lội tới cõi mơ, nơi mà khi ngủ người ta toàn tưởng là hiện thực. Đó là một giấc chiêm bao, còn tôi thì vừa trải qua cơn ác mộng đáng sợ nhất đời mình. Nó sẽ luôn ở trong đầu tôi, bám riết lấy tôi, sẽ trỗi dậy nếu như tôi làm điều có lỗi với bố mình, và sẽ cứ yên vị ở đó mà nói rằng: đừng khiến mình phải hối hận vì đã không quan tâm bố nhiều hơn, và đừng bao giờ để nắng tắt đi.

4 đã tặng

3

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục