Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:18 (GMT +7)

Bertha

Henri Ren Alber Guy de Maupassant (05/7/1850 – (6/7/1893) là nhà văn Pháp nổi tiếng. Ông được coi là người cha của truyện ngắn hiện đại được độc giả mọi thế hệ yêu thích, ngưỡng mộ. Ông có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều nhà văn tên tuổi của thế giới như: Maugham (Anh), O.Henry (Mỹ), Anton Chekhov (Nga)… Cuối đời ông mắc chứng bệnh tâm thần. Ông cố tự tử vào ngày 02/01/1892 nhưng bất thành. Ông được đưa vào một trại tỵ nạn tư nhân ở Paris và qua đời vào năm sau.

Bertha

Bác sỹ Bonnet là người bạn lớn tuổi mời tôi đến chơi với ông ở Riom vùng Auvergne gồm bốn tỉnh – thủ phủ đóng tại thành phố Clermont – Ferrant. Tôi chưa biết vùng này nên háo hức đi ngay vào mùa hè năm sau. Ra đón tôi ở sân ga ông mặc bộ đồ màu xám, đội chiếc mũ phớt mềm rộng vành hẹp dần lên đỉnh mũ như chiếc ống khói gợi cho người ta nhớ hình ảnh của anh thợ đốt lò than. Thân hình gầy gò dưới chiếc áo khoác mỏng quá rộng và cái đầu to phủ đầy tóc trắng khiến ông trông như một ông lão đã cao tuổi.

Không giấu nổi xúc động, ông ôm chầm lấy tôi như người bạn thân lâu năm chưa gặp. Rồi ông giang tay ra tự hào nói: “Đây là Auvergne!”, trong khi tôi chẳng thấy gì trước mắt ngoài những dãy núi hình nón cụt giống những núi lửa đã tắt từ lâu. Rồi ông chỉ vào tên nhà ga nói: “Riom là nơi ở, là niềm tự hào của các quan tòa mà lẽ ra phải là nơi ở của những bác sỹ”. “Tại sao?” tôi hỏi. “Tại sao ư? Nếu bạn hoán đổi các chữ cái bạn sẽ có một từ la tinh “mori” có nghĩa là: “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ chết” – một thành ngữ nổi tiếng. Thích thú với câu đùa hóm hỉnh của mình, ông xoa hai bàn tay vào nhau rồi kéo tôi đi.

Khi tôi vừa uống xong ly cà phê, ông đưa tôi đi xem thị trấn. Tôi chú ý và phát hiện ra tất cả những ngôi nhà đều có mặt tiền bằng đá đen điêu khắc rất đẹp và khá cổ kính. Ông nói sẽ kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị nhưng xin lỗi phải đi gặp một bệnh nhân trong ít phút. Sau bữa trưa ông sẽ đưa tôi đến Puy de Dome để tôi có thể thấy diện mạo toàn thị trấn. Trong khi chờ ông, tôi chú ý đặc biệt tới ngôi nhà ông vừa đi vào. Nó cũ kĩ, u ám có vẻ đầy sát khí. Tất cả các cửa sổ đều bị đóng ván che kín nửa phía dưới. Nửa phía trên có lưới sắt – như thể các phòng trong trại giam người ta không cho tù nhân nhìn ra bên ngoài.

Khi bác sỹ trở lại tôi đã nói với ông cảm nghĩ của mình về ngôi nhà. “Bạn đã đúng! Sinh vật đáng thương đang bị nhốt trong đó không bao giờ được nhìn những gì đang xảy ra bên ngoài. Cô ấy là một phụ nữ điên rồ, một phụ nữ ngơ ngơ, ngu ngốc. Một phụ nữ mắc bệnh lý kỳ dị rất đáng thương. Nếu bạn muốn tôi sẽ kể cho nghe”. “Tất nhiên là tôi rất muốn”. Và câu chuyện của ông như sau:

“Hai mươi năm trước chủ sở hữu ngôi nhà này là bệnh nhân của tôi. Ông có một cô con gái khi sinh ra như tất cả các cô gái khác. Nhưng tôi sớm phát hiện ra cơ thể cô phát triển nhanh đến kinh ngạc – trong khi trí tuệ cô không hề phát triển. Cô biết đi rất sớm nhưng không nói được. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ cô điếc nhưng không phải. Cô nghe được nhưng không hiểu người ta nói với cô điều gì. Cô lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời nhưng thiểu năng trí tuệ ngày càng nặng. Ngay từ khi cai sữa cô đã không nhận ra mẹ mình, không thể phát âm từ “mẹ” như bao đứa trẻ khác thốt ra đầu tiên và cũng là từ những người lính thốt ra cuối cùng trước khi chết trên chiến trường. Đôi khi cô bập bẹ cố phát ra những âm thanh rời rạc không mạch lạc và vô nghĩa. Tôi cố gắng bằng mọi cách để đưa một tia trí tuệ vào não cô nhưng thất bại. Khi thời tiết đẹp cô cười liên tục phát ra những âm thanh nhỏ líu lo như tiếng chim kêu; khi trời mưa cô khóc lóc, rên rỉ thê lương dễ sợ như tiếng hú của con sói trước khi chết. Vào mỗi buổi sáng cô thích lăn lộn trên cỏ như những con thú nhỏ rồi chạy điên cuồng, vỗ tay liên hồi. Chỉ cần có tia nắng bình minh chiếu vào phòng cô là cô thức dậy vội vã mặc váy áo thật nhanh để có thể thoát ra ngoài.

Cô không phân biệt được người này với người kia, giữa mẹ và cô y tá, giữa cha cô và tôi, người đánh xe ngựa và người đầu bếp. Tôi rất quý mến cha mẹ cô, họ thường đến thăm tôi hằng ngày và tôi luôn an ủi họ. Họ mời tôi ăn cùng trong bữa chính để tôi quan sát, theo dõi, nhận xét về cô con gái. Làm sao để khêu gợi những đam mê của cô, đánh thức bản năng của cô – dù chỉ một chút. Xem cô có nhận ra những đĩa thức ăn và cô thích món nào? Khi 12 tuổi nhưng cô đã phổng phao như cô gái 18 – cô còn cao hơn cả tôi. Tôi đặc biệt ấn tượng về thói tham ăn của cô. Tôi đi vào nghiên cứu với hy vọng mong manh đưa vào nhận thức để cô phân biệt đúng về sự đa dạng về mùi vị của các món ăn. Nếu nguyên nhân là do bản năng thì phải thiết lập một cơ chế để dần dần đưa cô có nhận thức, suy nghĩ bắt đầu từ bản năng.

Một ngày nọ tôi đặt một đĩa súp và một đĩa kem rất ngọt có mùi thơm của vani quyến rũ trước mặt cô. Tôi cho cô nếm thử từng thứ và để cô lựa chọn – và cô đã chọn đĩa kem. Trong thời gian ngắn thí nghiệm của tôi khiến cô rất tham ăn đến nỗi ý tưởng duy nhất trong đầu cô là khao khát được ăn. Cô đã hoàn toàn đã nhận biết các món ăn, đưa tay với lấy những món ưa thích và giữ chặt lấy chúng. Khi ai đó lấy khỏi tay, cô sẽ khóc òa lên. Rồi tôi chuyển sang huấn luyện cho cô đến phòng ăn bữa tối đúng giờ bằng tiếng chuông vang lên. Việc đó mất thời gian khá lâu nhưng tôi đã thành công. Trong trí tuệ trống rỗng của cô đã được thiết lập mối liên quan giữa âm thanh và mùi vị; một sự tương ứng giữa hai giác quan; một sự hấp dẫn từ cái này sang cái khác. Nói cách khác là một loại kết nối các ý tưởng – dấu gạch ngang giữa bản năng giữa hai chức năng hữu cơ.

Tiếp tục đi xa hơn, tôi dạy cô nhận biết giờ ăn bằng đồng hồ. Thí nghiệm rất đơn giản: Tôi yêu cầu không rung chuông nữa mà bằng tiếng chuông đồng hồ đánh vào 6 giờ và 12 giờ. Thật vất vả để cô biết đếm các vạch trên mặt đồng hồ. Mỗi ngày gần đến giờ đó tôi đặt ngón tay vào con số 6 và 12. Nét mặt cô căng thẳng chờ đợi theo sự di chuyển của kim đồng hồ và vội vã đến phòng ăn khi đồng hồ điểm chuông. Cô đã có cảm giác về thời gian giống như con cá chép tuy không biết giờ giấc nhưng vẫn phản xạ có điều kiện đến chính xác giờ chúng được cho ăn.

Chính vì thí nghiệm đồng hồ mà đã xảy ra một chuyện bi hài khủng khiếp. Giờ đây cô không phụ thuộc vào đồng hồ đánh chuông nhưng rất thích nghe tiếng chuông thánh thót của nó khi đến giờ ăn. Số là ở phòng cô có chiếc đồng hồ cổ rất đẹp thời vua Louis 16 treo trên tường phía trên giường ngủ của cô nhưng nó đã bị liệt bộ phận đánh chuông từ lâu. Vào một ngày cách giờ trưa chừng 20 phút cô đã dán mắt vào chiếc đồng hồ đó để chờ nó đánh chuông. Nhưng chiếc kim phút đã chạy quá con số 12 một lúc cô vẫn không nghe thấy gì. Cô giận điên người nổi cơn thịnh nộ cho rằng nó đã lừa dối cô. Cô chạy lấy chiếc kẹp than bếp lò đánh dữ dội vào đồng hồ làm nó vỡ tan thành những mảnh nhỏ. Đầu óc u tối của cô rất hạn chế không phân biệt được các tình huống. Bằng chứng ấy cho thấy sự khuấy động trí tuệ của cô bằng sự đam mê của tôi đã thất bại…

Cô lớn lên thành một thiếu nữ đẹp lộng lẫy – một người đàn bà ngu ngốc nhưng hết sức gợi tình. Ở tuổi 16 cô có những đường nét mềm mại, cân đối, chuẩn mực – đôi mắt to, sáng, xanh như màu hoa cây lanh hơi đờ đẫn lơ đãng; miệng tươi với đôi môi dày dặn gợi cảm chỉ dành cho những nụ hôn. Tôi chưa từng thấy ai hoàn hảo và gợi tình đến thế.

Một buổi sáng cha cô đến gặp tôi với cái nhìn lạ lùng. Ông không đáp lại lời chào của tôi. Ông ngồi xuống ghế mặt biến sắc nói: “Tôi đến để nói với anh một việc rất nghiêm trọng: Liệu Bertha có thể kết hôn được không?”. “Bertha kết hôn? Điều đó là không thể”. “Vâng! Tôi biết, tôi biết…”, ông dừng một lát rồi nói tiếp “... nhưng nghĩ đi thì nghĩ lại bác sỹ ạ! Đừng nghĩ chúng tôi có hy vọng viển vông. Nếu con bé sinh con sẽ là một cú sốc tâm sinh lý lớn với nó nhưng sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao với nó. Biết đâu khi sinh con tình mẫu tử sẽ đánh thức trí năng của nó?”.

Tôi thực sự bối rối. Ông ấy đã đúng. Rất có thể tình huống mới xảy ra như vậy. Bản năng tuyệt vời của tình mẫu tử đập vào trái tim con vật thấp kém giống như trái tim người phụ nữ không có trí tuệ? Điều đó làm tôi nhớ đến một con gà mái dũng cảm xòe hai cánh đập đập trước hàm một con chó dữ để bảo vệ những đứa con của mình. Vài năm trước tôi nuôi một con chó rất ngu ngốc mà tôi không thể huấn luyện được nó. Rồi đến tuổi nó sinh những chú cún con. Nó bỗng thông minh hơn – tuy không khôn bằng những con chó khác nhưng nhận biết ra nhiều điều khi tôi dạy bảo. Nếu Bertha có con sẽ là một cuộc cách mạng làm thay đổi hoàn toàn tâm trí trống rỗng của cô, thiết lập một cơ chế bắt trí não bất động của cô hoạt động? Ý nghĩ cho Bertha lấy chồng lớn dần trong suy nghĩ của tôi không phải là chiều lòng cha mẹ cô mà là một sự tò mò khoa học. Chuyện gì sẽ xảy ra? Đó là một vấn đề phi thường thúc đẩy tôi. Tôi nói với cha cô: “Có lẽ ông đã đúng. Ông nên cố gắng. Nhưng tìm đâu ra người đồng ý lấy cô ấy? “Tôi đã tìm ra một người...”, giọng ông trầm xuống. Tôi sững sờ: “Ai? Ai có thể phù hợp với cô ấy? Người ông tìm có đủ phẩm chất đạo đức, đủ trách nhiệm và vị trí xã hội?”. “Tôi đã quyết định rồi” ông khẳng định “không bàn cãi gì nữa”.

“Thế à! Vậy tôi có thể biết tên người đó không?”. “Mục đích tôi đến đây là để hỏi ý kiến của anh. Người đó là Monsieur Gaston du Boys de Lucelles”. Suýt nữa tôi kêu lên: “Chết tiệt!”, nhưng đã kịp ngậm miệng. Sau ít phút im lặng tôi nói: “Rất tốt! Tôi không phản đối điều đó”. Người đàn ông đứng dậy bắt tay tôi rồi thông báo: “ Con bé sẽ kết hôn vào tháng tới”.

 ***

Gaston Lucelles là con một gia đình khá giả tầng lớp trên. Sau khi qua đời cha anh ta để lại một món kế thừa lớn. Nhưng do tính ngông cuồng ăn chơi phóng đãng chẳng bao lâu tài sản khánh kiệt. Anh ta rơi vào nợ nần chồng chất cố làm mọi cách để kiếm sống và anh ta đã tìm ra một phương cách thật đặc biệt. Anh ta là một gã đẹp trai có sức khỏe và vóc dáng hấp dẫn làm mê mệt bao phụ nữ. Dựa vào ưu thế đó anh ta tán tỉnh và sẵn sàng phù hợp với bất kỳ loại đàn bà nào. Anh ta lăng nhăng khiến họ không chịu nổi buộc họ phải chủ động chia tay. Vì lý do từ phía bên kia gây ra mà anh ta được hưởng một khoản trợ cấp đền bù thiệt hại. Anh ta đã sống bằng những món tiền như vậy. Và anh ta đã thấy gia đình của Bertha là một trường hợp để thực hiện. Anh ta đã đến nhà cô gái ngốc nghếch với điệu bộ sang trọng, oai vệ. Anh ta tặng hoa cô gái, hôn tay cô rồi ngồi xuống dưới chân cô ngước nhìn lên với ánh mắt trìu mến dường như đã làm hài lòng cô gái. Nhưng cô gái không chú ý đến bất kỳ hành động nào của anh ta, không có sự phân biệt giữa anh ta và những người xung quanh. Tuy vậy cuộc hôn nhân vẫn diễn ra.

Bạn có đoán được sự tò mò đã kích động tôi đến mức nào không? Sáng kế tiếp ngay sau đêm tân hôn tôi đã tìm gặp cô để thử khám phá xem cô có chuyển biến cảm giác nào được đánh thức từ vẻ bên ngoài không? Nhưng hoàn toàn không. Cô vẫn như thường ngày mê say đồng hồ và thích thú bữa ăn. Ngược lại anh chồng yêu cô thực sự - có lẽ do cô quá đẹp và hoàn hảo về thể xác – cố đánh thức tình cảm vợ chồng bằng những cử chỉ âu yếm, vuốt ve, mơn trớn như dành cho chú mèo con. Còn cô dành cho anh ta sự háo hức, đam mê giống như ham muốn và tham lam ăn những món ăn ngọt ngào. Chỉ đơn thuần có thế. Cô si mê anh ta bằng tâm hồn yếu đuối và trái tim của một con vật tội nghiệp được an ủi. Đó là bức tranh thú vị của sự mê mẩn, ngây thơ đơn thuần bản năng nhục dục mà thiên nhiên đã “cấy” vào nhân loại – trước khi con người làm nó phức tạp, làm nó biến dạng bởi những sắc thái khác nhau của tình cảm.

Dần dần anh ta đã thấy mệt mỏi và mất đi sự cuồng nhiệt với sinh vật xinh đẹp. Không còn suốt ngày ở bên cô. Anh ta chỉ trở về nhà vào ban đêm và cô hứng chịu đủ hậu quả. Cô thường chờ anh ta từ sáng sớm đến tận đêm khuya mắt dán vào đồng hồ buồn bã đến bỏ cả niềm đam mê ăn uống. Cô gầy đi nhanh chóng. Mọi cảm giác mong muốn, hy vọng lẫn lộn mất dần trong tâm trí cô làm cô đau đớn khủng khiếp trong những ngày liên miên chờ đợi – nhất là về ban đêm. Còn anh ta dành suốt đêm trong các sòng bạc ở Royat với các phụ nữ, chỉ về nhà khi sắp bình minh. Cô ngồi đó bất động chăm chắm nhìn kim đồng hồ chậm chạp đều đều chuyển trên mặt đồng hồ vỏ làm bằng sứ Trung Hoa với đôi mắt trống rỗng. Rồi cô nghe thấy tiếng vó ngựa của anh ta từ rất xa đang đến gần. Khi anh ta bước vào phòng cô đứng dậy giận dữ chỉ vào đồng hồ như muốn nói: “Hãy nhìn xem bây giờ là mấy giờ?”.

Sự ghen tuông bản năng như loài vật sẵn sàng giết chết đối thủ của người phụ nữ thiểu năng khiến anh ta bắt đầu sợ và làm anh ta nổi khùng, cơn thịnh nộ của một kẻ vũ phu đánh cô không thương tiếc. Một lần anh ta làm cô trọng thương, người nhà đã khiêng cô đến chỗ tôi. Cô quằn quại trong cơn đau đớn, la hét khủng khiếp trong mê sảng. Ai có thể đoán được những gì đang xảy ra trong bộ não chưa phát triển của cô? Tôi cố trấn tĩnh cô, tiêm cho cô mũi morphin dưới da và cấm cô không được gặp chồng. Tôi đang thấy rõ ràng cuộc hôn nhân có thể giết chết cô.

Và thực sự cô ấy đã phát điên, anh bạn thân mến của tôi. Kẻ ngốc nghếch ấy đã điên rồ không thể chữa trị. Ban đêm hay ban ngày, khi thức hay khi ngủ cô chỉ nghĩ tới anh ta, luôn chờ đợi để thấy anh ta trong vô vọng. Cô càng gầy hơn, người mỏng dính không rời mắt khỏi đồng hồ chờ anh ta về nhà. Tôi tháo hết đồng hồ ra khỏi ngôi nhà để cô không thể đếm giờ, để cô quên đi những hồi tưởng le lói về anh ta mỗi khi anh ta xuất hiện. Tôi hy vọng sẽ xóa đi những hồi ức, dập tắt những tình cảm, tia suy nghĩ mới chớm nở trong cô… nhưng tôi thấy trước là sẽ rất khó khăn.

Một ngày nọ tôi thử một thí nghiệm khi đưa cho cô chiếc đồng hồ đeo tay của tôi. Cô cầm lấy nó ngắm nghía một lúc lâu rồi hét lên khủng khiếp. Vật thể nhỏ đó đột nhiên đánh thức trí nhớ mơ hồ của cô làm tôi vô cùng hoảng sợ. Giờ đây cô gầy đến tội nghiệp, bước lên bước xuống, đi ra đi vào đôi mắt trống rỗng vô hồn như con thú hoang bị nhốt trong chuồng bức bối, lồng lộn. Chúng tôi phải đóng ván chặt nửa dưới cửa sổ và đặt lưới phía trên cửa sổ để ngăn cô nhìn ra ngoài chờ đợi anh ta…”.

“Ôi cha mẹ nghèo của cô. Một cuộc sống tồi tệ, thảm khốc mà họ phải gánh chịu”, bác sỹ thở dài.

***

Chúng tôi đã lên tới đỉnh đồi. Bác sỹ quay lại nói với tôi: “Hãy nhìn Riom từ đây”. Thị trấn ảm đạm giống như một thành phố nhỏ tĩnh mịch cổ kính. Đằng sau nó là một màu xanh ngút tầm mắt với những bình nguyên, những làng mạc rợp bóng cây kéo dài vô tận rồi mất hút phía chân trời. Ở phía xa bên phải tôi nhìn thấy những rặng núi cao với những đỉnh tròn xen kẽ với những ngọn bị xẻ dọc dựng đứng vuốt lên như thanh kiếm. Bác sỹ bắt đầu đếm và điểm tên các ngôi làng, thị trấn, các dãy núi giải nghĩa cho tôi lịch sử từng cái. Nhưng tôi chẳng còn tâm can nào mà nghe những lời ông nói. Lúc này tôi chỉ nghĩ tới người phụ nữ điên đáng thương. Hình ảnh cô dường như đang lởn vởn bay lượn trên quê hương rộng lớn của cô như bóng ma lưu lạc sầu đau, tang tóc.

Bất ngờ tôi hỏi ông: “Còn sau đó chuyện gì đã xảy ra với người chồng của cô?”. Ông bạn già của tôi tỏ ra ngơ ngác mất một lúc. Sau phút giây do dự ông nói: “Anh ta đang sống ở Royat cách đây không xa với món đền bù hỗ trợ của gia đình cô gái trả cho anh ta. Anh ta thích nghi với môi trường mới rất nhanh và có cuộc sống khá hài lòng và vui vẻ”. Bỗng chúng tôi nghe tiếng vó ngựa phóng nước đại ở phía sau và cùng quay lại nhìn. Một chiếc xe hai bánh do một con ngựa thuần chủng lực lưỡng nòi Anh quốc đang phi nước đại. Sau lưng người ngồi trên xe là một chú chó to lớn. Chiếc xe vút qua chúng tôi. “Anh ta đấy! Anh ta đấy!” bác sỹ kêu lên. Tôi không kịp nhìn thấy mặt anh ta, chỉ thoáng nhìn thấy chiếc mũ phớt màu xám lật sang một bên tai và đôi vai rộng. Chiếc xe ngựa hai bánh vùn vụt lao đi về phía trước kéo theo một đám bụi mù mịt.

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy