Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:11 (GMT +7)

Băn khoăn việc cúng trong những ngày Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhanh chóng qua đi nhưng dư âm ngày Tết như vẫn còn đọng lại. Trong những câu chuyện đầu giờ buổi sáng ở cơ quan, mấy chị em lại rôm rả bàn chuyện Tết. Nghe các chị kể về việc chuẩn bị các mâm cúng trong các ngày Tết mà tôi thấy không phải nhà nào cũng thực hiện giống nhau. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh mà có nhà thực hiện đơn giản hoặc cầu kỳ việc cúng trong mấy ngày Tết Nguyên đán.

Băn khoăn việc cúng trong  những ngày Tết Nguyên đán
Một mâm cỗ cúng trong ngày Tết Nguyên đán. Nguồn ảnh: Internet

Chị Thanh lớn tuổi nhất cơ quan hào hứng kể về việc chuẩn bị các mâm cỗ ngày Tết cho gia đình nhà chồng. Chị là dâu trưởng trong nhà nên ngày Tết luôn phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các công đoạn, hầu như ít có thời gian rảnh rỗi. Riêng 3 ngày Tết, mùng Một, mùng Hai và mùng Ba, chị đều dậy từ sớm sắp 3 mâm cơm đầy đủ tươm tất để bố chồng khấn mời các cụ. Sau đó cả nhà ăn sáng, chị lại rửa bát đũa và bắt tay vào chuẩn bị cho mâm cơm buổi trưa cũng thắp hương các cụ. Tương tự, buổi tối cũng vậy. Hầu như mấy ngày Tết quanh đi quẩn lại với việc nấu nướng, rửa bát đũa đã mất nhiều thời gian rồi.

Mấy em đồng nghiệp nghe chị Thanh kể mà tròn mắt ngạc nhiên. Lan là em út của cơ quan, mới xây dựng gia đình được vài tháng nghe câu chuyện của chị Thanh mà sợ hãi. Tuổi trẻ, Lan chỉ mong có nhiều thời gian vui chơi bên nội, bên ngoại và có thời gian chăm chút bản thân và gia đình. Mấy người ngồi bên cạnh đồng ý với suy nghĩ của Lan. Ai cũng bảo thời đại mới rồi thì Tết đến cũng giản tiện hơn đi. Gia đình ít người thì chỉ việc mua vài cái bánh thắp hương, mua vài kg thịt đủ ăn ngày mùng Một Tết. Đến ngày mùng Hai chợ đã có người bán hàng rồi thì làm sao phải tích trữ thức ăn làm gì.

Nghe chị cả và em út cơ quan kể chuyện cúng trong mấy ngày Tết, chị Lý im lặng từ nãy giờ mới lên tiếng. Hai vợ chồng chị ở riêng, các con cũng đã lớn nên ngày Tết, dành nhiều thời gian đi chơi họ hàng và bạn bè hơn. Trước Tết chị đã lên kế hoạch chơi ở đâu, nhà ai. Tất nhiên, việc cúng trong ngày Tết vẫn được chị sắp xếp đầy đủ, thường là sắp cơm cúng vào đầu giờ sáng các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3. Thời gian còn lại là đưa các con đi chơi nhà ông bà nội, ngoại và bạn bè, vãn cảnh chùa chiền,….

Đấy là chỉ một “bàn tròn” nho nhỏ mà tôi đã thấy các ý kiến cơ bản khác nhau xoay quanh việc cúng trong các ngày Tết. Thực tế, việc thờ cúng tổ tiên là phong tục có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Theo truyền thống, Tết Nguyên đán là dịp con cháu từ khắp nơi về sum họp, đoàn tụ với gia đình. Đây cũng là khoảng thời gian để hướng về cội nguồn, mời gia tiên tiền tổ và người thân đã mất trở về bằng cách thực hiện nghi lễ cúng.

Các gia đình sẽ sửa soạn bàn thờ, đặt lên các lễ vật, làm mâm cơm thịnh soạn để thắp hương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn không rõ trong dịp Tết Nguyên đán cần cúng bao nhiêu lần. Về điều này có nhiều quan niệm khác nhau. Có gia đình làm mâm cơm cúng hằng ngày từ hôm Tất niên cho đến lúc hóa vàng. Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ thực hiện những lễ cúng cơ bản. Nhìn chung, có 5 lần cúng thường thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán, gồm: Cúng ông Công ông Táo, Cúng Tất niên, Cúng Giao thừa, Cúng Nguyên đán, Cúng hóa vàng. Việc chuẩn bị mâm cỗ cũng tùy vào hoàn cảnh từng gia đình, không quá câu nệ nhưng vẫn phải thực hiện trang nghiêm.

Xã hội ngày càng thay đổi, tư duy của con người cũng khác dần xưa. Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, một số tập tục truyền thống của ngày Tết đã ít nhiều thay đổi để phù hợp với thói quen với nhịp sống đương đại nhưng về mặt cơ bản những điều tốt đẹp của truyền thống vẫn được phát huy, giữ gìn.

Nguyễn Thị Huế

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy