Bình minh nơi địa đầu Tổ quốc
Làn gió lan nhè nhẹ mát rượi. Từng đọn sóng vỗ bờ lênh lang trải dài. Mấy con thuyền nhỏ thả neo thảnh thơi nằm giữa mơn man sóng. Rặng sú vẹt ngút ngàn hắt bóng khảm khắc vào trời như bức cổ thạch. Phía xa, vài con tàu đánh cá đêm thong thả về bờ, ánh đèn nhấp nhánh ẩn hiện như sao đổi ngôi.
Không hẳn tôi lần đầu đến bãi biển Trà Cổ. Vài lần đi công tác và nghỉ tại khách sạn của Công ty Gang thép Thái Nguyên tại thành phố Móng Cái, một số anh em trong đoàn đều rủ nhau dậy sớm đi xe về Trà Cổ. Ngắm bình mình tại mũi Sa Vĩ bao giờ cũng cho mọi người cảm giác thật thú vị. Lần này thể theo nguyện vọng của các hội viên, Chi hội Văn xuôi thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức tham quan, trải nghiệm thực tế tại bãi biển Trà Cổ, một trong những bãi biển đẹp nhất của tỉnh Quảng Ninh.
Những tưởng chỉ chúng tôi dậy sớm đón bình minh. Nhiều tốp du khách mọi lứa tuổi đi xe ô tô, xe điện và cả xe đạp thể thao cũng nhộn nhịp kéo tới. Có lẽ đến Trà Cổ, mũi Sa Vĩ là điểm đến trong chuyến hành trình.
Khoảng trời đằng đông hửng sáng, làn mây bông bảng lảng dâng lên cao. Màu hồng phơn phớt từ mặt sóng nhóng nhánh. Biển vần vũ muôn sắc màu vi diệu. Không còn là bức tranh thủy mặc của màn đêm, những gam màu nở bung hoa cà hoa cải. Từ đáy sóng, chiếc mâm son tròn trịa ngoi lên tãi ánh hồng rực vào trời, vào sóng nước.
Trong khúc ca châu thổ, bình minh nơi địa đầu này ai cũng cảm thấy thật linh thiêng. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các bậc tiền nhân bằng lòng trung quân báo quốc đã dành cho thế hệ hôm nay dải đất hình chữ S thân thương. Bao người đã quên mình, xả thân gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Không chỉ những người mặc áo lính đồn trú tuần phòng, dũng mãnh chống trả mọi cuộc xâm lấn, người dân nơi địa đầu và các bản làng cũng chính là cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm.
Nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ hình Tổ quốc qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử vẫn vẹn nguyên từng nhành cây, ghềnh đá. Bao điều ẩn chứa trên miền đất này trước khi lập làng chài vẫn chưa được khám phá. Đình Trà Cổ, nhà thờ đá Trà Cổ, những công trình bên bãi tắm uy nghi neo bóng thời gian với vẻ đẹp trầm mặc.
Với những người dân đất Việt, Trà Cổ với mũi Sa Vĩ như ngọn hải đăng trong tâm thức. Các thế hệ cầm súng lên đường đánh giặc cứu nước trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc mang theo khát vọng Độc lập - Tự do, non sông liền một dải “Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái…”.
Nhiều huyền tích lưu lại cho hậu thế mỗi lần nghe chúng tôi đều bồi hồi xúc động. Người Trà Cổ vẫn truyền câu thành ngữ “Trà Cổ tổ Đồ Sơn” nhắc nhở con cháu. Theo truyền truyết tổ tiên xưa của người Trà Cổ làm nghề đánh cá ở Đồ Sơn. Vào thời Hậu Lê, có 12 gia đình ngư dân đi đánh cá gặp sóng to, gió lớn đã dạt vào một bán đảo chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi khó khăn, 6 gia đình đã quay về quê cũ. 6 gia đình ở lại, ngày ngày cùng nhau khai phá đất mới, vừa đánh cá, vừa khai hoang và dần trở thành một xóm làng trù phú.
Theo lưu truyền tên gọi Trà Cổ ghép của hai làng Cổ Trai và Trà Phương nổi tiếng của đất Nghi Dương xưa (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Những vị Tiên công của Trà Cổ đã lấy tên cố hương đặt cho vùng đất mới. Sự hào hứng đón bình mình Sa Vĩ còn bởi ai đến đây cũng được chiêm ngưỡng mái đình, nơi lưu lại dấu tích tổ tiên người Trà Cổ và nghe giai điệu “Mái đình làng biển” viết về đình Trà Cổ của nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Đình Trà Cổ xây dựng từ thời hậu Lê, thờ các vị Thành hoàng là: Nhân Minh đại vương, Huyền Quốc Lã Thái Úy đại vương, Bạch Điểm Tước đại vương, Không Lộ; Giác Hải đại vương, Ngọc Sơn Trấn Ải đại vương, Quảng Trạch đại vương. Ngoài ra còn thờ 6 vị Tiên công quê ở Đồ Sơn, Hải Phòng có công gây dựng mảnh đất Trà Cổ.
Ngôi đình là công trình kiến trúc tín ngưỡng đồ sộ nhất ở biên giới Quảng Ninh, hiên còn nguyên vẹn hệ thống sàn gỗ được lát cả ở bên trong đình và ở ngoài hiên. Mặc dù nằm sát biên giới, nhưng các mảng chạm khắc ở đây có phong cách thời Hậu Lê và hoàn toàn mang dấu ấn văn hóa Việt Nam. Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tinh tế.
Đình quay hướng Nam, cấu trúc kiểu chữ “đinh”, gồm 5 gian 2 chái bái đường và 3 gian hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật. Các đầu đao, con guột uốn cong hình rồng tạo cho đình nét uyển chuyển mềm mại. Hệ thống vì kèo được kết cấu theo kiểu giá chiêng chồng rường, chạm trổ sắc nét. Đình có 32 cây cột gỗ lim được kê trên đá tảng, trong đó có 14 cây cột cái đường kính 65cm cao 5m và 18 cây cột quân đường kính 45cm đều được sơn son thiếp vàng.
Các bức cốn được chạm trổ đẹp, công phu với đề tài chủ yếu là rồng, phượng, đao mác, mây, lửa... Trên 2 bức cốn ở hai bên gian giữa có chạm hình một đàn rồng mẹ, rồng con đang múa lượn. Một bức cốn ở phía bên trái cửa ra vào chạm hình tiên cưỡi rồng bay trong mây. Các đầu bẩy chạm kênh bong đầu rồng.
Mỗi bức cửa võng là một bức chạm trổ tinh tế, hình tượng nàng tiên cưỡi rồng bay trong mây. Hai bên lối đi từ cửa chính vào là hai hàng lan can được ghép bằng các tấm gỗ lim chạm trổ rồng và mặt trăng đặt trong khung cảnh mây trời hoa lá cách điệu...
Hai gian tiền đường treo 2 bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam muôn đời bền vững ) và “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài), đôi câu đối ghi: “Đồ Sơn ngật nhĩ hinh hương địa/ Trà Cổ uy nhiên kỷ niệm từ” (Trà Cổ nguy nga đình kỷ niệm/ Đồ Sơn vời vợi đất lừng hương).
Dưới các đời vua, Trà Cổ luôn được coi là phên giậu, cửa ngõ biên ải. Thời kì nhà Mạc trị vì, ngoài đông đảo binh lính trấn đóng, tuần phòng, các chính sách chiêu an cũng được nhà Mạc đưa ra nhằm phát triển canh nông, ngư nông, gìn giữ đất đai bờ cõi. Dấu tích nhà Mạc lưu lại trên đất Trà Cổ khá nhiều như sông Cầu Voi còn gọi là sông nhà Mạc, bát gốm còn gọi là bát nhà Mạc… Nghề làm gốm tại Móng Cái trước đây lưu truyền cũng thịnh hành từ thuở ấy.
Hội đình Trà Cổ, ngày xưa gọi là hội làng, người Trà Cổ làm lễ rước chân hương về từ miếu Đôi, cách đình Trà Cổ không xa. Miếu Đôi thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Khi nổi dậy chống nhà Trịnh, vùng Quảng Ninh cũng chính là địa bàn hoạt động của ông và nghĩa sĩ. Thất cơ, Nguyễn Hữu Cầu về Trà Cổ ở ẩn. Nay trong miếu còn đôi câu đối “Trà loan hải đảo cam tuyền hữu/ Cổ độ cơ tâm võng nguyệt cầu”. Ý là “nơi hải đảo này có dòng suối ngọt, (có) bến đò xưa, trăng nhìn trái đất”. Gióng hai chữ đầu và hai chữ cuối sẽ được “Trà Cổ và Hữu Cầu”
Nghề chính của người Trà Cổ xưa gồm: đi buôn, làm ruộng, đánh cá. Ngày hội đình Trà Cổ, trong lễ tế ở đình và miếu Đôi, bao giờ chủ tế cũng cầu xin thành hoàng phù hộ cho dân làng: Ai đi buôn thì thông thương mãn tải - ý nói thuyền đầy hàng hóa; ai làm ruộng thì mưa thuận, gió hòa; ai đánh cá thì cá tôm vào chật đất, đầy bãi.
Chúng tôi được biết vào chính hội đình Trà Cổ (1/6 âm lịch), đoàn đại biểu đến từ “tam đảo” bên Trung Quốc cũng sang dự. Họ là những người Việt (chính xác hơn là người Kinh) và nhận mình có gốc gác tại Đồ Sơn ở 3 đảo: Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm thuộc thị trấn Giang Bình, huyện Đông Hưng, TP. Phòng Thành Cảng, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, là dân tộc thiểu số ít người nhất của Trung Quốc. Ở đó, người dân có nhiều nét sinh hoạt văn hóa như người Việt. Đặc biệt, cũng có đình làng, có tế thần, tế lợn gần giống như hội đình Trà Cổ.
Cách đình Trà Cổ 200 m là bãi cát dài khoảng 15 km, làn nước biển xanh ngắt, sóng biển nhẹ nhàng êm dịu. Bên bãi cát trắng mịn, rặng phi lao xanh mướt và các dải muống biển xanh đã tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng. Một khu du lịch nhộn nhịp, sầm uất đã hiện hữu với nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Dường như bình minh Trà Cổ kéo dài thật lâu. Chúng tôi dạo bước theo người dân đón những chiếc thuyền câu, thuyền đánh cá nhỏ ban đêm cập mạn. Nụ cười ngư dân tỏa nắng và khoang thuyền nào cũng lấp lánh ánh cá bạc. Một vài người phụ nữ thấy chúng tôi thích thú trải nghiệm biển vui vẻ rủ cùng họ đi đào sá sùng…
Vẻ đẹp thuần phác nơi địa đầu Tổ quốc khiến ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc bình minh huyền diệu bằng những bức ảnh. Và có lẽ đến đây ấn tượng nhất là chụp ảnh bên biểu tượng mũi đất cực đông Sa Vĩ. Biểu tượng với kiến trúc độc đáo, uy nghiêm đậm đà bản sắc dân tộc không lẫn với bất cứ nơi nào khác. “Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình mình mặt sóng khơi xa…” - Lời thơ vấn vít níu lòng tôi với Trà Cổ yêu thương.
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...