Bao giờ tìm thấy “tác phẩm đỉnh cao” trong ảnh nghệ thuật?
VNTN - Một tọa đàm có tên “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” vừa được Hội NSNA Việt Nam tổ chức khiến chúng ta lại nhớ 25 - 30 năm trước, giới nhiếp ảnh Việt Nam từng nói nhiều đến cụm từ “tác phẩm đỉnh cao” và làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao trong nhiếp ảnh.
Đỉnh núi và cao nguyên
Trước buổi tọa đàm kể trên, nhiều nhà nhiếp ảnh đã cùng ngắm những bức ảnh được trưng bày ở sảnh tòa nhà Hội NSNA Việt Nam. Họ thống nhất đó là những tác phẩm rất đẹp về thị giác, với sự hoàn hảo về ánh sáng, đường nét, bố cục, tạo hình, vốn là các tiêu chí mà bấy lâu nay nhiếp ảnh Việt Nam thường nhắc đến như những yêu cầu cao nhất trong ảnh nghệ thuật .
Tuy nhiên, khi người viết bài đặt câu hỏi, một khi đã được trưng bày lâu dài ở trụ sở Hội NSNA Việt Nam, nơi được coi như “ngôi đền” thiêng nhất của nhiếp ảnh nghệ thuật nước nhà, đây có thể là những tác phẩm đỉnh cao hay chưa, thì không ai trả lời.
Thế nào là tác phẩm đỉnh cao cũng là câu hỏi gây nhiều tranh cãi cách đây 25 - 30 năm. Chẳng hạn nếu lấy giải thưởng là thước đo, thì một ảnh được giải ở cuộc này nhưng không được ở cuộc khác, thì tác phẩm ấy còn được là đỉnh cao nữa hay không? Nếu có một tác phẩm đỉnh cao rồi, thì tác phẩm nào sẽ là đỉnh cao hơn nữa? Hoặc khi có nhiều tác phẩm đỉnh cao cùng lúc thì chúng có trở thành mặt bằng, như thể nhiều ngọn núi đứng cạnh nhau có thể trở thành một cao nguyên bằng phẳng hay không?
Nếu một bức ảnh flycam chụp cảnh thả lưới đánh cá ở Phú Yên hay cảnh các chị áo tím áo hồng thu hoạch hoa súng ở Đồng Tháp mà được công bố cách đây 25 - 30 năm trước, đó chắc chắn là những “tác phẩm đỉnh cao” vì sự độc đáo, mới lạ. Nhưng ngày nay thì chúng có thể được làm ra hàng loạt, ảnh sau đẹp hơn ảnh trước, nhờ thiết bị của các nhà nhiếp ảnh được cập nhật hàng ngày.
Thực tế là ảnh nghệ thuật của Việt Nam ngày càng đẹp về mặt thị giác với những tiêu chí đã nói ở trên. Nhưng những bức ảnh đẹp được chụp ngày càng đẹp hơn vẫn không được gọi là những “tác phẩm đỉnh cao” hoặc “ảnh nghệ thuật chất lượng cao”. Ngay cả những bức ảnh được giải cao của các cuộc thi ảnh nghệ thuật cũng không được coi là tác phẩm đỉnh cao. Các ban giám khảo nhiều khi chỉ gọi đây là những “cột cờ” chọn trong bó đũa.
Nhận thức lại, định hướng lại?
Đáng chú ý là khái niệm “tác phẩm đỉnh cao” hiện đang được nhắc lại như một yêu cầu, một đích đến cần đạt được, trong sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh. Tại tọa đàm kể trên, tham luận mang tên “Khát vọng về tác phẩm đỉnh cao” của thạc sĩ, NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cũng đề cập vấn đề này.
Bà Trần Thị Thu Đông nói rằng: Cụm từ “tác phẩm đỉnh cao” hiện đang được nhắc tới nhiều, với hàm ý nền văn học nghệ thuật của chúng ta còn thiếu “tác phẩm đỉnh cao”. Tôi không thích những đánh giá dạng như thế. Nghe nó rất trừu tượng, như phủ nhận sạch trơn những cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước trong suốt cả một giai đoạn gần nửa thế kỷ. Tương tự là cách nói “chúng ta chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại”, thế nào là “tầm thời đại”? Thay vì những cách nói ấy, nên nói giản dị, cụ thể hơn, kiểu như “chúng ta chưa có nhiều những tác phẩm phản ánh được sâu sắc, chân thực, sinh động cuộc sống, xứng tầm với sự phát triển của đất nước”… thì dễ hình dung và dễ có hướng phấn đấu hơn”.
Ý kiến này của Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam có thể là một gợi ý cho sự cần thiết phải nhận thức lại thế nào là “tác phẩm đỉnh cao” trong văn học nghệ thuật, hay ít nhất là trong nhiếp ảnh nghệ thuật.
Cũng tham luận tại tọa đàm kể trên, người viết bài cho rằng hầu hết những bức ảnh được giải, được triển lãm trong các cuộc thi, triển lãm đều có chất lượng khá cao khi đứng riêng lẻ. Chúng chỉ chưa ổn khi ở cạnh nhau hoặc xuất hiện một cách tương tự từ năm này qua năm khác.
Về đại cục, điều này không phải lỗi của các nhà nhiếp ảnh, các ban giám khảo, mà do định hướng của ban tổ chức các cuộc thi, liên hoan, khi đưa ra đề tài hầu hết là tự do. Nếu là chuyên đề thì cũng là di sản, văn hóa, phát triển… và đều hướng tới vẻ đẹp chung chung. Với những thể lệ như thế này, ảnh đoạt giải, ảnh triển lãm không cũ mới là lạ.
Không khó để thấy ảnh đẹp trong các cuộc thi được tổ chức từ trung ương tới địa phương thường trùng lặp đề tài, mô típ, địa điểm và gây nhàm chán cho người xem. Nếu thể lệ các cuộc thi, liên hoan đi vào chuyên đề và hướng đến thông tin, nhận thức, cảm xúc… thì những bức ảnh gửi đến dự thi có thể sẽ rất khác. Khi đó, các tác giả cũng như giám khảo sẽ phải hướng đến những bức ảnh phù hợp với “đề bài”.
Nhiếp ảnh Việt Nam từ nhiều năm nay đang sa đà vào các cuộc thi. Tiêu chí chấm chọn ảnh của các cuộc thi vì thế trở thành định hướng sáng tác cho phong trào. Những trại sáng tác nhiếp ảnh cũng được tổ chức khắp nơi để đáp ứng các cuộc thi và thường có tiết mục thuê mẫu, setup. Kết quả là ảnh của các trại sáng tác, các triển lãm sau cuộc thi, liên hoan thường na ná và khó có “tác phẩm đỉnh cao” hay “chất lượng cao” dù hầu hết đều đẹp lung linh nhờ bố cục, ánh sáng, đường nét mà thiếu những câu chuyện cụ thể.
Liệu Hội NSNA Việt Nam và các hội nhiếp ảnh địa phương có thể thay đổi điều lệ các cuộc thi, liên hoan theo hướng chuyên sâu, chuyên đề và có sự đổi mới thường xuyên? Hoặc giảm bớt các cuộc thi, nhưng hỗ trợ hội viên công bố tác phẩm, triển lãm cá nhân, thực hiện các dự án? Nếu làm được những điều này, ít nhất các tác phẩm nhiếp ảnh được công bố cũng sẽ bớt nhàm chán, trước khi tiến tới việc có tác phẩm “chất lượng cao”?
Lưu Quang Phổ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...