Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
13:01 (GMT +7)

Bản hòa âm tuổi trẻ

Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên 2024, Sân thơ Trẻ với cuộc thi “Trình diễn thơ ca” và Cuộc thi “Thơ trẻ Online 2024” đã diễn ra thành công tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng khó phai.

Khán giả thưởng thức tiết mục của Trường THCS Nha Trang (Ảnh: Việt Hùng)
Khán giả thưởng thức tiết mục của Trường THCS Nha Trang (Ảnh: Việt Hùng)

Hứng khởi và sôi động – Cuộc thi “Trình diễn thi ca”

Tham dự Cuộc thi “Trình diễn thi ca” năm nay là 7 đội thi đến từ 2 khối trường: (THCS) Nha Trang, Nguyễn Du và Chu Văn An; (THPT) Chu Văn An, Chuyên Thái Nguyên, Lương Ngọc Quyến và Ngô Quyền.  Tuy yêu cầu, nội dung không thay đổi: Khối THCS thi trình diễn (đọc, ngâm, diễn xuất,… sân khấu hóa) 1 tác phẩm thơ hoặc 1 cụm tác phẩm thơ; Khối THPT thi biểu diễn văn nghệ (chủ đề tự do) nhưng thành phần Ban Giám khảo có sự đổi mới rất thú vị.

 Ngồi ở vị trí “cầm cân nảy” mực ngoài NSƯT Mai Thanh (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh); Ths. nhạc sĩ Trần Quang Hưng (Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc); Nhà thơ Nguyễn Nhật Huy (giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) còn có thêm sự góp mặt của 14 Giám khảo là các bạn học sinh của 7 trường tham dự Cuộc thi. Ban Tổ chức tin rằng, với những rung cảm nghệ thuật và sự đánh giá thẩm mĩ riêng của thế hệ trẻ, các bạn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

13h30 ngày Rằm tháng Giêng, khuôn viên sân chính Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngập tràn màu quần sắc áo. Những tiếng hỏi han, lời dặn dò, tiếng hát, tiếng đọc thơ… rộn ràng. Có đội khẩn trương kiểm tra và sắp xếp lại đạo cụ biểu diễn, có đội xúm vào một góc tranh thủ tập dượt thêm một, hai lần, có những cái vỗ vai đầy khích lệ… Những thanh âm và hình ảnh đó dường như đã xua tan cái lạnh 16 độ trong một ngày mưa lây rây, trời chuyển rét ngọt.

Sau lời tuyên bố “Cuộc thi chính thức bắt đầu”, bầu không khí nhanh chóng nóng lên bởi tiếng hò reo cổ vũ và những tràng pháo tay giòn giã.

Mở đầu Cuộc thi là phần trình diễn tổ hợp hát múa “Đẹp lắm Việt Nam quê hương ta” (THPT Ngô Quyền). Tiết mục được dàn dựng công phu khi kết hợp 4 bài hát: “Xe đạp ơi”, “Hương thầm”, “Những ngôi sao xa xôi”, “Một vòng Việt Nam” và có sự chuyển biến nhịp điệu từ tha thiết, sâu lắng đến sôi động, hào hùng, từ nhạc trữ tình xưa sang nhạc mang âm hưởng cách mạng hiện đại.

Sau phần thi mở màn đầy hứng khởi là 6 tiết mục không kém phần thú vị được sắp xếp xen kẽ, hài hòa.

 Trường THPT Chu Văn An trình diễn tiết mục hát múa “Con cò” (Ảnh: Việt Hùng)
 Trường THPT Chu Văn An trình diễn tiết mục hát múa “Con cò” (Ảnh: Việt Hùng)

Trường THCS Nha Trang thể hiện khát khao được cống hiến cho cuộc đời, cho quê hương, đất nước qua màn trình diễn thi phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” (thơ Thanh Hải). Trong khi đó Trường THPT Lương Ngọc Quyến mang đến một nhạc phẩm tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với giọng ca thánh thót cùng những giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển, thấm đẫm chất liệu dân ca Tày, Nùng - nhạc phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ).

Có những người thầy, người cô gắn bó cả cuộc đời mình với điểm trường vùng cao, với những đứa trẻ nơi núi cao rừng thẳm. Họ một đời thầm lặng cống hiến, cõng chữ lên non, vun trồng những mầm xanh cho đất nước. Phần trình diễn tiết mục “Cõng chữ lên non” (thơ Phan Thành Minh, nhạc Quỳnh Hợp) của Ttrường THCS Chu Văn An đã phần nào tái hiện hình ảnh đẹp đẽ ấy.

Trường THPT Chu Văn An trình diễn tiết mục hát múa “Con cò” (sáng tác Lưu Hà An). Điểm nhấn của tiết mục là sự tự tin và phần thể hiện khá chuyên nghiệp với chất giọng đầy nội lực của bạn Phùng Lê Việt Hoàng; Đội thi Trường THCS Nguyễn Du trình diễn tiết mục “Chè xanh xứ Thái” (thơ Đào Thái Phương và thơ sưu tầm).

Kết màn, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã “cháy” hết mình với tiết mục mashup trẻ trung, hiện đại và sôi động: “Lắm mối tối ngồi không - Để Mị nói cho mà nghe”.

Góp thêm vào không khí tươi vui tại Sân thơ, các bạn sinh viên Lào Trường Cao đẳng Thái Nguyên đã mang đến 2 tiết mục giao lưu “Tình Việt Lào” (hát), “Việt Lào hương sắc ngày xuân” (múa) đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt - Lào.

Bên cạnh các đạo cụ phong phú, hệ thống âm thanh, ánh sáng, màn led chất lượng chính là trợ thủ đắc lực giúp các đội thi năm nay hoàn thành tốt nhất tiết mục của mình.

Khán giả hoà mình vào trò chơi kiến thức thi ca (Ảnh: Việt Hùng)
Khán giả hoà mình vào trò chơi kiến thức thi ca (Ảnh: Việt Hùng)

Sân trẻ càng trở nên náo nhiệt hơn khi gần 500 khán giả đủ mọi lứa tuổi đã hòa mình vào phần chơi dành cho khán giả. 10 câu hỏi về mảng thơ trong chương trình học phổ thông đã được đưa ra. Những cánh tay không ngừng giơ lên, những đôi chân nhảy nhót khi trả lời “trúng phóc” câu hỏi, những tiếng thở dài “sốt ruột” khi “lỡ nằm ngoài tầm mắt” của MC hay vì đã “lỡ quên bài” đúng lúc quan trọng…

Nhận xét về Cuộc thi năm nay, Giám khảo - nhà thơ Nguyễn Nhật Huy bày tỏ: “Nhìn chung, các tiết mục dự thi đều có sự đầu tư, được dàn dựng một cách công phu và có sự sáng tạo, các bạn học sinh đều nỗ lực trình diễn. Nhiều bạn thể hiện khả năng trình diễn rất ấn tượng như đội thi Trường THPT Chu Văn An. Khối THCS cũng có nhiều bạn trình diễn thơ rất hay, tiêu biểu như đội thi Trường THCS Nha Trang. Tuy nhiên các tiết mục vẫn nặng phần âm nhạc hơn phần ngôn từ. Việc trình diễn các tác phẩm thơ dễ bị phân tán khi quá đề cao nhảy, múa hay âm nhạc. Các tác phẩm thơ được trình diễn chưa thật sự mới, hay đúng tinh thần của thơ trẻ”.

Bên cạnh các Giám khảo người lớn, các Giám khảo học sinh cũng đã làm việc rất nghiêm túc.

Và với phần thể hiện xuất sắc như “dân chuyên”, Trường THPT Chu Văn An đã giành giải Nhất khối THPT, Trường THCS Nha Trang giành giải Nhất khối THCS. 2 giải Nhì thuộc về Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, THCS Chu Văn An. 3 giải Ba thuộc về Trường THPT: Ngô Quyền, Lương Ngọc Quyến; THCS Nguyễn Du.

Niềm vui chiến thắng (Ảnh: Thanh Lên)
Niềm vui chiến thắng (Ảnh: Thanh Lên)

 

Những mầm thơ ló dạng

Nhằm bồi đắp thêm tình yêu với thơ ca, mong muốn tìm ra những tác phẩm chất lượng, kích thích sáng tạo văn học nghệ thuật, phát hiện và bồi dưỡng những tác giả trẻ tiềm năng trong độ tuổi học trò, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức Cuộc thi “Thơ trẻ Online 2024” dành cho học sinh phổ thông đang sinh sống và học tập tại tỉnh Thái Nguyên.

Dù diễn ra chưa đầy 1 tháng (từ ngày 24/1 đến ngày 15/2/2024) nhưng cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn học sinh với 132 bài dự thi hợp lệ của 102 thí sinh đến từ 9 trường, thuộc đủ các cấp học từ nhiều địa phương trong tỉnh.

Ban Giám khảo của Cuộc thi gồm tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ - Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Lã Thị Thông, nhà thơ Phạm Văn Vũ - Chi hội Phó Chi hội Thơ, Hội VHNT tỉnh.

 Sau một thời gian làm việc hết sức công tâm, Ban Giám khảo đã chọn ra bộ giải thưởng gồm: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 2 giải Ba; và 3 giải Khuyến khích.

Ngoài những giải thưởng nằm trong cơ cấu đã được công bố trong thể lệ, BTC quyết định trao thêm 1 giải phụ dành cho trường có nhiều thí sinh tham dự nhất (Trường THCS Nha Trang với 81 thí sinh tham dự và 99 tác phẩm dự thi hợp lệ).

“Cuộc thi đã gặt hái được nhiều thành công với nhiều bài thơ khá chất lượng cùng nhiều đề tài phong phú như: ca ngợi Đảng, Bác, cha mẹ, thầy cô, viết về Tết, mùa xuân... Qua thơ các em đã bày tỏ cảm xúc của mình và lan tỏa cảm xúc đó đến con người, cảnh vật một cách rất đáng yêu”. Nhà thơ Lã Thị Thông vui mừng chia sẻ.

Giải Nhất và giải Nhì của Cuộc thi “Thơ trẻ Online 2024”  “gọi tên” Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. (Ảnh: Việt Hùng)
Giải Nhất và giải Nhì của Cuộc thi “Thơ trẻ Online 2024”  “gọi tên” Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. (Ảnh: Việt Hùng)

Và giải Nhất của Cuộc thi đã thuộc về một gương mặt khá quen thuộc - em Dương Ngô Minh Đức (bút danh “Quế Minh”, lớp Văn K35, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên) với chùm 2 tác phẩm: “Lời một người máy”, “Nỗi niềm”. Đức đã từng tham gia Trại sáng tác Văn học trẻ Thái Nguyên năm 2023 và là một trong số những nhân tố được đánh giá cao của Trại.

2 giải Nhì của Cuộc thi cũng “gọi tên” Trường THPT Chuyên Thái Nguyên với chùm 3 tác phẩm: “Tìm”, “Lồng giam”, “Lá rụng về cội” của em Ngô Thị Thanh Tân (bút danh “Thanh Tân”, lớp Văn K35) và chùm 3 tác phẩm: “Gửi cha”, “Gửi mẹ”, “Tắm trăng” của em Đào Thị Quỳnh Trang (bút danh “Trang Đào”, lớp Anh K34).

Chủ nhân của 2 giải Ba là em Đoàn Gia Hân (lớp 5B, Trường Tiểu học Mỏ Chè) với chùm 2 tác phẩm: “Chợ Tết”, “Dậy sớm cùng bà” và em Nguyễn Khánh Ngọc (bút danh “Sứa”, lớp 7A5, Trường THCS Nha Trang) với tác phẩm: “Ta”.

3 giải Khuyến khích thuộc về: em Trần Hải Đăng (bút danh “Hira”, lớp 9B, Trường THCS Trại Cau) với chùm 3 tác phẩm: “Lặng lẽ”, “Hỏi mẹ”, “Từ đó”; em Đặng Trần Trường Giang (bút danh “Đặng Giang”, lớp 6A2, Trường THCS Nha Trang) với tác phẩm: “Cảnh đẹp khu rừng”; và em Dương Yến Ngọc (lớp 9A4, Trường THCS Nha Trang với tác phẩm “Bà tôi”.

Nói về cuộc thi, nhà thơ Phạm Văn Vũ chia sẻ: “Nhìn về diện, tôi thấy khá đáng tiếc khi phần nhiều những bài thơ gửi đến dự thi của các bạn trẻ lại khá "già", không có cái tươi mới hồn nhiên lẽ ra vốn có của người viết trẻ. Nhưng rất mừng khi nhìn về điểm, đôi ba tác giả trẻ nổi bật đã có những bài thơ mang mĩ cảm mới. Các bạn đã nói tiếng nói của chính mình, thở hơi thở của thế hệ mình. Đó là điều quan trọng nhất của bất kì người viết nào. Qua một cuộc thi, gặp được đôi ba người bạn mới như vậy là rất vui rồi”.

Những dư âm vang vọng

Chuỗi hoạt động của Sân thơ Trẻ năm nay đã để lại trong lòng người tham dự nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Đại diện Trường THCS Nha Trang - đơn vị “bội thu” khi giành được nhiều giải thưởng nhất Sân trẻ, cô Tạ Thị Dung phấn khởi chia sẻ: Đây là sân chơi bổ ích và ý nghĩa, kích thích tư duy, sự sáng tạo của các em học sinh; giúp các em có cơ hội được giao lưu, học hỏi lẫn nhau và đặc biệt là thể hiện được tình yêu với quê hương, đất nước, con người trong mỗi tiết mục các em biểu diễn và mỗi bài thơ các em sáng tác.

Có mặt tại Sân trẻ với tư cách là người thưởng thức, chị Minh Hòa (TP. Thái Nguyên) như được trở lại tuổi học trò khi đắm mình vào không gian thơ nhạc hồn nhiên và đáng yêu. Cùng chung cảm xúc với chị Minh Hòa, anh Hoàng Trung Vũ (Lạng Sơn) - một khán giả theo dõi chương trình qua sóng livestream trên fanpage Văn nghệ Thái Nguyên bình luận: “Chương trình hay lắm ạ. Xem mà hoài niệm một thời học sinh”.

Hồn nhiên, đáng yêu nhưng không kém phần chuyên nghiệp (Ảnh: Việt Hùng)
Hồn nhiên, đáng yêu nhưng không kém phần chuyên nghiệp (Ảnh: Việt Hùng)

Là thí sinh đoạt giải Nhất Cuộc thi “Thơ trẻ Online 2024”, em Dương Ngô Minh Đức bộc bạch: Em cảm thấy rất bất ngờ và vui sướng khi mình được xướng tên cho giải thưởng cao nhất. Sau khi bình tĩnh lại thì em cảm thấy khá áp lực, khi vừa mới đó mà em đã phải vượt qua chính mình của hiện tại để tiến tới những giá trị thi ca cao cả hơn, tiến tới những sự cách tân có giá trị hơn, để cho ra đời những vần thơ có sức lay động hơn.

“Các bạn trẻ yêu thơ hãy cứ tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với thơ ca. Bởi vì thơ ca làm đẹp thêm cho chúng ta, cho chúng ta sống những cuộc đời mới, để từ đó ta gần gũi nhau hơn, thương yêu nhau hơn. Thơ ca không ngăn được chiến tranh hay bạo loạn, nhưng những tư tưởng muôn đời của thơ ca sẽ còn vang bóng vì chúng luôn từ từ cảm hoá phần con trong con người” - Minh Đức nhắn gửi thêm.

Chương trình đã kết thúc, cuộc thi đã khép lại và người hạnh phúc nhất lúc này có lẽ là Ban Tổ chức, khi đã phát hiện ra nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng. Đây là tín hiệu mới thật đáng mừng cho thấy thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung vẫn luôn giữ vị trí trong đời sống tinh thần của giới trẻ hiện nay.

Hồ Điệp

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy