Bám sát hơi thở cuộc sống gắn với gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bản địa
VNTN- Ngày 15/4 tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức Cuộc gặp mặt với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật Khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự, chỉ đạo và chủ trì Cuộc gặp mặt.
Tham dự gặp mặt có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tỉnh ủy Phú Thọ, Quân khu 2, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo một số tỉnh; các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật (VHNT) Khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ. Cuộc gặp mặt nằm trong chương trình công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa - văn nghệ, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, và là hoạt động thiết thực hướng tới các Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)...
Bám sát hơi thở cuộc sống gắn với văn hóa bản địa, cầu nối quan trọng giữa ý Đảng, lòng dân
Tại Cuộc gặp mặt, các đại biểu đã nghe phát biểu của Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; nghe lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Thọ thông tin một số kết quả nổi bật về tình hình công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo tỉnh Điện Biên báo cáo công tác chuẩn bị các hoạt động sôi nổi, thiết thực hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Với tinh thần trao đổi về những cách làm hay, sáng tạo và thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực để làm tốt công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật, lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản, VHNT đã đem đến cuộc gặp mặt 12 tham luận về công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, phát triển du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng gắn với phát triển kinh tế xã hội; những đề xuất kiến nghị với các ban, bộ ngành trung ương xung quanh cơ chế chính sách đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản và VHNT.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận: thời gian qua, các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật Khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ đã thông tin, tuyên truyền, lan tỏa sâu sắc, nổi bật các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương. Đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm báo, làm xuất bản trong khu vực đã sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng, bám sát hơi thở cuộc sống gắn với văn hóa bản địa; thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa ý Đảng, lòng dân, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, xuất bản, các hội văn học nghệ thuật Khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ tiếp tục tuyên truyền triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; đặc biệt chú trọng việc thông tin, tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; đồng thời, quan tâm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá của mỗi địa phương, vùng miền, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tích cực, chủ động, xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Đất nước và Dân tộc mà trước mắt là Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các cấp ủy và chính quyền địa phương cần hành động quyết liệt, cụ thể hơn để đầu tư cho báo chí, xuất bản, văn hóa, VHNT; quan tâm đến công tác quy hoạch, phát triển báo chí, xuất bản, văn hoá, văn học nghệ thuật của khu vực gắn với gìn giữ và phát huy văn hóa bản địa; có cơ chế, môi trường thúc đẩy và phát huy các tài năng VHNT của địa phương, đồng thời chú trọng chăm lo đời sống của văn nghệ sỹ, người làm báo, người làm xuất bản.
Những tiếng nói từ các Hội văn học nghệ thuật
Khối các Hội VHNT đóng góp 3 tham luận tại cuộc gặp mặt. Đại diện Hội VHNT Thái Nguyên trình bày tham luận về phát triển hội văn học nghệ thuật cấp huyện và chuyển đổi số.
Thái Nguyên là tỉnh có 9/9 huyện, thành phố thành lập được Hội VHNT. Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên cũng thuộc tốp đầu của cả nước về thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động văn học nghệ thuật và báo chí. Bên cạnh những thành quả đạt được thì những bất cập về cơ chế chính sách, nguồn lực cũng được lãnh đạo Hội trình bày tại diễn đàn. Đó là: cơ chế cho việc vận hành hoạt động của các hội cấp huyện không đồng bộ, mỗi địa phương áp dụng một kiểu; đội ngũ cán bộ hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực tập hợp lực lượng, tổ chức hoạt động VHNT. Thiếu nhân lực, trang thiết bị, khó khăn về nguồn lực tài chính, khả năng tự chủ hạn chế trong thực hiện chuyển đổi số.
Đại diện Thái Nguyên đề nghị Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội thành viên dành sự quan tâm nhất định đến việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở từ cơ chế pháp lý đến việc làm cụ thể. Khi xây dựng các Chương trình phối hợp hoạt động giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đề nghị chú trọng các nội dung, chương trình hướng về cơ sở, đến tận cơ sở.
Liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ… Thái Nguyên đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn mang tính đặc thù đối với hệ thống báo chí văn nghệ. Vì “với thực trạng hiện tại của các Hội VHNT, nếu không có hỗ trợ từ phía Bộ thì các mục tiêu này không thể đạt được, và phần không đạt được chắc chắn nằm ở khối báo chí văn nghệ” – đại diện Hội VHNT Thái Nguyên thẳng thắn.
Đại diện Hội VHNT Quảng Ninh đề nghị: Sau tổng kết Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị, ) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đề nghị Trung ương sớm ban hành Nghị quyết về phát triển VHNT thời kỳ số hóa. Việc thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTG ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở trung ương và các Hội VHNT địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025” đến nay vẫn gặp khó khăn vướng mắc do thiếu định mức hỗ trợ. Đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn.
Đại diện Hội VHNT Phú Thọ đề nghị lãnh đạo các cơ quan trung ương thống nhất trong cả nước về tổ chức bộ máy các Hội; tạo điều kiện tăng mức hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo tác phẩm VHNT, kinh phí chuyên môn nghiệp vụ, đời sống, chế độ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cán bộ viên chức làm việc tại Hội nhằm khuyến khích động viên cán bộ, văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến cho sự nghiệp VHNT.
Trước Cuộc gặp mặt lần này, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức thành công các cuộc gặp mặt với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ (tổ chức tại Quân khu 7); tại Đồng bằng Sông Cửu Long (tổ chức tại Quân khu 9) và Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (tổ chức tại Quân khu 5).
Những tiếng nói của văn nghệ sĩ tại diễn đàn được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ ngành, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ghi nhận. Đặc biệt, về đề xuất của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói Bộ sẽ có những việc làm cụ thể đề hỗ trợ khối báo chí văn nghệ trong việc thực hiện Chiến lược chuyển đối số báo chí.
Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt, sáng 15/4, các đại biểu đã tham dự Lễ dâng hương các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Diệu Anh
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...