Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
17:09 (GMT +7)

Bàn thêm về Nhiếp ảnh và Nhiếp ảnh nghệ thuật

Trong thời đại kĩ thuật số, chỉ cần với một chiếc smartphone, người ta có thể có được vô vàn bức ảnh tùy theo sở thích để “tự sướng” và cũng là để “chăn phây” hàng ngày - một nhu cầu thiết yếu mà đối với rất nhiều người, nó ngang bằng, thậm chí còn hơn cả “cơm ăn, áo mặc”. Họ có thể nhịn cơm một ngày nhưng không thể “nhịn phây” một buổi.

Cùng với đó, đời sống kinh tế - xã hội phát triển, khả năng đáp ứng và thụ hưởng cuộc sống cũng vì thế mà được nâng lên. Nhiều người có thể bỏ ra những khoản chi khá lớn, thậm chí khổng lồ để mua những chiếc máy ảnh và công cụ hỗ trợ thuộc loại hàng “xịn”, hàng “khủng”. Chất lượng của các bức ảnh chụp vì thế cũng cao hơn. Từ chỗ cảm thấy/ được khen là chụp ảnh đẹp, “có nghề”, nhiều người bắt đầu la cà vào lãnh địa ảnh nghệ thuật và phấn đấu/ tìm cách tham gia các hội nghề nghiệp nhiếp ảnh mà cái đích hướng tới chính là các chức danh hội viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh từ địa phương tới trung ương (thậm chí còn không ngại bày tỏ khát vọng vươn tới tầm khu vực và thế giới). Nghĩa là, từ mức độ “nghiệp dư” họ tiến dần đến mức độ chuyên nghiệp; từ góc độ “thợ chụp ảnh” họ dịch chuyển dần sang góc độ “nghệ sĩ nhiếp ảnh”.

Bức ảnh “Nhảy tàu ở Gazipur, Bangladesh”, của tác giả Noor Ahmed Gelal - Một trong những bức ảnh nghệ thuật đoạt giải cao tại một cuộc thi ảnh quốc tế chứa nhiều thông tin giống như một bức ảnh báo chí đắt giá. Ảnh sưu tầm, nguồn: Internet

Có cung thì ắt có cầu, nhiều sân chơi mở ra, nhiều cuộc thi được tổ chức từ đơn giản đến long trọng, từ nhỏ lẻ đến qui mô, từ mức độ “ao làng” đến biên độ “quốc tế”. Chỉ cần vài cái ảnh được đăng báo hoặc tạp chí, may mắn hơn thì được rinh một vài giải thưởng, nhiều người đã nghiễm nhiên tự coi mình là “nghệ sĩ”. Vậy đâu là tiêu chí để phân biệt (như là một ranh giới) giữa “nghệ sĩ nhiếp ảnh” và “thợ chụp ảnh”, cũng như đâu là sự khác biệt giữa một bức ảnh “nghệ thuật” và một bức ảnh báo chí hay một bức ảnh “ghi chép” thông thường? Những câu hỏi đã tưởng như quá quen thuộc nhưng trả lời được thấu đáo lại thực sự không đơn giản. Đây cũng là những câu hỏi hết sức thú vị, thậm chí thiết thực. Nó giúp cho những người đang dấn thân (hoặc có ý định dấn thân) vào lĩnh vực này có được một sự do dự cần thiết. Nó giúp cho nhiều người chụp ảnh (tự mang danh nghệ sĩ) tránh khỏi những ảo tưởng. Và dĩ nhiên, nó giúp cho nghệ thuật trở về đúng nghệ thuật, để cụm từ “nhiếp ảnh nghệ thuật” và “nghệ sĩ nhiếp ảnh” mãi là những danh xưng sang trọng và mỹ miều!

Trước hết, vẫn cần phải phân biệt giữa “nghệ thuật nhiếp ảnh” và “nhiếp ảnh nghệ thuật”. Nói đến “nghệ thuật nhiếp ảnh” là nói đến các yếu tố mang tính kỹ thuật, trong khi “nhiếp ảnh nghệ thuật” lại liên quan đến lĩnh vực sáng tác. Nếu như “nghệ thuật nhiếp ảnh” là câu chuyện của máy móc, của phương tiện mang tính khoa học - kỹ thuật thì “nhiếp ảnh nghệ thuật” lại là câu chuyện của người nghệ sĩ. Hiện cũng khó tìm thấy một định nghĩa hoàn hảo và chân xác về khái niệm nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng về đại thể, có thể hiểu/ hình dung Nhiếp ảnh nghệ thuật - Fine Art Photography là thể loại kết hợp của nhiếp ảnh với mỹ thuật. Người chụp ảnh - nghệ sĩ sẽ thông qua việc sắp đặt tình huống một cách chủ động, sáng tạo để qua đó (bức ảnh) gửi gắm/ chuyển tải một thông điệp nghệ thuật nào đó tới người xem. Như vậy, trong nhiếp ảnh nghệ thuật, người nghệ sĩ nhất thiết phải có ý tưởng, điều này giúp phân biệt ảnh nghệ thuật với ảnh “ghi chép” hay ảnh “thương mại”.

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, không lặp lại giữa các bức ảnh trong khi ảnh “thương mại” có thể “sản xuất” một cách đại trà. Một điều có thể coi là “căn cốt” trong nhiếp ảnh nghệ thuật là mỗi bức ảnh đều phải chuyển tải một thông điệp nghệ thuật nhất định. Điều này thể hiện qua ý tưởng, tầm nhìn của nhiếp ảnh gia. Chính góc nhìn độc đáo mang tính khác biệt đã tạo nên sự mới mẻ cho bức ảnh đồng thời mang đến những thông điệp ý nghĩa mà người chụp muốn chuyển tải, gợi ra những sắc thái cảm xúc thẩm mỹ cho người xem.

Cũng đã có những ý kiến phủ nhận tính “nghệ thuật” (với ý nghĩa sáng tạo) của nhiếp ảnh. Họ cho rằng, trên đời này không có thứ ảnh nào gọi là “ảnh nghệ thuật”, chỉ có “ảnh lưu niệm”. Và chụp ảnh, dưới bất cứ góc độ nào, cũng chỉ là để giữ lại những khoảnh khắc, nghĩa là chỉ để “lưu niệm” mà thôi. Điều này đặt ra vấn đề: thế nào là nghệ thuật trong nhiếp ảnh? Nếu nhiếp ảnh không mang tính nghệ thuật cũng có nghĩa là đồng nhất nhiếp ảnh gia với một thợ ảnh thông thường. Mặt khác, nếu nhiếp ảnh chỉ để lưu giữ lại những kỉ niệm - một khoảnh khắc nào đó của cuộc sống thì công nghệ nhiếp ảnh sẽ lập đứng đóng vai trò chủ đạo. Bất kì một thiết bị điện tử nào có chức năng ghi hình (không nhất thiết phải là máy ảnh) cũng có thể làm được việc đó một cách đơn giản và nhanh chóng.

Đành rằng tiêu chí quan trọng của một bức ảnh là phải “đẹp”, nhưng “đẹp” lại không phải là tiêu chí duy nhất của nhiếp ảnh nghệ thuật. Nói cách khác, đối với nhiếp ảnh nghệ thuật, “đẹp” là yếu tố “cần” trong khi các yếu tố “khác”, “lạ”, “độc đáo”, “ý nghĩa”… mới là những yếu tố “đủ”. Nếu hoàn toàn đồng nhất “nghệ thuật” với “kỹ thuật” thì sẽ không có nhiếp ảnh nghệ thuật. Ở một góc độ nào đó, có thể quan niệm, ảnh báo chí hay ảnh thương mại là loại ảnh “ghi chép” trong khi ảnh nghệ thuật là loại ảnh sáng tác. Đỉnh cao của sáng tác chính là sáng tạo mang tính nghệ thuật.

Trong thời đại kĩ thuật số rất nhiều người có thể sáng tác ảnh nghệ thuật. Trong ảnh là triển lãm ảnh của các thày thuốc, cán bộ y tế Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2022. Ảnh: QK

Nói như vậy chẳng lẽ ảnh báo chí, thậm chí ảnh “ghi chép” lại không mang tính sáng tạo, cũng có nghĩa là không có tính nghệ thuật? Không hoàn toàn như vậy. Bất kì kiểu loại ảnh chức năng nào (báo chí hay thương mại) đều có thể chạm tới ranh giới/ mức độ của nhiếp ảnh nghệ thuật. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy như Võ An Ninh hay phóng viên chiến trường lừng danh như Đoàn Công Tính đều có rất nhiều những bức ảnh thành công. Vượt qua sự “ghi chép” mang tính thời điểm, thời sự, nhiều bức ảnh của họ đã vượt ngưỡng thời gian để “đóng đinh” vào lịch sử, “định vị” chắc chắn trong đời sống nhiếp ảnh nước nhà.

Điều cốt lõi của nhiếp ảnh nghệ thuật chính là vấn đề mang tính tư tưởng thông qua ý tưởng nghệ thuật. Máy ảnh, đơn giản, chỉ như/ là một phương tiện nhằm hỗ trợ người nghệ sĩ thể hiện ý tưởng tốt hơn. Ý tưởng nghệ thuật cần đến sự tưởng tượng và khả năng biểu đạt một vấn đề của cuộc sống thông qua “ngôn ngữ” là các bức ảnh.

Khác với nhiếp ảnh tả thật, nhiếp ảnh tin tức (bao gồm nhiếp ảnh phóng sự, báo chí, du lịch, đường phố…), nhiếp ảnh nghệ thuật không chú trọng quá nhiều việc khắc họa đối tượng một cách chân thực, rõ ràng, mà thông qua đối tượng thẩm mỹ đó để gửi gắm một thông điệp nghệ thuật về cuộc sống. Điểm khác biệt căn cốt của ảnh tả thật, ảnh tin tức với ảnh nghệ thuật chính là tính cụ thể và tính khái quát trong một bức ảnh. Với ảnh báo chí, tính cụ thể/ chân xác được đặt lên hàng đầu (chụp cái gì, chụp ở đâu, chụp lúc nào…), nghĩa là những thông tin về tên tuổi, thời gian, sự kiện phải được gắn một cách trực tiếp, đi liền với bức ảnh. Những bức ảnh nổi tiếng là những bức ảnh mà nhắc hoặc xem nó, người ta nghĩ ngay đến các sự kiện.

Ví dụ, bức ảnh “Kền kền chờ đợi” của Kevin Carter chụp vào tháng 4/1993, ghi lại hình ảnh một bé gái Sudan với thân hình chỉ còn da bọc xương đang cố gắng lết tới trung tâm cứu trợ trên cánh đồng cỏ khô cháy. Gần đó, một con kền kền đã đậu sẵn. Bức ảnh có một không hai này đã đem lại cho Kevin giải Pulitzer danh giá. Đồng thời, đây cũng là bức ảnh gây lên những cuộc tranh luận gay gắt về lương tâm của người cầm máy. Đến nỗi, hơn 3 tháng sau, chủ nhân của bức ảnh nổi tiếng này đã phải tự sát vì quá suy sụp, khi mới vừa 33 tuổi.

Nếu như ảnh báo chí có thể làm rung chuyển thế giới bởi tính tả thực và tính chất bi kịch hay hào hùng của sự kiện, thì ảnh nghệ thuật lại dường như xóa mờ ranh giới về thời gian, không gian cụ thể. Thậm chí, những khắc họa hình ảnh con người cũng chỉ nhằm minh họa cho một ý đồ nghệ thuật cụ thể. Dĩ nhiên, đã ảnh nghệ thuật thì phải có tính nghệ thuật. Nghĩa là phải có sự độc đáo, sự sáng tạo, sự không lặp lại giữa bức ảnh đó/ tác giả đó với những bức ảnh khác/ tác giả khác. Tuy nhiên, không phải người nào biết chụp ảnh hay nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng có khả năng nhận ra được điều này. Họ cần một “con mắt xanh” để nhìn nhận và thẩm định.

Nếu không có những hiểu biết sâu rộng về văn hóa và mỹ học thì cũng khó có thể thẩm định được giá trị của một bức ảnh nghệ thuật. Văn hóa thẩm mỹ (nhìn từ phương diện cái đẹp) có tính lịch sử, xã hội. Vậy nên, có những bức ảnh, ở thời điểm ra đời của nó, có thể được tiếp nhận và đánh giá cao, nhưng sau độ lùi của thời gian thì lại trở nên vô nghĩa. Trường hợp bức ảnh “Dự hội bản em” của một cố nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Thái Nguyên là một ví dụ. Bức ảnh được chụp vào khoảng đầu thập kỉ 90 của thế kỷ trước và được nhận một giải vàng danh giá, giúp cho tác giả trở nên nổi tiếng với giới nhiếp ảnh trong khu vực. Đó là bức ảnh chụp gương mặt thiếu nữ người Mông, một gương mặt mang vẻ đẹp đặc trưng của thiếu nữ dân tộc thiểu số. Khuôn mặt được chụp nghiêng và cái được đặc tả là chiếc khuyên tai của cô gái. Đó là chiếc khuyên tai mang vẻ đẹp hiện đại, là sản phẩm của nền văn minh công nghiệp. Chiếc khuyên tai ấy góp phần làm cho gương mặt của cô gái trở nên rạng rỡ hơn.

Bức ảnh gây ám ảnh về nạn đói ở Sudan "Kền kền chờ đợi"

Thông điệp của người nghệ sĩ muốn gửi gắm qua bức ảnh là sự giao thoa văn hóa (thiểu số - đa số). Văn minh công nghiệp (sản phẩm của người đa số) đã ngấm sâu và được thực hành sử dụng trên gương mặt của cô gái miền núi - dân tộc một cách nhuần nhị, tự nhiên. Thời điểm đó, bức ảnh thật sự có ý nghĩa. Song bây giờ nhìn lại bằng quan điểm hiện đại về văn hóa và hội nhập văn hóa trên tinh thần nhân loại/ quốc tế thì lại khiến ta phải giật mình. Bởi lẽ, trong văn hóa không có sự cao - thấp mà chỉ có những khác biệt. Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là phép cộng tạo nên sự đa dạng, phong phú trong văn hóa của từng tộc người. Vậy nên, bức ảnh đi ngược lại vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa (Việt Nam). Và nếu như vậy, đó sẽ chỉ là một bức ảnh vô nghĩa, hoàn toàn không có giá trị nghệ thuật.

Thế mới biết, giữa nhiếp ảnh và nhiếp ảnh nghệ thuật, còn vô số những câu chuyện/ vấn đề đáng bàn.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy