Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:49 (GMT +7)
ẢNH NGHỆ THUẬT THÁI NGUYÊN 2023:

Bám sát cuộc sống và có nhiều đổi mới

Đa dạng về đề tài, tính nghệ thuật và phát hiện cao, các tác phẩm tham gia Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Thái Nguyên 2023 tập trung phản ánh một Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ với tinh thần khát vọng vươn lên trong đổi mới và hội nhập; một Thái Nguyên giàu bản sắc văn hóa, trong tương lai sẽ là vùng đất bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện.

Bám sát cuộc sống và có nhiều đổi mới
 “Hoàng hôn” của Ngô Đức Mích (Bắc Kạn) - Giải Nhì

1.

Với chủ đề “Thái Nguyên - Những nhịp sống mới”, Cuộc thi Sáng tác và triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2023 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức đã tạo sức hút và lan tỏa mạnh mẽ. Chỉ sau gần 4 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của lực lượng sáng tác chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh với 33 tác giả, 1.011 tác phẩm gửi dự thi.

Và để trình làng với người xem 81 tác phẩm đặc sắc từ Cuộc thi, những ngày cuối tháng 11 vừa qua, Ban Tổ chức (BTC) đã tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm tại Quảng trường Khu đô thị Danko City. Thời gian trưng bày kéo dài tới 7 ngày, ở một không gian đẹp đẽ về kiến trúc, rất phù hợp với các sự kiện nghệ thuật. Tại đây, người xem có thể dành những khoảng lặng phù hợp nhất để thưởng thức những tác phẩm ảnh nghệ thuật.

Bám sát cuộc sống và có nhiều đổi mới
 “Giây phút chào đời” của Trần Đoàn Huy - Giải Ba

Theo cảm nhận từ phía người xem và giới chuyên môn: chất lượng Cuộc thi năm nay hơn hẳn các năm trước, các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm và nhất là các tác phẩm đoạt giải chất lượng đều rất tốt, thậm chí có những bức ảnh rất trội về kỹ thuật và nghệ thuật.

Ngắm các tác phẩm tại triển lãm không chỉ thấy sự thành công về chất lượng, mà còn thấy sự đổi mới về mới về nhiều mặt. Việc xác định chủ đề riêng ngay từ khi mới phát động Cuộc thi của BTC, đã tạo sự thuận lợi để các tay máy tập trung khai thác khoảnh khắc về những thành tựu mới của tỉnh Thái Nguyên trong những năm đổi mới. Bám sát chủ đề này, các tác phẩm dự thi không chỉ tập trung phản ánh những vẻ đẹp của một mảnh đất ân tình cách mạng, giàu bản sắc văn hóa mà còn đặc tả những thành tựu về kinh tế, y tế - giáo dục, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng… của tỉnh Thái Nguyên trong thời điểm đang đổi mới và phát triển mạnh mẽ.

Bám sát cuộc sống và có nhiều đổi mới
 “U tôi” của Khánh Vân - Giải Khuyến khích

Được biết, để đạt hiệu quả cao nhất, ngay sau thời điểm phát động Cuộc thi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức 3 chuyến đi thực tế sáng tác tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, để các hội viên có thêm tư liệu, khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo ra các tác phẩm mới.

Cũng giống như cuộc thi khác, những tác phẩm ảnh phong cảnh dường như luôn chiếm ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, dấu ấn rõ nét nhất trong Cuộc thi lần này là cảnh sắc Thái Nguyên như có sự “lột xác” bởi những đại cảnh rất mới được thể hiện thành công qua góc máy Flycam của hàng chục tay máy. Không chỉ mang đến cho người thưởng thức vẻ độc đáo, những tác phẩm này còn cho thấy một Thái Nguyên đang trên đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế, hạ tầng giao thông,... như “Ngày mới” của Phạm Thành Trung, “Nhịp cầu đổi mới” của Trần Văn Minh… Và dưới góc chụp bằng Flycam của các tay máy Trần Đoàn Huy, Âu Ngọc Ninh, Lê Dung Khắc…, một mảnh đất với những danh thắng, phong cảnh nức tiếng như Thác Mưa Rơi, Hồ Núi Cốc, sông Cầu, sông Công… hiện ra đẹp như trong cổ tích. Một mảnh đất Đệ nhất danh trà với những đồi chè đầy thơ mộng, lung linh trong nắng ở tác phẩm của Vũ Kim Khoa. Ngoài ra còn rất nhiều tác phẩm của Phan Bảo, Trần Văn Minh, Việt Hùng thể hiện thành công bằng Flycam, khắc họa vẻ đẹp cùng tiềm lực, lợi thế của Thái Nguyên khiến người xem mãn nhãn.

Tham gia không nhiều các cuộc thi ảnh nghệ thuật của tỉnh, đây là lần đầu tiên tác giả trẻ Trần Văn Minh giành được giải cao nhất Cuộc thi với tác phẩm “Nhịp cầu đổi mới”. Xuất phát từ chủ đề Cuộc thi, Trần Văn Minh đã lên ý tưởng ghi lại hình ảnh cầu Huống - cây cầu dài nhất của tỉnh Thái Nguyên đang được thi công. Anh đã chớp lại cảnh cầu Huống lúc vừa bắt nhịp mà chưa nối liền hoàn toàn, đang trong giai đoạn hoàn thiện, nó sẽ thay thế cho chiếc cầu truyền thống ngay bên cạnh. Thực hiện tác phẩm này, Trần Văn Minh đã sử dụng Flycam cùng kỹ thuật chụp Panorama. Bức ảnh được ghép bởi 36 tấm ảnh chụp cây cầu thể hiện đại cảnh về thành phố Thái Nguyên với cây cầu cong cong như hình chữ S nổi bật bên dòng sông Cầu mềm mại. Cây cầu nối liền đôi bờ xanh ngát những ruộng vườn trù phú. Cây cầu mở ra một góc nhìn rộng cho người xem thấy được kiến trúc quy hoạch; hạ tầng giao thông. Cây cầu cũng như khái quát một tương lai không xa Thái Nguyên sẽ khang trang hiện đại và rất xanh, sạch, đẹp; thể hiện ý nghĩa sự quyết tâm của tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế để xây dựng Thái Nguyên ngày một phát triển.

Mỗi khuôn hình, mỗi khung cảnh lạ mà quen, nói về sự phát triển mạnh mẽ của Thái Nguyên còn rất nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đã thể hiện thành công những khu đô thị văn minh hiện đại “Đêm nhạc nước Danko” của Việt Hùng; những công trình đang hối hả dựng xây “Hoàng hôn” của Ngô Đức Mích (Bắc Kạn); những khu công nghiệp lớn của tỉnh “Khu công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo” tác phẩm ảnh bộ của Việt Hùng, “Sắc màu công nghiệp” của Phạm Quốc Chính…

Bám sát nhịp sống đời thường, các tác phẩm trong Triển lãm còn thể hiện một cách gần gũi và sống động những lễ hội văn hóa của Thái Nguyên như: Lễ cơm mới của người Tày, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội đường phố của Thái Nguyên, qua các tác phẩm của Vương Minh Lập, Việt Hùng, Trần Thị Thanh Huyền… Các làng nghề cũng được tác giả Đỗ Anh Tuấn, Khánh Vân, Phan Bảo… khai thác với những góc nhìn độc đáo. Ngoài ra ở chủ đề về phát triển nông nghiệp, phát triển y tế, giữ vững quốc phòng an ninh cũng đều có những tác phẩm của các tác giả: Việt Hùng, Trần Đoàn Huy, Bùi Hào Hiệp thể hiện thành công và ấn tượng.

 Là một nhân vật được lưu hình trong tác phẩm, chị Vi Thị Vân, dân tộc Dao, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã vượt đoạn đường xa tới xem triển lãm. Ngắm các tác phẩm ảnh nghệ thuật chị không khỏi bất ngờ, cảm động. Chị cho biết, có đến xem triển lãm chị mới phần nào hiểu thế nào là ảnh nghệ thuật và sự sáng tạo độc đáo của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Chị không ngờ rằng quê hương Thái Nguyên đẹp đến vậy, vườn thanh long và ao, chuồng chăn nuôi của gia đình chị hiện lên qua bộ ảnh của NSNA Việt Hùng lại sinh động đến vậy.

2.

Trong số 81 bức ảnh trưng bày tại triển lãm, dễ dàng nhận thấy bên cạnh những tác giả đã quen tên trong giới nhiếp ảnh Thái Nguyên thì những tay máy trẻ như Trần Văn Minh, Trần Đoàn Huy, Bùi Hào Hiệp, Phạm Thành Trung đã khẳng định được danh vị trong giới nhiếp ảnh của tỉnh với những tác phẩm rất ấn tượng, thậm chí giành những giải cao.

Tác giả Vũ Thế Hiền lần đầu tham dự nhưng đã có những bức ảnh về hoàng hôn Hồ Núi Cốc chinh phục thị giác và cuốn hút người xem. Những tác phẩm này hoàn toàn có thể in, phóng làm quà tặng lưu niệm cho những người yêu nghệ thuật và du khách khi đến với Thái Nguyên.

Là một thầy giáo yêu nghề và đam mê với ảnh nghệ thuật, sau giờ lên lớp Trần Văn Minh đã chăm chút kĩ lưỡng cho những khoảnh khắc sáng tác của mình. Cái tâm của một người thầy cùng năng khiếu và đam mê đã đưa anh đi ngày càng sâu hơn trên hành trình sáng tác ảnh nghệ thuật. Và tác phẩm “Nhịp cầu đổi mới” mà anh đoạt giải lần này là thành quả của sự tìm tòi, sáng tạo trong ảnh nghệ thuật, là một minh chứng cụ thể, kiên trì và nhiệt huyết với nghề tất yếu sẽ thành công.

Bám sát cuộc sống và có nhiều đổi mới
Một góc Triển lãm “Thái Nguyên những nhịp sống mới”, tại Quảng trường Khu đô thị Danko City

 Về điều này NSNA Khánh Vân vui mừng: Trần Văn Minh cùng với những tác giả trẻ khác là tín hiệu rất đáng mừng cho một lớp thế hệ mới hoàn toàn có thể thay thế những tay máy lão thành đã cao tuổi của nhiếp ảnh Thái Nguyên. Và đây có thể đang là một sự chuyển đổi thế hệ ngoạn mục. Qua các giải thưởng cao trong triển lãm lần này càng tự hào và tự tin để khẳng định Thái Nguyên là một nơi có nhiều những người đam mê ảnh và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh thành công của khu vực miền núi phía Bắc.

Và quả thật, nhìn vào những tác phẩm mang đậm hơi thở, vẻ đẹp cuộc sống của mảnh đất Thái Nguyên đang từng ngày thay da đổi thịt, càng thấy rõ sự nung nấu, trăn trở tìm tòi về kỹ thuật và nghệ thuật; nỗ lực thay đổi bản thân từng ngày của những người cầm máy ở Thái Nguyên.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy