Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
09:24 (GMT +7)

Biển Đông Từ Đối thoại Shangri-La đến Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung

VNTN - Ngày 6 và 7/6/2016, tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã diễn ra Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8. Đây được coi là diễn đàn quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm làm giảm căng thẳng và mở rộng hợp tác song phương thông qua đối thoại trực tiếp. Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung diễn ra khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại Hague (Hà Lan) chuẩn bị ra phán quyết về việc Philippin kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông.

Quang cảnh Đối thoại Shangri-La 15. (Ảnh: TTXVN)

Tranh chấp Biển Đông ngày càng mang tính quốc tế

Tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á vốn đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua. Vấn đề này ngày càng nóng lên kể từ năm 2010, Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ “chủ quyền” mà họ yêu sách, kể cả những yêu sách hết sức phi lý. Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc tôn tạo, san lấp quy mô lớn, biến những bãi cạn, đá ngầm Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và môi trường sinh thái biển. Cùng với đó là các hành động đơn phương như công bố lệnh cấm đánh bắt cá trên cả vùng biển của nước khác, làm tổn hại đến hoạt động lao động, sản xuất trên biển, đối xử vô nhân đạo với ngư dân, triển khai máy bay, tàu chiến và các trang thiết bị quân sự trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa… Những hành động này của Trung Quốc đã và đang gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, nhất là xu hướng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, bất đồng.

Tranh chấp trên Biển Đông ngày nay không chỉ còn là vấn đề giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN mà đã trở thành vấn đề quốc tế; là vấn đề “bảo vệ các tài sản chung toàn cầu”; “tự do hàng hải”, “tự do hàng không”; “sử dụng không hạn chế các tuyến đường biển quốc tế”... Vì vậy, những tranh chấp hiện nay đã chuyển từ tranh chấp lợi ích giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á thành tranh chấp giữa Trung Quốc với cộng đồng quốc tế.

Từ Đối thoại Shangri-La…

Tại Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapo vừa qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều lên tiếng chỉ trích nhau về những hoạt động trên Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố việc Trung Quốc quân sự hóa  Biển Đông có nguy cơ đe dọa hòa bình ổn định, ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; làm tổn hại đến môi trường sinh thái biển và nhấn mạnh: Trung Quốc đang dựng lên một bức tường “Vạn lý trường thành” tự cô lập chính mình. Ông Ashton Carter cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng tự cô lập và tham gia vào một mạng lưới an ninh châu Á.

Ông Carter bày tỏ sự đáng tiếc khi ngày càng có nhiều mối lo ngại trong khu vực... về các hoạt động của Trung Quốc trên biển, không gian mạng và trên không phận khu vực. Ông cho rằng, Trung Quốc đã có những hành động mở rộng chưa từng có tiền lệ, gây nên mối quan ngại về những mục đích chiến lược của Trung Quốc và lưu ý, chìa khóa của an ninh khu vực là tăng cường hợp tác và tuân thủ các “nguyên tắc cốt lõi” như giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý và phát triển một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”. Ông cảnh báo: “Chỉ khi mọi người chơi theo cùng một luật, chúng ta mới có thể tránh phạm sai lầm trong quá khứ” và nêu rõ, Mỹ “hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, thịnh vượng và đóng vai trò tích cực trong mạng lưới an ninh dựa theo nguyên tắc của khu vực”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tái khẳng định lập trường của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng ủng hộ duy trì tự do đi lại trong khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển, và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép để tất cả các nước trong khu vực này có thể hành động giống như Mỹ”.

Liên quan đến bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, về vụ Philippin kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông để không làm phương hại tới tình hình an ninh khu vực.

Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực và nhiều nước đã bày tỏ quan điểm công khai hoặc trao đổi riêng với Trung Quốc. Trong thời gian thảo luận sau khi phát biểu, trước câu hỏi tại sao Mỹ lại chỉ nhằm vào Trung Quốc để đổ lỗi cho những căng thẳng trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Theo ông Carter, lý do khiến không chỉ Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế đều tập trung chỉ trích Trung Quốc là vì chỉ trong vòng một năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo, đảo nhân tạo và đảo san hô ở mức độ lớn chưa từng có. Chính hành động này đã gây ra mối quan ngại cho các nước có liên quan và khiến Trung Quốc bị cô lập về lập trường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để Trung Quốc và các nước trong khu vực xây dựng một cơ chế ngăn chặn xung đột.

Ngay trước giờ khai mạc Đối thoại, Trung Quốc đã phân phát tờ rơi, gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung, có nội dung hoàn toàn khác nhau. Trong khi tờ rơi tiếng Anh cung cấp thông tin về quá trình phát triển quân đội của Trung Quốc thì bản tiếng Trung cung cấp thông tin hoàn toàn xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc.

Nội dung tờ rơi viết: “Các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc”. Đối với quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh Biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên và khai thác quần đảo Trường Sa”. Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế...

Trong bài phát biểu tại Đối thoại, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Trung Quốc lớn tiếng lên án Mỹ và cho rằng, sự can dự ngày càng sâu của Mỹ vào vấn đề Biển Đông là nguyên nhân gây nên bất ổn trong khu vực. Trưởng đoàn Trung Quốc cũng khẳng định không có chuyện mất an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trong khu vực do Trung Quốc xây đảo nhân tạo. Nực cười hơn, Trưởng đoàn Trung Quốc còn hăm dọa: “Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng cũng không sợ rắc rối”. Ngay sau khi kết thúc bài phát biểu, Trưởng đoàn Trung Quốc đã nhận được hàng chục câu hỏi, chủ yếu liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cũng giống như đã từng xảy ra trong Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Trưởng đoàn Trung Quốc đã lảng tránh trả lời câu hỏi của các đại biểu và thay vào đó là đọc một bài đã chuẩn bị sẵn, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển, đảo ở Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc luôn cam kết đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực, đồng thời chỉ trích các nước khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và một số nước ASEAN là nhân tố “gây rối” an ninh khu vực, làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Lập luận của Trưởng đoàn Trung Quốc đã gây ngạc nhiên cho các đại biểu vì sự chủ quan, ngạo mạn và phong cách “đối thoại” quốc tế theo cách riêng chỉ của người Trung Quốc!

Đến Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung

Không rõ là vô tình hay hữu ý mà Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung được tổ chức ngay sau khi Đối thoại Shangri-La 15 tại Singapo vừa kết thúc. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông được đề cập tại Đối thoại này khác xa so với ở Đối thoại Shangri-La, chỉ diễn ra cách đó 1 ngày. Tại Đối thoại Shangri-La, Mỹ chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về những gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, tuy nhiên khi đến Bắc Kinh tham dự cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8 diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/6, thái độ của Mỹ đã có sự thay đổi rõ rệt. Tại Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry nhắc lại “sự ủng hộ cơ bản của Mỹ đối với việc đàm phán và các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như quan ngại về bất cứ bước đi đơn phương của bất cứ bên nào” và khẳng định, Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực này, song cho rằng “tất cả các bên cần kiềm chế”.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông - Ảnh: EPA  (Nguồn: tuoitre.vn)

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai nước nên “tin tưởng” lẫn nhau hơn nữa trong lúc tìm kiếm giải pháp làm giảm căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông và cho rằng, “Trung Quốc và Mỹ cần thêm lòng tin vào nhau. Một số tranh chấp có thể chưa được giải quyết ngay thời điểm hiện tại nhưng hai bên cần có một thái độ thực tế, mang tính xây dựng khi tiếp cận những vấn đề này. Thái Bình Dương mênh mông nên là nơi dành cho sự hợp tác thay vì cạnh tranh” và hai nước cần tăng cường lòng tin bằng cách liên lạc thường xuyên để tránh “những sai lầm chiến lược”.

 

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh, Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng phải là đàm phán “giữa các bên liên quan”; đồng thời kêu gọi Mỹ đóng một vai trò tích cực trong bảo vệ hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Qua ngôn từ cũng như thái độ thể hiện trong Đối thoại Shangri La (diễn đàn đa phương)  và Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (diễn đàn song phương), có thể thấy rằng, Biển Đông vẫn là chủ đề quan trọng của cả hai diễn đàn, và là vấn đề quan tâm  của cả hai bên, song cách thể hiện có sự khác nhau. Tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung, cả Mỹ và Trung Quốc đã “dịu giọng” hơn trong đề cập vấn đề Biển Đông.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì cả Mỹ và Trung Quốc có quá nhiều lợi ích đan xen và chấp nhận “chịu đựng nhau”.  Dù tranh cãi, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc vẫn không đẩy căng thẳng đi quá xa do lo ngại phải hứng chịu những thiệt hại lợi ích khổng lồ.

Thực tế cho thấy, tuy còn tồn tại nhiều bất đồng và khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn, song quan hệ Mỹ - Trung vẫn là mối quan hệ quan trọng nhất, trở thành yếu tố định hình cục diện và cấu trúc an ninh khu vực. Về chính trị, an ninh, mặc dù trong trật tự đa cực, đa tầng nấc ở khu vực còn nhiều nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, nhưng quan hệ đối ngoại của những nước này cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố Trung - Mỹ. Một mặt, quan hệ Trung - Mỹ là mối quan hệ giữa một siêu cường duy nhất đang suy giảm sức mạnh và một cường quốc đang trỗi dậy có tiềm năng thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Mặt khác, hai cường quốc này ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và cần hợp tác với nhau trong giải quyết nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Tuy cạnh tranh chiến lược trong quan hệ Trung - Mỹ có chiều hướng phát triển gay gắt, song không phá vỡ khung hợp tác giữa hai nước. Hai nước vẫn hợp tác trong các thể chế toàn cầu và khu vực, ví dụ như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết những vấn đề toàn cầu mà không nước nào có thể tự mình đảm đương nổi như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên...

Về kinh tế, quan hệ giữa hai nước hiện nay là quan hệ “đồng phụ thuộc” (codependency). Trung Quốc đã hưởng lợi từ mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu, tạo nên 30 năm tăng trưởng thần kỳ khi trở thành công xưởng của thế giới trong khi Mỹ tận dụng Trung Quốc như một kênh sản xuất hàng hoá chi phí thấp, giải quyết nạn khan hiếm hàng hóa... Theo thống kê, trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama từ đầu năm 2009 tới nay, thương mại song phương Mỹ - Trung đã tăng 43%, đạt 626,8 tỉ USD. Những công ty hàng đầu của Mỹ như Apple hay thương hiệu Starbucks và các hãng xe hơi cũng đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc, ngược lại là những “cơn lốc” đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ. Điều này giúp Trung Quốc lần đầu tiên vượt Canađa, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Một số nhà phân tích cho rằng, mặc dù có thể không bằng lòng, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc vẫn phải cố “bằng mặt” với nhau, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung quan trọng hơn nhiều so với các quan hệ địa - chính trị giữa hai nước. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là động lực cho môi trường hòa bình của khu vực và thế giới, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh. Do đó, các nước trong khu vực, nhất là các nước nhỏ cần hết sức cảnh giác trước việc Mỹ và Trung Quốc có thể có những thỏa thuận “ngầm” với nhau vì lợi ích của họ mà bất chấp lợi ích của các nước khác, như đã từng xảy ra trong lịch sử!

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy