Bạn tôi - nhà giáo ưu tú Vũ Đình Toàn
Tôi biết anh Vũ Đình Toàn sinh 1938, tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Anh vào nghề dạy học sớm, năm mười tám tuổi, tốt nghiệp trường sư phạm được điều động về nhận công tác tại tỉnh Thái Bình.
Hôm ấy, anh Toàn phấn khởi lắm, anh diện “áo pô-pơ-lin trắng bóng, quần âu tít xuy, xanh tuya da cá sấu, đi xăng đan” hẳn hoi, cầm tờ công lệnh hăm hở đi từ tỉnh xuống huyện xuống xã tìm trường lớp đều không thấy. Anh Toàn gặp bác nông dân hỏi thăm trường cấp I Tân Ấp ở đâu? Bác nông dân nói với anh như quát: “Ở nhà quê làm gì có trường? Anh ngạc nhiên hỏi bác: - Thế các cháu học ở đâu ạ? - Học ở đâu? Ở đình, ở chùa, ở nhà địa chủ... ối chỗ học”.
Theo lời bác nông dân chỉ dẫn thầy giáo Toàn tìm đến nhà thầy hiệu trưởng. Thầy Rĩnh, Hiệu trưởng Trường gặp được thầy giáo mới về hớn hở vui mừng ra mặt. Ngay tức khắc thầy sai lũ con chạy công văn khắp các thôn triệu tập toàn thể hội đồng giáo viên gần chục người đến họp “bất thường” để đón mừng anh giáo viên trẻ người Hà Nội vừa tốt nghiệp giỏi trường Sư phạm Liên khu IV được Ty cử về đảm nhiệm lớp 4 trường ta. Thầy giáo Toàn được hưởng mỗi tháng 15 cân gạo và số lương tương đương 17 cân gạo nữa, cũng đủ cắt tóc, mua xà phòng giặt, thuốc đánh răng, kim chỉ và ăn một bát phở, thời đó cũng là sang rồi!
Nghề dạy học bắt đầu với thầy giáo Vũ Đình Toàn từ đấy. Bây giờ anh đã nghỉ hưu, với thời gian 42 năm công tác cống hiến cho ngành giáo dục, anh vinh dự được nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú thật xứng đáng. Là một thầy giáo dạy từ bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông, ngoài thời gian anh được đào tạo ở trường ở lớp, anh còn cần mẫn học tập nghiên cứu văn học để phục vụ cho việc truyền đạt cho các em học sinh. Với một nghị lực, một tâm hồn đa cảm, đa tình nữa, anh còn làm thơ để khám phá, tìm hiểu cuộc sống những vẻ đẹp tiềm ẩn của con người. Anh đã làm thơ về sự nghiệp trồng người, về các thế hệ học sinh, về đồng nghiệp các thầy cô giáo, thơ về trải nghiệm đường đời.
Vũ Đình Toàn là hội viên chi hội thơ Hội VHNT tỉnh từ ngày Hội thành lập (1987) đến nay. Thơ Vũ Đình Toàn dù viết ít và in cũng ít nhưng “quý hồ tinh” thơ khá nhuần nhuyễn, cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh mang tính triết lý nhân sinh, để lại nhiều ám ảnh trong lòng công chúng bạn đọc địa phương và phong trào thơ cả nước. Vũ Đình Toàn đến nay đã xuất bản: “Huyền thoại khát” (tập thơ), 2005 và tập “Đọc và suy ngẫm” (phê bình văn học), 2011.
Nghỉ hưu đã lâu, thầy giáo Vũ Đình Toàn cảm thấy nhớ trường nhớ lớp. Anh đã tìm cách trở về nơi anh đã từng gắn bó cả cuộc đời thì bất ngờ gặp những ánh mắt của lớp học trò chưa từng quen biết. Anh ngẩn ngơ trước ngôi trường cũ. Cảnh cũ người lạ không ngăn được dòng hồi ức đã vụt về đầy ắp trong lòng:
Lối cổng đây tôi đã ra vào một phần ba thế kỷ
Nơi tôi sống hết mình thời trẻ
Nơi yêu thương quên cả bạc đầu
Nhà tôi đây, chứ phải nơi đâu!
Sao các em thấy tôi mà chẳng gọi
Sao các em chỉ nhìn mà không nói?
Chẳng cho tôi hai tiếng: “thưa thầy”
(Đừng nhìn tôi như thế?)
Thầy giáo Vũ Đình Toàn bước vào nghề dạy học từ nơi “Những trường học không có tường” ở miền xuôi ven biển Thái Bình, anh lại được thuyên chuyển lên miền ngược rừng núi hẻo lánh của tỉnh “Bắc Kạn có suối đãi vàng/có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh” mà thực ra chẳng phải “anh lên tìm vàng trong cát” mà:
Anh đến với đàn em trong mối tình đầu
...
Cần mẫn đãi vàng – trong Câu – trong Chữ
Những tập bài dài dặc đêm thâu
Vàng anh đãi lời em ngọng nghịu
Anh chắt chiu mỗi phút mỗi giờ
Vàng anh đãi từ nụ cười hiền dịu
Lóng lánh vàng trong ánh mắt ngây thơ
Lấp lánh vàng trong những giấc mơ
(Giấc mơ vàng thuở ấy)
Chính nhà giáo Vũ Đình Toàn đã từng tâm sự: “Như bao đồng nghiệp khác, tôi cũng may mắn được hưởng phần nào vinh dự và hạnh phúc ấy, cũng như được chiêm nghiệm nhiều bài học ở đời. Vốn là một nhà giáo bốn mươi năm đứng lớp liên tục, tôi không tài nào nhớ hết và liệt kê hết con số những học sinh cũ đã thành đạt, kể từ hàng quan chức cấp cao đến các doanh nhân lớn nhỏ” và anh đã viết:
Lúc em đã nên người
Thầy mới hay thầy “đúng”
Khi không mắng em lười
Không làm em nao núng
Vì cái lỗi ham chơi
Vì cái trò tinh nghịch
Vì điều em không thích
Vì cái yêu đầu đời.
(Không đề)
Đất nước trải qua cuộc chiến tranh gian khổ và lâu dài, nhiều thầy giáo và người thân của các thầy giáo, cô giáo đã hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều người vợ là cô giáo có chồng là liệt sĩ vẫn tự nuôi con khôn lớn học hành thành đạt. Người vợ liệt sĩ ấy vẫn luôn mong ngóng:
Anh yêu ơi, sao anh chưa về?
Để uống rượu mừng con chúng ta làm xong luận án
Để ra sân bay tiễn... sang Châu Âu du học
Giống như các bạn anh bây giờ?
Giống như hàng xóm em bây giờ?
(Sao anh chưa về?)
Môi trường sống trong trẻo là những trường học, là các học sinh ngây thơ trong trắng. Thầy giáo Toàn mỗi khi có những điều gì bức xúc trong cuộc sống, những gì làm vướng bận, làm vẩn đục tâm hồn mình thì anh lại tìm đến nhà trường bắt gặp các học trò, tâm hồn anh được lắng lại, như thanh lọc cho lòng mình như phơi phới bay lên.
Phơi phới bên tôi những tà áo trắng
Rộn ràng chung nhịp bước hoa niên
Ríu rít quanh tôi bao tà áo trắng
Lòng tôi mở cánh muốn bay lên
Rồi bay giữa một rừng áo trắng
Lòng lâng lâng sạch hết ưu phiền
Ôi! Sống giữa những tâm hồn trinh trắng
Tục trần nào mà chẳng hoá thần tiên.
(Áo trắng học trò)
Đối với tôi anh Vũ Đình Toàn là người thơ tri kỷ tri âm, là đôi bạn văn chương theo cùng năm tháng. Nhân dịp này tôi trân trọng chúc mừng nhà thơ Vũ Đình Toàn bài thơ.
Tám sáu xuân còn sung mãn
Miệt mài “Đọc và suy ngẫm”
“Huyền thoại khát” khao tận tuỵ trồng người
Tám sáu xuân vẫn còn sung mãn
Dạt dào tình thơ ấm áp tình đời.
Thái Nguyên, 30/10/2023
Ma Trường Nguyên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...