Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
17:43 (GMT +7)

Bình minh đêm

Truyện ngắn. Trần Thị Nhung

Tôi vừa ngồi khâu nón vừa liếc mắt lên trời. Chân trời phía đằng đông tối nay có những dải mây màu vàng cam sáng rực rỡ, xếp chồng lên nhau đẹp tựa như những giây phút bình minh mọc lên trong đêm tối. Và, tôi mơ hồ nghĩ tới một đêm xa xôi nào đó, nếu bất chợt được đi trên đường dài, được trông thấy khung cảnh thiên nhiên huy hoàng ấy, lòng tôi chắc cũng sẽ rực rỡ lắm.

Nhưng, tôi đã không kịp mơ mộng gì nhiều. Tôi giật bắn người bởi tiếng bà nội hét lên the thé. Vội gài kim, buông khung nón, tôi nhỏm phắt dậy. Chắc chắn mẹ lại gây ra chuyện gì nữa. Nơi góc bếp, có một bình minh đang bốc lên rừng rực: Cháy. Thôi chết rồi. Mẹ đun lá bạch đàn nấu cám, rồi không biết bỏ đi đâu. Những xếp lá bạch đàn nhiều nhựa, cứ tự nhiên tiếp lửa cho nhau bốc cháy đùng đùng. Tôi múc nước dập tan lửa. Nhưng cũng không kịp cứu cái nón mẹ mới khâu xong để cạnh bếp. Mẹ chạy về hốt hoảng, đứng trân trân nhìn tác phẩm của mình bị cháy một nửa. Bình minh, những đám mây vàng cam và đống lửa ngùn ngụt đã tắt ngấm trong tôi nhưng mắt bà thì bắt đầu quắc lên như muốn thiêu sống mẹ. Tay bà lăm lăm nắm chặt roi mây, vút vào lưng, vào vai mẹ tới tấp:

- Đồ vô tích sự. Chỉ biết ăn, không biết lo, chỉ biết đĩ, không biết làm. Vụt cho mày chừa. Vụt cho mày chừa.

Mẹ hết ôm đầu, rồi đến vai, môi cắn chặt, cái cặp lá tuột móc nên tóc mẹ xổ ra xoăn tít. Tôi nhìn mẹ. Tối nay mẹ mặc một cái áo mới, áo hoa cà tím. À. Ra mẹ đĩ là thế. Rõ ràng là ở nhà mẹ chỉ nên chú ý đến việc làm cho ra lắm cái ăn. Mẹ không nên mặc đẹp. Nhất là mẹ không được đẹp hơn bà nội. Nhưng, tôi mừng thầm trong lòng vì thấy mẹ vẫn còn ý thức được là mình thích mặc áo mới.

Tôi chen vào giữa làn roi của bà nội. Mẹ túm chặt người tôi run rẩy như đứa trẻ. Tôi giữ cái roi từ tay bà, che cho mẹ. Bà nội vẫn xa xả:

- Mày xem. Mẹ mày giỏi chưa? Váy với chả áo. Cám thì nấu sống. Bếp thì cháy. Gạo thì chưa giã xong. Lại còn đánh vỡ của tao mất quả trứng. Cả ngày chẳng được tích sự gì. Tao phải nuôi báo cô mẹ con mày mãi à?

- Để con làm là được chứ gì. Mẹ con ốm bệnh thế rồi. Bà biết rồi còn dùng đòn roi nữa. Để con làm hết.

- À. Mày lớn lắm rồi còn biết bênh mẹ mày nữa hả? Mày xem. Nhà người ta đẻ được bốn năm thằng con trai cho cả họ được nhờ. Còn mẹ mày, được một đứa vịt giời rồi thì tịt ngóp. Cái thứ mày, thì làm được non nước gì. Không ăn hại mới là lạ.

- Tại bố con... Cổ tôi chợt nghẹn lại...

Bố tôi là một người đàn ông bội bạc. Năm bố tôi đi bộ đội thì cũng là năm tôi sinh ra, mình tay mẹ ở nhà chăm bẵm tôi và toan tính việc nhà chồng. Bố đóng quân nơi biên giới phía Bắc. Những tháng ngày đằng đẵng, bố chỉ về thăm nhà có một lần. Thời gian sau, bố báo tin về đã lấy vợ trên đó và có một cậu con trai. Bà nội tôi mừng ra mặt, có ý muốn đón vợ hai của bố về đây ở. Ông nội choáng váng vì không chấp nhận việc bố có người đàn bà khác. Ông thương mẹ con tôi. Bấy giờ tôi mười tuổi. Ấn tượng về người đàn ông đẹp và hiền hậu duy nhất trong tôi lúc đó chỉ có ông nội.

Cú sốc do bố tôi đem về đã làm mẹ tôi thành ra như thế. Mẹ tôi suy nghĩ nhiều nên thành ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Bà nội tôi thì tham công tiếc việc. Trước đó, mẹ tôi rất khỏe, đó là lí do bà giữ mẹ tôi lại. Mỗi năm cái nhà kho chất bao nhiêu là thóc lúa, ngô, sắn, khoai lang, khoai sọ,.... Nhưng mấy năm nay, mẹ tôi gầy đi trông thấy và bệnh trầm cảm cũng nặng hơn. Mẹ hay giật mình thon thót trong những giấc ngủ. Không có bố, mẹ tôi đẻ con với ai, mà bà hắt hủi mẹ như vậy. Không có bố, mẹ con tôi chẳng còn là gì hết trên đời này.

Tôi cố gắng đạp chân giã gạo, cối nện xuống rời rạc. Con Vàng đã thôi sủa lên inh ỏi vì những tiếng động trong nhà ban nãy. Mẹ tôi thì không bao giờ hé răng cãi nửa câu. Mặt tôi bừng bừng. Và khi bà đã sầm sập bỏ lên nhà, lúc ấy, nước mắt tôi mới bắt đầu tuôn rơi. Ông nội tôi đi ăn giỗ ở làng bên chưa về. Hôm nào ông nội đi vắng là y như rằng ở nhà lại có chuyện. Nhà tôi ở cách xa nhà các chú, thím một đoạn sông nên mỗi khi bà đánh mẹ, tôi chỉ có thể cầu cứu ông nội.

***

Tôi đã chứng kiến nhiều đêm khủng khiếp như vậy xảy ra. Làm sao một người không minh mẫn như mẹ tôi có thể làm được mọi việc mà không bị đổ bể. Buổi sáng tôi đi học. Chiều về hộ mẹ băm sắn. Nhà hai mẫu ruộng bà lúc nào cũng riết róng mẹ làm đến kiệt sức. Bà lại còn vẽ thêm việc khâu nón cho mẹ con tôi. Những ngón tay mẹ bị kim châm thủng. Tay tôi cũng thủng. Càng ngày, tôi càng không chịu nổi bà nội. Nhưng, tôi càng không thể chịu nổi cái sự nhẫn nhịn của mẹ. Tôi cảm thấy căm ghét cái việc tự đày đọa mình. Tại sao mẹ cứ chấp nhận tuân theo lối sống gia giáo với những hủ tục phong kiến đã lỗi thời? Tại sao mẹ lại chấp nhận sống một cuộc đời vô vị như thế mà không chịu vùng lên? Tại sao mẹ cứ phải vất vả vì gia đình? Để bây giờ, mẹ không có sức làm hùng hục như trâu như ngựa được nữa. Giọng mẹ cũng không như bình thường, lắp ba lắp bắp. Mắt mẹ trũng xuống, lúc nào mẹ cũng nhìn tôi ngơ ngơ.

Tôi cảm thấy căng thẳng. Tôi làm bạn với con Vàng. Mỗi khi thấy bà, nó cũng sợ. Nó loanh quanh không dám tiến lại gần. Mỗi khi tôi ngồi ở bậc cửa, con Vàng lại sán đến tôi. Nó hít hà lên tay tôi nhột nhột, tôi phải quờ tay để đẩy má Vàng ra. Nó là một con vật đáng mến. Nó khiến tôi có cảm giác được an ủi đến dễ chịu.

Tôi thấy người ta bảo những đứa trẻ lớn lên trong sự nạt nộ thường trở nên nhút nhát. Tôi đã từng nhút nhát. Nhưng, giờ thì khác, tôi lì lợm và cứng đầu hơn. Từ lâu, tôi đã nghĩ đến việc đưa mẹ đi khỏi nhà. Có hôm tôi thấy mẹ khâu nón bị châm vào tay đau buốt. Nhìn tay mẹ giơ lên lập cập, ngay lập tức tôi mang lưỡi cày là lá nón vứt xuống cuối vườn, nhưng mẹ lại lầm lũi nhặt nó về. Tôi bực bội vì trong người mẹ, hình như chẳng có một chút hành động nào biểu hiện của sự kháng cự. Mà không phải, mẹ đang kháng cự lại tôi đấy thôi.

***

Một sáng, bà nội nhẹ nhàng bảo mẹ tôi đi chợ. Trưa, tôi đi học về, bà đưa cho một hộp bánh ăn và bảo tôi chạy đi chơi. Ngạc nhiên, tôi bước vào trong nhà. Bố tôi và một người đàn bà lạ hoắc lạ huơ ngồi nói chuyện với ông nội. Cô ấy béo trắng, đẫy đà nhưng nét mặt không thể đẹp như mẹ tôi.

Tôi không biết đến việc ông đã thất vọng trước sự trở về của bố đến mức ông nổi cơn thịnh nộ. Tôi nhớ bà nội tôi đã từng bảo mẹ: “Mày sinh ra phải chịu cái số kiếp này rồi. Phải chấp nhận! Mà tao xin mày, nghĩ cho chồng, cho gia đình chồng một tẹo. Nhà tao cần có con trai nối dõi”. Mẹ tôi bặm môi vâng lời. Mẹ cũng đã làm y chang như thế, hay mẹ không thể làm khác được. Nghĩa là, khi mẹ còn chút sức lực thì mẹ vẫn chấp nhận việc sẽ phục vụ cả gia đình, cả bố, cả vợ hai của bố, chẳng nhẽ với cái ảo tưởng một ngày bố sẽ quay về. Ôi! Mẹ của tôi. Trong đầu mẹ tại sao không có một ý niệm về sự ghen ghét, hay thù hận ai cả. Mẹ cứ tất bật nấu nướng, dọn dẹp và phục vụ vị khách quý. Còn cô khách, cô cho tôi một bộ quần áo đẹp và cô ấy hẹn sẽ sớm về cho tôi quà nhiều hơn nữa.

Đến chiều, tôi đi chơi về và không thấy mẹ. Tôi chạy vội ra ngõ. Thấy lũ trẻ con trong xóm đang ngơ ngác nhìn về phía gốc gạo. Mẹ ngồi tựa lưng vào gốc cây bất động và trĩu nặng, như thể mẹ vừa gom tất cả những tháng ngày phải gánh vác, mệt mỏi và chịu đựng thế gian này, đến đây và xếp chúng tựa vào với mình. Lũ trẻ ái ngại nhìn khuôn mặt lọ lem của mẹ. Chúng thì thào với nhau rồi bỏ về. Chỉ còn lại tôi và tình yêu con trẻ là ở lại với mẹ mà thôi. Thấy tôi, mẹ bật dậy. Rồi bước được vài bước thì mẹ ngồi thụp xuống. Mẹ cào tay mình xuống nền cỏ xanh, run rẩy. Mẹ vơ mạnh những bông hoa và ném đi. Những bông hoa gạo vẫn cứ đẹp dịu dàng, xoay mạnh và lại rơi trên thảm cỏ, yên ả như một sự chấp nhận số phận, và lại nằm như ngủ mê ngay cả khi mẹ đang trút tất cả nước mắt cuộc đời mình vào chúng. Tôi cảm nhận được những giằng xé trong lòng mẹ. Tôi bỗng thấy mừng vì biết chính xác mẹ vẫn là một người đàn bà bình thường. Mẹ không hề đánh mất bản năng ghen ghét, hờn giận, đau đớn trong lòng. Mẹ không vô cảm. Chỉ là mẹ cố giấu đi nỗi buồn mà thôi.

- Bố con…vợ hai... Mẹ nức nở.

Tôi hiểu mẹ rồi. Tôi giận bố, giận người khách lạ. Và, tôi giận bà. Tôi đùng đùng bỏ mẹ ngồi lại đó và đi thẳng về. Thật là may quá! Ông và bố đã đi sang nhà bác cả. Chỉ còn bà và cô khách đang thủ thỉ trong buồng. Bà gọi với ra bảo tôi đi thả trâu. Tôi không đi mà hùng hổ đi xúc một ít tro rồi ra giếng kéo nước lên đầy chậu và bưng vào buồng. Cái buồng ấm áp trưa nay mẹ nhường cho cô khách nghỉ nhờ. Đầu tôi nóng lên: “Mẹ không ghen thì để con ghen. Mẹ không chịu đánh ghen thì để con đánh. Mẹ muôn đời vẫn thế, biết mà không làm. Mẹ không muốn biến mình thành người đàn bà cay nghiệt nhất? Mẹ để cái ghen tuông lặn vào trong ăn mòn sức mẹ. Mẹ chỉ muốn an phận từng ngày. Nhưng, tôi sẽ sống hộ mẹ dù chỉ mươi, mười lăm phút thôi”. Và tôi - lần đầu tiên quyết định đi làm cái việc đánh ghen người đàn bà của bố, để trả đũa cho việc mình có một người mẹ quá nhu nhược. Nhanh như chớp, và tôi không còn biết phân biệt trên dưới, trời đất là gì. Cái chậu nước tro tôi nhằm vào cô khách định giơ tay hất mạnh, thì bị bà nội giằng lại, cả thau nước hất trọn lên người bà, nhem nhuốc. Cô khách kêu lên inh ỏi. Bà tôi cũng hét lên:

- Con ranh con. Cút ra khỏi nhà tao. Đồ mất dạy!

Mẹ thất thểu về. Thật đúng lúc. Tôi giục mẹ đi khỏi nhà. Cô khách trơ trẽn gắt:

- Không phải đi đâu hết. Tôi đi.

Bố dẫn theo người đàn bà đó bỏ đi. Ông bảo trả tự do cho mẹ con tôi. Hai mẹ con chúng tôi dắt nhau đi khi trời vừa tối. Mẹ xách cái bị quần áo, mặt vô hồn. Ông nội dúi vào tay con Vàng bảo mẹ dắt đi theo. Nhưng mẹ lại cột nó lại nơi góc bếp. Tôi khóc. Con Vàng cụp đuôi buồn thiu. Ra đến cổng, tôi còn nghe tiếng bà nội hằn học về chuyện lúc chiều. Tôi khoác cái bị quần áo, cùng mẹ dò dẫm bước.

Điều tôi ước đã thành hiện thực. Tôi đã có thể chấm dứt những ngày u ám của tuổi thơ. Nhưng đêm đó, bầu trời không có những vầng mây màu vàng cam xếp chồng lên nhau soi đường cho chúng tôi mà chỉ có bình minh mọc lên trong lòng tôi rực rỡ. Tôi sẽ cùng mẹ sống một cuộc đời mới, tự do hơn. Tôi phải lớn lên, phải sống khác mẹ. Tay tôi dung dăng trong tay mẹ. Phải rồi, sau này, tôi sẽ làm bác sĩ, để chữa lành lại những vết kim khâu nón đã từng châm thủng ngón tay mẹ, tay mình đến buốt nhói. Nghĩ đến đó, tôi rúc rích cười.

***

Thỉnh thoảng, nhớ ông nội, tôi vẫn về theo ông đi ăn giỗ, ăn cưới. Mỗi lần về, tôi không dám nhìn vào cái khung khâu nón trên gác bếp, cũ mèm với những kỉ niệm nhức nhối. Quê nội, chỉ có con Vàng khiến lòng tôi ấm áp trở lại. Nó luôn mừng quýnh, xoắn xuýt chạy ra đón tôi từ phía gốc gạo cuối làng, và chạy song song xe tôi. Tôi đạp xe chậm lại để kéo dài giây phút ấy, giây phút được đi cạnh nó, thật lâu, để trả ơn nó, để cho tôi và nó, dù không thể nói chuyện với nhau, cũng có thể đỡ nhớ nhau.

Tôi phấn đấu đi học với mong ước trở thành bác sĩ chăm sóc mẹ như ngày bé tôi đã hứa với mẹ. Thỉnh thoảng, đi thực tập tôi hơi rùng mình với những ca cấp cứu mà bệnh nhân bị tạt axit đánh ghen. Cái chậu nước với ý định tạt vào vợ hai của bố, khiến tôi không sao quên được.

Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn về quê ăn giỗ, nhưng giờ thêm cả giỗ ông nội nữa, con Vàng chỉ có thể chạy song song với xe tôi trong tâm trí. Và, tôi cũng đã không còn giữ những kỉ niệm chua chát với bà nội nữa. Bố đã đưa vợ hai về quê ở, để chăm bà nội. Bà đã già và yếu lắm. Chiều, tôi định đẩy cổng bước vào nhưng tôi kịp dừng lại. Vợ của bố tôi đang tắm gội cho bà ở sân giếng. Tôi giật thót thấy bà kêu lên ú ớ vì những cái đánh vào mông gầy, vào ngực lép của bà. Bà đưa tay vuốt mắt liên tục vì những gáo nước dội từ đầu xuống. Bà không còn khả năng kháng cự vì đã quá yếu. Tôi đứng như trời trồng. Tuổi thơ của tôi với những tiếng kêu ú ớ của mẹ lại hiện lên rõ như in. Tôi nhìn ngôi nhà của ông, xót xa. Tôi chợt tiếc vì chưa bao giờ có thể kể với ông về những vầng mây vàng cam xếp chồng lên nhau, luôn sáng tươi như cảnh bình minh mọc lên trong đêm tối mà tôi đã nhìn thấy từ ngày còn thơ. Chính nó đã khiến tôi đổi thay trong suy nghĩ, đã khiến tôi biết ước ao và lựa chọn một cuộc đời khác để sống, để không lặp lại mối hận thù của một ai. Lòng tôi quặn lên nỗi xót thương bà nội

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước