Bất cập từ những trụ bê tông trên đường làng
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay trên địa bàn tỉnh, với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường liên xóm, nội xóm được bê tông hóa. Tuy nhiên, sau khi làm đường, một số địa phương đã đắp những trụ bê tông đầu tuyến đường để ngăn xe tải trọng lớn. Điều này, gây nên nhiều khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Có việc đi qua một số vùng quê của huyện Phú Bình, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh những trụ bê tông dựng hai bên đường làng. Những cột trụ này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn trở thành vật cản, tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Viết Thiện, xóm Sỏi xã Hà Châu chia sẻ: “Tôi làm nghề vận chuyển vật liệu xây dựng nên thường xuyên đi trên các tuyến đường làng. Một số xóm tự dựng trụ cột bê tông đầu đường nên di chuyển xe khá khó khăn. Với nhiều người chưa quen đường, hoặc điều khiển phương tiện vào lúc trời tối, mưa gió, tầm nhìn bị hạn chế, sẽ rất dễ bị giật mình, mất tay lái đâm phải trụ bê tông dẫn đến tai nạn hoặc hư hỏng xe. Mong sao chính quyền xã thống nhất cách lắp đặt hệ thống cảnh báo tại các tuyến đường vừa tạo sự thông thoáng vừa an toàn cho người và phương tiện qua lại”.
Tuyến đường tại xóm Củ xã Hà Châu, huyện Phú Bình được người dân lắp đặt hai trụ bê tông từ lâu khiến nhiều ô tô gặp khó khăn mỗi khi đi qua
Không chỉ ở xã Hà Châu mà tại một số xã của huyện Phú Bình, các trụ bê tông cũng được người dân dựng lên để hạn chế tác động của phương tiện trọng tải lớn gây ảnh hưởng chất lượng đường giao thông. Ngay từ đoạn đầu rẽ vào xóm Ca, xã Kha Sơn, người dân đã cho dựng 2 trụ bê tông cao khoảng 30cm ở trên đường. Các loại phương tiện phải giảm tốc độ, thận trọng di chuyển vào giữa nếu không dễ bị đâm va vào 1 trong 2 trụ, nhất là đối với xe ô tô. Đặc biệt, đây không chỉ là đoạn đường vào xóm dân sinh mà còn lối vào Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Chùa Ca. Hằng năm Chùa thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương đến vãn cảnh, thực hành các nghi lễ. Chị Nguyễn Thị Lan, xã Kha Sơn cho biết: “Tôi đi làm công nhân nên thường qua đoạn đường này. Tuy nhiên mỗi lần ô tô qua, tôi phải hết sức cẩn thận điều khiển mới qua được. Sợ nhất vào buổi tối, hạn chế tầm nhìn nên càng khó khăn di chuyển hơn. Việc tồn tại 2 trụ bê tông như vậy không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn không đáng có”.
Không riêng gì anh Thiện, chị Lan mà nhiều người dân khác cũng cảm thấy bất tiện bởi những trụ bê tông mọc lên trong quá trình xây dựng nông thôn mới bởi không chỉ gây nguy cơ tai nạn giao thông, những trụ bê tông này còn khiến cho các xe cấp cứu, xe cứu hỏa và các loại xe chở nông sản khác khó vào được làng. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, người dân đóng góp tiền làm đường bê tông, do đó đổ cái trụ bê tông đầu đường làng là cần thiết, để hạn chế xe ô tô vào đường làng, làm hư hỏng đường. Vì lý do đó, tuy không phổ biến, nhưng hiện vẫn còn nhiều địa phương tồn tại những cái trụ bê tông ngay đầu làng. Điều này gây khó khăn cho người tham gia giao thông, tạo nên hình ảnh không đẹp mắt, đặc biệt là đối với khách ở xa khi về làng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được ví như làn gió mát lành, thổi vào đời sống của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điểm dễ nhận thấy là các tuyến đường ngày càng được mở rộng hơn, vững chắc hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người và các phương tiện giao thông. Ngày nay con em đi làm ăn xa, mua sắm được xe ô tô, những ngày lễ tết, lượng xe ô tô về quê nhiều, nên trụ bê tông là một chướng ngại vật, rất dễ xây xước xe đối với những lái xe mới; hoặc có khi lại gây tai nạn cho người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp.
Thiết nghĩ, việc giữ gìn, bảo vệ tuyến đường của người dân là chính đáng nhưng chúng ta cũng có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như thay trụ bê tông bằng cắm biển báo giao thông về tải trọng của con đường; đề cao ý thức tự quản của người dân… Bởi với những cách này, khi xảy ra những trường hợp khẩn cấp còn có thể kịp thời ứng phó, xử lý.
Minh Khôi (huyện Phú Bình)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...