Bập bùng miền lửa thiêng
Người Tày ở Thái Nguyên có số lượng lớn, sống chủ yếu ở các bản làng huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai và có những nét văn hóa đặc sắc từ lâu đời. Trong nhịp sống hiện đại, những giá trị văn hóa dân gian vẫn được bảo tồn, phát huy làm phong phú thêm kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tạo dựng sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc xây xựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngược nguồn tiếng tính, câu then
Trong ngôi nhà chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, mặc dù có sự hội tụ, hòa quyện về nhiều mặt trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, mỗi dân tộc vẫn mang một nét văn hóa với bản sắc riêng. Bản sắc của người Tày thể hiện ý thức cội nguồn và nhân văn sâu sắc, ngoài ý nghĩa tâm linh còn là nét văn hóa truyền từ đời này sang đời khác.
Bản là tên gọi nơi quần cư của một bộ phận người Tày. Tên bản thường gắn liền với đồi núi, đồng, ruộng, khe, suối. Những nét đẹp kiến trúc của ngôi nhà sàn thể hiện rõ bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Các ngôi nhà nhà sàn người Tày ở Thái Nguyên vật liệu chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, có 4 mái với 2 mái chính và 2 mái nhỏ, đa phần lợp lá cọ, rất ít nhà lợp ngói như một số tỉnh khác. Chân các cột nhà dựng trên các viên đá tảng. Hướng nhà được đặt theo mệnh của gia chủ, nhưng đều có đặc điểm riêng là phần lưng nhà quay về đồi núi, mặt trước hướng về phía đồng ruộng hoặc mặt đường cái. Vách và cửa mặt tiền được chạm khắc các hoa văn đặc trưng hoặc đan cài các nan.
Theo phong tục truyền thống, người Tày quan niệm Thần lửa sẽ mang lại may mắn, yên vui, hạnh phúc, ăn nên làm ra cho ngôi nhà của mình và rất coi trọng bếp lửa. Ngôi nhà của chủ nhân dựng xong, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà. Người châm bếp lửa cũng quan trọng như tục lệ chọn người xông đất đầu năm của người Kinh. Vì vậy, gia chủ sẽ mời một người già có uy tín trong bản đến châm bếp và chúc phúc cho gia chủ. Sau đó, gia đình mới chuyển vào ở trong ngôi nhà mới và phải giữ cho ngọn lửa trong cái bếp cháy liên tục trong một ngày đêm. Ngay cạnh bếp, người Tày thường đặt một ống tre để thờ Thần bếp lửa. Vào ngày mùng một, ngày rằm, ngày Tết hay có việc liên quan đến gian bếp họ thường thắp hương cúng Thần bếp lửa. Bếp lửa còn được coi như một biểu tượng cho người đàn ông trong gia đình. Người đốt lửa, giữ lửa, tiếp lửa chính là phụ nữ.
Hình ảnh bếp lửa linh thiêng trong văn hóa tinh thần của người Tày lan tỏa làm nên nét văn hóa dân gian riêng biệt khó trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào khác. Như một dòng chảy bất tận, sắc áo chàm xanh, “tiếng tính màu rừng, cung then màu lửa” từ bếp lửa mỗi ngôi nhà hình thành phong tục tập quán và nét văn đẹp trong văn hóa truyền thống, bao gồm cả các loại hình nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục…
Dân ca Tày gồm có then cổ, lượn cọi, lượn slương, phuối rọi, vén (hát ru) và phong slư, một số địa phương gìn giữ được làn điệu hát ví. Đó là những câu ca say đắm lòng người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, dạy điều hay lẽ phải, ước mơ về xã hội công bằng, tốt đẹp, là nỗi nhớ của trai gái thương nhau, mong một ngày được kết thành đôi, là lời ngọt ngào của bà, của mẹ mong con khôn lớn thành người hiền tài xây dựng bản làng.
Những ngày đầu xuân, người Tày tổ chức lễ Mừng thọ cho người già hay còn gọi lễ bù lương thực, bắc cầu nối số, trồng cây mệnh mãi tươi xanh. Người Tày tổ chức cho ông bà cha mẹ theo 4 chữ Phúc (49 tuổi), Thọ (61 tuổi), Khang (73 tuổi), Ninh (85 tuổi). Trong ngày mừng thọ, ông, bà, cha, mẹ được tổ chức mừng thọ mặc quần áo mới; con trai, con gái, dâu rể, cháu nội, cháu ngoại hoan hỉ sum vầy. Bạn bè, họ hàng đến chung vui, có điều kiện thì đem theo gánh lễ mừng (gạo, rượu) và những quà tặng hợp sở thích, đầy ý nghĩa. Những bức trướng viết chữ nho đại tự “Phúc, Thọ, Khang, Ninh” được treo khắp nhà. Con cháu làm mâm lễ đặt lên bàn thờ kính cáo tổ tiên... Người con trưởng thắp hương trình tổ tiên, nói lên lòng biết ơn về công sinh thành, dưỡng dục của nguồn cội, dòng họ.
Người Tày còn có tục buộc chỉ đỏ ở cổ tay cho trẻ em. Thầy Then sẽ làm việc này mong đứa trẻ ăn ngủ ngon, chóng lớn, khoẻ mạnh và thông minh. Với thanh niên nam nữ thì có lễ hội Lồng Tổng (Xuống đồng) để tổ chức tung còn, với mong muốn 1 năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, chọn được người ưng ý.
Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, người Tày vẫn giữ 9 cái Tết trong 1 năm (Nguyên Đán (1 - 3 tháng Giêng), Đắp Nọi (30 tháng Giêng), Rằm (15) tháng Giêng, Thanh Minh (3 tháng Ba), Đoan Ngọ (5 tháng Năm), So Lộc (6 tháng Sáu), Rằm tháng Bảy (14 -15 tháng Bảy), Rằm (15) tháng Tám, Cốm (9 tháng Chín), Cơm mới (10 tháng Mười), Đông Chí (23 tháng Chạp).
Ngọt ngào điệu ví Tày
Bên cạnh các làn điệu dân ca truyền thống, với sự độc đáo riêng có, hát ví của người Tày huyện Định Hóa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Những câu ví ngọt ngào, đằm thắm trường tồn quanh năm tháng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của người Tày trên mảnh đất chiến khu xưa.
Hát ví của người Tày là thể loại hát dân ca không có nhạc, được lưu truyền trong cộng đồng, biểu đạt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, mong ước của các thế hệ người Tày. Hát ví có hai loại là lời cổ và lời kim, chủ yếu dùng thể thơ lục bát thể hiện theo lối hát tự do, ngẫu hứng, không có tiết tấu từng khuôn nhịp.
Như bếp lửa thiêng giữa ngôi nhà sàn, trải qua thời gian người Tày vẫn lưu giữ được nhiều điệu ví với chủ đề mở như ví kết, ví nài, ví chúc, ví đố, ví kháy, ví trăng, ví ước… Hát ví cơ bản là hát tập thể, hát đôi và không phân biệt đối tượng, dòng tộc. Chỉ cần một vài người gặp nhau ngẫu hứng là có thể ví. Các câu ví thường một cặp hai câu, cũng có thể đến bốn và tám câu.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú người dân tộc Tày Hoàng Luận cho biết: Hát ví vốn là hát dân ca ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Theo các bậc tiền nhân truyền lại, đầu thế kỷ thứ X khi đất nước hưng thịnh, mọi nhà có của ăn của để, nhà vua cho các làng xã xây dựng đình chùa làm nơi thờ thành hoàng bản thổ và sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Thời kỳ đó, trình độ kỹ thuật về mộc, mỹ nghệ của đồng bào hạn chế, nên phải thuê các đội thợ dưới xuôi thực hiện. Nhiều dòng họ cũng lên khai khẩn đất hoang. Hát ví xuất hiện, xâm nhập và lan tỏa trong nhiều dân tộc không chỉ người Tày. Tuy nhiên phải đến thế kỷ 16, khi các tập đoàn phong kiến nhà Mạc và Lê, Trịnh tranh giành quyền bính, gây ra cuộc nội chiến tương tàn, nhà Mạc suy vi và bị đánh đuổi khỏi kinh thành, thuộc hạ nhà Mạc chạy lên một số tỉnh miền núi phía Bắc cát cứ, họ mang theo làn điệu hát ví. Định Hóa là một trong những nơi nhà Mạc dựng thành lũy, lập cứ địa. Quá trình sinh sống và giao thoa, tiếp biến với văn hóa bản địa, hát ví trở thành một loại hình dân ca cổ truyền của người Tày. Giọng điệu, chất liệu nghệ thuật, ngôn từ, địa danh đậm chất văn hóa Tày. Biến tấu của hát ví còn có lượn ví bằng tiếng Tày theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giai điệu khác đôi chút nhưng vẫn có thể coi là thể loại hát ví. Một số làn điệu ví riêng lẻ đội hát bên nam kết hợp với sáo trúc nhưng chỉ là cá biệt.
Các bậc cao niên kể: Ngày xưa các cụ hát ví phải có cơi trầu. Thời ấy trước lễ hội 1 - 2 ngày nhà nào cũng đông khách. Đó là những người thân quen ở các bản khác đến dự hội. Ngược lại khi nơi đó mở hội thì mọi người lại sang. Các đoàn khách nam, nữ gặp nhau, họ cất tiếng xin phép chủ nhà để hát ví: “Trước chiềng xin phép chúa nhà/ Sau chiềng tất cả bạn tòa ngồi chơi/ Nhà có đàn phượng trời xuống hội/ Chúng con xin tập nói nên chăng?”. Khi chủ nhà (chúa nhà) đồng ý, các lời hát ví mời chào và từng điệu ví theo mọi chủ đề diễn ra.
Không gian diễn xướng của hát ví diễn ra tự nhiên trên nhà sàn, trong bản, xuống chợ, lên nương, hội đình, lễ mừng nhà mới, lễ cưới hỏi, không cần phải có sân khấu, phục trang, nhạc cụ. Các cặp đôi nếu có tình ý, hoặc yêu nhau còn dùng cả câu ví ngỏ lời tỏ bày nỗi niềm sâu kín.
Thời gian của hát ví dài ngắn phụ thuộc vào ngữ cảnh, có khi trai gái hát thâu đêm suốt sáng cùng ánh trăng rừng. Ngôn từ của hát ví mộc mạc giản dị dễ nhớ, dễ thuộc và mượt mà đằm thắm. Ngoài những lời ví quen thuộc, người hát ví có thể “xuất khẩu thành thơ” để ứng đối trực tiếp với người đối đáp. Trong quá trình diễn xướng, người hát có thể linh hoạt ứng biến bằng thể thơ song thất lục bát, thất ngôn bát cú nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn phải là lục bát.
Hát ví phản ảnh mọi mặt của đời sống xã hội, nội dung gắn với gia đình dòng họ, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, sinh hoạt cộng đồng, ứng xử xã hội… với niềm lạc quan, chan chứa tình người, tình đời: “Tu nhân tích đức làm người/ Giữ lòng cho trắng giữ lời cho thơm”.
Những làn điệu dành cho thanh niên nam nữ là tiếng lòng nối nhịp tình yêu đôi lứa. Làn điệu ví kết bạn, ví đôi ta bật lên mơn mởn non xanh như mùa xuân vạn vật đâm chồi nảy lộc. Âm thanh trong trẻo, ngọt ngào của hát ví từ chín bậc cầu thang như lời mây ngàn gió núi bay trên ruộng nương: “Thắp đèn lên để sáng nhà/ Anh xin bố mẹ ông bà ngồi chơi/ Em ra bưng nước rót mời/ Nước chè thơm nức tình người hơn lên”.
Quy luật muôn thuở của người đời sinh ra trên trần thế cần có đôi có bạn. Những trái tim trong trắng đơn lẻ khát khao tình yêu đích thực cho cuộc đời mình. Chàng trai gặp cô gái, chàng mở lời thành thực chất phác: “Ra đường anh gặp em xinh/ Lời rằng em có bạn tình hay chưa? Cô gái nếu có thiện cảm ý nhị đáp lại: “Anh hỏi thì em xin thưa/ Từ ngày em lớn vẫn chưa bạn tình”. Dẫu ở cùng bản hay xa xôi, một khi trái tim đã thổn thức, họ mượn câu ví và nhờ ánh mắt trao tình: “Trầu vàng ăn với quế cây/ Lại đây anh đặt ghế mây em ngồi”. Cô gái bạo dạn mở lòng: “Ước gì em ở một nhà/ Như chim một tổ như hoa một cành”. Nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng từ hát ví.
Nhiều làn điệu ví nói về phong cảnh bản làng, tình yêu quê hương đất nước với địa danh, thiên nhiên, con người cụ thể làm cho hát ví người Tày Định Hóa mang sự khác biệt và thực sự ấn tượng, quyến rũ người nghe như ví cây lúa: “Rộn ràng làm cỏ vui tay/ Lúa xanh ngay buổi cầm tay sục bùn”. Một số làn điệu ví khác như ví rừng, ví đồng, ví ao, ví sân, ví cầu thang, ví nhà… là những bài thơ lục bát sống động, đầy màu sắc văn hóa Tày.
Đặc biệt, ví Kiều là một trong những điệu ví được ưa thích trong hát ví người Tày Định Hóa. Bên nam và bên nữ thể hiện câu Kiều để giãy bày tâm trạng, xướng họa về phong cảnh thiên nhiên, luận giải lẽ đời, ứng xử xã hội, hoặc chỉ đơn giản xem bên nào thuộc Kiều nhiều nhất. Ví Kiều thường được thể hiện trong lễ hội, gặp gỡ, giao lưu và cũng là lời răn dạy, khuyên nhủ của cộng đồng: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Sau nhiều năm chiến tranh, hát ví ít nhiều bị mai một. Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm 2006, hát ví người Tày Định Hóa từng bước được khôi phục. Đến nay tất cả các xã của huyện đều có câu lạc bộ hát ví. Nhiều lớp học hát cho mọi lứa tuổi do các bậc cao niên tận tình truyền dạy và được các cấp, các ngành hỗ trợ về cơ sở vật chất làm cho hát ví có điều kiện phát triển rộng rãi.
Sắc màu và hương vị trong văn hóa ẩm thực
Văn hoá ẩm thực của người Tày cũng khá độc đáo với nhiều gia vị từ núi rừng, vườn nhà. Màu sắc làm cho mâm lễ vật thêm ý nghĩa dâng lên tổ tiên và các vị thần linh. Mâm cỗ trong dịp lễ giỗ, Tết và các ngày trọng đại khác trong năm không thuần túy chỉ để ăn, mà còn bao hàm cả một nét văn hóa truyền từ đời này sang đời khác. Một nét độc đáo riêng là sắc màu. Người xưa quan niệm ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, tím là màu của thuỷ, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên - Địa - Nhân. Chính vì vậy 5 màu chủ đạo trắng, xanh, đỏ, tím, vàng từ lâu đã được các bậc tiền nhân lựa chọn. Cơm lam, xôi ngũ sắc là sản phẩm đặc trưng, biểu đạt quan niệm đó và là món ăn quan trọng đồng bào dân tộc Tày. Ngày lễ, Tết, bà con thường chế biến món xôi năm màu trang trí làm cho mâm cỗ thêm hấp dẫn. Để có món xôi màu dẻo thơm, bà con phải chọn loại gạo nếp thơm, hạt mẩy đều. Còn màu sắc của xôi phụ thuộc vào nguyên liệu tạo màu.
Đĩa xôi năm màu: trắng, xanh, vàng, đỏ, tím trông tựa bông hoa năm cánh đang khoe sắc, trong đó màu vàng dược đặt ở giữa như nhụy của bông hoa. Xôi được đồ bằng các loại gạo nếp ngon nhất của từng làng bản gieo trồng như nếp cái hoa vàng, nếp nương, nếp vải có hương thơm của các loại củ, quả, lá cây theo mùa.
Nhiều loại bánh được chế biến hết sức tinh tế: Bánh chưng gù, bánh chưng đen, bánh khảo, khẩu sli, thúc théc, chè lam, bánh trứng kiến, bánh gio, bánh gai, bánh rợm, bánh dẻo, bánh nướng, bánh trời, xôi hạt dẻ, cơm lam, bánh trôi và các loại cốm nếp vải, nếp nương.
Những năm gần đây, các loại bánh trái và nhiều món ăn chỉ dành cho những ngày lễ, Tết đã được chị em phụ nữ chế biến đưa ra thi trường quảng bá nét văn hóa ẩm thực dân tộc và góp phần tạo thêm thu nhập cho các gia đình. Mặc dầu vậy, các hình thức chế biến, tiêu thụ vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, ít được sự hỗ trợ của các cấp các ngành để sản phẩm xuất hiện nhiều tại các điểm tham quan, du lịch.
Chị Nguyễn Xuân Huế, Phó Giám đốc Hợp tác xã nếp vải Ôn Lương, xóm Khau Lai, xã Ông Lương, huyện Phú Lương cho biết: “Ẩm thực truyền thống trong đó có cơm lam, xôi ngũ sắc gắn với văn hóa của người Tày được đồng bào gìn giữ và phát huy trong đời sống xã hội. Màu sắc, dư vị sản phẩm được tao nên từ loại gạo nếp ngon và lá, củ, quả bà con chế biến đưa ra thị trường bước đầu đáp ứng được yêu cầu của thực khách. Hiện nay một số điểm du lịch cộng đồng đang được đầu tư trên địa bàn là cơ hội để sản phẩm ẩm thực góp phần làm nên bản sắc của mỗi điểm du lịch. Chúng tôi đã xây dựng phương án để nếp vải, cốm, rượu đòng đòng và cơm lam, xôi ngũ sắc cùng nhiều loại bánh dân tộc tiếp cận rộng rãi khách hàng và phục vụ nhu cầu tìm hiểu sự mới lạ về ẩm thực của du khách”.
Duy trì các giá trị để không bị mai một mang ý nghĩa cả về mặt ý thức lẫn tâm linh, góp phần làm sắc thái văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đa dạng, phong phú. Hy vọng với các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong tương lai không xa những nét đẹp văn hóa dân tộc từ bếp lửa thiêng sẽ lan tỏa và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách khi đến mảnh đất Thái Nguyên - "Thủ đô gió ngàn" trong kháng chiến chống Pháp.
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...